23/05/2018, 18:02

Giới thiệu chung về Vĩnh Phúc

Tỉnh Vĩnh Phúc được thành lập từ năm 1950, trên cơ sở sáp nhập 2 tỉnh Vĩnh Yên và Phúc Yên, năm 1968 sáp nhập với tỉnh Phú Thọ thành tỉnh Vĩnh Phú, từ ngày 01 tháng 01 năm 1997 tỉnh Vĩnh Phúc được tái lập. Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về mở rộng địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội, ...

Tỉnh Vĩnh Phúc được thành lập từ năm 1950, trên cơ sở sáp nhập 2 tỉnh Vĩnh Yên và Phúc Yên, năm 1968 sáp nhập với tỉnh Phú Thọ thành tỉnh Vĩnh Phú, từ ngày 01 tháng 01 năm 1997 tỉnh Vĩnh Phúc được tái lập. Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về mở rộng địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội, từ ngày 01 thàng 8 năm 2008, huyện Mê Linh thuộc tỉnh Vĩnh Phúc chuyển về thành phố Hà Nội. 
Hiện nay, tỉnh Vĩnh Phúc có diện tích tự nhiên 1.231 km2, phía Bắc giáp tỉnh Tuyên Quang và Thái Nguyên, phía Tây giáp tỉnh Phú Thọ, phía Nam giáp Hà Nội, phía Đông giáp 2 huyện Sóc Sơn và Đông Anh - Hà Nội, dân số năm 2014 là 1.041.400 người, có 7 dân tộc anh, em sinh sống trên địa bàn tỉnh gồm: Kinh, Sán Dìu, Nùng, Dao, Cao Lan, Mường. Tỉnh có 9 đơn vị hành chính: 1 thành phố, 1 thị xã và 7 huyện; 137 xã, phường, thị trấn. 
Là tỉnh có bề dày truyền thống yêu nước và cách mạng, truyền thống đó được phát huy cao độ trong sản xuất, chiến đấu. Từ khi có sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, nhiều tên làng và cá nhân ở Vĩnh Phúc đã in đậm những chiến công được cả nước biết đến, tiêu biểu như chiến thắng Khoan Bộ, Xuân Trạch, Núi Đinh, anh hùng liệt sỹ Nguyễn Viết Xuân với câu nói bất hủ “Hãy nhằm thẳng quân thù mà bắn; Vĩnh Phúc còn được các địa phương biết tới là nơi khởi nguồn của đổi mới tư duy quản lý nông nghiệp - nông thôn, với phương thức “khoán hộ” táo bạo vào cuối những năm 60, 70 của thế kỷ XX, đó là bước đi mang tính đột phá, tạo cơ sở thực tiễn cho đổi mới cơ chế quản lý kinh tế nông nghiệp, nông thôn và nông dân của Đảng ta sau này.
Thực hiện chủ trương, đường lối đổi mới của Đảng, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã nỗ lực phấn đấu, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, tranh thủ thời cơ, phát huy lợi thế, đặc biệt sau 15 năm tái lập, 4 nhiệm kỳ Đại hội (XII, XIII, XIV, XV), dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, Vĩnh Phúc đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng và đáng tự hào.
Từ một địa phương thuần nông trở thành tỉnh có giá trị sản xuất công nghiệp lớn, là trung tâm sản xuất ô-tô, xe máy hàng đầu của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước. Hệ thống hạ tầng kỹ thuật được đầu tư, nâng cấp theo hướng hiện đại. Các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, thông tin có nhiều chuyển biến; an ninh quốc phòng được tăng cường, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 17,24%/năm; thu ngân sách tăng nhanh, từ 100 tỷ đồng năm 1997 lên trên 20.000 tỷ đồng năm 2014.
Trong phát triển công nghiệp, tỉnh đã đưa ra những giải pháp phát triển mang tính đột phá, từ một tỉnh chỉ có 1 KCN đến nay đã hình thành được 20 KCN với quy mô 6.000 ha, lũy kế đến năm 2014 thu hút 754 dự án đầu tư còn hiệu lực, trong đó có nhiều tập đoàn lớn đã đến đầu tư tại tỉnh. Nguồn lao động của Vĩnh Phúc khá dồi dào, chiếm khoảng trên 60% tổng dân số, trong đó chủ yếu là lao động trẻ, có kiến thức văn hóa và tinh thần sáng tạo để tiếp thu kỹ thuật và công nghệ tiên tiến. Sự phát triển kinh tế mạnh mẽ trong những năm qua, đặc biệt là công nghiệp, đã trở thành môi trường nâng cao tay nghề cho người lao động.
Công tác quy hoạch, xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển đô thị và nông thôn mới được quan tâm chỉ đạo và có nhiều chuyển biến. Đến hết năm 2014, tỉnh đã triển khai lập trên 50 quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực.
Lĩnh vực giáo dục đào tạo, dân số, việc làm và giảm nghèo, y tế và chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân, các hoạt động văn hóa xã hội khác cũng đều đạt được nhiều kết quả, góp phần quan trọng vào việc phát triển bền vững, nâng cao từng bước đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Tính đến hết năm 2014, tỷ lệ hộ nghèo còn khoảng 3,63%; Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 59%; Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng còn 11,9%; Số bác sỹ/1 vạn dân đạt 7,5 bác sỹ; Số lao động được giải quyết việc làm đạt trên 22 nghìn lao động. Thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, tỉnh đạt kết quả cao, đưa Vĩnh Phúc trở thành tỉnh dẫn đầu cả nước về tỉ lệ (đạt 17,86 %) và đứng thứ 2 sau Hà Nội về số lượng xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Vĩnh Phúc có tiềm năng lớn về tài nguyên du lịch tự nhiên và nhân văn. Người dân Vĩnh Phúc luôn mang trong mình niềm tự hào về truyền thống đấu tranh dựng nước, giữ nước và một nền văn hóa rực rỡ. Cho đến nay, đất Vĩnh Phúc vẫn mang đậm dấu ấn của văn hóa Hùng Vương và Kinh Bắc, Thăng Long, của nền văn hóa dân gian đặc sắc, của khoa bảng, với lối sống xã hội và chuẩn mực đạo đức luôn được giữ gìn và phát huy. Tại đây có một quần thể danh lam, thắng cảnh tự nhiên nổi tiếng: rừng Quốc gia Tam Đảo, thác Bản Long, hồ Đại Lải, hồ Làng Hà... Nhiều lễ hội dân gian đậm đà bản sắc dân tộc và rất nhiều di tích lịch sử, văn hóa mang đậm dấu ấn lịch sử và giá trị tâm linh như danh thắng Tây Thiên, Tháp Bình Sơn, Đền thờ Hai Bà Trưng, Đền thờ Trần Nguyên Hãn, Di chỉ Đồng Đậu...
Đặc biệt,  đến với Vĩnh Phúc, du khách sẽ không thể bỏ qua những điểm du lịch nổi tiếng như: Một Tam Đảo lãng đãng trong mây, hoang sơ mà hùng vĩ, một Thiền viện trúc lâm Tây Thiên kỳ vĩ, thoát tục ẩn mình giữa mây rừng núi Ba Vì và một hồ Đại Lải xanh ngát, bạt ngàn và trong trẻo… 
Với nhiều thế mạnh và tiềm năng phát triển, Vĩnh Phúc phấn đấu đến năm 2015 xây dựng tỉnh trở thành tỉnh có đủ các yếu tố cơ bản của một tỉnh công nghiệp; đến năm 2020 là tỉnh công nghiệp, trở thành một trong những trung tâm dịch vụ, du lịch của Vùng và cả nước, có những khu nghỉ dưỡng đạt tiêu chuẩn quốc tế và trở thành thành phố Vĩnh Phúc vào những năm 20 của thế kỷ này. Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân hàng năm giai đoạn 2011-2020 đạt 14-15%/năm, trong đó: giai đoạn 2011-2015 đạt 14-15%, giai đoạn 2016-2020 đạt 14-14,5%. GDP bình quân đầu người (giá thực tế) đến năm 2015 đạt 3.500-4.000 USD, đến năm 2020 đạt khoảng 6.500-7.000 USD.
Theo Vinhphuc.gov.vn

0