Giải thích về câu ca dao Trăm năm bia đá thì mòn. Ngàn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ
Dân tộc Việt Nam ta vốn có truyền thống tôn trọng đạo lí, coi trọng danh dự con người. Rất nhiều câu ca dao, tục ngữ, tiếng hát, lời ru, câu chuyện… khuyên nhủ mọi người hãy giữ gìn danh dự. Một trong những câu ca dao được truyền miệng rộng rãi, nhiều người thuộc lòng và yêu thích là câu: ...
Dân tộc Việt Nam ta vốn có truyền thống tôn trọng đạo lí, coi trọng danh dự con người. Rất nhiều câu ca dao, tục ngữ, tiếng hát, lời ru, câu chuyện… khuyên nhủ mọi người hãy giữ gìn danh dự. Một trong những câu ca dao được truyền miệng rộng rãi, nhiều người thuộc lòng và yêu thích là câu:
Trăm năm bia đá thì mòn,
Ngàn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ.
Câu ca dao trên đã dùng thủ pháp nghệ thuật tương phản và cường điệu để biến lời khuyên về danh dự – một khái niệm vô hình, trừu tượng – trở nên cụ thể và sinh động.
Trăm năm tượng trưng cho một khoảng thời gian rất dài (Người ta thường chúc nhau sống trăm năm hạnh phúc hay sống lâu trăm tuổi…) Còn bia đá tượng trưng cho những gì vững chắc, bền lâu, khó bị thay đổi, hủy hoại (cứng như đá, trơ như đá…).
Trước đây, bia đá thường được dùng vào việc ghi lại công sức của những người nổi tiếng, có nhiều đóng góp cho xã hội. Bia đá được dựng ở nơi tôn nghiêm để các thế hệ sau tưởng niệm và dựng ở đinh chùa, miếu mạo, các khu di tích… ghi lại những sự kiện lớn, lời răn dạy của những nhân vật tiếng tăm của các thời đại… Trong đời sống hằng ngày, người ta dùng bia đá để lưu lại tên tuổi, ngày sinh, ngày mất của người đã khuất…
Người xưa khẳng định: Trăm năm bia đá thỉ mòn là có ý nhấn mạnh rằng dù bền vững đến đâu đi chăng nữa thì cuối cùng, tất cả các giá trị vật chất rồi cũng phải đầu hàng trước sự tàn phá ghê gớm của thời gian.
Thế nhưng: Ngàn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ. Vậy bia miệng là gì mà lại bền vững muôn thuở như thế? Ta có thể hiểu bia miệng ở đây chính là dư luận lưu truyền trong dân gian từ thế hệ này sang thế hệ khác, đời này sang đời khác. Từ những câu chuyện tốt đẹp, vẻ vang đến những chuyện xấu xa, ô nhục của một triều đình hay một cá nhân nào đó đều được truyền miệng và trở thành những giai thoại sống mãi trong lòng người. Thực tế cho thấy điều mà câu ca dao trên khẳng định là hoàn toàn đúng. Đã có biết bao nhân vật trong lịch sử dựng nước và giữ nước, trong văn chương, nghệ thuật,… xuất hiện cách đây hàng ngàn năm hoặc mấy trăm năm vẫn thường xuyên được nhắc đến như Hai Bà Trưng, Lí Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi, Lê Quý Đôn, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Du, Hồ Chí Minh…
Còn đối với những kẻ xấu xa, bia miệng cũng ghi nhớ ngàn năm để người dời bêu danh và nguyền rủa. Những tên vua bù nhìn bán nước hại dân, những tên quan tham ô lại sống phè phỡn trên mồ hôi nước mắt đồng bào… đời dời bị lên án.
Vì bia miệng có sức lưu truyền như vậy nên ông cha chúng ta thường khuyên nhủ con cháu hãy sống sao cho trong sạch. Có những quan niệm đúng đắn cho mọi thế hệ trong mọi thời đại noi theo: Chết trong còn hơn sống đục. Cọp chết để da, người chết để tiếng… Tiếng ở đây bao gồm cả tiếng xấu và tỉếng tốt. Tiếng xấu sẽ để lại hậu quả không tốt cho con cháu, còn tiếng tốt sẽ trở thành niềm tự hào, nguồn động viên to lớn không chỉ cho gia đình, dòng họ mà cả cộng đồng giai cấp, dân tộc.
Cho nên, mỗi một thành viên trong gia đình và xã hội phải biết sống sao cho đúng đạo lí làm người. Ngạn ngữ Nga có câu: Hãy giữ gìn chiếc áo từ lúc còn mới. Hãy giữ gìn danh dự từ lúc còn trẻ trung. Còn tục ngữ cũng có câu: Tốt danh hơn lành áo. Danh ở đây không phải là những danh vọng hão huyền mà chính là danh dự của mỗi con người.
Câu ca dao: Trăm năm bia đá thì mòn – Ngàn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ mãi mãi là bài học nhân sinh sâu sắc đối với tất cả chúng ta.