24/05/2017, 11:52

Giải thích và bình luận về câu tục ngư đi một ngày đàng, học một sàng khôn

Tục ngữ Việt Nam có câu: Đi một ngày đàng, học một sàng khôn. Hãy giải thích và bình luận câu tục ngữ đó. DÀN BÀI 1. Mở bài - Tri thức rất cần thiết đối với con người. - Muốn có tri thức phải học hỏi. Học trong sách vd, học từ ...

Tục ngữ Việt Nam có câu: Đi một ngày đàng, học một sàng khôn. Hãy giải thích và bình luận câu tục ngữ đó.

DÀN BÀI

1.             Mở bài

-               Tri thức rất cần thiết đối với con người.

-              Muốn có tri thức phải học hỏi. Học trong sách vd, học từ thực tế cuộc sống xung quanh.

-              Ông cha ta thấy rõ tầm quan trọng của sự học hỏi nên đã khuyên con cháu: Đi một ngày đàng, học một sàng khôn.

2.             Thân bài

a. Giải thích ý nghĩa của câu tục ngữ

+ Nghĩa tường minh:

-                Đi một ngày đàng: một ngày đi trên đường

NHỮNG BÀI VĂN MẪU 10/2

-             Học một sàng khôn: thấy được nhiều điều mới lạ, học được nhiều điều hay, mở mang thêm trí óc.

+ Nghĩa hàm ẩn:

Tầm quan trọng của việc học hỏi mở rộng ra bên ngoài (về mặt không gian) để nâng cao hiểu biết và vốn sống.

b. Bình luận

-              Ý nghĩa của câu tục ngữ hoàn toàn đúng. Có chịu khó đi đó đi đây thì tầm nhìn mới được mở rộng, hiểu biết mới được nâng cao, con người sẽ khôn ra.

-              Trên khắp các nẻo đường đất nước chỗ nào cũng có những cái hay, cái đẹp của cảnh vật, của con người. Đi nhiều, hiểu biết nhiều giúp con người trưởng thành, dày dạn và từng trải.

-              Hiểu biết (khôn) càng nhiều, con người càng có cách cư xử đúng đắn hơn; làm việc có hiệu quả cao hơn; quan hệ với gia đình và xã hội tốt hơn.

-              Trong thời đại hiện nay, việc học hỏi lại càng cần thiết, vấn đề đặt ra là học những điều mới mẻ, tốt đẹp, có ích cho bản thân, gia đình và xã hội. Học để làm chủ được mình, để đóng góp nhiều hơn cho sự nghiệp xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh.

3.             Kết bài

-              Học hỏi là chuyện thường xuyên, trong suốt đời người để không ngừng nâng cao hiểu biết.

-              Xác định mục đích của việc học là học điều hay lẽ phải, có ích cho bản thân, gia đình và xã hội.

-              Phải có phương pháp học hỏi chủ động, sáng tạo và chọn lọc để đạt hiệu quả cao.

-              Câu tục ngữ trên là bài học kinh nghiệm quý báu cho tất cả mọi người, nhất là tuổi trẻ.

BÀI LÀM

Xã hội loài người phát triển được như ngày nay là nhờ quá trình tìm hiểu, nhận thức, tích lũy và không ngừng nâng cao tri thức của tất cả các dân tộc trên thế giới. Tri thức rất cần thiết đối với con người. Muốn có tri thức thì phải học hỏi. Học trong sách vở, học từ thực tế cuộc sống. Ông cha ta xưa kia đã nhận thức rất đúng đắn về sự cần thiết của việc mở rộng tầm nhìn, tầm hiểu biết đối vởi mỗi người nên đã khuyên nhủ, động viên con cháu: Đi một ngày đàng, học một sàng khôn.

Xã hội Việt Nam trước đây là xã hội phong kiến còn nhiều bảo thủ, lạc hậu. Người dân quanh năm suốt tháng chỉ quanh quẩn trong lũy tre xanh, ranh giới của cộng đồng làng xã. Có người suốt đời chẳng bước ra khỏi cổng làng. Số người được đi xa để ăn học hoặc làm việc rất hiếm hoi. Vì vậy, trình độ hiểu biết của mọi người nói chung rất thấp và khó mà mở rộng hoặc nâng cao lên được,

Tuy vậy, trong sự ràng buộc của tư tưởng bảo thủ, lạc hậu vẫn lóe lên những tia sáng nhận thức về sự cần thiết phải học hỏi để nâng cao hiểu biết. Đi một ngày đàng, học một sàng khôn. Chỉ cần đi một ngày đàng (ý nói thời gian ít ỏi và quãng đường không xa là bao so với nơi ta sinh sống) thì ta đã học được một sàng khôn. Đây là hình ảnh cụ thể, gần gũi được dùng để thể hiện một khái niệm trừu tượng là sự hiểu biết của con người. Nếu chịu khó đi xa thì ta sẽ học được nhiều bài học bổ ích trong cuộc đời, bởi trên khắp các nẻo đường đất nước, nơi nào cũng có vô vàn những điều hay, điều lạ.

Để động viên tinh thần học hỏi của con cháu, ông cha xưa đã có những câu ca dao nội dung tương tự như câu tục ngữ trên: Làm trai cho đáng nên trai, Phú Xuân cũng trải, Đồng Nai cũng từng; Làm trai đi đó đi đây, Ớ nhà với mẹ biết ngày nào khôn. Điều đó chứng tỏ ông cha ta đã nhận thức được việc đi xa để học hỏi là điều quan trọng, cần thiết và đáng khuyến khích.

Trình độ hiểu biết tạo điều kiện cho ta làm việc tốt hơn, đạt hiệu quả cao hơn, giúp ích cho gia đình và xã hội được nhiều hơn. Hiểu biết càng nhiều, con người càng có cách xử thế đúng đắn trong quan hệ gia đình và xã hội.

Trong giai đoạn đổi mới hiện nay, việc học tập để mở mang nhận thức và hiểu biết của mỗi người càng trở nên cấp bách. Muốn xóa bỏ tình trạng lạc hậu, muốn rút ngắn sự cách biệt giữa nước ta và các nước phát triển trên thế giới, chúng ta chỉ có một con đường là học. Học, học nữa, học mãi như lời Lê-nin đã dạy. Vấn đề đặt ra là phải học những điều hay, lẽ phải, những điều thiết thực, bổ ích cho sự nghiệp xây dựng đất nước. Không nên học theo điều dở, điều xấu, có hại đến bản thân, gia đình và xã hội.

Hiện nay, chuyện đi đó đi đây không còn là chuyện hiếm có như ngày xưa. Ai cũng có quyền tự do đi lại, học hành, kể cả ra nước ngoài. Học hỏi bằng con đường tham quan, du lịch: học hỏi bằng con đường du học... Nhưng mục đích cuối cùng vẫn là tiếp thu những kinh nghiệm,những kiến thức khoa học mới mẻ, tiên tiến của nhân loại, nhằm phục vụ công cuộc xây dựng đất nước. Không nên học theo điều dở, điều xấu, có hại đến bản thân, gia đình và xã hội.

Học hỏi không phải là chuyện ngày một, ngày hai mà là chuyện của cả đời người. Học ở trường, học trong sách vở, học lẫn nhau và học ở cuộc sống. Việc nâng cao hiểu biết là rất quan trọng và cần thiết đối với mỗi người. Vì vậy chúng ta phải có mục đích và phương pháp học tập đúng đắn để đạt được hiệu quả cao.

Có tri thức, chúng ta mới làm chủ được bản thân, mới làm được nhiều việc có cho gia đình, xã hội. Học vấn làm đẹp con người. Đó cũng là điều ông cha muốn nhắn gửi đến chúng ta. Câu tục ngữ: Đi một ngày đàng, học một sàng khôn là lời khuyên quý báu của người xưa, đến nay nó vẫn là bài học quý báu với tuổi trẻ trên con đường tạo dựng sự nghiệp.

Nguồn:
0