Giải thích câu tục ngữ “Thương người như thể thương thân” – Văn mẫu hay lớp 7
Xem nhanh nội dung Em hãy giải thích câu tục ngữ: “Thương người như thể thương thân" – Bài làm 1 của một học sinh giỏi Văn tỉnh Thanh Hóa Bên cạnh truyền thống anh hùng bất khuất, truyền thống nhân đạo đã trở thành máu thịt của nhân dân ta. Tục ngữ của ta cũng thấm ...
Xem nhanh nội dung
Em hãy giải thích câu tục ngữ: “Thương người như thể thương thân" – Bài làm 1 của một học sinh giỏi Văn tỉnh Thanh Hóa
Bên cạnh truyền thống anh hùng bất khuất, truyền thống nhân đạo đã trở thành máu thịt của nhân dân ta. Tục ngữ của ta cũng thấm nhuần lòng nhân đạo ấy: "Thương người như thể thương thân"
Tìm hiểu quan niệm ấy, ta sẽ hiểu thêm nét đẹp tâm hồn của dàn tộc ta. Lời khuyên giản dị mà chan chứa tình người. Còn gì chí tình, chí nghĩa hơn là thương yêu, giúp đỡ người khác như thương yêu chính bản thân mình.
Lời răn dạy ngắn gọn mà chứa đựng ý nghĩa sâu xa. Thân là bản thân, là cái riêng được coi ngang bằng với mọi người khác (chỉ chung nhân loại). Lời răn dạy trên như muốn khuyên ta: Ta từng thân thương ta thế nào ta hãy chia sẻ, cảm thông mà thương thân người như thế. Thân ta nếu đã từng đau đớn vì một lí do nào đó như đứt tay, bệnh hoạn thì ta đã hiểu, đã trải qua nỗi đau ấy, đã thương bản thân mình. Đến nay, nếu người khác lâm cảnh khốn cùng, ta cảm thông gíup đỡ, quan tâm họ như ta vậy.
Vì sao câu tục ngữ trên lại khuyên ta phải giúp đỡ người khác? Nếu suy nghĩ kĩ, ta thấy điều ấy thật đơn giản, chưa có ai sống đơn độc lẻ loi mà đủ sức tồn tại. Gia đình có quan hệ anh em, cùng chung huyết thống, cùng chung kỉ niệm vui buồn. Anh em như thể tay chân nên lúc hoạn nạn phải giúp đỡ nhau theo tinh thần máu cháy ruột mềm, chị ngã em nâng.
Xa hơn nữa là bạn bè, hàng xóm quen biết cùng chung những lúc tối lửa tắt đèn bên nhau. Họ không cùng chung máu mủ nhưng lại là người gần gũi, dễ chia sẻ buồn vui với nhau. Do vậy, cũng có câu: Bán anh em xa mua láng giềng gần. Thực tế thì anh em không bán, láng giềng nên mua, đó là những người gần gũi và có thể hiểu ta, giúp đỡ ta trước khi anh em ta đến nơi. Họ chẳng khác gì anh em một nhà với ta.
Rộng hơn nữa là những người miền ngược hay miền xuôi trong đất nước ta. Đó là đồng bào, cùng một bọc, cùng là con mẹ Âu Cơ với ta… Tinh thần ấy đã trở thành truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Hơn nữa, về mặt lịch sử và địa lí, dân tộc ta có chung môi trường, điều kiện sống, cùng nhau hưởng hạnh phúc trong độc lập và chịu gian nan lúc nô lệ ngoại bang. Ta đã gắn bó biết bao trong kháng chiến gian khổ để có độc lập, tự do hôm nay. Ngoài ra, ta còn phải gắn bó đoàn kết với nhau trong đấu tranh với thiên nhiên. Biết bao lần ta đã gắn bó, đùm bọc nhau khi bị lũ lụt, hỏa hoạn. Biết bao lần ta đã “cứu đồng bào là để tự cứu mình’’ trong mối quan hệ khăng khít. Những việc làm ấy đều xuất phát từ tinh thần thương người như thể thương thân nói trên. Tình cảm ấy, về thực tế cần phải duy trì, về đạo lí là nét đẹp truyền thống, là nếp sống văn minh tốt đẹp của xã hội.
Do vậy, hiểu sâu sắc lí do trên ta cần phát triển mối quan hệ tốt đẹp ấy, hiểu rõ vẻ đẹp của lối sống đoàn kết thân ái, phải thương yêu người khác như chính bản thân. Ngày nay, câu tục ngữ không còn mang ý nghĩa giữa cá nhân với nhau mà còn mang nội dung rộng lớn hơn, trở thành tình cảm chung, nếp sống chung của toàn xã hội. Tình cảm nhân đạo ấy được phát triển rộng qua mối quan hệ với cả cộng đồng nhân loại. Thấm nhuần lời dạy ấy, bản thân chúng ta phải có ý thức rèn luyện đạo đức. Ngay từ nhỏ, ta phải biết đoàn kết yêu thương nhau từ trong gia đình, lớp học đến xã hội.
Theo tinh thần “tuổi nhỏ làm việc nhỏ”, ta cần giúp đỡ đồng bào bị thiên tai, giúp đỡ những gia đình neo đơn, người già, người tàn tật. Đó chính là biểu hiện tốt đẹp giữa người và người trong xã hội.
Tóm lại, câu tục ngữ “Thương người như thể thương thân” đã cho ta một bài học về đạo làm người, nhắc nhở ta phải có lòng nhân ái, biết yêu thương mọi người chung quanh như thương yêu chính bản thân mình. Phát huy truyền thống tốt đẹp của ông cha, chúng ta vừa thể hiện nhân cách làm người, vừa góp phần xây dựng một đất nước vân minh tiến bộ. Thật vậy:
Bầu ơi thương lấy bí cùng
Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn.
Cao quý thay lòng nhân ái! .Vĩ đại thay giàn địa cầu của chúng ta!
Giải thích câu tục ngữ: Thương người như thể thương thân – Bài làm 2
Nhân nghĩa vốn là một truyền thống quý báu có từ ngàn đời này của dân tộc ta, nó gắn liền với công cuộc dựng và giữ nước của một quốc gia dân tộc. Giống như Nguyễn Trãi đã từng viết trong “Bình Ngô Đại Cáo” của mình. Dân tộc Việt Nam : “lấy đại nghĩa để thắng hung tàn/ lấy chí nhân để thay cường bạo”. Trong kho tàng ca dao tục ngữ Việt Nam, cũng đã có rất nhiều câu tục ngữ nói về truyền thống tốt đẹp này, tiêu biểu là câu tục ngữ: “Thương người như thể thương thân”.
Câu tục ngữ nói lên một phẩm chất đáng quý của dân tộc ta, đó là lòng yêu thương con người. “Thương thân” là dành tình yêu thương, sự quan tâm, che chở cho chính bản thân mình. Còn “thương người” là dành sự yêu thương, đồng cảm cho người khác, “như thể” chỉ về một mối quan hệ ngang bằng, tương đương nhau. So sánh “thương người như thể thương thân” muốn nói rằng hãy dành tình yêu thương, lòng đồng cảm, sự giúp đỡ cho người khác cũng như là dành cho chính bản thân mình vậy. Khi mình gặp khó khăn, trắc trở mình đau khổ bao nhiêu, mình cảm thấy bất hạnh bao nhiêu thì khi người khác gặp phải tình cảnh đó cũng có cảm giác tương tự như mình vậy.
Hãy giúp đỡ người khác vượt qua khó khăn thử thách mà đừng so đo, tính toán gì, hãy xem như sự giúp đỡ đó là dành cho chính bản thân mình.
Cũng đã có rất nhiều câu tục ngữ có nội dung nói về lòng yêu thương con người như:
“Nhiễu điều phủ lấy giá gương
Người trong một nước phải thương nhau cùng”
Hay:
“Bầu ơi thương lấy bí cùng
Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”
Hoặc một câu gần nghĩa nhất là: “Một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ” một con ngựa đau không ăn thì cả đàn cũng bỏ bữa, coi nỗi đau của người khác cũng như chính nỗi đau của mình.
Dân tộc ta với truyền thống nhân nghĩa từ lâu đời đã có những hành động rất thiết thực thể hiện tinh thần “thương người như thể thương thân”. Xưa kia thì có phong trào “hũ gạo cứu đói” do Bác Hồ phát động, vì trước kia, trong khi đất nước vẫn còn chiến tranh thì cuộc sống của đa số người dân vẫn còn cực khổ nên các phong trào thể hiện truyền thống nhân nghĩa này còn hạn chế, nhưng bây giờ khi đất nước đã hoàn toàn giải phóng, đang trong công cuộc đi lên công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, cuộc sống của đa số mọi người đã khá giả hơn, nhưng không vì thế mà các giá trị truyền thống tốt đẹp bị mai một mà con phát huy mạnh mẽ hơn. Tuy đại đa số mọi người đã có cuộc sống ấm nó, hạnh phúc nhưng vẫn còn một bộ phận không nhỏ người dân, đặc biệt là những vùng sâu, vùng xa, dân tộc thiểu số có cuộc sống khó khăn, hay những người dân ở ven biển miền Trung thường xuyên phải chịu hậu quả nặng nề từ những trận lụt bão. Những ngươi này luôn cần sự chung tay giúp đỡ của tất cả mọi người trên mọi miền Tổ quốc những chương trình thiết thực như “Vì người nghèo”, “Tất cả vì khúc ruột miền Trung” đã thu hút được rất nhiều tấm lòng hảo tâm ủng hộ, khuyên góp của cải vật chất để giúp đỡ những cảnh ngộ éo le này. Tất cả đều xuất phát từ lòng yêu thương, sự cảm thông, chia sẻ và sẵn sàng giúp đỡ của mọi người dân Việt Nam.
Ta đã nghe câu thơ:
“Cảm ơn đời mỗi sớm mai thức dậy
Lại một ngày thêm để yêu thương”
Hay:
“Còn gì đẹp hơn đời như thế
Người với người sống để yêu nhau”
Vậy mà một số người vẫn giữ thái độ sống thờ ơ, vô cảm với mọi người xung quanh, tỏ thái đô “sống chết mặc bay” hay “đèn nhà ai nhà nấy rạng” với những người đang gặp khó khăn, đang mong mỏi sự giúp đỡ. Đây là một cách sống đáng bị xã hội phê phán và lên án.
Câu tục ngữ đã đúc kết những điều được coi là chân lí của cha ông ta, một truyền thống, đạo lí sâu sắc, hãy biết dành tình yêu thương, giúp đỡ người khác khi gặp khó khăn hoạn nạn đây cũng như là yêu thương giúp đỡ chính bản thân mình. Nó thể hiện giá trị nhân đạo sâu sắc cần được lớp thế hệ đi sau gìn giữ và phát huy.
Em hãy giải thích câu tục ngữ: Thương người như thể thương thân – Bài làm 3
Ca dao, tục ngữ Việt Nam là một kho tàng kinh nghiệm từ ngàn đời nay. Được đúc kết từ chính trí tuệ người xưa. Trong đó có rất nhiều câu tục ngữ được thốt ra từ chính những trái tim nồng nàn tình yêu thương của tiền nhân. Chẳng hạn như câu tụ ngữ : Thương người như thể thương thân.
Vậy thì lời khuyên răn này mang ý nghĩa gì? Hãy cùng thử tìm hiểu xem nhé!
Câu tục ngữ ấy như một lời nói hết sức bình dị thường ngày. Đó là một câu với biện pháp so sánh giữa hai vế: a với b. “Thương người như thể thương thân”
Vậy chúng ta cần phải hiểu câu tục ngữ này là gì ? Thân ở đây tức là thân thể, hay thân xác. Đó là phần vật chất sống của mỗi người đã được cha mẹ ban cho mà nên. Thương thân là từ vô cùng hàm súc, nó diễn tả được tâm trạng của một người tự lập, cô đơn phải luôn biết thương lấy chính mình, phải biết tự mình chăm sóc và chia sẻ những niềm vui nỗi buồn với chính bản thân mình.
Cũng vì thế, thương thân trong câu tục ngữ này thể hiện được một tình thương dồi dào nhất, thể hiện một sự chăm sóc tích cực nhất. Là bởi vì “vị kỉ”, hay “ích kĩ” chính là những bản tính của con người. Nhất là khi mà con người ta đang cô đơn. Tóm lại, thương thân chính là một tình thương đậm đà nhất, là sự giữ gìn, sự chăm sóc tích cực và niềm cảm thông sâu xa nhất của mỗi con người với chính mình. Câu tục ngữ chứa đựng lời khuyên : hãy luôn thương yêu, hãy luôn chăm sóc và thông cảm, luôn chia sẻ niềm vui nỗi buồn, những hoạn nạn với người khác như thể đó chính là mình vậy.
Sở dĩ ông cha ta từ xa xưa đã có lời khuyên này là vì nhiều người trong xã hội luôn có thói ích kỉ. Những sự ích kỉ tới độ nhẫn tâm và ngu ngốc. Cháy nhà hàng xóm mà vẫn bình chân như vại. Những câu tục ngữ như: “sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi” được sinh ra cũng là để miêu tả loại người ích kỷ ấy. Cho nên, câu tục ngữ: thương người như thể thương thân, đã gióng lên hồi chuông đánh thức lương tri và lay động tâm hồn mỗi con người.
Thật vậy, trong xã hội này không ai có thể sống lẻ loi, đơn độc. Chúng ta đều tập hợp lại thành những đoàn thể, những cộng đồng để dựa vào nhau mà sống. Trong gia đình, chúng ta lại có những mối quan hệ anh em, những người cùng chung huyết thống và cùng có những kỷ niệm buồn vui bên nhau. Họ chẳng khác nào chân với tay trên cùng một cơ thể. Do đó, mỗi khi gặp khó khăn hay hoạn nạn thì ta làm sao mà có thể quay lưng làm ngơ được cơ chứ! Bởi vì máu chảy ruột mềm.
“Anh em như thể chân tay.
Rách lành đùm bọc, dở hay đỡ đần”
Rộng hơn tình nghĩa anh em chúng ta có bè bạn, có bà con lối xóm, những người đã cùng ta tối lửa tắt đèn có nhau. Tuy không cùng máu mủ ruột già, nhưng họ lai là những người có tình có nghĩa sâu đậm với ta. Hay những lúc trái gió trở trời, những lúc cùng đường bí lối, họ chính là những người vẫn đến bên ta bằng những tấm lòng chân thành nhất, cùng chia ngọt sẻ bùi.
Những tình nghĩa ấy thật sâu đậm, có khác gì anh em một nhà. Vì vậy, khi họ khó khăn, chẳng may rơi vào hoàn cảnh éo le, chẳng lẽ nào ta lạingoảnh mặt thờ ơ cho đành? Lúc này chính thái độ nhường cơm sẻ áo, những khi chị ngã em nâng chính là một việc nên làm. Xét rộng hơn đến những cộng đồng xã hội mà ta đang sống, cho dù người ở Bắc, người ở Nam. Dù miền ngược hay miền xuôi, dù ở nơi núi rừng hay đồng bằng thì cũng đều là anh em. Bởi lẽ chúng ta đều cùng một dân tộc, đều có chung nguồn gốc một mẹ Âu Cơ.
Chính những mối quan hệ người với người gắn bó ấy đã tạo nên những tình cảm tương thân tương ái trong xã hội. Thứ tình cảm tốt đẹp ấy đã trải bao đời nay và trở thành một trong những truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. Trải qua biết bao năm tháng kháng chiến gian khổ, toàn dân tộc đều chung một lòng đoàn kết và giúp đỡ lẫn nhau để có thể đi tới chiến thắng vẻ vang.
Cũng đã không biết bao nhiêu lần toàn dân tộc ta đã tíc cực hưởng ứng lời kệu gọi đồng lòng giúp đỡ những vùng dân đói, hoạn nạn mỗi khi lũ lụt, thiên tai. Chính trong những lúc ấy, đã có biết bao con người dũng cảm quên bản thân, quên cái lạnh, cái nguy hiểm mà cứu sông nhiều sinh mạng đồng bào, để lại gương sáng cho muôn đời sau .
Câu tục “ngữ thương người như thể thương thân” là một trong những bài học sâu sắc về đạo lí làm người. Hãy luôn thương yêu người khác, như thể đang yêu thương chính bản thân mình. Điều đó nhắc nhở chúng ta về lòng nhân ái, nhắc nhở mỗi người về tình người ta cần thực hiện tốt. Để tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp ấy, em hứa sẽ luôn cố gắng dốc hết sức có thể để giúp đỡ những người chẳng may gặp hoạn nạn trong cuộc đời.
Giải thích câu tục ngữ thương người như thể thương thân – Bài làm 4
Thương thân là thương chính bản thân mình. Khi đói không cơm ăn, khi lạnh không có áo mặc, khi ốm đau không có thuốc uống và không ai chăm sóc… lúc đó bạn mới cảm nhận được mình rất thương bản thân của mình. Thương người là thương xót mọi người xung quanh, quan tâm, chia sẻ và sẵn sàng giúp đỡ khi mọi người gặp khó khăn. Thương người như thể thương thân là ta yêu quý bản thân như thế nào thì ta cũng đối xử với mọi người như thế. Nếu bản thân đã từng trải wa đau khổ, bệnh tật, túng thiếu… thì khi gặp những người cùng cảnh ngộ ấy, ta hãy cảm thông, chia sẻ, giúp đỡ, quan tâm tới họ như chính vơi bản thân mình. Câu tục ngữ nhắc nhở chúng ta phải biết thương yêu, trân trọng mọi người như chính bản thân mình. Trong cuộc sống phải biết đoán kết giúp đỡ nhau, thể hiện được tình tương thân tương ái trong xh VN. Một cá nhân không thể sống thiếu gia đình, một gia đình không thể tách riêng khỏi XH, nhất là những lúc cơ nhỡ, khó khăn. Theo thống kê hiện nay, trên thế giới có tới 70% trẻ em trở nên hư hỏng, đầu trộm đuôi cướp là do thiếu sự quan tâm của gia đình và xã hội. Mối quan hệ giữa người với người rất khăng khít; mình có thông cảm, yêu thương, giúp đỡ người khác thì mới nhận được cách đối xử như vậy. Nếu hôm nay bạn giúp đỡ cho nhiều người nghèo có cơm ăn, áo mặc, có việc làm ổn định thì chắc chắn họ sẽ biết ơn và ít nhất bạn cũng được họ kính trọng vi là ân nhân của họ. Hiện nay, trên khắp cả nước co rất nhiều phong trào từ thiện, nhiều quỹ từ thiện được lập lên như: quỹ vì người nghèo, quỹ khuyến học, quỹ dành cho người khuyết tật…Đồng thời ngày càng có nhiều các ngôi nhà tình nghĩa, các trường học được xây mới cho các em học sinh nghèo. Đó là nhưng biểu hiện rất cụ thể cho truyền thống nhất và đoàn kết của dân tộc VN. Tình giai cấp, nghĩa đồng bào là yếu tố quan trọng hành đầu tạo nên sức mạnh trong sự nghiệp chiến đấu bảo vệ Tổ quốc và xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh. Tình tương thân tương ái là một trong những nét đẹp nổi bật của bản sắc dân tộc ta.
Lòng nhân ái phải được thể hiện trong cuộc sống.Chúng ta đều biết cuộc sống xung quanh chúng ta còn nhiều vất vả khó găn và có không ít các mảnh đời bất hạnh.Chúng ta hãy cùng chung tay giúp đỡ các cụ già neo đơn, giúp bạn vượt khó…. Còn gì cao quý hơn khi bạn sẵn sàng quyên góp số tiền dành dụm mấy tháng trời để giúp đỡ đồng bào miền Trung gặp bão lụt. Hay một đứa bé qua khỏi cơn nguy kịch của căn bệnh tim bẩm sinh nhờ sự đóng góp nhỏ bé của bạn. Nếu ví cuộc sống là một bộ ghép hình đầy sắc màu thi mỗi chúng ta là những mảnh ghép rời rạc. Lòng nhân ái chính là chất keo chắc chắn, đính nhữn mảnh ghép ấy lại với nhau. Đừng nghĩ đến bản thân vì việc gì cũng nghĩ đến bản thân thì không bao giờ hạnh phúc được.
Thu Thủy (Tổng hợp)