04/06/2017, 22:58

Giải thích câu nói sau đây của M. Go-rơ-ki: "Hãy yêu sách, nó là nguồn kiến thức, chỉ có kiến thức mới là con đường sống".

Sách là người thầy, là người bạn vô cùng thân thiết đối với những người hiếu học xưa nay. Biết yêu sách và ham mê đọc sách là một đức tính quý báu cần được rèn luyện nên được hình thành từ tuổi ấu thơ. Khẳng định giá trị và lợi ích to lớn của sách, van hào Go-ro-ki có nói: "Hãy yêu sách, nó ...

Sách là người thầy, là người bạn vô cùng thân thiết đối với những người hiếu học xưa nay. Biết yêu sách và ham mê đọc sách là một đức tính quý báu cần được rèn luyện nên được hình thành từ tuổi ấu thơ.

Khẳng định giá trị và lợi ích to lớn của sách, van hào Go-ro-ki có nói:
 
"Hãy yêu sách, nó là nguồn kiến thức, chỉ có kiến thức mới là con đường sống"
 
Sách là một trong những thành tựu văn minh kì diệu của con người. Từ những quyển sách dược viết trên hàng trăm tấm da cừu, được khắc trên hàng nghìn thẻ tre. Được in bằng mộc bán đến những cuốn sách in bằng máy in hiện đại như ngày nay. Ta dễ dàng nhận thấy sự tiến bộ của loài người qua mấy nghìn năm lịch sử.
 
Tác giả bài "phương pháp đọc nhanh" (lịch sử văn hóa tổng hợp 1987) cho biết:  Tính đến nay, trong 500 năm lịch sử của mình, ngành in thế giới đã xuất hơn 300 triệu đầu sách, hàng năm cho ra đời 600 triệu trang in". Những con số ấy làm cho ta vô cùng sửng sốt!
 
Sách là sản phẩm tinh thần của những tài năng. Những nhà văn, những sử gia những nhà tư tưởng vĩ đại mới có thể sáng tạo nên những tác phẩm vĩ đại. Kinh Thánh, Kinh Ko-ran, Kinh Phật, cuốn sử thi Ra-ma-ya-na. Sách của Khổng Tử. Mạnh Tứ, Lão Tử,... trải qua mấy nghìn năm, đến nay vẫn còn chiếm lĩnh tâm hồn hàng triệu con người trên Trái Đất. Những tác phẩm như "Sử kí Tư Mã Thiên, chiến tranh và hòa bình, những bộ tiểu thuyết chương hồi như "Tam quốc",... Những công trình của các nhà văn hóa, khoa học được giải thưởng Nô-ben mãi mãi chiếu sát nền văn minh nhân loại.
 
Hàng ngàn quyển sách Hán - Nôm được tổ tiên ông cha ta để lại là những chứng tích hùng hồn của nền văn hiến Đại Việt rực rỡ, lâu đời. Mọi thứ vật chất có thể mục nát theo thời gian, nhưng tên tuổi và các công trình của Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, của Niu-tơn, Anh-xtanh, v.v... sẽ đời đời bất tử.
 
Sông sâu nước lớn là do tự nguồn. Sách cũng vậy. Sách là kết tinh trí tuệ của con người, là nguồn kiến thức bao la và mênh mồng. Sách nâng cao kiến thức, mở rộng tầm mắt cho độc giả, dạy ta biết yêu, biết ghét, biết mơ ước,... Còn có loại sách để đọc giải trí nuôi dưỡng trí tưởng tượng, đem lại niềm vui. Sách là tài liệu để học tập, để tu dưỡng. Cho nên "phải biết yêu sách. Biết quý sách" vì  nó là nguồn kiến thức. Người xưa đã nói  "Mỗi quyển sách là một hũ vàng". Lê Quý Đôn, nhà bác học của nước ta trong thế kỉ thứ XVIII là một con người rất thống minh, suốt đời "Mắt không rời sách, đầu gối lên sách". Con người có hiếu học mói yêu sách đến thế !
 
Ở đời, ai cũng muốn giàu có, sang trọng. Ai cũng muốn học rộng, biết nhiều. Nghèo khổ thì bị người ta coi thường. Dốt nát càng bị thiên hạ coi khinh. Tại sao trong xã hội phong kiến Việt Nam, sĩ lại đứng đầu các đắng cấp: "Sĩ, nông, công, thương ?. Nhân tài là nguyên khí quốc gia. Sống trong thời đại tin học, ta mới thấy rõ tri thức, trí tuệ, tài năng là vô giá. Chúng ta càng thêm thấm thía ý kiến của Go-rơ-ki: Chỉ có kiến thức mới là con đường sống”. Không thể sống trong đói rét tăm tối, dốt nát. Bởi lẽ "người không có trí ít hiểu biết, chỉ làm đầy tớ cho người ta sai khiến mà thôi"  (Mạnh Tử). Muốn biết thêm một, hai ngoại ngữ làm công cụ, muốn có một trình độ khoa học hiện đại, tiên tiến thì phải được đào tạo chuyên sâu, phải dày công học tập, phải biết tự học, tự đọc sách. Và bao giờ cũng vậy: "Rễ của học tập thì đắng: quả của học tập thì ngọt".
 
"Chỉ có kiến thức mới là con đường sống". Sống trong lao động sáng tạo. Sống để làm chủ thiết bị máy móc. Sống trong ánh sáng văn minh của khoa học kĩ thuật. Con đường sống mà Go-rơ-ki nói đến là con đường sáng tạo, có đời sống vật chất sang trọng, đời sống tinh thần phong phú, tươi đẹp để làm chủ bản thân, làm chủ xã hội, làm chủ thiên nhiên.
 
Gần 700 năm về trước, trong "Quốc âm thi tập", Nguyên Trãi có viết:
 
"Nên thợ, nên thầy vì có học,
No ăn, no mặc bởi hay làm".
 
Yêu sách nhưng không phải là con mọt sách. Đọc sách nhưng không được nô lệ vào sách, mà phải vừa thực sự cầu thị, vừa ý thức được: "Học cho rộng, hỏi cho kĩ, suy nghĩ cho cẩn thẩn, phân biệt cho sáng suốt làm việc cho hết lòng".
 
Người yêu sách là người biết coi trọng tri thức, rất hiếu học, lúc nào cùng muốn vươn lên thành kẻ sĩ (người trí thức) trong xã hội. Trên con đường hội nhập, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, tuổi trẻ Việt Nam không chỉ học ở trường, học thầy, học bạn, học trong thực tế cuộc sống, mà còn phải biết đọc sách, sách khoa học, sách kĩ thuật, sách ngoại ngữ, sách văn học biết tự học để vũ trang cho mình những kiến thức hiện đại, đem tài năng phục vụ đắc lực công cuộc xây dựng đất nước phồn vinh.
 
Hãy phấn đấu cho mục tiêu mỗi học sinh có một ngăn sách, mỗi gia đình có một tủ sách, đúng như Ức Trai đã nói: "Gia hữu cầm thư nhi bối lạc" (Trong nhà có dàn sách thì con cái vui). Đọc sách phải trở thành niềm vui sáng tạo. Tuổi trẻ chúng ta, ai cũng biết học trong sách, mỗi ngày một hai giờ đọc sách.
 
Hơn bao giờ hết, chúng ta càng thấy rõ câu nói của Go-rơ-ki là một lời khuyên đẹp: " Phải yêu sách, nó là nguồn kiến thức, chỉ có kiến thức mới là con đường sống".

0