04/06/2017, 22:58

Cảm nghĩ về truyện "Nàng công chúa hạt đậu"

"Nàng công chúa hạt đậu" là một trong những truyện cổ kì diệu, hóm hỉnh của nhà văn An-đéc-xen (1805 - 1875) nước Đan Mạch trong thế kỉ XIX. Tính tình huống và nghệ thuật phóng đại đã tạo nên sự hấp dẫn kì lạ. Cảnh 1: Hoàng tử chu du thiên hạ để kén vợ, công chúa thì nhiều vô kể, nhưng ...

"Nàng công chúa hạt đậu" là một trong những truyện cổ kì diệu, hóm hỉnh của nhà văn An-đéc-xen (1805 - 1875) nước Đan Mạch trong thế kỉ XIX. Tính tình huống và nghệ thuật phóng đại đã tạo nên sự hấp dẫn kì lạ.

Cảnh 1: Hoàng tử chu du thiên hạ để kén vợ, công chúa thì nhiều vô kể, nhưng ông tìm được một nàng công chúa toàn thiện toàn mĩ, nghĩa là có đức hạnh, tài sắc vẹn toàn. Hoàng tử trở về cung với tâm trạng buồn rầu.
 
Cảnh 2: một nàng công chúa xuất hiện trước cung điện trong cảnh mưa gió. Một tình huống hiếm có xảy ra. Mưa gió làm cho nàng công chúa "tiều tuỵ". Đầu tóc, áo quần, cả giày của nàng nữa cũng đều đẫm nước mưa. Được lão vương mở cửa đón vào, người tự giới thiệu mình là "nàng công chúa toà toàn mĩ mà hoàng tử đang tìm.
 
Cảnh này rất thú vị, nó mang hàm ý: Công chúa tự tin về đức hạnh, nhan sắc của mình, người xứng đáng là vợ Hoàng tử. Ngoại cảnh gió mưa có hề gì, nàng vẫn nguyên giá trị toàn thiện toàn mĩ. Nàng đi trong mưa gió đến cung điện là đi tìm hạnh phúc. Mọi hạnh phúc ở đời đều phải trả giá bằng tài sắc, đức hạnh, phải vượt qua nhiều thứ thách gian khổ mới giành được. Trái hạnh phúc trên đời đâu dễ tìm, đâu dễ hái?
 
Cảnh 3: diễn ra sau khi Hoàng hậu nghĩ thầm: Được, cứ để xem xem. Một phép thử bí mật, kì lạ được dùng đến. Hoàng hậu vào buồng ngủ đốt đèn lên (một cử chỉ rất trang trọng), nhét một hạt đậu xuống đệm giường, rồi đặt hai mươi cái đệm chồng lên. Đó cái giường dành cho công chúa. Cảnh 3 rất hấp dẫn ở phép thử của Hoàng hậu, ở tính kịch của câu chuyện bị "thắt" lại. Người đọc hồi hộp đợi chờ...
 
Cảnh 4: Vô cùng thú vị. Sau một đêm ngủ trong hoàng cung, được Hoàng hậu săn sóc chu đáo thế mà nàng công chúa vẫn than phiền: "Suốt đêm tôi không chợp mắt,  vì nằm phải vật gì răn rắn, thâm tím cả mình mẩy". Tiếng phán truyền của Hoàng hậu tuyệt hay vì quá bất ngờ: "Công chúa ra công chúa thật! Đây là nàng công chúa toàn thiện toàn mĩ, nằm trên hai mươi lần đệm nàng vẫn thấy đau vì một hạt đậu".
 
Cảnh 4 này đã “mở nút ” câu chuyện. Ở đời, có nhiều người nằm trên bãi cỏ, nằm trên nền đất, nền nhà vẫn ngủ ngon lành. Thế mà ở đây, nàng công chúa nằm trên hai mươi tấm đệm trong phòng ngủ cung điện vẫn "không chợp mắt", cảm thấy mình mẩy bị thâm tím "vì nằm phải "một vật gì răn rắn ". Nàng rất trung thực nói lên cảm nhận của mình, không sợ làm mếch lòng Lão vương, Hoàng hậu và Hoàng tử. Sao nàng lại cảm thấy nằm phải "một vật gì răn rắn" khi nằm trên hai mươi chiếc đệm ? Nàng công chúa thì rất mẫn cảm. Vốn xuất thân dòng dõi lá ngọc cành vàng, có da ngọc, mình ngà, có nhan sắc yêu kiều, nàng mới có sự mần cảm tinh tế ấy, sự dịu dàng tuyệt vời ấy. Hoàng hậu với đôi mắt tinh đời đã phát hiện ra đức hạnh, nhan sắc, dòng giống, sự toàn thiện toàn mĩ của nàng công chúa.
 
Hoàng tử cưới nàng công chúa hạt đậu làm vợ. Tình tiết hạt đậu đến nay vẫn còn, được trưng bày trong phòng triển lãm, đã làm cho truyện công chúa hạt đậu thêm phần kì diệu, thực thực hư hư. Cuối truyện An-đéc-xen viết một câu rất hóm hỉnh: Truyện tôi kể đến đây là hết và tôi xin cam đoan các bạn là chuyện có thật đấy.
 
Truyện " Nàng công chúa hạt đậu "được nhiều người yêu thích. Truyện đã gợi trong lòng người đọc gần xa bao ý tưởng tốt đẹp của nhân dân. Là công chúa thì phải có đức hạnh, sắc tài "toàn thiện toàn mĩ". Mối quan hệ giữa duyên và hạnh phúc lứa đôi ở đời rất kì lạ.

0