Giải bài tập Ngữ văn lớp 12: Khái quát văn học Việt Nam từ đầu cách mạng tháng tám 1945 đến thế kỉ XX
Giải bài tập Ngữ văn lớp 12: Khái quát văn học Việt Nam từ đầu cách mạng tháng tám 1945 đến thế kỉ XX Học tốt Ngữ văn 12 Giải bài tập Ngữ văn lớp 12 Để học tốt Ngữ văn lớp 12 , VnDoc.com mời các bạn học ...
Giải bài tập Ngữ văn lớp 12: Khái quát văn học Việt Nam từ đầu cách mạng tháng tám 1945 đến thế kỉ XX
Giải bài tập Ngữ văn lớp 12
Để học tốt Ngữ văn lớp 12, VnDoc.com mời các bạn học sinh và thầy cô cùng tham khảo tài liệu: Khái quát văn học Việt Nam từ đầu cách mạng tháng tám 1945 đến thế kỉ XX, với nội dung đã được VnDoc.com cập nhật một cách chi tiết sẽ giúp các bạn học sinh có kết quả cao hơn trong học tập.
Lời giải hay bài tập Ngữ văn lớp 12: Khái quát văn học Việt Nam từ đầu cách mạng tháng tám 1945 đến thế kỉ XX
Đây là bài học rất quan trọng, mở đầu cho chương trình văn học lớp 12. Anh (chị) cần nắm vững những kiến thức cơ bản của bài khái quát một thời kì văn học hơn nửa thế kỉ được khai sinh và trưởng thành trong chế độ mới, kỉ nguyên mới của đất nước - từ đó có thể soi sáng cho việc học các tác phẩm cụ thể về thơ, truyện, kí, kịch, nghị luận,... trong suốt năm học. Bài viết khá dài, anh (chị) cần đọc kĩ để nắm được cấu trúc của bài viết, những nội dung cơ bản của bài khái quát, từ đó suy nghĩ để trả lời các câu hỏi trong phần
Hướng dẫn học bài. Dưới đây là những gợi ý chính:
• CẤU TRÚC VÀ NỘI DUNG CƠ BẢN CỦA BÀI VIẾT
Bài viết được cấu trúc thành hai giai đoạn lớn: từ 1945 đến 1975 và từ 1975 đến hết thế kỉ XX, với những nội dung cơ bản sau đây:
I. Khái quát văn học Việt Nam từ
Cách mạng tháng Tám 1945 đến 1975 1. Vài nét về hoàn cảnh lịch sử, xã hội, văn hóa
2. Quá trình phát triển và những thành tựu chủ yếu:
a) Chặng đường từ 1945 đến 1954
b) Chặng đường từ 1955 đến 1964
c) Chặng đường từ 1965 đến 1975
* Một số nét về văn học vùng địch tạm chiếm.
3. Đặc điểm cơ bản:
a) Nền văn học chủ yếu vận động theo hướng cách mạng hóa, gắn bó sâu sắc với vận mệnh chung của đất nước.
b) Nền văn học hướng về đại chúng.
c) Nền văn học chủ yếu mang khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn.
II. Vài nét khái quát văn học Việt Nam từ 1975 đến hết thế kỉ XX
1. Hoàn cảnh lịch sử, xã hội và văn hóa
2. Những chuyển biến và một số thành tựu ban đầu (Bài viết nêu lên hai chặng đường: từ 1975 đến 1985 và từ 1986 đến cuối thế kỉ XX; và một số đặc điểm nổi bật: văn học vận động theo hướng dân chủ hóa, mang tính nhân bản, nhân văn sâu sắc; có tính chất hướng nội, có nhiều tìm tòi đổi mới về nghệ thuật).
III. Kết luận
Kế thừa, phát triển truyền thống và những thành tựu quý báu ở các thời kì trước của một nền văn học có lịch sử lâu đời, văn học Việt Nam từ 1945 đến 1975 đã hoàn thành sứ mệnh cao cả của một nền văn học trong một thời đại mới, thực hiện xuất sắc nhiệm vụ cổ vũ chiến đấu, giải phóng dân tộc. Từ 1975, nhất là từ 1986, cùng với đất nước, văn học bước vào công cuộc đổi mới. Trong hoàn cảnh lịch sử có nhiều thuận lợi, sự giao lưu văn hóa với các nước trên thế giới được mở rộng, với truyền thống văn học của một dân tộc có hàng nghìn năm văn hiến, nhất định chúng ta sẽ xây dựng thành công một nền văn học tiên tiến, hiện đại, đậm đà bản sắc dân tộc.
• HƯỚNG DẪN HỌC BÀI
1. Nêu những nét chính về tình hình lịch sử, xã hội, văn hóa có ảnh hưởng tới sự hình thành và phát triển của văn học Việt Nam từ Cách mạng tháng Tám 1945 đến 1975.
- Cách mạng tháng Tám 1945 đã mở ra một kỉ nguyên mới trên đất nước ta, khai sinh ra một nền văn học mới gắn liền với lí tưởng độc lập tự do và chủ nghĩa xã hội. Đó là nền văn học của chế độ mới, phát triển dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản. Chính đường lối văn nghệ của Đảng là nhân tố có tính chất quyết định để tạo nên một nền văn học thống nhất về khuynh hướng tư tưởng, thống nhất về tổ chức và về quan niệm nhà văn kiểu mới: nhà văn - chiến sĩ.
- Công việc xây dựng cuộc sống mới, con người mới ở miền Bắc và đặc biệt là hai cuộc chiến tranh yêu nước vĩ đại chống thực dân Pháp và đế quốc Mĩ đã tác động mạnh mẽ, sâu sắc tới toàn bộ đời sống vật chất và tinh thần của dân tộc, trong đó có văn học nghệ thuật, đem đến cho văn nghệ sĩ chất liệu sống phong phú và cảm hứng nồng nàn để sáng tạo nên tác phẩm.
- Nền kinh tế nghèo nàn và chậm phát triển, điều kiện giao lưu văn hóa với nước ngoài không thuận lợi cũng ảnh hưởng ít nhiều đến sự phát triển của văn học. Tuy vậy, nhờ những thuận lợi cơ bản nói trên, văn học từ 1945 đến 1975 vẫn phát triển và đạt được những thành tựu to lớn.
2. Văn học Việt Nam từ 1945 đến 1975 phát triển qua mấy chặng?
Nêu những thành tựu chủ yếu của mỗi chặng.
Chia làm ba chặng:
a) Chặng đường từ 1945 đến 1954
- 1945 - 1946: Văn học ca ngợi Tổ quốc và quần chúng cách mạng trong những ngày đầu giành được độc lập với những tác phẩm Dân khí miền Trung (Hoài Thanh), Huế tháng Tám, Vui bất tuyệt (Tố Hữu), Ngọn quốc kì, Hội nghị non sông (Xuân Diệu), Tình sông núi (Trần Mai Ninh),...
- 1947 - 1954: Văn học tập trung phản ánh cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, gắn bó sâu sắc với đời sống cách mạng và kháng chiến, hướng tới quần chúng nhân dân, đạt những thành tựu mới trên nhiều thể loại truyện ngắn, kí, tiểu thuyết, thơ, kịch và lí luận, nghiên cứu, phê bình văn học (xem Sách Giáo Khoa). Có thể kể tên một số tác phẩm tiêu biểu như truyện ngắn. Đôi mắt của Nam Cao, Làng của Kim Lân, tiểu thuyết Vùng mỏ của Võ Huy Tân, Xung kích của Nguyễn Đình Thi, Đất nước đứng lên của Nguyên Ngọc, tập truyện Truyện Tây Bắc của Tô Hoài, tập thơ Việt Bắc của Tố Hữu, các bài thơ kháng chiến của Hồ Chí Minh (Cảnh khuya, Nguyên tiêu, Báo tiệp,...), Tây Tiến của Quang Dũng, Đồng chí của Chính Hữu,... và đặc biệt là bản báo cáo Chủ nghĩa Mác và vấn đề văn hóa Việt Nam của Trường Chinh.
b) Chặng đường từ 1955 đến 1964
- Chặng đường văn học trong những năm xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh thống nhất đất nước. Văn học tập trung thể hiện hình ảnh người lao động, ca ngợi những đổi thay của đất nước và con người trong bước đầu xây dựng chủ nghĩa xã hội đồng thời thể hiện tình cảm sâu nặng với miền Nam ruột thịt, nói lên nỗi đau chia cắt và thể hiện ý chí thống nhất đất nước.
- Văn xuôi mở rộng đề tài, bao quát được khá nhiều vấn đề, nhiều phạm vi của hiện thực đời sống. Thơ cũng phát triển mạnh mẽ với nhiều cảm hứng lớn từ đất nước, dân tộc trong sự hòa hợp giữa cái riêng và cái chung của nhà thơ, và đã có được một mùa gặt bội thu.
- Văn học đạt nhiều thành tựu trên cả ba thể loại: truyện, thơ và kịch (xem SGK).
c) Chặng đường từ 1965 đến 1975
- Chặng đường văn học chống Mĩ cứu nước trên cả hai miền Bắc và Nam với chủ đề bao trùm là ca ngợi tinh thần yêu nước và chủ nghĩa anh hùng cách mạng.
- Tiền tuyến lớn miền Nam được mùa đánh giặc, được mùa văn học với những tác phẩm truyện của Nguyễn Thi, Nguyễn Trung Thành, Anh Đức, Nguyễn Quang Sáng, Trần Hiếu Minh, Phan Tứ, với thơ của Lê Anh Xuân, Nguyễn Khoa Điềm, Giang Nam, Thanh Hải,...
- Hậu phương lớn miền Bắc cũng được mùa đánh giặc, được mùa văn học với những tác phẩm truyện kí của Nguyễn Tuân, Nguyễn Thành Long, Nguyễn Kiên, Nguyễn Khải, Nguyễn Minh Châu, Hữu Mai, Chu Văn,... và nhiều tập thơ của Tố Hữu, Chế Lan Viên, Xuân Diệu, Nguyễn Đình Thi, Chính Hữu, Phạm Tiến Duật, Nguyễn Duy, Xuân Quỳnh, Bằng Việt,... Đặc biệt là sự xuất hiện và những đóng góp của thế hệ các nhà thơ trẻ thời chống Mĩ cứu nước.
3. Những đặc điểm cơ bản của Yán học Việt Nam từ Cách mạng tháng Tám 1945 đến 1975
Ba đặc điểm cơ bản:
a) Văn học chủ yếu vận động theo hướng cách mạng hóa, gắn bó sâu sắc với vận mệnh chung của đất nước.
- Nền văn học mới được kiến tạo theo mô hình “Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận” (Hồ Chí Minh) cùng với kiểu nhà văn mới: nhà văn - chiến sĩ. Ý thức, trách nhiệm công dân của người nghệ sĩ được đề cao, nhà văn gắn bó với dân tộc, với nhân dân và đất nước, dùng ngòi bút để phục vụ kháng chiến, cổ vũ chiến đấu.
- Văn học tập trung vào đề tài Tổ quốc: bảo vệ đất nước, đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Tổ quốc trở thành nguồn cảm hứng lớn xuyên suốt thơ ca và truyện kí.
- Cùng với đề tài Tổ quốc, chủ nghĩa xã hội cũng là một đề tài lớn của văn học giai đoạn này. Văn học đề cao lao động, ngợi ca những phẩm chất tốt đẹp của người lao động, của con người mới trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc sau ngày giải phóng, hàn gắn vết thương chiến tranh.
b) Nền văn học hướng về đại chúng.
- Văn học, gắn bó sâu sắc với nhân dân lao động, hướng về đại chúng và trước hết là công nông binh. Cách mạng và kháng chiến đã làm thay đổi hẳn cách nhìn nhân dân của nhiều nhà văn, hình thành ở họ một quan niệm mới về đất nước: đất nước của nhân dân. Đó là cảm hứng chủ đạo, là chủ đề của nhiều tác phẩm viết về đất nước và nhân dân.
- Văn học mang tính nhân dân sâu sắc, thể hiện ở chỗ quan tâm tới đời sống của nhân dân lao động, nói lên những nỗi bất hạnh của họ trong xã hội cũ cũng như niềm vui, niềm tự hào của họ về cuộc đời mới, phát hiện ở họ khả năng cách mạng và phẩm chất anh hùng, tập trung khắc họa hình tượng quần chúng cách mạng, diễn tả vẻ đẹp tâm hồn của nhân dân lao động.
c) Nền văn học chủ yếu mang khuynh hướng sử thi và cảm hứng lding тап.
- Khuynh hướng sử thi là khuynh hướng tất yếu của nền văn học ra đời trong hoàn cảnh chiến tranh ác liệt kéo dài suốt 30 năm với vấn đề dân tộc nổi lên hàng đầu; nó không thể là tiếng nói riêng của mỗi cá nhân mà phải đề cập tới số phận chung của cả cộng đồng, của toàn dân tộc. Văn học mang đậm chất sử thi, tập trung phản ánh những vấn đề cơ bản nhất, có ý nghĩa sống còn của đất nước: Tổ quốc còn hay mất, độc lập tự do hay nô lệ. Nó hướng tới những sự kiện có ý nghĩa lịch sử, hướng tới vẻ đẹp cao cả, lí tưởng của chủ nghĩa yêu nước, chủ nghĩa anh hùng và sức mạnh chiến thắng của con người Việt Nam, dân tộc Việt Nam bằng lời văn trang trọng và đẹp một cách hào hùng, tráng lệ. Đó là vẻ đẹp của Người mẹ cầm súng, của Người con gái Việt Nam, của Dáng đứng Việt Nam,...
- Khuynh hướng sử thi thường được kết hợp với cảm hứng lãng mạn làm cho văn học giai đoạn này thấm nhuần tinh thần lạc quan, tạo nên một nét thẩm mĩ đặc trưng cho nền văn học chống Pháp và chống Mĩ của dân tộc trong suốt 30 năm kháng chiến thần thánh của một nhân dân anh hùng.
4. Căn cứ vào hoàn cảnh lịch sử xã hội và văn hóa, hãy giải thích vì sao văn học Việt Nam từ 1975 đến hết thế kỉ XX phải đổi mới.
- Ngày 30 - 4 - 1975, cuộc chiến tranh ái quốc vĩ đại chống đế quốc Mĩ đã kết thúc thắng lợi. Lịch sử dân tộc lại mở ra một kỉ nguyên mới - kỉ nguyên độc lập, tự do và thống nhất đất nước.
- Tuy nhiên, từ 1975 đến 1985, đất nước ta lại gặp những thử thách nghiệt ngã mới, nhất là khó khăn về kinh tế do hậu quả trầm trọng của chiến tranh tàn khốc kéo dài suốt 30 năm cộng thêm ảnh hưởng không nhỏ do hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô (cũ) và Đông Âu bị sụp đổ. Tình hình đó đòi hỏi đất nước phải đổi mới, “vấn đề có ý nghĩa sống còn” của toàn dân tộc.
- Từ 1986, với công cuộc đổi mới do Đảng Cộng sản đề xướng và lãnh đạo, kinh tế nước ta cũng từng bước chuyển sang nền kinh tế thị trường, văn hóa nước ta cũng có điều kiện tiếp xúc rộng rãi với văn hóa nhiều nước trên thế giới.
- Đất nước bước vào công cuộc đổi mới thúc đẩy nền văn học cũng phải đổi mới phù hợp với nguyện vọng của nhà văn và người đọc cũng như quy luật phát triển khách quan của nền văn học.
5. Hãy nêu những thành tựu ban đầu của văn học Việt Nam từ 1975 đến hết thế kỉ XX. Dựa vào SGK, anh (chị) nêu những thành tựu chủ yếu của văn học giai đoạn này theo 2 chặng: từ 1975 -1985 là chặng đường chuyển tiếp, trăn trở, tìm kiếm con đường đổi mới; từ 1986 trở đi là chặng đường văn học đổi mới mạnh mẽ, sâu sắc và khá toàn diện. Đọc kĩ và học thuộc phần Ghi nhớ trong SGK để nắm được bài học.
LUYỆN TẬP
Bình luận ý kiến của Nguyễn Đình Thi: “Văn nghệ phụng sự kháng chiến, nhưng kháng chiến đem đến cho văn nghệ một sức sống mới. Sắt lửa mặt trận đang đúc nên văn nghệ mới của chúng ta.” (Nhận đường).
Hướng dẫn làm bài
Từ mối quan hệ giữa văn nghệ và kháng chiến (hiện thực cuộc sống) thấy rõ bản chất và đặc trưng của nền văn nghệ mới của chúng ta từ Cách mạng tháng Tám 1945 đến 1975. Có thể bình luận những ý sau đây:
a) Văn nghệ phụng sự kháng chiến: đó là mục đích hướng tới của nền văn nghệ mới. Nó phải gắn bó mật thiết với vận mệnh chung của đất nước, phải phục vụ cuộc sống của nhân dân mà ở đây chính là cuộc sống đánh giặc để bảo vệ độc lập tự do cho đất nước.
b) Kháng chiến đem đến cho văn nghệ một sức sống mới: Hiện thực cách mạng - kháng chiến của dân tộc đã đem đến cho văn nghệ những chất liệu sống phong phú, những cảm hứng nồng nàn để tạo ra tác phẩm tốt. Chính cuộc kháng chiến đã đem đến cho văn nghệ một sức sống mới trẻ trung, khỏe khoắn, để văn nghệ có thể phụng sự kháng chiến tốt hơn. Ý này đã được hình tượng hóa và nhấn mạnh thêm bằng câu: “Sắt lửa mặt trận đang đúc nên văn nghệ mới của chúng ta”.
c) Như vậy là, qua mối quan hệ nói trên giữa văn nghệ và kháng chiến, ta thấy được bản chất và đặc trưng của nền văn nghệ mới: đó là một nền văn nghệ của nhân dân, gắn bó mật thiết với vận mệnh của đất nước, từ cuộc sống cách mạng của nhân dân và đất nước mà lớn lên, để rồi phục vụ cuộc sống đó của nhân dân, của đất nước theo mô hình “văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận” và nhà văn là “chiến sĩ trên mặt trận ấy” (Hồ Chí Minh).
d) Cách nói với hai ý “ngược” nhau nhưng lại thống nhất với nhau khiến luận điểm càng thêm sâu sắc.