Giải bài tập Ngữ văn lớp 12: Tuyên Ngôn Độc Lập
Giải bài tập Ngữ văn lớp 12: Tuyên Ngôn Độc Lập Học tốt Ngữ văn 12 Giải bài tập Ngữ văn lớp 12 Để học tốt Ngữ văn 12 , VnDoc.com mời các bạn học sinh tham khảo tài liệu: Giải bài tập Ngữ văn lớp 12 : ...
Giải bài tập Ngữ văn lớp 12: Tuyên Ngôn Độc Lập
Giải bài tập Ngữ văn lớp 12
Để học tốt Ngữ văn 12, VnDoc.com mời các bạn học sinh tham khảo tài liệu: Giải bài tập Ngữ văn lớp 12: Tuyên Ngôn Độc Lập, tài liệu đã được VnDoc cập nhật chi tiết nội dung về tác giả và tác phẩm bài Tuyên Ngôn Độc Lập, hy vọng các bạn học sinh sẽ có kết quả cao hơn trong học tập.
Lời giải hay bài tập Ngữ văn lớp 12: Tuyên Ngôn Độc Lập
PHẦN 1: TÁC GIẢ
I. VÀI NÉT VỀ TIỂU SỬ (xem SGK)
Về tác giả Hồ Chí Minh, cần chú ý mấy điểm sau đây:
- Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhà yêu nước và cách mạng vĩ đại của dân tộc, đồng thời là một nhà hoạt động lỗi lạc của phong trào cộng sản quốc tế.
- Người còn là một nhà thơ, nhà văn lớn của dân tộc với một sự nghiệp văn học phong phú và có giá trị về nhiều mặt.
- Năm 1990, nhân dịp kỉ niệm 100 năm ngày sinh của Hồ Chí Minh, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) đã ghi nhận và suy tôn Người là Anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa.
II. QUAN ĐIỂM SÁNG TÁC VĂN HỌC NGHỆ THUẬT
Hồ Chí Minh là người am hiểu sâu sắc quy luật và đặc trưng của hoạt động văn nghệ, từ phương diện nội dung tư tưởng đến hình thức nghệ thuật. Điều đó trước hết được thể hiện trực tiếp trong hệ thống quan điểm văn học nghệ thuật của Người.
1. Hồ Chí Minh coi văn nghệ là một vũ khí chiến đấu lợi hại phụng sự cho sự nghiệp cách mạng. Nhà văn cũng phải có tinh thần xung phong như người chiến sĩ ngoài mặt trận. Quan điểm đó được Người nói rõ trong bài Cảm tưởng đọc “Thiên gia thi”:
Thơ xưa thường chuộng thiên nhiên đẹp,
Mây, gió, trăng, hoa, tuyết, núi, sông,
Nay ở trong thơ nên có thép,
Nhà thơ cũng phải biết xung phong.
Và khẳng định trong Thư gửi các họa sĩ nhân dịp triển lãm hội họa 1951: “Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận, anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy”.
2. Hồ Chí Minh luôn chú trọng tính chân thật và tính dân tộc của văn chương, coi tính chân thật như một thước đo giá trị của văn chương nghệ thuật. Người căn dặn nhà văn phải “Miêu tả cho hay, cho chân thật và cho hùng hồn” hiện thực phong phú của đời sống, và phải “giữ tình cảm chân thật”; “Nên chú ý phát huy cốt cách dân tộc” và phải có ý thức giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt. Người còn đề cao sự sáng tạo của nghệ sĩ, và nhắc nhở “chớ gò bó họ vào khuôn, làm mất vẻ sáng tạo...”
Khi cầm bút, Hồ Chí Minh bao giờ cũng xuất phát từ mục đích, đối tượng tiếp nhận để quyết định nội dung và hình thức của tác phẩm văn học. Người luôn tự đặt câu hỏi: “Viết cho ai?” (đối tượng viết), “Viết để làm gì?” (mục đích viết); sau đó mới quyết định “Viết cái gì?” (nội dung) và “Viết thế nào?” (hình thức). Và tùy từng trường hợp cụ thể, Người đã vận dụng phương châm đó theo những cách khác nhau. Vì thế những tác phẩm của Người chẳng những có tư tưởng sâu sắc, nội dung thiết thực mà còn có hình thức nghệ thuật sinh động, đa dạng. Đó là ba điểm cốt lõi trong quan điểm sáng tác văn học nghệ thuật của Hồ Chí Minh. Người tự đề ra cho mình quan điểm sáng tác đó và Người đã tuân thủ đúng theo những điều đã đề ra. Toàn bộ sự nghiệp văn học lớn lao mà Người để lại cho dân tộc chính là những minh chứng hùng hồn và đẹp đẽ cho quan điểm sáng tác văn học nghệ thuật của Người.
III. SỰ NGHIỆP VĂN HỌC
Văn chương không phải là sự nghiệp chính của Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, bên cạnh sự nghiệp cách mạng vĩ đại, Người còn để lại một di sản văn học lớn lao về tầm vóc tư tưởng, phong phú về thể loại và đặc sắc về phong cách nghệ thuật.
1. Văn chính luận Do yêu cầu cách mạng, phần lớn những bài viết của Hồ Chí Minh thuộc loại văn chính luận, nhằm mục đích đấu tranh chính trị, tiến công trực diện kẻ thù hoặc thể hiện những nhiệm vụ cách mạng của dân tộc qua những chặng đường lịch sử. Văn chính luận của Người, dù viết bằng tiếng Pháp hay tiếng Việt, viết khi đang hoạt động cách mạng ở nước ngoài hay khi đã về nước lãnh đạo phong trào cách mạng, đều mang tính chiến đấu mạnh mẽ và có tác dụng to lớn. Bởi Người đã nhằm đúng đối tượng, để viết: với kẻ thù thì châm biếm, đả kích sắc sảo, giàu chất trí tuệ, tiêu biểu là Bản án chế độ thực dân Pháp viết bằng tiếng Pháp, xuất bản lần đầu ở Pa-ri năm 1925; với nhân dân thì phổ cập, đại chúng, ngắn gọn, dễ hiểu. Văn chính luận của Người kết hợp chặt chẽ giữa nội dung tư tưởng lớn lao với nghệ thuật nghị luận già dặn, giữa lí trí sáng suốt và tình cảm nồng nàn, giữa người viết và người đọc, đi thẳng vào lòng quần chúng nhân dân để dấy lên sức mạnh và hành động cách mạng. Có thể nói Hồ Chí Minh là một cây bút chính luận mẫu mực trong văn chính luận hiện đại nước ta với những tác phẩm đã đi vào lịch sử dân tộc như Tuyên ngôn Độc lập (1945), Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến (1946), Không có gì quý hơn độc lập, tự do (1966).
2. Truyện và kí
Hồ Chí Minh còn là một cây bút văn xuôi đầy tài năng với những tác phẩm truyện và kí đặc sắc viết bằng tiếng Pháp khi Người hoạt động cách mạng ở Pháp trong những năm 20 của thế kỉ XX. Những truyện này đăng báo ở Pa-ri, sau này được tập hợp lại trong tập Truyện và kí của Nguyễn Ái Quốc: Pa-ri (1922), Lời than vãn của bà Trưng Trắc (1922), “Vi hành” (1923), Những trò lố hay là Va-ren và Phan Bội Châu (1925), v.v... Các tác phẩm này đều nhằm tố cáo tội ác dã man, bản chất tàn bạo và xảo trá của bọn thực dân và phong kiến tay sai đối với nhân dân lao động các nước thuộc địa, đồng thời đề cao những tấm gương yêu nước và cách mạng. Bằng một bút pháp rất hiện đại, Nguyễn Ái Quốc đã tạo nên được những tình huống truyện độc đáo, hình tượng góc cạnh, sinh động, sắc sảo, với nghệ thuật trần thuật linh hoạt. Truyện và kí đã đem đến cho văn học dân tộc một vẻ đẹp riêng độc đáo của Nguyễn Ái Quốc.
3. Thơ ca
Thơ ca thể hiện rõ nhất tâm hồn nghệ sĩ của nhà thơ Hồ Chí Minh. Do yêu cầu cách mạng, Người có viết một số thơ ca tuyên truyền hồi tiền khởi nghĩa, nội dung phổ cập, dễ hiểu nhưng trong đó vẫn có những bài có tính nghệ thuật cao như Ca sợi chỉ, Con sáo và tổ ong, Nhóm lửa, ... Thơ nghệ thuật của Người nói lên tâm hồn tinh tế, nhạy cảm và nhân cách cao đẹp tuyệt vời của Bác trước thiên nhiên, con người và cuộc sống. Nhật kí trong tù là tập thơ chữ Hán nổi tiếng của Hồ Chí Minh vì đó chính là bức chân dung tự họa của Người trong những ngày bị giam cầm đau khổ và khắc nghiệt nhất. Đọc Nhật kí trong tù, Đặng Thai Mai “thực sự cảm thấy đứng trước một thi sĩ và một con người cao cả vĩ đại”; còn nhà văn Viên Ưng (Trung Quốc) thì khẳng định đã tìm thấy ở tập thơ “một tâm hồn vĩ đại của bậc đại trí, đại nhân, đại dũng”. Thơ kháng chiến của Bác được tập hợp lại trong hai tập Thơ Hồ Chí Minh (1967) và Thơ chữ Hán Hồ Chí Minh (1990), vừa có màu sắc cổ điển, vừa hiện đại, nổi bật lên hình ảnh nhân vật trữ tình mang nặng “nỗi nước nhà” mà phong độ vẫn ung dung, tâm hồn luôn hòa hợp với thiên nhiên, thể hiện bản lĩnh của một nhà cách mạng vĩ đại luôn luôn làm chủ tình thế, tin vào tương lai tất thắng của cách mạng, tuy trước mắt còn biết bao gian nan, thử thách.
IV. PHONG CÁCH NGHỆ THUẬT
Phong cách nghệ thuật Hồ Chí Minh độc đáo, đa dạng mà thống nhất. Nhìn chung, ở mỗi thể loại văn học, từ văn chính luận, truyện kí đến thơ ca, Hồ Chí Minh đều tạo được những nét phong cách riêng, độc đáo và hấp dẫn. Ví như: văn chính luận của Người thường ngắn gọn, súc tích, vừa có lí lại có tình, đi thẳng vào lòng người, đầy sức thuyết phục; truyện và kí lại rất hiện đại, thể hiện tính chiến đấu mạnh mẽ và nghệ thuật trào phúng sắc bén; còn thơ nghệ thuật thì có sự hòa hợp độc đáo giữa bút pháp cổ điển và bút pháp hiện đại, giữa chất tình và chất “thép”, giữa trong sáng, giản dị và hàm súc, thâm trầm, sâu xa (trong khi thơ tuyên truyền cách mạng thường được viết bằng hình thức bài ca, lời lẽ giản dị, mộc mạc, dễ nhớ, mang màu sắc dân gian hiện đại), ... (Anh (chị) có thể xem thêm những nét phong cách riêng của từng thể loại trong SGK). Tuy ở từng thể loại, phong cách nghệ thuật của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh có những nét riêng hết sức phong phú, đa dạng nhưng vẫn thống nhất ở một phong cách chung của Người. Đó là cách viết ngắn gọn, trong sáng, giản dị, sử dụng linh hoạt các thủ pháp và bút pháp nghệ thuật khác nhau nhằm thể hiện một cách nhuần nhị và sâu sắc nhất tư tưởng của người cầm bút.
V. KẾT LUẬN
Văn thơ Hồ Chí Minh là di sản tinh thần vô giá, là một bộ phận gắn bó hữu cơ với sự nghiệp cách mạng vĩ đại của Người. Văn thơ của Người không chỉ có tác dụng to lớn đối với quá trình phát triển của cách mạng Việt Nam mà còn có vị trí đặc biệt quan trọng trong lịch sử văn học và đời sống tinh thần của dân tộc. Tìm hiểu văn thơ của Hồ Chí Minh, người đọc thuộc nhiều thế hệ được trực tiếp soi vào thế giới tâm hồn rộng lớn của Người và có thể tìm thấy ở đấy những bài học cao quý.
• HƯỚNG DẪN ĐỌC BÀI
Dựa vào các mục II, III, IV trong bài học trên đây để trả lời các câu hỏi 1, 2, 3, trong phần Hướng dẫn học bài.
Cuối cùng, đọc kĩ và học thuộc phần Ghi nhớ trong SGK để nắm được bài học.
• LUYỆN TẬP
Gợi ý làm bài tập:
Bài 1
Đề bài yêu cầu phân tích bài thơ Chiều tối (Mộ) trong tập Nhật kí trong tù để làm sáng tỏ một nét phong cách của thơ Hồ Chí Minh: sự hòa hợp độc đáo giữa bút pháp cổ điển và bút pháp hiện đại. Có thểxem lại bài thơ Chiều tối (Mộ) đã học ở lớp 11.
Cách làm như sau:
- Tìm những biểu hiện của bút pháp cổ điển trong bài thơ.
- Tìm những biểu hiện của bút pháp hiện đại trong bài thơ.
- Xét xem hai bút pháp đó đã hòa hợp với nhau trong bài thơ như thế nào?
Bài 2
Những bài học thấm thía và sâu sắc mà anh (chị) tiếp thu được khi học và đọc những bài thơ trong tập Nhật kí trong tù của Hồ Chí Minh?
Phạm vi, nội dung của bài tập rộng và đòi hỏi một sức khái quát cao để làm bài. Anh (chị) có thể tiến hành theo các bước:
- Tìm đọc thêm một số bài trong tập Nhật kí trong tù (ngoài Mộ và Lai Tân đã học).
- Suy nghĩ về nội dung các bài thơ đó.
- Từ các bài thơ đó, khái quát thành những bài học thấm thía và sâu sắc của bản thân mình.
PHẦN HAI: TÁC PHẨM
I. TÌM HIỂU PHẦN TIỂU DẪN
Phần Tiểu dẫn trong SGK được viết sáng rõ mà đầy đủ. Anh (chị) cần đọc kỹ để nắm được những ý cơ bản sau đây giúp cho việc đọchiểu văn bản:
- Đoạn 1 là hoàn cảnh ra đời của tác phẩm: Tuyên ngôn Độc lập đã ra đời trong một hoàn cảnh lịch sử thật đáng ghi nhớ: khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
- Bốn đoạn sau là những ý cơ bản cần nhớ để đi vào tìm hiểu bản Tuyên ngôn:
+ Tuyên ngôn Độc lập là một văn kiện có giá trị lịch sử to lớn.
+ Đối tượng hướng tới của bảng Tuyên ngôn Độc lập: đồng bào trong nước và cả thế giới, đặc biệt là với những lực lượng thù địch và cơ hội quốc tế đang mang dã tâm tái nô dịch đất nước ta (cần chú ý đến đối tượng thứ hai này của bản Tuyên ngôn).
+ Tuyên ngôn Độc lập là một tác phẩm chính luận đặc sắc.
+ Tuyên ngôn Độc lập còn là một áng văn tâm huyết của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
II. ĐỌC - HIỂU VĂN BẢN
A. Đọc văn bản
Văn bản không dài, cần chú ý tập đọc nhiều lần để bước đầu tiếp xúc với tác phẩm. Có thể tiến hành cách đọc như sau:
- Đầu tiên, đọc thầm bằng mắt: đọc chậm, kĩ để bao quát nội dung toàn tác phẩm.
- Sau đó, đọc to thành tiếng, và cố gắng đọc diễn cảm theo nội dung, cách viết từng đoạn:
+ Đoạn mở đầu: đọc với giọng trang trọng, nhấn mạnh các ý khẳng định của tác giả.
+ Đoạn giữa:
- Phần tố cáo tội ác của thực dân Pháp đọc với giọng dồn dập, căm thù;
- Phần nhân dân ta giành chính quyền đọc với giọng tự hào, khoan dung đối với kẻ thù.
+ Đoạn cuối (phần tuyên ngôn): đọc với giọng trang trọng, hùng hồn, tự hào, quyết tâm.
B. Tìm hiểu văn bản
1. Bố cục của bản
Tuyên ngôn Độc lập Tuyên ngôn Độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh được bố cục chặt chẽ theo cách bố cục của một bài văn nghị luận, gồm 3 phần ứng với loại văn tuyên ngôn như sau:
a) Mở đầu (từ đầu đến “không ai chối cãi được”) Nêu nguyên lí làm cơ sở lí luận và tư tưởng cho bản Tuyên ngôn: Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng, quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc.
b) Đoạn giữa (từ “Thế mà” đến “chứ không phải từ tay Pháp”) Chứng minh nguyên lí: Thực dân Pháp là kẻ làm trái nguyên lí (tố cáo tội ác về mọi mặt của chúng); nhân dân ta là người thực hiện đúng nguyên lí (đã tự đứng lên để giành lại chính quyền).
c) Đoạn cuối (phần còn lại) Lời tuyên bố độc lập của Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa với thế giới và ý chí quyết tâm giữ vững quyền tự do, độc lập của toàn thể dân tộc Việt Nam.
2. Việc trích dẫn bản
Tuyên ngôn Độc lập (1776) của nước Mĩ và bản Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền (1793) của cách mạng Pháp trong phần mở đầu bản Tuyên ngôn Độc lập là một cách viết rất cao tay của Chủ tịch Hồ Chí Minh đem lại những ý nghĩa sâu sắc cho bản Tuyên ngôn được viết ra trong hoàn cảnh lịch sử đặc biệt lúc bấy giờ. Như chúng ta đã biết, đối tượng hướng tới của Tuyên ngôn Độc lập không chỉ là đồng bào trong nước mà cả với thế giới, đặc biệt là với những lực lượng thù địch và cơ hội quốc tế đang mang dã tâm tái nô dịch đất nước ta. (Xem thêm trong Tiểu dẫn). Trích dẫn hai bản Tuyên ngôn của Mĩ và Pháp trong phần nêu nguyên lí mở đầu tác phẩm, một mặt, Bác đề cao truyền thống bình đẳng, nhân đạo, tư tưởng dân chủ tiến bộ của nhân dân hai nước Mĩ và Pháp lúc bấy giờ, mặt khác, lại có tác dụng ngăn chặn âm mưu xâm lược của chúng (Xem Tiểu dẫn); đồng thời, như thế cũng là cách Bác đặt cuộc cách mạng của nhân dân ta năm 1945 ngang hàng với cuộc cách mạng của Pháp và Mĩ, đặt bản Tuyên ngôn Độc lập của Việt Nam ngang hàng với hai bản Tuyên ngôn của hai nước lớn đó, khẳng định về quyền tự chủ và vị thế bình đẳng của dân tộc ta trên toàn thế giới. Đây là nghệ thuật dùng “gậy ông đập lưng ông” - ngón võ dân gian rất hiệu nghiệm của nhân dân ta mà Bác đã sử dụng thật tài tình trong phần mở đầu bản Tuyên ngôn.
3. Trong phần thứ hai của bản
Tuyên ngôn Độc lập, tác giả tập trung tố cáo tội ác của thực dân Pháp trong hơn 80 năm đô hộ nước ta. Đó là do mối liên hệ giữa phương châm sáng tác của Hồ Chí Minh với tác phẩm: bao giờ Người cũng xuất phát từ mục đích, đối tượng tiếp nhận để quyết định nội dung và hình thức của tác phẩm. Đối tượng mà Người hướng tới khi viết bản Tuyên ngôn Độc lập không chỉ là đồng bào trong nước mà còn với cả thế giới, đặc biệt là với những lực lượng thù địch và cơ hội quốc tế đang mang dã tâm một lần nữa nô dịch đất nước ta, trong đó có thực dân Pháp. Phải bằng mọi cách để ngăn chặn âm mưu xâm lược của chúng. Trong phần mở đầu bản Tuyên ngôn, Người đã trích dẫn bản Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Cách mạng Pháp năm 1791 để ngăn chặn một cách gián tiếp, thì ở đây, Người tập trung tố cáo mạnh mẽ tội ác của thực dân Pháp chính là một cách ngăn chặn trực tiếp hơn, có hiệu quả hơn.
Tác giả đã lật tẩy bộ mặt xảo quyệt, tàn bạo của thực dân Pháp bằng những lí lẽ xác đáng và những sự thật lịch sử không chối cãi được, phơi bày tất cả tội ác của chúng đối với nhân dân ta: “Về chính trị, chúng tuyệt đối không cho nhân dân ta một chút tự do dân chủ nào.
(...) Chúng lập ra nhà tù nhiều hơn trường học. Chúng thẳng tay chém giết những người yêu nước thương nòi của ta. Chúng tắm các cuộc khởi nghĩa của ta trong những bể máu.
(...) Về kinh tế, chúng bóc lột dân ta đến xương tủy, khiến cho dân ta nghèo nàn, thiếu thốn, nước ta xơ xác, tiêu điều. Chúng cướp không ruộng đất, hầm mỏ, nguyên liệu
(...)”. 14 điệp từ “chúng”. Vang lên, dằn mạnh trong đoạn văn tố cáo cùng với cách nêu liên tiếp, dồn dập những tội ác của thực dân Pháp bằng lối viết khẳng định của tác giả, đã lên án mạnh mẽ chủ nghĩa thực dân Pháp trong bản Tuyên ngôn Độc lập lịch sử này.
4. Tuyên ngôn
Độc lập là một tác phẩm tràn đầy tâm huyết của Chủ tịch Hồ Chí Minh về khát vọng độc lập tự do của dân tộc, về vị thế bình đẳng của đất nước ta trên toàn thế giới.
Trước hết cần thấy rằng khi soạn thảo bản Tuyên ngôn Độc lập lịch sử này, Người không chỉ dựng lên một văn bản tuyên ngôn đầy đủ, mẫu mực với tính lôgic và tính pháp lý chặt chẽ của nó, mà còn viết ra bằng tất cả tâm huyết của một người con yêu nước đối với đất nước và dân tộc mình. Tấm lòng đó đã làm nên chất văn cho tác phẩm, khiến Tuyên ngôn Độc lập không chỉ là một bài văn chính luận hùng hồn, đanh thép, có sức thuyết phục cao, mà còn là một áng văn xúc động lòng người. Tâm huyết của Người được bộc lộ sâu sắc qua các mặt sau đây:
a) Nói lên khát vọng độc lập, tự do của dân tộc
Đây cũng chính là khát vọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người con yêu nước số một của dân tộc Việt Nam, từng ra đi tìm hình cho nước (tức là đi tìm độc lập, tự do cho dân tộc) nên Người đã thấu hiểu khát vọng đó của dân tộc và tin tưởng sắt đá vào ý chí quyết tâm giữ vững nền độc lập, tự do của nhân dân ta. Ở đây, khát vọng của Bác cũng là khát vọng của nhân dân, và Người đã nói lên khát vọng và ý chí ấy của nhân dân ta một cách hào hùng, mãnh liệt, đầy niềm tin trong bản Tuyên ngôn mở nước này. Khát vọng ấy, ý chí ấy như mạch cảm hứng nồng nàn, như hào quang tư tưởng xuyên suốt bản Tuyên ngôn, càng lúc càng dâng trào và tỏa sáng trong phần tuyên ngôn ở cuối tác phẩm:
“Một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn 80 năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phe Đồng minh chống phát xít mấy năm nay, dân tộc đó phải được tự do! Dân tộc đó phải được độc lập!”.
“Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy.”
b) Vị thế bình đẳng của đất nước ta trên toàn thế giới
Hồ Chí Minh đã viết bản Tuyên ngôn Độc lập bằng một niềm tự hào dân tộc mãnh liệt. Ngay phần mở đầu, Người đã nêu lên nguyên lí: “tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”. Việc trích dẫn hai bản Tuyên ngôn của Mĩ và Pháp, như phân tích trong mục 2 trên đây, cũng là cách để Người đề cao vị thế của cách mạng Việt Nam, của Tuyên ngôn Độc lập nước ta trên toàn thế giới (cũng ngang hàng như các nước lớn). Ở đoạn giữa, Người đề cao thái độ khoan hồng và nhân đạo của nhân dân ta đối với người Pháp khi họ đã thất bại trước quân Nhật. Và sau đó, bản Tuyên ngôn đã khẳng định vị thế mới của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trên toàn thế giới - một đất nước đã đánh đổ cả thực dân, phong kiến để có độc lập, tự do thực sự cho nhân dân. Từ đó mà có một niềm tin chắc chắn vào vị thế của đất nước ta: “Chúng tôi tin rằng các nước Đồng minh đã công nhận những nguyên tắc dân tộc bình đẳng ở các Hội nghị Tê-hêrăng và Cựu Kim Sơn, quyết không thể không công nhận quyền độc lập của dân Việt Nam”.
5. Tác phẩm Tuyên ngôn Độc lập thể hiện phong cách nghệ thuật của Hồ Chí Minh trong văn chính luận ở những điểm chủ yếu sau đây:
- Ngắn ngọn - Súc tích; trong sáng - đanh thép; giản dị - sắc sảo
Dựa vào những gợi ý trên đây, anh (chị) tự phân tích qua văn bản để làm sáng tỏ
Cuối cùng, đọc kĩ phần Ghi nhớ trong SGK để nắm vững bài học.
III. LUYỆN TẬP
Gợi ý làm bài:
- Do chất văn của tác phẩm đem lại, mà chất văn đó có được là do tấm lòng, tâm huyết của người viết từ lòng yêu nước nồng nàn và khát vọng cháy bỏng về độc lập, tự do của dân tộc.
- Ở đây có sự đồng cảm sâu sắc giữa người viết và người đọc (nghe). Lời Bác là ý dân, lãnh tụ đã nói lên đúng khát vọng thiêng liêng của quần chúng trong cái thời khắc lịch sử sang trang, mở ra một kỉ nguyên mới cho đất nước, khiến cho Tuyên ngôn Độc lập trở thành một áng văn xúc động lòng người.