13/01/2018, 16:10

Giải bài tập Địa Lí lớp 11 Bài 10: Cộng hòa nhân dân Trung Hoa (Trung Quốc)

Giải bài tập Địa Lí lớp 11 Bài 10: Cộng hòa nhân dân Trung Hoa (Trung Quốc) TIẾT 1: ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN, DÂN CƯ VÀ TÌNH HÌNH PHÁT TRIỂN KINH TẾ (trang 86 sgk Địa Lí 11): – VỊ trí địa lí, quy mô lãnh thổ có ảnh hưởng như thế nào tới địa hình và khí hậu của Trung Quốc? ...

Giải bài tập Địa Lí lớp 11 Bài 10: Cộng hòa nhân dân Trung Hoa (Trung Quốc)


TIẾT 1: ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN, DÂN CƯ VÀ TÌNH HÌNH PHÁT TRIỂN KINH TẾ

(trang 86 sgk Địa Lí 11): – VỊ trí địa lí, quy mô lãnh thổ có ảnh hưởng như thế nào tới địa hình và khí hậu của Trung Quốc?

Trả lời:

– Vi trí địa lí, quy mô lãnh thổ

+ Diện tích lớn thứ tư trên thế giới.

+ Biên giới với các nước chủ yếu là núi cao, hoang mạc; phía đông giáp biển, mở rộng ra Thái Bình Dương.

+ Miền duyên hải rộng lớn với đường bờ biển dài khoảng 9000 km, cách không xa Nhật Bản và các quốc gia, các khu vực có hoạt động kinh tế sôi động.

– Ảnh hưởng tới địa hình, khí hậu của Trung Quốc:

+ Khí hậu chủ yếu là ôn đới và cận nhiệt.

+ Tạo nên sự khác biệt giữa vùng ven biển và vùng nội địa.

(trang 88 sgk Địa Lí 11): – Dựa vào hình 10.1 và kiến thức trong bài, hãy:

Trả lời:

– Nêu tên các dạng địa hình chính và các sông lớn của Trung Quốc

+ Các dạng địa hình chính: dãy núi, núi cao, bồn địa, sơn nguyên, hoang mạc, đồng bằng, đảo.

+ Các sông lớn: Hoàng Hà, Trường Giang, Hắc Long Giang.

– So sánh sự khác biệt về địa hình, sông ngòi giữa miền Tâv và miền Đông

+ Miền Đông: thấp chủ yếu là đồng bằng phù sa châu thổ màu mỡ (Đông Bắc, Hoa Bắc, Hoa Trung,…). Có hạ lưu các sông lớn (Hoàng Hà, Trường Giang, Hắc Long Giang).

+ Miền Tây: cao, có các dãy núi lớn (Thiên Sơn, Côn Luân, Hi-ma-lay-a, Nam Sơn…), sơn nguyên (Tây Tạng,..), bồn địa (Duy Ngô Nhi, Ta-rim,…). Là nơi bắt nguồn của các sông lớn (Hoàng Hà, Trường Giang, Hắc Long Giang….).

– Phân tích những thuận lợi và khó khăn của các điều kiện tự nhiên đối với sự phát triển kinh tế Trung Quốc.

+ Miền Đông: có các đồng bằng châu thổ rộng lớn, đất phù sa màu mỡ là nơi dân cư tập trung đông đúc, nông nghiệp trù phú. Khí hậu thích hợp cho trồng cây ôn đới ở phía bắc, cây cận nhiệt ở phía nam. Có nhiều mưa về mùa hạ, cung cấp nước cho sản xuất nông nghiệp, nhưng thường gây lụt lội ở các đồng bằng. Giàu khoáng sản kim loại màu, tạo điều kiện cho phát triển công nghiệp.

+ Miền Tây: gồm các dãy núi cao, các sơn nguyên đồ sộ xen lẫn các bồn địa khó khăn cho sản xuất và cư trú. Khí hậu ôn đới lục địa khắc nghiệt tạo nên những vùng hoang mạc và bán hoang mạc rộng lớn. Tài nguyên chính là rừng, đồng cỏ (phát triển chăn nuôi), khoáng sản.

(trang 88 sgk Địa Lí 11): – Quan sát hình 10.3, nhận xét sự thay đổi tổng dân số, dân số nông thôn và dân số thành thị của Trung Quốc.

Trả lời:

Sự thay đổi tổng dân số rất nhanh, gia tăng dân số rất lớn từ năm 1949 đến 1975 (đường đồ thị rất dốc). Mức độ gia tăng dân số giảm trong vòng 30 năm gần đây (đường đồ thị bớt dốc).

Tỉ lệ dân số nông thôn tăng chậm, tỉ lệ dân số đô thị tăng nhanh.

(trang 89 sgk Địa Lí 11): – Dựa vào hình 10.4 và kiến thức trong bài, nhận xét và giải thích sự phân bố dân cư Trung Quốc.

Trả lời:

Nhận xét: dân cư tập trung chủ yếu ở phía đông, tập trung với mật độ cao ở các đồng bằng lớn, vùng duyên hải, ở các thành phố. Vùng phía tây và phía bắc, dân cư rất thưa thớt, nhiều vùng rộng lớn ở phía bắc và phía tây có mật độ dưới 1 người/km2.

Giải thích: Miền Đông có nhiều thuận lợi về tự nhiên (địa hình thấp, đồng bằng phù sa màu mỡ với diện tích rộng, khí hậu thuận lợi, nguồn nước dồi dào,…). Miền Tây rất khó khăn về tự nhiên (diện tích khô hạn lớn, địa hình hiểm trở, khí hậu khắc nghiệt,…).

Bài 1: Dựa vào hình 10.1, nêu đặc điểm địa hình của miền Đông và miền Tây Trung Quốc.

Lời giải:

+ Miền Đông: thấp, chủ yếu là đồng bằng phù sa châu thổ màu mỡ (Đông Bắc, Hoa Bắc, Hoa Trung,…).

+ Miền Tây: cao, có các dãy núi lớn (Thiên Sơn, Côn Luân, Hi-ma-lay-a, Nam Sơn…), sơn nguyên (Tây Tạng,..), bồn địa (Duy Ngô Nhĩ, Ta-rim,…).

Bài 2: Phân tích những thuận lợi và khó khăn về mặt tự nhiên của miền Đông và miền Tây đối với sự phát triển nông nghiệp, công nghiệp Trung Quốc.

Lời giải:

+ Miền Đông: có các đồng bằng châu thổ rộng lớn, đất phù sa màu mỡ là nơi dân cư tập trung đông đúc, nông nghiệp trù phú. Khí hậu thích hợp cho trồng cây ôn đới ở phía bắc, cây cận nhiệt ở phía nam. Có nhiều mưa về mùa hạ, cung cấp nước cho sản xuất nông nghiệp, nhưng thường gây lụt lội ở các đồng bằng. Giàu khoáng sản kim loại màu, tạo điều kiện cho phát triển công nghiệp.

+ Miền Tây: gồm các dãy núi cao, các sơn nguyên đồ sộ xen lẫn các bồn địa khó khăn cho sản xuất và cư trú. Khí hậu ôn đới lục địa khắc nghiệt tạo nên những vùng hoang mạc và bán hoang mạc rộng lớn. Tài nguyên chính là rừng, đồng cỏ (phát triển chăn nuôi), khoáng sản.

Bài 3: Dựa vào hình 10.1 và hình 10.4, nhận xét và giải thích đặc điểm phân bố dân cư của Trung Quốc.

Lời giải:

– Nhận xét: dân cư tập trung chủ yếu ở phía đông, tập trung với mật độ cao ở các đồng bằng lớn, vùng duyên hải, ở các thành phố. Vùng phía tây và phía bắc, dân cư rất thưa thớt, nhiều vùng rộng lớn ở phía bắc và phía tây có mật độ dưới 1 người/km2.

– Giải thích: Miền Đông có nhiều thuận lợi về tự nhiên (địa hình thấp, đồng bằng phù sa màu mỡ với diện tích rộng, khí hậu thuận lợi, nguồn nước dồi dào,…). Miền Tây rất khó khăn về tự nhiên (diện tích khô hạn lớn, địa hình hiểm trở, khí hậu khắc nghiệt;…).

Bài 4: Chính sách dân số đã tác động đến dân số Trung Quốc như thế nào?

Lời giải:

– Làm giảm tỉ lệ gia tăng dân số tự nhiên (năm 2005 chỉ còn 0,6%), giảm mức tăng dân số, dân số dần tiến tới sự ổn định.

– Gây mất cân bằng về giới, số lượng nam có xu hướng lớn hơn số lượng nữ. Về lâu dài, điều này sẽ ảnh hưởng tới nguồn lao động và một số vấn đề xã hội của đất nước.

TIẾT 2: KINH TẾ

(trang 92 sgk Địa Lí 11): – Trung Quốc có những điều kiện thuận lợi nào để phát triển các ngành công nghiệp khai thác, luyện kim và sản xuất hàng tiêu dùng?

Trả lời:

– Có nhiều tài nguyên khoáng sản (than, dầu mỏ, khí tự nhiên, quặng sắt, kim loại màu quý hiếm,…).

– Dân số đông, vừa cung cấp nguồn lao động dồi dào, vừa là thị trường tiêu thụ rộng lớn hàng tiêu dùng.

– Có nhiều chính sách và biện pháp tích cực để phát triển công nghiệp địa phương, sản xuất mặt hàng tiêu dùng.

(trang 93 sgk Địa Lí 11): – Dựa vào bảng 10.1, nhận xét sự tăng trưởng một số sản phẩm công nghiệp của Trung Quốc.

Trả lời:

– Sản lượng của các sản phẩm công nghiệp đều tăng rất nhanh.

– So với năm 1985, đến năm 2004, than tăng 1,7 lần, điện tăng 5,6 lần, thép tăng 68,2 lần, xi măng tăng 6,6 lần, phân đạm tăng gần 2,2 lần.

(trang 94 sgk Địa Lí 11): – Dựa vào hình 10.8, nhận xét sự phân bố một số ngành công nghiệp của Trung Quốc. Phân tích những điều kiện tự nhiên, kinh tế – xã hội tác động đến sự phân bố này.

Trả lời:

– Nhận xét sự phân bố:

+ Luyện kim đen: khu vực Đông Bắc.

+ Luyện kim màu: khu vực Đông Bắc và giữa Trung Quốc.

+ Điện tử, viễn thông: các thành phố lớn ở giữa và đông nam Trung Quốc.

+ Cơ khí: khắp các thành phố ở miền Đông.

+ Chế tạo máy bay: Trùng Khánh, Thượng Hải, Thẩm Dương.

+ Sản xuất ô tô: Bắc Kinh và Nam Kinh.

+ Đóng tàu biển: ở khu vực ven biển.

+ Hóa chất: Cáp Nhĩ Tân, Thành Đô.

+ Hóa dầu: ở khu vực ven biển (Thiên Tân, Thượng Hải, Hồng Kông).

+ Dệt may: phân bố rộng khắp ở nhiều nơi phía Đông.

– Phân tích:

+ Sự phân bố gắn với vùng nguyên, nhiên liệu (luyện kim đen, hóa dầu), gắn với thị trường tiêu thụ (dệt may), gắn với các trung tâm có nguồn lao động chất lượng cao (điện tử, viễn thông), gắn với nơi có điều kiện sản xuất đặc thù (đóng tàu biển, chế tạo máy bay), gắn với nguồn năng lượng dồi dào và rẻ tiền (luyện kim màu,…).

+ Các nhân tố tác động đến sự phân bố công nghiệp Trung Quốc bao gồm cả tự nhiên (địa hình, tài nguyên khoáng sản,…), lẫn kinh tế – xã hội (dân cư và nguồn lao động, cơ sở hạ tầng, đường lôi chính sách, thị trường,..)

(trang 95 sgk Địa Lí 11): – Dựa vào hình 10.9 và kiến thức đã học, nhận xét sự phân bố cây lương thực, cây công nghiệp và một số gia súc của Trung Quốc. Vì sao có sự khác biệt lớn trong phân bố nông nghiệp giữa miền Đông và miền Tây?

Trả lời:

– Nhận xét

+ Cây lương thực (lúa mì, lúa gạo): lúa mì phân bố tập trung ở đồng bằng sông Hoàng Hà và đồng bằng sông Hắc Long Giang, rải rác ở một số bồn địa Tây Bắc. Lúa gạo tập trung ở đồng bằng sông Trường Giang.

+ Cây công nghiệp: phân bố tập trung ở phía Đông, đặc biệt là ở đông nam.

+ Gia súc (ngựa, cừu, bò, lợn): cừu được nuôi nhiều ở phía Tây và phía Bắc, bò ở phía Đông, ngựa ở phía Tây Bắc và Bắc, lợn ở các đồng bằng trồng cây lương thực phía Đông.

– Nguyên nhân của sự khác biệt lớn trong phân bố nông nghiệp giữa miền Đông và miền Tây:

+ Miền Đông có đồng bằng ở hạ lưu các sông lớn, núi thấp, lượng mưa lớn thuận lợi cho phát triển trồng trọt, chăn nuôi bò, lợn.

+ Miền Tây có các đồng cỏ trên núi, cao nguyên cao,… chủ yếu phát triển chăn nuôi gia súc lớn (cừu, ngựa),…

Bài 1: Dựa vào số liệu trong bài, chứng mình kết quả hiện đại hóa nông nghiệp, công nghiệp của Trung Quốc. Phân tích những nguyên nhân đưa đến kết quả đó.

Lời giải:

a) Nông nghiệp – Kết quả:

+ Sẩn xuất được nhiều nông sản có năng suất cao, một số loại có sản lượng đứng đầu thế giới (lương thực, bông, thịt lợn).

+ Ngành trồng trọt chiếm ưu thế so với ngành chăn nuôi. Cây lương thực chiếm vị trí quan trọng nhất về diện tích và sản lượng.

+ Đồng bằng châu thổ sông lớn là các vùng nông nghiệp trù phú của Trung Quốc. Các đồng bằng Đông Bắc, Hoa Bắc trồng lúa mì, ngô, củ cải đường; đồng bằng Hoa Trung, Hoa Nam: lúa gạo, mía, chè, bông.

– Nguyên nhân: Áp dụng nhiều chính sách, biện pháp cải cách trong nông nghiệp: giao quyền sử dụng đất cho nông dân; cải tạo, xây dựng mới đường giao thông, hệ thông thuỷ lợi phòng chống khô hạn và lũ lụt; đưa kĩ thuật mới vào sản xuất, phổ biến giống mới; miễn thuế nông nghiệp…) tạo điều kiện khai thác tiềm năng lao động, tài nguyên thiên nhiên của đất nước.

b) Công nghiệp

Kết quả:

+ Sản lượng một số sản phẩm công nghiệp tăng trưởng nhanh, nhiều sản phẩm đứng hàng đầu thế giới (than, thép, xi mãng, phân đạm).

+ Các ngành công nghiệp kĩ thuật cao như điện tử, cơ khí chính xác, sản xuất máy móc tự động phát triển và góp phần quyết định trong việc Trung Quốc chế tạo thành công tàu vũ trụ và đã đưa người bay vào vũ trụ và trở về Trái Đất an toàn (tháng 10 – 2003).

– Nhiều trung tâm công nghiệp lớn. Các trung tâm này đều tập trung ở miền Đông, đặc biệt ở vùng duyên hải, tại các thành phố lớn như Bắc Kinh, Thượng Hải, Trùng Khánh, Vũ Hán, Quảng Châu,…

– Ở nông thôn, phát triển các ngành công nghiệp vật liệu xây dựng, đồ gốm, sứ, dệt may, sản xuất các mặt hàng tiêu dùng khác dựa trên lực lượng lao động dồi dào và nguyên vật liệu sẵn có. Các ngành này đã thu hút trên 100 triệu lao động và cung cấp tới 20% giá trị hàng hóa ở nông thôn.

– Nguyên nhân:

+ Các xí nghiệp, nhà máy được chủ động trong việc lập kế hoạch, sản xuất và tìm thị trường tiêu thụ.

+ Thực hiện chính sách mở cửa, tăng cường trao đổi hàng hoá với thị trường thế giới và cho phép các công ti, doanh nghiệp nước ngoài tham gia đầu tư, quản lí sản xuất công nghiệp tại các đặc khu kỉnh tế, khu chế xuất.

+ Thu hút mạnh mẽ đầu tư nước ngoài. Chủ động đầu tư, hiện đại hóa trang thiết bị và chú ý phát triển, ứng dụng công nghệ cao cho các ngành công nghiệp.

+ Từ đầu năm 1994, thực hiện chính sách công nghiệp mới, tập trung chủ yếu vào 5 ngành: chế tạo máy, điện tử, hoá dầu, sản xuất ô tô và xây dựng là những ngành có thể tăng nhanh năng suất và đáp ứng được nhu cầu người dân khi mức sông được cải thiện.

Bài 2: Dựa vào hình 10.8, nhận xét và giải thích sự phân bố công nghiệp của Trung Quốc.

Lời giải:

– Nhận xét sự phân bố:

Luyện kim đen: khu vực Đông Bắc.

Luyện kim màu: khu vực Đông Bắc và giữa Trung Quốc.

Điện tử, viễn thông: các thành phố lớn ở giữa và Đông Nam Trung Quốc.

Cơ khí: khắp các thành phố ở miền Đông.

Chế tạo máy bay: Trùng Khánh, Thượng Hải, Thẩm Dương.

Sản xuất ô tô: Bắc Kinh và Nam Kinh.

Đóng tàu biển: ở khu vực ven biển.

Hóa chất: Cáp Nhĩ Tân, Thành Đô.

Hóa dầu: ở khu vực ven biển (Thiên Tân, Thượng Hải, Hồng Kông).

Dệt may: phân bố rộng khắp ở nhiều nơi phía Đông.

– Giải thích: Sự phân bố gắn với vùng nguyên, nhiên liệu (luyện kim đen, hóa dầu), gắn với thị trường tiêu thụ (dệt may), gắn với các trung tâm có nguồn lao động chất lượng cao (điện tử, viễn thông), gắn với nơi có điều kiện sản xụất đặc thù (đóng tàu biển, chế tạo máy bay), gắn với nguồn năng lượng dồi dào và rẻ tiền (luyện kim màu,…).

Bài 3: Vì sao sản xuất nông nghiệp của Trungg Quốc lại chủ yếu tập trung ở miền Đông?

Lời giải:

Vì miền Đông có nhiều điều kiện tự nhiên thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp: địa hình thấp; có các đồng bằng châu thổ rộng lớn, đất phù sa màu mỡ. Khí hậu thích hợp cho trồng cây ôn đới ở phía bắc, cây cận nhiệt ở phía nam. Có nhiều mưa về mùa hạ và đây là nơi có hạ lưu của các con sông lớn, cung cấp. nước cho sản xuất nông nghiệp.

TIẾT 3: THỰC HÀNH: TÌM HIỂU SỰ THAY ĐỔI CỦA NỀN KINH TẾ TRUNG QUỐC

Bài 1: Dựa vào bảng số liệu để tính tỉ trọng GDP của Trung Quốc so với thế giới và nhận xét.

Lời giải:

Nhìn chung từ năm 1985 đến năm 2004, tỉ trọng GDP của Trung Quốc đóng góp vào GDP của thế giới tăng từ 1,93% năm 1985 lên 4,03% năm 2004, tăng đều.

Trung Quốc ngày càng có vai trò quan trọng trong nền kinh tế thế giới.

Bài 2: Nhận xét chung về sản lượng một số nông sản của Trung Quốc.

Lời giải:

Từ kết quả tính toán có thể rút ra một số nhận xét sau:

Nhìn chung sản lượng nông sản tăng. Tuy nhiên, một số nông sản (lương thực, bông, mía) có sản lượng năm 2000 giảm so với năm 1995 (do biến động thất thường của thời tiết)

Một số nông sản có sản lượng đứng đầu thế giới (lương thực, bông, lạc, thịt lợn, thịt cừu).

Bài 3: Dựa vào bảng số liệu 10.4 SGK, vẽ biểu đồ tròn thể hiện cơ cấu xuất, nhập khẩu của Trung Quốc. Nhận xét sự thay đổi trong cơ cấu xuất, nhập khẩu của nước này.

Lời giải:

Nhận xét sự thay đổi trong cơ cấu xuất-nhập khẩu của Trung Quốc:

Cơ cấu giá trị xuất nhập khẩu của Trung Quốc trong thời gian gần đây có bước chuyển biến tích cực:

Tỉ trọng xuất khẩu tăng lên từ năm 1985 đến năm 1995, sau đó lại giảm vào năm 2004, nhưng nhìn chung thời kì 1985-2004 có tỉ trọng xuất khẩu tăng.

Tỉ trọng nhập khẩu giảm từ năm 1985 đến 1995, sau đó lại tăng vào năm 2004, nhưng nhìn chung cả thời kì là giảm.

Năm 1985, Trung Quốc nhập siêu. Các năm 1995, 2004, Trung Quốc xuất siêu.

Bài viết liên quan

  • Giải bài tập Địa lí lớp 7 Bài 38: Kinh tế Bắc Mĩ
  • Giải bài tập Địa Lí lớp 11 Bài 9: Nhật Bản
  • Giải bài tập Địa lí lớp 7 Bài 43: Dân cư xã hội Trung và Nam Mĩ
  • Giải Sinh lớp 9 Bài 60: Bảo vệ đa dạng các hệ sinh thái
  • Giải Sinh lớp 7 Bài 58: Đa dạng sinh học (tiếp theo)
  • Giải bài tập Lịch sử 10 Bài 4: Các quốc gia cổ đại phương Tây – Hi Lạp và Rô – Ma
  • Giải bài tập Địa lí lớp 9 Bài 3: Phân bố dân cư và các loại hình quần cư
  • Giải bài tập Lịch Sử 7 Bài 27 phần 1: Chế độ phong kiến nhà Nguyễn
0