24/02/2018, 19:19

Em hiểu thế nào về lời khuyên của nhân dân trong câu ca dao: Bầu ơi thương lấy bí cùng Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn.

Em hiểu thế nào về lời khuyên của nhân dân trong câu ca dao: Bầu ơi thương lấy bí cùng Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn. Bài làm Người Việt Nam ta có một truyền thống rất quý báu, đó là tinh thần tương thân tương ái “lá lành đùm lá ...

Em hiểu thế nào về lời khuyên của nhân dân trong câu ca dao:

Bầu ơi thương lấy bí cùng

Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn.

Bài làm

Người Việt Nam ta có một truyền thống rất quý báu, đó là tinh thần tương thân tương ái “lá lành đùm lá rách”, tinh thần đoàn kết, giúp đỡ nhau “thương người như thể thương thân”. Truyền thống ấy đã trở thành đạo lí của dân tộc, được thể hiện trong tục ngữ, cao dao. Câu ca dao giàu hình ảnh dưới đây bắt nguồn từ tinh thần ấy:

Bầu ơi thương lấy bí cùng

Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn.

Nói đến lòng yêu thương lẫn nhau, đoàn kết với nhau, câu ca dao trên đã đưa ra hai hình ảnh so sánh giàu sức biểu cảm: “bầu” và “bí”. Bầu và bí tuy là khác giống nhưng được trồng chung trên một mảnh đất, có chung một giàn tre. Chúng thường có chung môi trường, điều kiện sống. Chính vì vậy, chúng càng gần gũi, thân thiết với nhau. Bầu thân mềm, bí cũng thân mềm. Bầu phải tựa vào giàn mới phát triển được. Bí cũng như thế. Chung một giàn có nghĩa là bầu và bí tựa vào nhau, tựa vào giàn. Vì sao bầu bí khác giống nhau mà vẫn phải thương yêu nhau? Nhân dân đưa ra lí do “chung một giàn”. Chung một giàn là chung một địa điểm, chung nhau không gian. Bầu và bí cùng chịu mưa, chịu nắng, cùng sống chung bằng những tấc đất bạc màu hay trù phú, cùng được tưới những dòng nước mát hay cùng chịu những ngày hạn hán. Như vậy cảnh ngộ của chúng không khác gì nhau. Lẽ nào một mình bầu tươi xanh khi bí thi khô héo? Bầu thương bí cũng chính là thương mình. Bí có sống thì bầu mới sống. Nếu bí cỗi cằn thì bầu cũng chẳng tươi xanh.

Câu ca dao nói về bầu và bí nhưng nhân gian không chỉ nói chuyện cỏ cây. Hình ảnh bầu bí là hình ảnh ẩn dụ để khuyên nhủ người đời. Con người cũng như cây bầu, cây bí, tuy khác giống (không phải là anh em “Cùng chung bác mẹ một nhà cùng thân”) nhưng lại sống chung trong một làng, một xã. Hình ảnh giàn bầu và bí gợi cho ta liên tưởng đến một đất nước, một tỉnh, một huyện, một vùng quê, một xã, một làng. Cũng có thể đó là một trường, một lớp học hay một xưởng máy, một cửa hàng. Bầu hãy thương lấy bí hay là những người gần gũi trong một đơn vị, tổ, nhóm hãy đoàn kết, gắn bó và yêu thương nhau.

Không ai có thể sống đơn lẻ một mình, không có mối liên hệ nào với những người khác. Ai cũng có quê hương nghĩa là có những người đồng hương chung làng, chung xóm. Ai cũng phải làm việc nên cũng có những người đồng nghiệp. Khi còn đi học, ai cũng có bạn bè cùng lứa tuổi, cùng chung trường lớp, thầy cô. Chính những nét chung ấy đã giúp họ gắn bó với nhau hơn. Nhờ đó họ càng hiểu nhau, cảm thông cho nhau và giúp đỡ nhau,nhường nhịn nhau. Nhất định cuộc sống sẽ đẹp hơn nếu mọi người đều quan tâm, yêu quý nhau. Vì vậy lòng yêu thương, tinh thần đoàn kết, chia sẻ, nhường nhịn nhau là đức tính, phẩm chất quý báu cần có ở mỗi người.

Lờikhuyên nhủ, kêu gọi yêu thương, đoàn kết không chỉ được nhắc đến trong câu ca dao trên mà chúng ta còn bắt gặp trong những câu ca dao khác:

Nhiễu điều phủ lấy giá gương

Người trong một nước phải thương nhau cùng.

Khôn ngoan đối đáp người ngoài

Gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau.

Thực tế đã chứng minh sự đoàn kết, gắn bó của nhân dân ta mỗi khi có giặc ngoại xâm. Trong những trận chiến đấu ấy, tình thương yêu, đoàn kết đã làm cho dân tộc ta có sức mạnh chiến thắng. Từ miền ngược tới miền xuôi, từ Bắc chí Nam, từ cụ già đến trẻ em, ai ai cũng đồng lòng giết giặc cứu nước. Bởi vì họ đều là dân của đất nước Việt Nam, cùng chung nỗi khổ mất nước, chịu chung ách nô lệ. Chính vì vậy mà nhân dân ta đã đoàn kết, yêu thương nhau, cùng nhau chiến thắng kẻ thù.

Hiện nay đất nước ta đã thống nhất nhưng không phải mọi miền đều giàu có như nhau. Cuộc sống của mọi người cũng khác biệt. Có những người quanh năm làm lụng vất vả nhưng không sao đủ cái ăn, cái mặc. Lại có những người rất giàu sang, đầy đủ. Theo truyền thống yêu thương của dân tộc, cần phải giúp đỡ người nghèo xóa đói giảm nghèo. Những người giàu có giúp người nghèo vay vốn làm ăn, góp tiền ủng hộ quỹ từ thiện chính là thể hiện tinh thần “lá lành đùm lá rách”, truyền thông nhân ái “nhường cơm xẻ áo” của cha ông. Nếu không giúp đỡ, nương tựa vào nhau như vậy làm sao con người có thể cùng nhau vươn lên trong cuộc sống?

Đọc lại câu ca dao kêu gọi lòng yêu thương đùm bọc, ta càng thấy ý nghĩa to lớn của tình thương và tinh thần đoàn kết của người xưa. Tình thương làm cho người ta sống nhân hậu, thân ái với mọi người. Tình thương làm cho con người vượt qua được khó khăn, hoạn nạn. Yêu thương, quan tâm giúp đỡ những người xung quanh, những người hàng xóm, bạn bè là một phẩm chất cần có của mỗi người chúng ta. Người Việt Nam sẽ truyền cho thế hệ mai sau đạo lí tốt đẹp đó để làm cho cuộc đời này thêm đẹp, thêm ý nghĩa hơn.

Từ khóa tìm kiếm nhiều:

0