18/06/2018, 12:59

Duyên dáng chiếc khăn rằn của người dân Nam Bộ

Khăn thương nhớ ai Khăn rơi xuống đất Khăn thương nhớ ai Khăn vắt lên vai… (Ca dao) Khăn rằn Nam Bộ Nhỏ bé, thường không tách rời và tạo thêm vẻ duyên dáng cho trang phục truyền thống của các dân tộc, đó là ...

Khăn thương nhớ ai

Khăn rơi xuống đất

Khăn thương nhớ ai

Khăn vắt lên vai…

(Ca dao)

 

 Khăn rằn Nam Bộ


Nhỏ bé, thường không tách rời và tạo thêm vẻ duyên dáng cho trang phục truyền thống của các dân tộc, đó là những chiếc khăn. Mỗi chiếc khăn mang một dáng dấp riêng nhưng đều thật gần gũi, đáng yêu, trở thành vật thể – tình cảm của cuộc sống và đã được khắc ghi trong ký ức của những đời người, như chiếc khăn rằn của người Nam Bộ, khăn chít, khăn vành của Huế, chiếc khăn Piêu của người Thái, khăn "Khanh ma om" của phụ nữ Chăm An Giang…

Chiếc khăn rằn, nguyên thủy là của dân tộc Khơ-me Nam Bộ, rồi trong quá trình cộng cư ở Nam Bộ mà đến với các dân tộc khác. Chiếc khăn rằn có chiều dài khoảng 1,2m, rộng chừng 40 – 50 cm, thường có hai màu đen – trắng hoặc nâu – trắng, kẻ thành những ô vuông nhỏ trải khắp mặt khăn. Khăn được vắt gọn trên đầu, được quàng lên cổ, một đầu thả trước ngực, một đầu thả sau lưng, hay hai đầu buông xuống phía trước, tạo thêm nét duyên dáng, đằm thắm cho người phụ nữ. Với nam giới, khăn được cột ngang vầng trán, để hai đuôi khăn nhô lên đầu, nút khăn nằm ở phía trước. Khăn rằn đã trở thành một vật dụng tiện lợi và thân thiết cho mọi người, mọi giới trong lao động, chiến đấu và sinh hoạt, để che cơn nắng, thấm dòng mồ hôi, chắn ngọn gió lốc, cả để lau khô dòng nước mắt hay giấu đi một nụ cười…Chiếc khăn rằn cùng chiếc áo bà ba đã trở thành hình ảnh đồng hành gắn bó với cuộc sống của người dân vùng đất phương Nam.
0