11/05/2018, 15:07

Đường lối cách mạng của Đảng trong thời kỳ 1954 – 1975

Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của nhân dân ta (1946-1954) là một điển hình về một dân tộc nhỏ bé có thể thắng một dân tộc lớn, một quân đội trang bị vũ khí kém có thể thắng một đội quân xâm lược đông có trang bị tốt hơn. Đường lối chiến tranh nhân dân, nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh ...

Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của nhân dân ta (1946-1954) là một điển hình về một dân tộc nhỏ bé có thể thắng một dân tộc lớn, một quân đội trang bị vũ khí kém có thể thắng một đội quân xâm lược đông có trang bị tốt hơn. Đường lối chiến tranh nhân dân, nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh là ngọn đuốc rực sáng đã dẫn dắt nhân dân ta làm nên thắng lợi vẻ vang. Đường lối đó là một mẫu mực về tính kiên cường và tinh thần sáng tạo, những đức tính thuộc bản chất của đảng Mác – Lênin chân chính.

Đường lối chiến tranh nhân dân của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh có những quan điểm cơ bản là: Phát động và tổ chức toàn dân kháng chiến; kháng chiến toàn diện trên tất cả các mặt trận: chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa, ngoại giao; kháng chiến lâu dài; dựa vào sức mình là chính, đồng thời tranh thủ sự giúp đỡ của Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa anh em, của cả loài người tiến bộ. Đó là sự kết hợp nhuần nhuyễn nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác – Lênin về chiến tranh cách mạng với truyền thống và tinh hoa về nghệ thuật đánh giặc, giữ nước của tổ tiên và những kinh nghiệm về nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh của các nước anh em và của thế giới. Đường lối đó giải quyết được khó khăn lớn nhất mà nhân dân ta phải vượt qua là: muốn giành thắng lợi thì phải có sức mạnh hơn địch mà trong thời kỳ đầu của chiến tranh thì lực lượng vũ trang của ta so với đội quân xâm lược chỉ như lạng với cân trên cán cân so sánh lực lượng.

Chủ trương kháng chiến toàn dân; kháng chiến toàn diện; đánh lâu dài, dựa vào sức mình là chính… là chủ trương điều khiển chiến tranh bằng sự vận dụng sáng tạo các quy luật của chiến tranh chính nghĩa và nắm vững các quy luật của chiến tranh phi nghĩa; những quan điểm gốc về chiến tranh cách mạng của chủ nghĩa Mác – Lênin.

Chiến tranh chính nghĩa nhằm bảo vệ quyền lợi dân tộc, quyền lợi của nhân dân lao động và bảo vệ chân lý thời đại nên nó có khả năng tập hợp đông đảo lực lượng ở trong nước và trên thế giới. Sức mạnh của một cuộc cách mạng, của chiến tranh cách mạng là sức mạnh của nhân dân. Nhân dân tạo ra mọi sức mạnh. Cuộc chiến tranh chính nghĩa chống xâm lược, giải phóng dân tộc, nhân dân đều đứng dậy chiến đấu để bảo vệ quyền sống, quyền tự do của mình. Trong cuộc chiến tranh chống thực dân Pháp, sức mạnh đó lại càng có tính quyết định. Vì Nhà nước ta vừa mới được thành lập, còn rất non trẻ. Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh có đường lối đúng đắn nên đã tổ chức phát động được nhân dân đông đảo nhất, mạnh mẽ nhất trong lịch sử dân tộc và có tính độc đáo sáng tạo của thời đại. Đó là cơ sở để cơ quan lãnh đạo kháng chiến tổ chức chiến tranh nhân dân; huy động toàn dân đánh giặc. Tuy nhiên cũng có cuộc chiến tranh chính nghĩa chống xâm lược, nhưng cơ quan lãnh đạo chiến tranh không có đường lối chính trị, đường lối quân sự đúng đắn và không có nghệ thuật quân sự tài giỏi thì cũng không giành được thắng lợi. Nhân tố chính nghĩa trong thời đại ngày nay có ý nghĩa rất lớn. Lênin đã nói: “Không bao giờ người ta có thể đánh bại được một dân tộc trong đó bộ phận lớn công nhân và nông dân do kinh nghiệm đã hiểu rằng và đã nghiệm thấy rằng họ bảo vệ chính quyền của họ…”. Phát động và tổ chức toàn dân đánh giặc là phát triển không ngừng cả về số lượng và chất lượng của lực lượng, và từ đó có thể vận dụng nhiều phương thức đấu tranh vô cùng phong phú, sinh động và có hiệu quả cao. Quá trình kháng chiến diễn ra đúng như lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ, không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc. Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp để cứu Tổ quốc. Ai có súng dùng súng. Ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc. Ai cũng phải ra sức chống thực dân Pháp cứu nước”. Đó là kết quả tuyệt vời về huy động lực lượng kháng chiến trong lịch sử chống xâm lược của dân tộc ta. Sức mạnh của nhân dân do Đảng Cộng sản lãnh đạo là sức mạnh dời non lấp biển.

Chiến tranh phi nghĩa chứa đựng nhiều mâu thuẫn cơ bản. Mâu thuẫn chính trị nội bộ của quân xâm lược là mâu thuẫn cơ bản nhất. Mâu thuẫn về chính trị sẽ dẫn tới mâu thuẫn về đường lối và nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh. Tuy vậy, do so sánh lực lượng lúc đầu có lợi cho chúng và do ảo tưởng bởi sự mê hoặc, lừa bịp nên nội bộ chúng có sự nhất trí tạm thời. Điều đó quyết định xu hướng chiến lược của quân xâm lược là “đánh nhanh, giải quyết nhanh”. Nếu buộc phải đánh lâu dài trước một đối phương kiên cường thì mâu thuẫn nội bộ phát triển ngày càng cao đi tới sự tan rã về ý chí xâm lược. Quân Pháp tiến hành chiến tranh phi nghĩa nên phải chủ trương “đánh nhanh giải quyết nhanh”. Ta ở phía chính nghĩa nên dùng nhỏ đánh lớn, lấy ít địch nhiều nên không thể đánh nhanh, tuy nhiên có điều kiện thắng nhanh vẫn là tốt nhất. Chỉ có thực hiện đánh lâu dài, ta mới có đủ thời gian vừa đánh vừa tập hợp và xây dựng lực lượng, từng bước làm chuyển hóa so sánh lực lượng có lợi cho ta, tạo thời cơ và điều kiện để đánh tiêu diệt lớn quân địch, đánh bại từng âm mưu chiến lược, tiến tới giáng đòn quyết định, đánh sập ý chí xâm lược của chúng như: Ăngghen đã nói: “… Những làn sóng của chiến tranh nhân dân cùng với thời gian sẽ nghiền nát và tiêu hủy một đội quân lớn nhất ra từng mảnh…”.

Kháng chiến lâu dài nhưng tích cực tiến công tiêu diệt sinh lực địch, phá âm mưu chiến lược của chúng, tranh thủ giành thắng lợi trong thời gian nhanh nhất là tư tưởng chỉ đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Thời gian dài, ngắn phụ thuộc vào so sánh lực lượng hai bên và tuỳ thuộc vào tốc độ chuyển hóa so sánh lực lượng do nỗ lực chủ quan của ta quyết định; nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh có vai trò to lớn. Sự nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta trong suốt chín năm kháng chiến đã chứng minh điều đó.

Chiến tranh là sự thử thách toàn diện đối với một quốc gia, là cuộc đấu tranh diễn ra trên tất cả các mặt. Đấu tranh quân sự chỉ là biểu hiện tập trung của các mặt chính trị, kinh tế, văn hóa… của một chế độ xã hội. Chiến tranh chính nghĩa, chiến tranh toàn dân cho phép ta huy động mọi khả năng, lực lượng và mọi hoạt động phục vụ, tạo thành sức mạnh tổng hợp to lớn trên cơ sở ý chí thống nhất, nhằm không ngừng phát triển lực lượng ta và tiến công địch từ mọi phía; làm cho chúng suy sụp nhanh. Mâu thuẫn giữa hoạt động quân sự với các mặt chính trị, kinh tế, văn hóa lại là mâu thuẫn cơ bản của chiến tranh phi nghĩa. Tiến công địch toàn diện là đánh thẳng vào điểm yếu chí mạng đó của chúng.

Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, quan điểm dựa vào sức mình là chính có ý nghĩa rất lớn, vừa có tính lý luận, vừa có tính thực tiễn. Trong bối cảnh cách mạng nước ta mới thành công, lại bị bao vây bốn phía, chưa có quan hệ rộng rãi với các nước bạn bè, nếu không phát động, tổ chức được toàn dân và dựa vào sức mình là chính thì không thể kháng chiến thắng lợi. Trong sự vận động của sự vật, nhân tố nội tại chủ quan bao giờ cũng giữ vai trò quyết định. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp nhân tố này càng nổi bật.

Đường lối chiến tranh nhân dân của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh là một tổng thể thống nhất bao gồm đầy đủ những tư tưởng và quan điểm cơ bản nhất bảo đảm lãnh đạo kháng chiến thành công. Đó là những định hướng cơ bản cho việc vận dụng chiến lược, sách lược trong quá trình chỉ đạo chiến tranh.

Đường lối đúng là cơ sở của thắng lợi. Song điều mấu chốt quyết định thắng lợi là nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đây là vấn đề rất phong phú và sinh động. Sau đây xin tóm tắt một số điểm lớn:

Một là, Đảng ta đã giáo dục và phát động tinh thần tự nguyện kháng chiến, xây dựng ý chí kháng chiến vững chắc cho toàn dân. “Thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ…”. Ý chí đó được biểu hiện bằng tinh thần dám đánh, dám xả thân cho thắng lợi, đồng thời biết đánh bằng sự mưu trí thông minh, sáng tạo, tìm ra nhiều cách đánh phong phú thích hợp: cách đánh của từng người, của từng làng đến cách đánh của toàn quân, toàn quốc. Trong phong trào thi đua lập công, sức mạnh tinh thần ấy đã biến thành lực lượng vật chất vô cùng to lớn đưa cuộc kháng chiến vượt qua muôn vàn khó khăn đi tới thắng lợi. Đúng như Lênin đã nói: “Một khi quần chúng lao động bị áp bức đã thực sự tham gia một cuộc chiến tranh cách mạng và quan tâm đến nó, một khi cuộc chiến tranh này làm cho họ nhận thức rõ là họ đấu tranh để chống bọn bóc lột, thì cuộc chiến tranh cách mạng đó sẽ kích thích tính tích cực và tạo ra tài năng làm nên những chuyện diệu kỳ…”.

Hai là, đồng thời với việc xây dựng ý chí kháng chiến, Đảng ta đã tập hợp thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân trong Mặt trận dân tộc thống nhất rộng rãi dưới khẩu hiệu lớn “Độc lập, tự do thật sự cho dân tộc”. Trên cơ sở đó, củng cố chính quyền cách mạng – cơ quan chỉ đạo và tổ chức kháng chiến, xây dựng lực lượng vũ trang ba thứ quân và cô lập cao độ kẻ thù. Ba thứ quân của lực lượng vũ trang nhân dân được tổ chức chặt chẽ, sâu rộng gắn bó với các tổ chức chính trị của nhân dân và có quy mô tổ chức cao dần phù hợp với trình độ trang bị và sự phát triển của chiến tranh, từng bước được nâng lên, có khả năng tác chiến ngày càng lớn là lực lượng nòng cốt thực hiện mục tiêu của từng giai đoạn kháng chiến, từng bước tạo ra chuyển biến về so sánh lực lượng, tiến tới đòn đánh quyết định kết thúc chiến tranh.

Ba là, Đảng ta đã tiến hành phân định giai đoạn kháng chiến. Đó là một nội dung chỉ đạo chiến lược cần thiết, là dự kiến khoa học để hướng dẫn tiến trình phát triển của kháng chiến giành chủ động trong điều hành chiến tranh. Mọi sự vật phát triển đều có phân kỳ, phải từ biến đổi dần dần đến nhảy vọt về chất, từ nhảy vọt cục bộ đến toàn bộ… Có dự kiến các giai đoạn chiến tranh mới có các biện pháp tác chiến phù hợp với từng giai đoạn.

Trong quá trình kháng chiến dù ở giai đoạn nào và áp dụng hình thức tác chiến phổ biến gì, là do điều kiện khách quan quy định, nhưng Đảng ta vẫn nhấn mạnh tư tưởng tiến công, tiến công địch tích cực và kiên quyết; tiêu diệt nhiều và gọn sinh lực địch. Đó là quan điểm đúng đắn, là con đường tranh thủ thắng từng bước để thắng nhanh trong quá trình kháng chiến lâu dài.

Bốn là, Đảng ta đã chú trọng chỉ đạo xây dựng hệ thống căn cứ kháng chiến. Đây là một nội dung về xây dựng hậu phương chiến lược của chiến tranh, một nhân tố quyết định thắng lợi. Trong chiến tranh nhân dân ở nước ta, khái niệm hậu phương chiến lược không chỉ là các khu căn cứ mà còn bao gồm cả vùng giải phóng và vùng tranh chấp mà nhân dân ở đó vẫn thuộc về ta. Từ căn cứ Trung ương ở Việt Bắc đến căn cứ của các khu, các tỉnh, các vùng mà Đảng ta xây dựng đã là nơi tiêu biểu cho ý chí kháng chiến, tiêu biểu cho sức mạnh tinh thần và vật chất của toàn dân. Nó là nơi chỉ đạo và đào luyện lực lượng, là vị trí xuất phát tiến công trong hình thế chiến lược của nghệ thuật lập thế trận cài xen, bao vây, chia cắt và liên tục tiến công quân địch.

Năm là, Đảng ta đã chỉ đạo tiến hành chiến tranh bằng phương thức kết hợp chiến tranh du kích với chiến tranh chính quy; kết hợp tiến công vũ trang với sự nổi dậy phá ách kìm kẹp của nhân dân vùng sau lưng địch. Đó là phương thức tiến công địch từ nhiều phía, nhiều mặt, tạo cho ta sức mạnh tổng hợp hơn địch. Nó thực hiện được kìm giữ, chia cắt, phân tán địch ra mà đánh; đánh địch cả trên chiến trường và trong hậu phương của chúng, làm cho thế trận của địch bị rối loạn, bị phá vỡ thế liên hoàn. Từ đó, làm cho chúng mất quyền chủ động cả trong chiến đấu và chiến lược. Nghệ thuật tác chiến của ba thứ quân trong chiến tranh nhân dân của ta là tạo ra thế trận cài xen kẽ vào đội hình của địch. Đây là thế trận đặc thù của chiến tranh nhân dân, khác với tác chiến kiểu phân tuyến của chiến tranh quy ước. Nó thể hiện tính phổ biến của quy luật về chiến tranh nhân dân và sức sống mãnh liệt của quy luật đó. Cùng một lúc, quân Pháp gặp hai mâu thuẫn. Mâu thuẫn thứ nhất là phải đối phó với chủ lực ta. Mâu thuẫn thứ hai là phải đối phó với nhân dân và lực lượng vũ trang địa phương ta tiến hành tiến công và nổi dậy ở sau lưng chúng. Phải giải quyết cùng một lúc hai mâu thuẫn đang phát triển là điều rất khó khăn. Đương nhiên, các mâu thuẫn trên sẽ dẫn quân Pháp đến con đường bế tắc. Trong quá trình chỉ đạo chiến tranh, dù trong tình hình nào, Đảng ta vẫn luôn luôn chú trọng xây dựng, nắm trong tay lực lượng cơ động mạnh và khi tạo được thời cơ thì kiên quyết tung ra đánh đòn then chốt quyết định, giành thắng lợi to lớn, tiến tới thắng lợi hoàn toàn.

Sáu là, Đảng ta đã chỉ đạo phát huy cao độ nền nghệ thuật tác chiến truyền thống của dân tộc. Nền nghệ thuật đó có đặc trưng là lấy quân tinh thắng quân đông, dùng quân nhỏ địch quân lớn. Trong tác chiến, chúng ta đã dùng mưu kế lừa địch, điều khiển địch, luôn luôn đưa địch sa vào cái bẫy chiến lược, chiến dịch và chiến đấu của ta, luôn luôn giành quyền chủ động trong tác chiến. Ta đã tạo lập và chuyển hóa thế trận chiến tranh nhân dân một cách linh hoạt và mau lẹ. Thế trận ta dựa trên sự phát huy vai trò và khả năng tác chiến của từng thứ quân, từng binh chủng, luôn luôn giữ quyền chủ động tiến công, bao vây, chia cắt, phân tán địch. Chủ động tạo tình huống, điều hành dẫn dắt tình huống, tạo ra thời cơ này nối tiếp thời cơ khác dẫn đến thời cơ lớn cho phép ta tập trung lực lượng đánh đòn then chốt quyết định. Ta đã tiến hành các đòn then chốt quyết định dựa trên cơ sở ba thứ quân mà tổ chức ra các binh đoàn chủ lực, hình thành các tập đoàn chiến lược và chiến dịch đứng chân trên các hướng chiến lược trọng yếu, tạo được sự phối hợp chiến lược trên toàn chiến trường, có thế mới giữ được quyền chủ động về chiến lược. Cục diện chiến lược Đông – Xuân 1953 – 1954 và chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử là điển hình xuất sắc của sự vận động toàn diện nền nghệ thuật ưu việt đó.

Đường lối lãnh đạo chiến tranh đúng đắn là đường lối xuất phát từ bản chất và tính chất của chiến tranh, từ những quy luật cơ bản của chiến tranh, sau đó là sự phân tích đúng đắn thực tế lịch sử khách quan của cuộc chiến tranh đó; với ý chí kiên cường và vận dụng phương pháp luận biện chứng hình thành hệ thống tư tưởng, quan điểm cơ bản nắm vững các quy luật chiến tranh định hướng cho sự vận động của chiến tranh, giành quyền chủ động điều khiển chiến tranh phát huy nhân tố thuận lợi phù hợp với quy luật khách quan.

Đường lối chiến tranh trở thành hiện thực thông qua nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh. Nó quyết định tốc độ, mức độ, thậm chí cả thành bại của chiến tranh. Nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh gồm những chủ trương và kế hoạch chiến lược, thể hiện đầy đủ quan điểm định hướng của đường lối chung, chứa đựng những quan điểm và biện pháp chiến lược, sách lược cụ thể trên từng mặt, từng nội dung và thời gian cụ thể của từng thời kỳ, giai đoạn nổi bật là biện pháp điều hành chiến tranh, điều hành quá trình làm chuyển biến so sánh lực lượng trong từng giai đoạn chiến tranh.

Đường lối và nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh chống thực dân Pháp xâm lược của Đảng ta là một điển hình như vậy.

Chiến tranh vận động có quy luật, đồng thời vận động trong từng hoàn cảnh và điều kiện cụ thể. Hoàn cảnh điều kiện khác nhau thì những biểu hiện vận động của quy luật cũng khác nhau. Điều đó đòi hỏi cơ quan lãnh đạo chiến tranh phải sáng tạo không ngừng để chỉ đạo chiến tranh một cách linh hoạt, thiết thực.

Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đã cung cấp cho ta nhiều bài học quý giá. Những bài học đó đã được vận dụng và nâng cao trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Và cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước lại cung cấp những bài học mới cũng vô cùng quý giá cho công cuộc bảo vệ Tổ quốc ngày nay.

Nguồn: http://dangcongsan.vn/

0