11/05/2018, 15:07

Chủ nghĩa yêu nước trong giai đoạn hiện nay

Đối với dân tộc ta, chủ nghĩa yêu nước đã trở thành một truyền thống văn hóa tốt đẹp, là giá trị tinh thần to lớn vượt qua mọi không gian và thời gian, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ ...

Đối với dân tộc ta, chủ nghĩa yêu nước đã trở thành một truyền thống văn hóa tốt đẹp, là giá trị tinh thần to lớn vượt qua mọi không gian và thời gian, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước”.

Tuy nhiên, không phải truyền thống tốt đẹp ấy lúc nào cũng được phát huy đúng lúc, đúng chỗ vì mục đích cao đẹp nhất, bởi đằng sau đó luôn tồn tại những động cơ, mục đích khác nhau. Chủ nghĩa yêu nước có khi lại trở thành công cụ để kẻ xấu lợi dụng vì những âm mưu, thủ đoạn phi nghĩa.

Những hành động nguy hiểm mà phía Trung Quốc tạo ra trên biển Đông trong thời gian vừa qua đã trở thành thành thách thức lớn đối với chủ quyền quốc gia dân tộc của Việt Nam và môi trường hợp tác khu vực. Để đấu tranh có hiệu quả, trước hết chúng ta cần nhận thức đúng đắn những vấn đề sau đây:

1. Về chủ nghĩa yêu nước của dân tộc Việt Nam

Chủ nghĩa yêu nước là một khái niệm phản ánh hệ thống những tư tưởng, tình cảm, ý chí và hành động của một quốc gia dân tộc, của một giai cấp nhằm bảo vệ nền độc lập tự do, toàn vẹn lãnh thổ và những giá trị vật chất, tinh thần mà dân tộc và tổ quốc đã tạo nên trong suốt quá trình lịch sử dựng nước, giữ nước và phát triển đất nước.

Khái niệm chủ nghĩa yêu nước gắn liền với các khái niệm dân tộc, quốc gia dân tộc, Tổ quốc. V.I.Lênin đã từng nói rằng, chủ nghĩa yêu nước nói chung là “một trong những tình cảm sâu sắc nhất, đã được củng cố qua hàng trăm, hàng ngàn năm tồn tại của các tổ quốc biệt lập”2.

Lấy chủ nghĩa yêu nước của dân tộc Việt Nam làm ví dụ, chúng ta thấy rõ tình cảm thiêng liêng và truyền thống quý báu ấy của người Việt Nam sâu đậm đến mức nào. Ở đây, chúng ta cần kiên quyết phản đối những kẻ xuyên tạc sự thật, chúng cho rằng, người cộng sản quan niệm chỉ có giai cấp công nhân mới yêu nước. Lịch sử nước ta ai cũng thấy rõ, đó là lịch sử yêu nước nồng nàn mấy ngàn năm của dân tộc Việt Nam kể từ các Vua Hùng dựng nước đến các thời kỳ lịch sử của dân tộc ta gắn với các tấm gương tiêu biểu như Hai Bà Trưng, Bà Triệu, Đinh Tiên Hoàng, Lý Nam Đế, Ngô Quyền, Lê Đại Hành, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung… đến chủ nghĩa yêu nước thời đại Hồ Chí Minh. Chủ nghĩa yêu nước Việt Nam được biểu hiện qua các thời đại ở tinh thần xả thân cứu nước mỗi khi đất nước bị xâm lăng, đô hộ, ở ý chí quật cường của cả một dân tộc không chỉ biết bảo vệ Tổ quốc mà còn biết bồi đắp, dựng xây đất nước ngày càng to đẹp và giàu mạnh hơn.

Chủ nghĩa yêu nước Việt Nam là một giá trị bền vững, là nhân tố quan trọng hàng đầu tác động sâu sắc đến đời sống văn hóa tinh thần và đã trở thành truyền thống, bản lĩnh Việt Nam trong suốt quá trình hình thành và phát triển của dân tộc qua các thời kỳ lịch sử; là cơ sở vững chắc gắn kết khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo nên sức mạnh trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

2. Về chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa quốc tế của giai cấp công nhân

Giai cấp công nhân Việt Nam là một bộ phận của dân tộc Việt Nam. Vì vậy, nó có đủ những đặc trưng về chủ nghĩa yêu nước của dân tộc Việt Nam. Lịch sử nhân loại cũng như lịch sử các nước, trong đó có Việt Nam đã chứng minh một chân lý hiển nhiên là trong xã hội có giai cấp thì chủ nghĩa yêu nước cũng có tính giai cấp. Và một khi chủ nghĩa yêu nước được thể hiện thì vấn đề giai cấp và vấn đề dân tộc được gắn kết với nhau, hai mà một. Chúng ta nhớ lại lời Hịch đầy nhiệt huyết của Trần Hưng Đạo với các tướng sỹ của ông: “Mất nước thì chẳng những thái ấp của ta không còn mà bổng lộc các ngươi cũng về tay kẻ khác”. Còn lịch sử thế giới cũng cho thấy, trong cuộc Chiến tranh thế giới lần thứ Hai, để chống lại Phát xít Đức, ở phương Tây có Đờ-Gôn, đại biểu cho giai cấp tư sản Pháp đã liên minh với những người cộng sản Pháp để kháng chiến đánh đuổi kẻ thù chung là quân xâm lược Hít-le. Cũng như vậy, để chống lại Phát xít Nhật ở phương Đông, Tưởng Giới Thạch, đại biểu cho giai cấp tư sản Trung Quốc đã bắt tay với Mao Trạch Đông và Chu Ân Lai, đại biểu cho giai cấp công nhân Trung Quốc. Nhưng sau khi nước Trung Hoa đuổi được quân xâm lược và giành lại độc lập thì quân Tưởng đã tấn công vào các khu căn cứ của Đảng Cộng sản Trung Quốc…

Trong khi đó, chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa quốc tế của giai cấp công nhân nói chung lại được thể hiện nổi bật với bản chất của một giai cấp cách mạng, mục tiêu đấu tranh của họ thống nhất với mục tiêu đấu tranh của dân tộc và nhân loại. Mỗi khi dân tộc có sự biến, đất nước bị xâm lăng thì giai cấp công nhân là người kiên quyết nhất trên tinh thần đấu tranh vì nền độc lập của dân tộc.

Từ chủ nghĩa yêu nước đã hình thành nên chủ nghĩa quốc tế vô sản. Vì vậy, chủ nghĩa quốc tế của giai cấp công nhân là sự đoàn kết của giai cấp công nhân, của tất cả các nước trên toàn thế giới nhằm chống lại và đánh đổ cùng một kẻ thù chung là giai cấp tư sản và xây dựng thành công CNXH và CNCS trên toàn thế giới.

3. Vận dụng chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa quốc tế của giai cấp công nhân trong việc tạo sức mạnh đấu tranh với những việc làm sai trái của Trung Quốc trên Biển Đông hiện nay

Những bước phát triển và thành quả cách mạng thế giới cũng như Việt Nam từ trước đến nay đều không tách rời tác dụng và ảnh hưởng to lớn của sự thống nhất chủ nghĩa yêu nước chân chính và chủ nghĩa quốc tế của giai cấp công nhân, của việc giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa dân tộc và quốc tế. Thực tiễn lịch sử cũng cho thấy, ở đâu và lúc nào mắc phải những lệch lạc, sai lầm trong việc giải quyết mối quan hệ này thì ở đó và lúc đó phong trào cách mạng của mỗi nước cũng như của thế giới gặp phải khó khăn, thậm chí thất bại với những tổn thất nặng nề.

Trong bối cảnh hiện nay, hơn khi nào hết chúng ta càng phải tiếp tục giương cao ngọn cờ của chủ nghĩa yêu nước chân chính và chủ nghĩa quốc tế trong sáng của giai cấp công nhân, vì lợi ích của dân tộc và lợi ích của phong trào cách mạng trên thế giới và của toàn nhân loại.

Tuy nhiên, chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa quốc tế của giai cấp công nhân nói riêng và cả dân tộc nói chung cần phải được đặt đúng chỗ, phải thực sự là chủ nghĩa yêu nước chân chính và vì mục tiêu cao đẹp. Mọi ý chí và hành động của mỗi một người dân phải đúng đắn và sáng suốt, dưới sự lãnh đạo của Đảng và tuân thủ pháp luật của Nhà nước.

Những ngày qua, chúng ta thêm một lần nữa chứng kiến tinh thần yêu nước trong mỗi một người dân Việt Nam. Để phản đối những hành động sai trái của Trung Quốc, người dân trên khắp 3 miền Bắc, Trung, Nam và kiều bào ta ở nước ngoài đã có nhiều hành động thiết thực thể hiện tình thần yêu nước, thể hiện sự đoàn kết quyết tâm bảo vệ vùng biển, đảo, chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, lên án mạnh mẽ những hành động sai trái, phi lý của Trung Quốc.

Chủ nghĩa yêu nước của nhân dân ta đã vượt ra khỏi biên giới quốc gia dân tộc khi đồng bào ta ở nước ngoài cũng hướng về Tổ quốc và bày tỏ lòng yêu nước sâu sắc, sự phản đối mạnh mẽ những hành động hung hăng của Trung Quốc vi phạm chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông và hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Thực tế lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc đã chứng minh rằng: Chủ nghĩa yêu nước đã trở thành một tài sản quý báu nhất của truyền thống dân tộc, nó thực sự là giá trị sức mạnh vượt qua mọi không gian và thời gian. Và ngày hôm nay, chủ nghĩa yêu nước đó đang là ngọn lửa cháy bỏng trong trái tim của hơn 90 triệu đồng bào Việt Nam ở trong nước và hơn 4 triệu kiều bào ta ở nước ngoài.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, cũng còn không ít những quan điểm, tư tưởng sai trái, thể hiện sự nhận thức chưa đúng trong tinh thần đấu tranh trước mọi tình hình. Chủ nghĩa yêu nước đã bị bóp méo, điều chuyển theo hướng không tích cực. Sự việc hàng chục nghìn công nhân tại các khu công nghiệp một số tỉnh trên cả nước xuống đường biểu tình phản đối Trung Quốc gây hấn ở Biển Đông đã bị nhiều người quá khích kích động lợi dụng, xúi giục công nhân đốt nhà xưởng, phá hàng rào, hành hung bảo vệ và chuyên gia của nhiều doanh nghiệp, gây thiệt hại cho doanh nghiệp và bất ổn ở địa phương là một ví dụ buồn.

Hành động đó làm ảnh hưởng đến tình hình trật tự xã hội, phát triển kinh tế, đặc biệt là nó đã làm ảnh hưởng đến hình ảnh và những giá trị văn hóa tốt đẹp của Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế. Càng dễ mắc vào mưu đồ thủ đoạn của các thế lực thù địch phản động.

Chúng ta cần thấy rằng, mọi hành động quá khích đi ngược lại quan điểm của Đảng, Nhà nước, vi phạm luật pháp Việt Nam và quốc tế lúc này sẽ là có tội với lịch sử với dân tộc, vô tình tiếp tay cho bọn cơ hội phản động, thù địch, càng làm phức tạp tình hình và càng gây cản trở hơn trên con đường đấu tranh vì chính nghĩa của dân tộc ta.

Mọi hành động thiết thực thể hiện lòng yêu nước, quan tâm đến vận mệnh của dân tộc đều được khuyến khích và ủng hộ, nhưng mỗi người dân chúng ta cần nhận thức đúng đắn trên cơ sở quán triệt thực hiện đường lối, quan điểm của Đảng, Nhà Nước để có hành động phù hợp, góp phần cùng toàn Đảng, toàn quân và toàn dân bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ Quốc. Chúng ta không máy móc lặp lại những bài học lịch sử mà chúng ta đã có với những thành công vô cùng rực rỡ, nhưng chúng ta vẫn phải giữ vững những nguyên tắc cơ bản đã chỉ đạo hành động của mình trong suốt quá trình cách mạng do Đảng ta lãnh đạo. Chúng ta đã là những người mác-xít lê-nin-nít kiên định trong quá khứ, ngày nay chúng ta vẫn tiếp tục là như vậy trong việc làm tốt hai nhiệm vụ dân tộc và quốc tế.

Nhiệm vụ đặt ra của nhân dân ta lúc này là xây dựng Tổ quốc Việt Nam với mục tiêu nhất quán là độc lập dân tộc gắn liền với CNXH, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Kiên quyết đấu tranh đập tan mọi âm mưu chống phá, xâm lược của các thế lực thù địch bảo vệ bằng được thành quả cách mạng mà cha ông ta đã phải hy sinh xương máu để dành được.

Để hoàn thành sự nghiệp vẻ vang ấy, chủ nghĩa yêu nước chân chính và chủ nghĩa quốc tế trong sáng của dân tộc ta lúc này quy lại ở mấy điểm cơ bản sau đây:

– Thứ nhất, chủ nghĩa yêu nước phải được thể hiện cụ thể qua lao động sáng tạo của mỗi người dân, vì mục đích làm giàu cho bản thân và làm giàu cho xã hội, thực hiện thắng lợi sự nghiệp CNH, HĐH đất nước.

– Thứ hai, chủ nghĩa yêu nước phải được thể hiện rõ qua việc bảo vệ vững chắc nền độc lập dân tộc, quyết không để bất cứ kẻ thù nào xâm phạm, chống lại mọi thứ chủ nghĩa thực dân trá hình, mọi thủ đoạn phá hoại sự nghiệp cách mạng mà nhân dân ta đang quyết tâm thực hiện.

– Thứ ba, trong cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ quốc, chúng ta càng phải nêu cao sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, dựa vào ý chí, sức mạnh của nhân dân, tạo thành sức mạnh to lớn dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, tuân thủ pháp luật. Không tin và làm theo những luận điệu xuyên tạc, lôi kéo sai trái thù địch của kẻ thù.

– Thứ tư, trong lúc này chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa quốc tế của dân tộc ta phải được thể hiện qua đường lối chiến lược và sách lược đúng đắn, khôn khéo, với chính sách đối nội và đối ngoại phù hợp, thể hiện sự thống nhất chủ nghĩa yêu nước chân chính và chủ nghĩa quốc tế trong sáng để tạo được sự đồng thuận và ủng hộ tích cực của nhân loại tiến bộ trên toàn thế giới, tạo sức mạnh to lớn đập tan mọi âm mưu xâm chiếm, phá hoại của kẻ thù, bảo vệ vững chắc nền độc lập dân tộc, góp phần vì mục tiêu hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và phát triển.
Chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa quốc tế luôn được coi là tài sản tinh thần quý báu nhất và luôn luôn cháy bỏng trong trái tim mỗi con người Việt Nam. Và hôm nay, khi cả dân tộc đang phải đối phó với những hành động xâm lấn của Trung Quốc trên Biển Đông thì tinh thần ấy càng trở nên có ý nghĩa và rất cần được phát huy với tất cả những gì tốt đẹp nhất, cao quý nhất./.

0