Đức thánh bất tử Tản Viên
Thăng Long tứ trấn Sự tích thần núi Tản Viên Trong tâm thức dân gian người Việt, từ xa xưa, Tản Viên là một trong bốn vị Thánh bất tử (Tiên Dung - Chử Đồng Tử, Gióng, Tản Viên). Đây là vị Thánh biểu đạt cho những khả năng to lớn của cộng đồng trong lao động sáng tạo ra nguồn ...
-
Thăng Long tứ trấn
-
Sự tích thần núi Tản Viên
Trong tâm thức dân gian người Việt, từ xa xưa, Tản Viên là một trong bốn vị Thánh bất tử (Tiên Dung - Chử Đồng Tử, Gióng, Tản Viên). Đây là vị Thánh biểu đạt cho những khả năng to lớn của cộng đồng trong lao động sáng tạo ra nguồn của cải vô tận và trong chiến đấu chống thiên tai (lũ lụt) để bảo vệ cuộc sống chung.
(Xem thêm: đức Thánh Gióng - Chử Đồng Tử)
Tuy nhiên, đã có hai quan niệm và cách giải thích về nguồn gốc của vị Thánh này:
- Các học giả thời phong kiến (các sử quan, các nhà trước tác) cho Tản Viên là "hạo khí anh linh của trời đất sinh ra" (Kiều Phú, trong Lĩnh Nam chích quái), hoặc cho "Tản Viên là một trong 50 người con theo cha xuống biển của Lạc Long Quân - Âu Cơ". Chàng "từ biển đi vào, qua cửa Thần Phù, ngược sông Hồng đến Long Đỗ, Trấn Trạch, rồi ngược sông Lô, đến Phúc Lộc giang". Từ đấy, "nhìn thấy núi Tản Viên cao vời, xinh đẹp, lại thêm phía dưới dân chúng thuần phác, thái bình", nên "đã làm một con đường thẳng như kẻ chỉ, từ Bạch Phiên Tân lên thẳng phía nam núi Tản Viên, tới động An Uyên, thì lập điện để nghỉ ngơi" (Trần Thế Pháp, cũng trong Lĩnh Nam chích quái, nhưng là một bản khác). Các tác giả Lịch triều hiến chương loại chí (Phan Huy Chú) và Việt sử thông giám cương mục... cũng đều có những quan niệm tương tự.
- Trong khi đó theo quan niệm của dân gian, được thể hiện qua các bản thần tích thần phả ở các làng trong vùng Truyền thuyết Sơn Tinh, Thuỷ Tinh (Hà Tây, Hà Nội, Vĩnh Phúc) thì Thánh Tản Viên lại là người có thực, xuất thân từ tầng lớp nghèo khổ trong dân chúng.
Chúng tôi nhận thấy, quan niệm này phù hợp với những quan niệm chung đã có về các vị Thánh bất tử trong tâm thức dân gian, bởi vì chính quan niệm ấy đã tạo nên một hình tượng "Thánh Tản Viên" có tính hệ thống nhất quán và hoàn chỉnh, mà nếu so sánh, thì cách quan niệm của các học giả thời phong kiến chỉ là rất phiến diện.
*
* *
Dưới thời Hùng Vương thứ mười tám, ở động Lăng Xương bên bờ sông Đà có vợ chồng ông Nguyễn Cao Hạnh, bà Đinh Thị Điên làm nghề đốt than, kiếm củi. Đã đứng tuổi rồi mà hai ông bà vẫn chưa có con, nên đêm ngày mong ước, cầu nguyện có một đứa con trai nối dõi...
Một hôm ông bà vào rừng kiếm củi, đến trưa thấy nóng bức bèn tìm đến một hồ nước nhỏ ở cạnh để tắm. Nào ngờ đang tắm, bà bỗng thấy một con rồng từ trên cao cũng sà xuống đấy. Thế là bà mang thai, nhưng đến mười bốn tháng sau, mới sinh ra một mụn con trai ở trên tảng đá Thạch Bàn. Ông bà vô cùng sung sướng, đặt tên là Tuấn, vì thấy mặt mũi trông thật khôi ngô, sáng sủa.
Khi Nguyễn Tuấn lên 6 tuổi thì ông bố già yếu rồi mất. Còn lại hai mẹ con, bà Đinh Thị Điên thấy cảnh làm ăn cơ cực bèn dắt con sang mé chân núi Ngọc Tản (Ba Vì) nương nhờ trong nhà bà họ Ma.
Bà họ Ma này vốn là một tù trưởng giàu có. Chồng chết, không có con, nhưng cơ ngơi nhà bà rất lớn, gồm tất cả sông núi, ruộng đất, khe lạch ở vùng Ngọc Tản. Nhà bà có rất nhiều gia nhân, đầy tớ và bà cũng là người có tấm lòng từ bi, đại lượng, nên được mọi người rất mực quí trọng.
Lúc đầu, hai mẹ con bà Đinh Thị Điên ở trong nhà bà họ Ma làm gia nhân. Vì bà là người hiền lành, chất phác, lại chăm chỉ công việc, nên được bà họ Ma mến mộ và hay chuyện trò. Chú bé Nguyễn Tuấn, vừa khôi ngô lanh lợi, lại vừa lễ phép, siêng năng, nên cũng được bà hết sức quí trọng. Dần dà bà họ Ma nhận Nguyễn Tuấn làm con nuôi, và đối xử với chàng như con đẻ.
Khi Nguyễn Tuấn đến tuổi trưởng thành thì bà Đinh Thị Điên già yếu rồi qua đời. Chàng ở hẳn với mẹ nuôi, và chăm nom, phụng dưỡng bà chẳng khác nào mẹ đẻ. Lúc ấy, chàng là người sức vóc, giỏi giang lại tài tuấn hơn người, nên được bà họ Ma tin tưởng quí mến, giao cho cai quản tất cả công việc, từ trong nhà cho đến ngoài đồng bãi. Ít lâu sau, bà họ Ma già yếu rồi cũng qua đời. Trước lúc lâm chung, có mặt đông đủ gia nhân, bà trối trăng giao tất cả sản nghiệp lại cho con nuôi là Nguyễn Tuấn cai quản.
Sau khi làm ma và chôn cất cho bà mẹ nuôi xong, Nguyễn Tuấn nghiễm nhiên trở thành một vị Tù trưởng. Tuy nhiên, địa vị này đã không làm cho bản chất của chàng thay đổi.
*
* *
Không như nhiều kẻ nghèo khó sau này, khi được giàu có thì lập tức quên ngay nguồn gốc xuất xứ, mặt mày vênh váo coi khinh mọi người và đối xử tàn nhẫn với đồng loại cứ y như một sự trả thù, thì trái lại, Nguyễn Tuấn lại là một chàng trai cực kỳ tốt bụng và hay thương người. Trong trang trại, chàng bãi bỏ hẳn chế độ gia nhân, từ đây mọi người sẽ cùng làm cùng ăn, còn chàng chỉ là người đứng mũi chịu sào, vừa làm lụng vừa quán xuyến công việc. Ai siêng năng chăm chỉ được chàng động viên, khuyến khích. Ai khó khăn, cơ nhỡ được chàng chăm sóc, giúp đỡ. Ai chây lười hoặc làm điều gì sai trái thì chàng khuyên nhủ, bảo ban. Bản thân chàng là một tấm gương sáng, ai nhìn vào cũng thấy. Do vậy, trong khắp trang trại rộng lớn mà chàng cai quản, mọi người coi nhau như ruột thịt, nhường cơm sẻ áo cho nhau, và tuyệt nhiên không có những chuyện như chây lười, trộm cắp, hoặc chửi bới, gây gổ đánh nhau.
Đối với những việc hiếu nghĩa, chàng lại đặc biệt coi trọng. Mộ phần của cả ba bố mẹ được chàng thường xuyên chăm sóc, thăm nom. Ngày tuần ngày tiết, ngày kỵ, ngày giỗ... chàng đều đến thắp đèn nhang và dâng lễ vật chu đáo. Trước vong linh của người quá cố, bao giờ chàng cũng chắp cả hai tay, cúi đầu khấn vái thật là thành kính.
Vào đầu năm mới hay sau các kỳ thu hoạch lúa và đi săn về, bao giờ chàng cũng cùng mọi người làm lễ tạ ơn trời đất, tổ tiên, cầu mong cho sự yên ấm thịnh vượng.
Lòng thương người của chàng đã làm cho mọi người thực sự cảm phục, kính nể. Còn lòng hiếu nghĩa của chàng thì được mọi người hết sức ngợi ca, noi theo. Tiếng lành đồn xa, những đức tính của chàng được nhiều nơi xa gần biết đến, và đã cảm ứng tới cả trời đất.
Một lần, vào đầu năm mới, Ngọc Hoàng Thượng đế đang cùng triều thần ngồi bàn soạn công việc ở nơi thượng giới. Chợt thấy mùi khói hương bay lên từ phía núi Tản, Ngài cho gọi hai vị Nam Tào, Bắc Đẩu lại, hỏi han cho rõ sự tình. Khi được tâu trình, Ngài cảm động, phái thần Thái Bạch Kim Tinh xuống núi Tản để dạy cho chàng chủ trại võ nghệ và các phép thuật thần thông. Thần Thái Bạch y lệnh, ngay ngày hôm sau xuống trần và ở lại trong khoảng một năm, nhờ đó, Nguyễn Tuấn đã trở thành một người có võ nghệ cao cường, các phép thuật cũng thật cao siêu chưa từng thấy.
Trước khi bay về trời, thần Thái Bạch còn ban cho chàng một chiếc gậy thần có đầu sinh và đầu tử. Một khi dùng đầu sinh chỉ vào người hay vật đang ốm thì lập tức khỏi bệnh, chỉ vào người hay vật đã chết cũng lập tức sống lại. Còn đầu tử thì ngược lại, chẳng những người hay vật đang sống phải chết, mà ngay cả núi non cũng phải lở, thành quách cũng phải đổ.
*
* *
Khi đã có thuật pháp và gậy thần trong tay, Nguyễn Tuấn giao nhà cửa, ruộng nương lại cho mọi người, còn mình thì đi chu du thiên hạ để cứu nhân độ thế. Bàn chân chàng đặt lên khắp mọi miền quê hương đất nước, chẳng thiếu một nơi nào. Theo địa giới ngày nay, từ Nghệ An, Thanh Hoá đến Nam Hà, Hà Tây, rồi Hà Nội, Hà Bắc, Vĩnh Phú... chỗ nào chàng cũng có mặt. Chàng cứu chữa được rất nhiều người, lại bảo ban khuyên nhủ được nhiều kẻ xấu, kẻ ác quay về con đường lương thiện.
Vốn tính tình hào hiệp, độ lượng, nên đi đến đâu chàng cũng có bạn tâm giao hoặc anh em kết nghĩa. Bảo Công ở Sài Sơn (Quốc Oai - Sơn Tây), Trần Khánh ở An Duyên (Thường Tín - Hà Tây), Bảo Ngà ở Vụ Bản (Nam Hà), Tuấn Cương, Quế Hoa ở Bạch Hạc (Vĩnh Phú) v.v... sau này đều là những tướng lĩnh tài ba của chàng cả. Còn những người được chàng cứu sống và thân nhân của họ thì nguyện sẵn sàng đi theo chàng để làm thuộc hạ, kể như rất đông và nơi nào cũng có.
Một ngày kia, trên đường trở về nhà, chàng đi ngang qua làng Ma Xá, ven sông Tích (huyện Ba Vì), gặp một đám trẻ đánh chết con rắn nước lớn rồi bỏ đi. Chàng lại gần, chợt nghĩ rắn nước chỉ quen bắt tép thì làm gì nên tội, nên thương tình, cầm đầu gậy sinh chỉ vào cho con rắn sống lại. Chẳng ngờ, rắn lại là rắn thần, con của Long Vương đội lốt đi chơi xa, nên trong đêm ấy, chàng được một vị sứ giả của Long Vương, mặc quần trắng áo trắng, đội mũ đi giày cũng trắng, đến trao cho một quyển sách ước, để tạ ơn. Chàng vô cùng sung sướng. Nhân dịp trở về nhà sau mấy năm xa cách, chàng đi thăm mồ mả của ba cha mẹ, thăm hỏi, chữa trị cho những người đau yếu trong trang trại, xong, liền mở sách ước, xin một bữa tiệc thật linh đình, để tiếp đãi mọi người. Trong bữa tiệc, được gặp lại vị chủ trại sau mấy năm xa cách lại được thưởng thức những của ngon vật lạ xưa kia chưa từng thấy, nên mọi người trò chuyện cứ vui như mở hội. Cuối buổi tiệc, chàng đứng dậy, nói với mọi người rằng từ nay chàng sẽ đổi tên là Nguyễn Tùng. "Tùng" là cây tùng - chàng giải thích - là bao giờ cũng ngay thẳng, chẳng có sự thiên vị nào. Tùng cũng còn có nghĩa là "Tòng", là từ nay làm điều gì cũng đều nhất nhất tuân theo lẽ phải và sự công bằng, bởi vì không lẽ, khi đã có gậy thần và sách ước trong tay, lại có thể tuỳ tiện muốn làm gì thì làm hay sao?
Sau bữa tiệc, chàng hỏi han mọi người đến cách thức làm ăn bấy lâu nay, rồi cùng mọi người bàn định công việc và giảng giải cho họ những cách làm ăn mới mà do đi ra ngoài, chàng đã học được. Từ đấy, chàng ở lại trang trại, cùng làm ăn sinh sống với mọi người. Tuy nhiên, thỉnh thoảng chàng cũng đi thăm thú và cứu chữa cho dân chúng ở các vùng lân cận. Mọi người, do được chứng kiến những gì xảy ra từ các năm trước và gần đây, trong bữa tiệc, đều một mực gọi chàng là "Đức Thánh Tản", là "Thánh Tản Viên", hay còn gọi là "Sơn Tinh" nữa. Và cái tên ấy cứ truyền ra xa đến mọi miền đất nước, và còn lại mãi cho đến bây giờ...
Chính là vào khoảng thời gian Sơn Tinh đang ở chân núi Ngọc Tản cùng mọi người làm ăn sinh sống, thì ở Kinh đô Phong Châu, công chúa Mỵ Nương, con gái yêu của vua Hùng thứ mười tám, đang cùng nhà vua và các vị đại thần đứng trên lầu cao, kén chọn phò mã...
*
* *
Vua Hùng thứ 18, hiệu Hùng Duệ Vương, vốn là người thuần phác nhân hậu, nhưng hiếm hoi chỉ sinh được mỗi một người con gái. Nàng tên là Mỵ Nương công chúa, càng lớn lên, nhan sắc lại càng lỗng lẫy, xinh đẹp.
Vua nước láng giềng bấy giờ là Thục Phán nuôi tham vọng thôn tính nước Văn Lang từ lâu, nay thấy Mỵ Nương đã lớn, bèn sai sứ giả đến cầu hôn. Thục Phán tính rằng: nếu lấy được Mỵ Nương thì sau này khi Hùng Duệ Vương già yếu tất sẽ phải nhường ngôi cho con rể, và như vậy thật là "một công đôi việc!"
Khi sứ giả đến, Hùng Vương có ý phân vân. Mặc dù biết rất rõ ý định của Thục Phán nhưng nhà vua vẫn muốn gả Mỵ Nương cho, vì nghĩ rằng Thục Phán vốn có họ hàng xa, hơn nữa, gả bán như thế cũng là môn đăng hộ đối.
Tuy nhiên, đến khi đưa ra để các triều thần tham nghị, thì lại có mấy vị Lạc hầu không đồng tình, cho rằng như thế là để mất nước. Một vị đứng lên:
- Muôn tâu Bệ hạ. Xưa kia ta và Thục tuy cùng chung một gốc, nhưng từ nhiều đời, biên giới cương vực đã chia, hơn nữa, Thục Phán đã có dã tâm thôn tính nước ta từ lâu. Bệ hạ gả công chúa như thế, chẳng khác nào ta dâng nước không cho Thục. Bệ hạ bao nhiêu năm trị vì đất nước, há không cho rằng tất cả thần dân đều là thân tín trong nhà? Vả lại nước ta, đất rộng người đông, hẳn chẳng thể thiếu nhân tài vật lực được. Nay theo thiển ý của hạ thần, Bệ hạ nên kén lấy một người trong nước tài cao đức trọng làm phò mã cho công chúa. Rồi ra, sẽ tuyển mộ binh mã, rèn đúc vũ khí, tích trữ lương thực, củng cố lực lượng. Như thế, cương vực lãnh thổ của ta sẽ được lưu truyền, mà dân chúng đời đời cũng chẳng bao giờ quên ơn Bệ hạ...
Vua Hùng im lặng lắng nghe, gật đầu tỏ ý tán thưởng, rồi Ngài quyết định thôi không gả Mỵ Nương cho Thục Phán nữa. Theo lệnh của Ngài, mấy ngày sau, nội cung và quân lính phải dựng một lầu cao ở cạnh hoàng cung, để công chúa kén chồng. Ngài lại cho sứ giả đi khắp trong nước truyền lệnh rằng: Tất cả trai tráng chưa thành gia thất, hễ ai có tài cán gì thì hãy cứ đến Kinh đô để thi thố.
Thế là sau đó, hầu như tất cả các anh tài trong nước đều đã có mặt ở Kinh đô. Tuy nhiên, đã gần hết một tuần mà chưa có ai lọt vào mắt xanh của nhà vua và công chúa cả. Nhưng đến sáng ngày thứ mười, ngay từ buổi sớm, lại có đến hai chàng trai cùng xin vào ứng thí một lần. Một chàng xưng là Sơn Tinh, quê ở chân núi Ngọc Tản, còn một chàng xưng là Thuỷ Tinh, quê ở miền ven biển. Nhà vua nhìn cả hai chàng, thấy đều lực lưỡng, khoẻ mạnh và mặt mũi cũng đều khôi ngô tuấn tú. Tuy nhiên, chàng Sơn Tinh thì hiền lành, còn chàng Thuỷ Tinh lại có vẻ dữ tợn. Nhà vua trong bụng cảm thấy mến chàng Sơn Tinh hơn, nhưng vẫn bảo cả hai người lần lượt vào thi thố.
Sơn Tinh trổ tài trước. Chàng làm lễ bái kiến rồi đi một bài quyền, trông đường đường một võ tướng, một trang nam nhi tuấn kiệt. Xong, chàng cầm lấy gậy thần múa tít, trông bên ngoài chỉ loang loáng như ánh chớp, còn người thì chẳng nhìn thấy đâu. Chắc là chàng vừa múa gậy vừa nhẩm sách ước, nên tự nhiên có trái núi hiện ra. Rồi trái núi biến mất, để thay vào đó, lần lượt là rừng cây, khúc sông, cánh đồng... cho đến cả lâu đài, thành quách. Tất cả vừa thoắt biến rồi lại thoắt hiện.
Nhà vua, các đại thần và công chúa đều hết sức vui mừng. Còn dân chúng đứng xem thì sung sướng nhảy lên reo hò như sấm dậy, khiến cho chàng Thuỷ Tinh chân tay bồn chồn, thái độ giận dữ thì hiện cả ra nét mặt. Biết ý, nhà vua phẩy tay cho chàng Sơn Tinh lui ra, và thế là ngay tức khắc, chàng Thuỷ Tinh nhảy vào.
Chàng vừa nóng vội vừa tức giận đến nỗi quên cả làm lễ bái kiến, mà cứ thế, tay cầm thanh kiếm, múa đi loang loáng. Tài nghệ của chàng quả thực cũng chẳng kém gì Sơn Tinh: người ta chỉ thấy một vầng hào quang màu trắng, còn người thì dường như đã biến mất tăm. Xong bài kiếm, chàng Thuỷ Tinh lấy dải lụa từ ngực áo ra rồi đứng nguyên, dùng tay mà phất. Thế là, mây đen ở đâu ùn ùn kéo đến, sấm chớp nổi lên đùng đùng và mưa đổ nước xuống như trút. Tất cả mọi người đều bị ướt sũng, tiếng ca thán nổi lên, nhưng chàng Thuỷ Tinh mặt vẫn lạnh tanh, lại còn khoái chí cười vang, như thể vừa trả xong được một món nợ.
Từ trên lễ đài, nhà vua đứng dậy toan nói điều gì. Biết ý, chàng Thuỷ Tinh lập tức phất mạnh dải lụa, thế là tự nhiên mưa dứt, bầu trời mặt đất quang đãng trở lại.
Chẳng biết nhà vua nghĩ thế nào, nhưng có thể đoán được ý định của Ngài muốn gả công chúa cho ai, qua lời nghiêm phán sau đây:
- Ta xem tài năng hai chàng, thấy đều xứng đáng là rể của ta cả. Thế nhưng, ta chỉ có một con gái nên chẳng biết sẽ gả cho ai bây giờ... Thôi thì hai chàng hãy trở về nhà chuẩn bị đồ sính lễ, nếu sáng ngày mai ai đến trước, ta sẽ gả công chúa cho. Đồ sính lễ sang quí thế nào ta chẳng biết, nhưng nhất thiết phải có "Voi chín ngà, gà chín cựa, ngựa chín hồng mao"(1). Đấy là cái lệ mà các bậc Tiên vương từ nhiều đời trước đã định, ta đâu dám trái!
Nghe thấy thế, cả hai chàng vội hướng lên lễ đài làm lễ cáo biệt, rồi lập tức trở về nhà chuẩn bị...
*
* *
Chàng Thuỷ Tinh tuy pháp thuật cao cường, nhưng vốn xuất thân từ miền biển, nên chỉ có thể kiếm được ngọc trai, đồi mồi rồi đến tổ yến sào và vàng bạc, chứ voi, ngựa, gà thì chàng đành phải lên vùng rừng núi mà tìm. Thành thử chàng bị chậm.
Trong khi đó, chàng Sơn Tinh pháp thuật cao cường chẳng kém, lại ở miền rừng núi và có sách ước, nên chỉ trong một đêm, mọi thứ mà chàng chuẩn bị đều đã xong xuôi. Vàng bạc, ngọc đá các màu thì tha hồ. Mật gấu, gan tê rồi chim muông lạ, hoa quả quí chàng đều không thiếu. Voi, ngựa, gà chàng cũng có đủ. Mọi người trong trang trại và bạn bè kéo đến chỉ việc đóng các thứ vào rương hòm, rồi cho lên xe và lùa voi, ngựa đi cho đúng hướng mà thôi.
Mờ sáng hôm sau, đoàn rước dâu của Sơn Tinh đã có mặt tại Kinh đô Phong Châu. Chàng vào làm lễ ra mắt, được vua Hùng đón tiếp nồng hậu và nhận làm con rể. Ngay sáng hôm ấy, sau khi tiến hành xong các nghi lễ, chàng Sơn Tinh đưa công chúa Mỵ Nương trở về núi Tản.
Đoàn rước dâu của Thuỷ Tinh, từ cửa sông Hồng đi ngược lên, rồi vào sông Đà chuẩn bị xuôi đến miền Phong Châu. Các rương hòm đựng đồ sính lễ nổi bập bềnh trên mặt nước do bọn ba ba, thuồng luồng vừa bơi vừa đội. Sóng lớn đập vào hai bên bờ, như đang xảy ra bão lớn. Chàng Thuỷ Tinh định bụng, sau khi lên bờ sẽ đi tìm bắt voi, ngựa, gà...
Nào ngờ, khi chàng cùng đoàn bộ hạ ngược lên đến chân vùng núi Tản, đã thấy đoàn rước dâu của Sơn Tinh trở về. Chàng điên tiết thét toáng lên một hồi, làm cho đám thuộc hạ sợ quá lặn sâu ngay xuống nước, các rương hòm vì thế liền bị chìm nghỉm. Vô cùng tức giận, chàng giật phắt dải lụa vẫn cuộn tròn trong túi áo, rồi vung lên, vừa múa vừa phẩy xuống liên hồi, làm cho sấm chớp nổi lên đùng đùng và mưa đổ nước xuống như trút. Nước sông Đà dâng cao, rồi dâng cao mãi. Chẳng mấy chốc, cả một vùng xung quanh núi Tản, chỉ thấy nước ngập tràn mênh mông...
Chàng Sơn Tinh rước dâu về đến nhà, đang định dựng rạp mở tiệc ăn mừng thì bỗng đâu cơn mưa ập tới. Rồi mưa mỗi lúc một to và nước dâng lên cao, khiến chàng phải đưa Mỵ Nương và mọi người trèo ngược lên các đỉnh núi. Từ trên đỉnh núi, chàng thấy cơ man nào là giải, mập, ba ba, thuồng luồng, đang lũ lượt bò lên. Lại nghe thấy cả tiếng của Thuỷ Tinh rền vang như tiếng sấm, hò hét bộ hạ xông vào. "À, hoá ra Thuỷ Tinh đánh đòn ghen định cướp nàng Mỵ Nương đây. Được! Ta sẽ cho chúng biết thế nào là nghĩa lý".
Chàng liền mở sách ước, đọc đến đâu thì thấy từng dẫy đồi núi hiện ra, làm cho mức nước bị chặn ngay lại. Rồi chàng múa gậy thần, nhảy từ đỉnh núi này sang đỉnh núi khác, lại quay đầu gậy tử chỉ vào đám giải, mập, ba ba, thuồng luồng, làm cho chúng lăn quay ra chết, xác chồng lên xác, rơi trở lại, và trôi lềnh bềnh trên mặt nước... Khi những xác đó trôi đến sông Đà, do nhiều quá, đã làm cả một khúc sông bị nghẽn lại.
Vừa đau đớn, vừa căm giận đến tím ruột, bầm gan, chàng Thuỷ Tinh vừa liên hồi quát lên những tiếng sấm hối thúc quân lính, vừa hoá phép, dùng lưỡi tầm sét và những luồng chớp sáng loè, bất thần nhằm vào Sơn Tinh mà đánh. Nhưng làm sao đánh trúng được Sơn Tinh!
Gậy thần của chàng làm cho lưỡi tầm sét của Thuỷ Tinh bị bật văng ra xa, chỉ thấy vô số cây cối bị đổ, đất đá bị sụt lở rơi xuống nước ầm ầm, còn chàng thì vẫn bình yên vô sự.
Quân lính của Thuỷ Tinh càng xông lên bao nhiêu thì càng bị làm chết bấy nhiêu. Nước mưa của Thuỷ Tinh càng dâng lên cao thì càng bị đồi núi của Sơn Tinh chặn lại, và đồi núi cứ vươn lên, bao giờ cũng cao hơn mực nước. Rồi chàng vừa hoá phép, vừa cùng mọi người xây đắp cho đồi núi kết thành một dải hiên ngang, vững chãi như luỹ như thành, bủa vây luồng nước và quân lính của Thuỷ Tinh, chỉ còn để cho một đường duy nhất, là thoát ra biển. Cả một vùng rộng lớn, còn lại đến ngày nay, nào núi Chẹ, núi Đùng, rồi đồi Mom, gò Cháy, v.v... đều là những núi đồi do Sơn Tinh và mọi người xây đắp, để chặn luồng nước và quân lính của Thuỷ Tinh!
Nhưng chàng Thuỷ Tinh đâu có dễ dàng cam chịu thất bại như vậy. Chàng vừa tung những lưỡi tầm sét ác hiểm, vừa cất giọng ồm ồm tập hợp quân sĩ ở Đầm Đượng (Ba Vì) để củng cố lực lượng. Chàng Sơn Tinh cùng mọi người lập tức tiến đến, dùng chuông đá, lưới sắt vừa chặn lối, vừa bủa vây. Một trận đánh kinh hoàng diễn ra, cuối cùng, quân của Thuỷ Tinh thất bại, phải chia ra 16 ngả mà rút chạy.
Khi tàn quân chạy về đến xã Minh Quang, chàng Thuỷ Tinh cho quân lính đào Ngòi Lạt, dẫn nước từ sông Đà vào để đánh úp Sơn Tinh ở phía sau lưng. Lập tức Sơn Tinh cho mỗi người một cái lạt, rồi cùng ném xuống đấy. Thế là trong chớp mắt, lạt đã biến thành tre, rồi tre liên kết với nhau thành tường luỹ dày đặc, ngăn dòng nước của Thuỷ Tinh lại.
Quân lính sống sót của Thuỷ Tinh chạy đến xã Tản Lĩnh, ở đó có một hồ nước lớn. Thuỷ Tinh cho hội quân, gọi là ao Vua. Nhưng ngay sau đó, Sơn Tinh cùng mọi người đã có mặt. Mỗi người cầm một nắm hạt mây rắc xuống xung quanh hồ, và cũng chỉ trong chớp mắt, một rừng mây hiện ra, trùng trùng lớp lớp, vây chặt quân lính của Thuỷ Tinh vào giữa.
Những tên "lính" gan góc, liều lĩnh nhất của Thuỷ Tinh, mặc dầu sầy vẩy, bầm da, hay toạc đầu, gẫy vây, vẫn liều chết chui qua đám gai mây nhọn sắc vượt ra đến ngoài sông Đà. Khi đến Đầm Gà ở huyện Kỳ Sơn (Hoà Bình), đang trong đêm tối, Thuỷ Tinh định củng cố lực lượng phản công thêm một lần nữa, nhưng lại nghe thấy tiếng vỗ cánh rồi tiếng gà gáy của Sơn Tinh, chàng ta tưởng là trời sáng, nên hoảng sợ, bèn vội vàng cho quân lính giải tán mỗi tên mỗi ngả, cùng bơi đi thục mạng. Tàn binh cuối cùng của Thuỷ Tinh xuôi theo sông Đà, ra sông Hồng, tản đi các ngả, hoặc đi mãi ra biển... Và thế là chấm dứt trận giao phong lần đầu, giữa hai chàng Sơn Tinh với Thuỷ Tinh.
Mặc dù chàng Thuỷ Tinh biết rằng yêu thuật và bộ hạ của mình chẳng những không hạ thủ được Sơn Tinh, cướp lại được Mỵ Nương, mà trái lại, còn phải chuốc lấy thất bại thảm hại. Nhưng chàng ta vẫn nuôi mối ghen tức và truyền lòng thù hận đến muôn đời. Năm nào cũng vậy, cứ vào khoảng tháng bảy, tháng tám âm lịch, có khi muộn hơn hoặc sớm hơn một tháng, chàng lại nổi cơn thịnh nộ, gào thét vang trời và làm mưa làm bão xuống địa bàn mà chàng Sơn Tinh cùng đồng bào của chàng sinh sống. Vì vậy, từ đấy về sau, năm nào cũng như năm nào, các con cháu chút chít - hậu duệ của Sơn Tinh, đều phải cùng nhau hợp sức để xây đắp và củng cố những con đê, ngăn chặn không cho dòng nước lụt mà hậu duệ của Thuỷ Tinh gây hại. Chẳng có năm nào hậu duệ của Sơn Tinh thất bại, cũng như chẳng có năm nào hậu duệ của Thuỷ Tinh lại thắng lợi hoàn toàn. Chính vì vậy, mà về sau dòng dõi của chàng Sơn Tinh sinh sôi phát triển, có rất nhiều cánh đồng phì nhiêu, làm ra nguồn của cải vô cùng vô tận, để duy trì nòi giống của mình.
Thế nhưng, cũng có năm, do chểnh mảng không đề phòng kỹ lũ mối cánh - tay sai cúc cung tận tụy của Thuỷ Tinh, nên đã có một vài đoạn đê bị vỡ, để cho nước lũ của Thuỷ Tinh tràn vào đồng ruộng, gây ra thiệt hại. Tuy nhiên, đấy chỉ là những thất bại cục bộ. Tựu trung, con cái cháu chắt của Sơn Tinh, đời đời vẫn chiến thắng được Thuỷ Tinh.
Sơn Tinh cùng Mỵ Nương, tuy phải hàng năm chỗng đỡ với Thuỷ Tinh, nhưng họ vẫn sống yên ổn và hạnh phúc ở vùng núi Tản. Con cái cháu chắt của họ rất đông, toả ra các miền xung quanh, và đến sinh sống cả ở nhiều nơi xa xôi khác nữa. Người con gái đầu tên gọi La Bình, lúc nhỏ thường được bố cho đi thăm thú các nơi. Đến tuổi trưởng thành, La Bình trở thành một phụ nữ tài giỏi và thông tuệ khác thường. Khi Sơn Tinh - Mỵ Nương về già, được Ngọc Hoàng Thượng đế triệu về Thiên đình trao cho phép trường sinh bất tử, để trông nom nhiều công việc giúp Ngài, thì La Bình ở lại, cũng được ban phép trường sinh, trở thành bà Chúa trông nom tất cả các cửa rừng của nước Nam ta...
Nhưng đó là chuyện về sau...
Còn lúc bấy giờ, khi vừa chiến thắng xong Thuỷ Tinh hiệp đầu thì cũng là lúc Sơn Tinh hay tin Thục Phán điểm binh mã sang đánh. Thục Phán hiện đang là một vị vua trẻ tuổi, dũng mãnh can trường và đầy nhuệ khí. Nhưng đấy cũng còn là một con người nông nổi, sau này sẽ để mất nước về tay Triệu Đà...
Khi quân của Thục Phán rầm rầm tiến đến Phong Châu, vua Hùng phải tức tốc triệu hồi Sơn Tinh về Kinh, giao cho cầm quân chống Thục. Mặt khác, nhà vua cũng cho sứ giả đi khắp trong nước, truyền lệnh tòng quân. Chỉ trong vòng một tuần, số quân lính đã đông tới hàng vạn. Các bạn bè cũ và anh em kết nghĩa của Sơn Tinh thảy đều có mặt. Sơn Tinh giao cho Cao Sơn, Quí Minh hai người em con ông chú tài ba nhất, chỉ huy đạo quân tiên phong, còn tự mình thì thống lĩnh trung quân. Các tướng: Bảo Công chỉ huy tả quân, Trần Khánh chỉ huy hữu quân, toả ra hai gọng kìm, còn các tướng khác, vốn là họ hàng xa của vua Hùng, như Lang Bút, Lang Mao, Lang Lôi... thì được giao cài chông, đặt bẫy phục kích quân Thục.
Khi quân của Thục Phán tiến vào Phong Châu thì thế trận của Sơn Tinh cũng đã bày đặt xong. Ý định của Sơn Tinh là đánh cho Thục Phán một trận thua nhớ đời, không còn bao giờ dám đem quân tới xâm lấn nữa. Vì vậy, chàng đã không mở sách ước và gậy thần ra, bởi vì nếu không, Thục Phán và quan quân đều đã bị tiêu diệt hoàn toàn rồi.
Tuy vậy, trận chiến đấu giữa hai bên cũng vẫn diễn ra vô cùng ác liệt. Lúc đầu, quân Thục chạm trán với đạo quân tiên phong của Cao Sơn, Quí Minh đã bị tổn thất nặng nề. Về sau, khi gặp trung quân của Sơn Tinh thì hoàn toàn bị núng thế, Thục Phán phải vừa đánh vừa rút lui. Sau một hồi, các cánh quân khác của Sơn Tinh cũng đồng thời ập tới bao vây. Thế là quân Thục Phán đại bại, Thục Phán phải mở đường máu mới khỏi bị bắt làm tù binh. Quân Sơn Tinh tiếp tục truy đuổi. Và tuy không bắt được Thục Phán nhưng cũng bắt được hai tướng là Hùng Nỗ và Đà Gia, sau khi đuổi vào đến tận làng Hội Thống...
Cuộc chiến tranh Hùng - Thục chấm dứt, Thục Phán phải cầu hoà, từ đấy vĩnh viễn từ bỏ ý đồ xâm lược. Sơn Tinh được vua Hùng hết sức quí mến, rồi nhà vua quyết định nhường ngôi cho chàng, vì cảm thấy mình cũng đã già yếu. Từ chối mãi không được, cuối cùng Sơn Tinh cũng đành phải nhận lời...
*
* *
Sau khi lên trị vì đất nước, Sơn Tinh hết lòng chăm lo đến đời sống của dân chúng. Tuy nhiên, do bận nhiều công việc triều chính, nên chàng cũng không trực tiếp đến được nhiều nơi. Rồi lại phải lo chống những toán giặc nhỏ hay sách nhiễu ở các vùng biên giới, như giặc Hồ Xương, giặc Hồ Tôn, giặc Man và giặc Mũi đỏ. Dưới thời chàng trị vì, đất nước luôn luôn được thái bình và như thế kéo dài suốt trong ba năm...
Vốn bản tính không thích làm vua mà chỉ muốn sống cuộc đời dân dã, nên khi nghe trong đám Lạc hầu, Lạc tướng dòng dõi các vua Hùng, có người dị nghị, cho rằng chàng không phải là người Hoàng tộc mà cũng được làm vua, thì chàng hoàn toàn tự ái, một mực đòi trả lại ngôi báu cho vua Hùng thứ mười tám.
Không thuyết phục được Sơn Tinh nên nhà vua đành phải vời các triều thần đến để thương nghị. Sau khi bàn soạn kỹ lưỡng, mọi người đều cho rằng nên nhường ngôi lại cho Thục Phán là hơn. Thục Phán tuy có ngông ngạo mang quân gây chiến, nhưng dù sao cũng là người tài chí, có chút họ hàng xa với các vua Hùng, và nay cũng đã biết hối lỗi, hàng năm cho người đến triều cống rồi... Thấy lời bàn hợp tình hợp lý, vua Hùng thứ mười tám bèn chấp thuận.
Sau khi nhường ngôi cho Thục Phán, Sơn Tinh cùng Mỵ Nương lại trở về vùng núi Ngọc Tản. Vua Hùng thỉnh thoảng cũng về đấy ở với con rể và con gái. Còn Thục Phán sát nhập hai nước Thục và Văn Lang thành nước Âu Lạc, rồi xưng là An Dương Vương.
An Dương Vương lúc đầu xây dựng cung miếu ở vùng núi Nghĩa Lĩnh, sau đó một thời gian mới chuyển sang thành Ốc tức Loa thành. Để ghi nhớ sự kiện Sơn Tinh nhường ngôi cho mình, và cũng để tỏ lòng biết ơn, An Dương Vương cho lập ở Nghĩa Lĩnh một cột đồng rất lớn để ghi lời thề, rồi tới các ngày tuần tiết, đều tự đến đấy thắp đèn hương, dâng lễ vật và đọc lời thề nguyện.
*
* *
Sau khi nhường ngôi, Sơn Tinh cùng Mỵ Nương trở lại vùng núi Tản, lúc ấy họ còn rất trẻ. Vừa lo xây dựng kinh tế và chăm sóc đời sống của các thành viên trong trang trại, Sơn Tinh vẫn còn nhiều thời gian để đi thăm thú các vùng xung quanh. Đi đến đâu chàng cũng mang những điều hiểu biết của mình, do thu thập được ngay từ hồi còn trai trẻ chưa lấy vợ, để chỉ bảo cho dân chúng.
Đến vùng núi Cẩm Đái (huyện Ba Vì) chàng rất ngạc nhiên thấy mọi người ở đây vẫn còn chưa biết cách lấy lửa, do vậy vẫn đang phải sống trong cảnh tối tăm. Sơn Tinh cho gọi tất cả các cụ già thổ dân lại, rồi bày cho họ cách lấy lửa như thế nào.
Trước các cặp mắt sững sờ và đầy thán phục của các cụ, chàng làm các động tác thật chuẩn xác và điêu luyện, khiến cho mọi người từ đấy cứ một mực gọi chàng là Thần. Sự thật thì những động tác này cũng khá đơn giản và ai học xong cũng đều có thể làm ngay được.
Trước hết, cần có một đống bùi nhùi khô và hai ống nứa hay hai ống giang già cũng thật khô, được cố định lại và có dây buộc để kéo. Đặt hai ống vào giữa đống bùi nhùi rồi kéo nhanh cho chúng cọ xát vào nhau nhiều lần, thế là thành lửa!
Đến vùng rừng Măng (nay là xã Sơn Đồng - Ba Vì) Sơn Tinh thấy đám đông thợ săn đang chạy theo một con thú. Người ném đá, người phóng lao, rồi reo hò vây đuổi mà vẫn không bắt được. Con thú chạy nhanh quá. Chàng gọi mọi người lại, bày cho họ cách làm hầm đặt chông rồi nguỵ trang ở trên, hoặc gài bẫy để bắt các con thú lớn. Đối với thú nhỏ hoặc gà rừng, công, phượng... thì cũng gài bẫy đặt mồi hoặc căng lưới để bủa vây mà bắt.
Khi đi qua vùng sông Tích, thấy cả một vùng rộng lớn đất đai phì nhiêu (nay là xã Liệp Tuyết - Quốc Oai) mà tịnh không có cây lúa nào, chỉ thấy lau lách mọc đầy. Sơn Tinh cho gọi dân làng lại, bày cho họ cách đắp bờ giữ nước rồi phát quang cỏ dại. Tiếp đến, chàng lại cho một ít hạt giống, do mang theo sẵn bên mình, và bày cho họ cách gieo mạ. Đến khi mạ lên xanh, chàng lại bảo họ làm theo mình: nhổ mạ rồi chia ra từng vài dảnh một, cấy xuống các thửa ruộng đã be bờ, vơ cỏ, cày cuốc trước kia.
Đến mùa thu hoạch, dân làng cho người đi mời chàng đến để dự tiệc mừng. Thấy mọi người chỉ biết ăn uống rồi chuyện trò, cười đùa mà không có trò vui nào cả, Sơn Tinh gọi trai gái làng lại, dạy cho họ cách múa hát. Trước khi ra về, chàng còn dặn hàng năm cứ đến sau kỳ thu hoạch thì lại mở hội và múa hát mừng mùa như thế. Lâu dần rồi thành lệ, bây giờ ở đấy vẫn còn, gọi là hội múa Rô.
Cũng ở vùng sông Tích, nơi Sơn Tinh vẫn thường qua lại, tôm cá có rất nhiều, nhất là vào những tháng lũ lụt, nước sông dâng lên cao. Bấy lâu, dân chúng trong vùng này mới chỉ biết mò cá bằng tay hoặc cùng lắm là dùng nơm để úp. Sơn Tinh, do biết cách kiếm cá bằng lưới đan của người vùng biển, nên đã bày lại cho dân ở đây. Trước hết chàng bảo mọi người đi tìm cây gai là loài cây có vỏ mềm và dai về trồng. Đến kỳ cây lớn, chàng bảo họ tước lấy vỏ cây rồi xé ra, xe thành những sợi nhỏ và bền. Đem đan các sợi này vào nhau tạo thành các loại vó và lưới, sẽ bắt được nhiều cá.
Nhờ các loại lưới và vó ấy của Sơn Tinh mà dân ở vùng sông Tích đã đánh bắt được rất nhiều tôm cá các loại. Sau này, để tưởng nhớ công ơn của chàng, ở vùng này có tục đánh cá thờ hàng năm để cúng, tất nhiên, đấy phải là loại cá quí hiếm và thật lớn.
Công ơn dạy dân biết thêm nhiều nghề nghiệp mới để sinh sống và phát triển của Sơn Tinh, kể ra còn thêm nhiều nữa mà ở trên chỉ là vài ví dụ. Ở khắp vùng truyền thuyết Sơn Tinh, chỗ nào cũng thấy ghi công đức của chàng, và lưu truyền đến tận ngày nay.
*
* *
Lại kể về công chúa Mỵ Nương, vợ của chàng Sơn Tinh khả kính, cũng là người đã để lại nhiều công đức với dân chúng và được lưu truyền.
Ấy là việc nàng dạy cho các bà các cô trong vùng núi Tản quê chồng biết nghề chăn tằm và ươm tơ dệt luạ, để may quần áo. Trước đó, nghề này mới chỉ lưu truyền ở vùng Phong Châu, vốn là kinh đô của nước Văn Lang cũ. Đây là nghề tuy rất thiết yếu, nhưng chỉ các bà hoàng hậu, công chúa và cung tần thân tín mới được chỉ dẫn cách thức và các bí quyết nghề nghiệp. Lụa là, do vậy, mới chỉ được dùng trong hoàng tộc và ở nhà các vị đại thần (Lạc hầu, Lạc tướng), còn dân chúng và quân lính chỉ mới biết dùng các loại vải bằng xô gai lấy từ vỏ cây mà thôi.
Mỵ Nương vốn là nàng công chúa yêu của vua cha và hoàng hậu, nên ngay từ bé đã rất thành thạo nghề chăn tằm và ươm tơ dệt lụa. Nàng dạy lại cho các bà các cô ở vùng này biết được nghề đó. Những nương dâu bạt ngàn mọc lên ở ven sông. Nhà nào cũng có người chăn tằm, dệt lụa. Lụa ở vùng này, ngay từ thời đó, đã nổi tiếng khắp cả nước. "Ăn quả nhớ kẻ trồng cây", hàng năm Mỵ Nương đều cho chọn một vài xúc lụa đẹp nhất, để đưa về Kinh, cung tiến vua cha và hoàng tộc.
Dân chúng trong vùng, vốn chăm chỉ, lại thấm nhuần sâu sắc ý thức ơn nghĩa, nên vẫn duy trì mãi đến sau này hội tiến lụa có từ thời Mỵ Nương. Đám rước diễu hành theo thứ tự: một người đi đầu mang nong kén, vừa đi vừa múa hát. Theo sau là những cô gái óng ả mặc toàn đồ tơ lụa, tay cắp rổ lá dâu, cũng vừa đi vừa múa hát. Thứ đến là một chiếc kiệu chất đầy lụa quí, do 16 chàng trai lực lưỡng ăn mặc đẹp đẽ khiêng. Dân chúng theo sau cùng, vừa đi vừa reo hò để hộ tống.
Sự tích, và nhất là công đức của Sơn Tinh - Mỵ Nương đến nay vẫn còn được lưu truyền và in rất đậm trong tâm thức dân gian người Việt. Cả một vùng truyền thuyết rộng lớn với nhiều nghi lễ, hội hè đã nhắc lại quá khứ vinh quang của hai ông bà. Ngoài danh vị "Thánh bất tử", hai ông bà còn được tôn xưng là "Đệ nhất danh sư" trong "Bách nghệ tổ sư" của nước Nam ta.
*
* *
Cao Biền là viên quan cai trị gian ngoan xảo quyệt, biết thiên văn địa lý lại tinh thông lý số. Khi vua Đường sai sang dẹp quân Nam Chiếu rồi ở lại làm Tiết độ sứ (866 - 874), y đã từng đi khắp nơi trong nước ta, thấy chỗ nào "địa linh" là tìm cách yểm bùa để diệt "nhân kiệt". Pháp thuật của Biền là bắt một người con gái mười bảy tuổi chưa chồng, đem mổ bụng vứt ruột đi, rồi lấy cỏ bấc nhồi vào, đoạn, mặc quần áo cho tử thi, đặt ngồi trên ngai ngay ngắn. Y đem người chết đến huyệt định yểm, rồi tế bằng trâu bò và đọc thần chú. Hễ khi nào thấy tử thi động đậy, tức là thần linh ở đấy đã nhập vào, là y dùng kiếm chém đầu để diệt, tức là đã trừ yểm xong.
Khi đến chân núi Tản Viên, y cũng làm như thế, vì biết ở đây có vị Thánh bất tử linh thiêng vào bậc nhất của nước Nam. Nhưng khi tế lễ, rồi niệm thần chú, bắt quyết... Biền thấy tử thi cứ trơ trơ, chẳng có cử động nào.
Đấy chính là lúc Thánh Tản Viên cưỡi ngựa trắng ngồi trên mây bay ngang qua, nhìn thấy. Để tỏ ý khinh bỉ trò khôi hài của Biền, Ngài đã nhổ xuống một bãi nước bọt mà bỏ đi, không thèm nói năng.
Cao Biền thấy vậy cả sợ, dẹp ngay trò quỷ thuật lại, rồi than rằng: "Linh khí phương Nam không thể lường được. Vượng khí ở đây không bao giờ dứt. Ta phải về thôi".
Về sau quả nhiên Cao Biền được lệnh phải triệu hồi về nước, rồi sau đó mấy tháng thì chết.