18/06/2018, 13:02

Đồng cốt

ĐỒNG CỐT . Là những người thờ Chư Vị. Thờ bà chúa Liễu Hạnh, bà chúa Thượng Ngàn... thì gọi là đồng Đức Mẹ. Thờ các hoàng tử thì gọi là đồng Đức Ông. Thờ các cậu gọi là đồng Cậu; thờ các cô gọi là đồng Cô. Đàn bà hay đau yếu, chữa mãi không khỏi, hay suy nghĩ vẩn vơ, lại bị ...


ĐỒNG CỐT

. Là những người thờ Chư Vị. Thờ bà chúa Liễu Hạnh, bà chúa Thượng Ngàn... thì gọi là đồng Đức Mẹ. Thờ các hoàng tử thì gọi là đồng Đức Ông. Thờ các cậu gọi là đồng Cậu; thờ các cô gọi là đồng Cô.

Đàn bà hay đau yếu, chữa mãi không khỏi, hay suy nghĩ vẩn vơ, lại bị bạn bè xui giục, tự cho là mình có số phải thờ, phải đội bát nhang xin làm con công, đệ tử ở tĩnh thờ nào đấy; rằm, mồng một phải đến lễ.

Người đồng cốt phải sắm khăn chầu áo ngự khá tốn kém, vì ngồi giá đồng nào phải mặc quần áo riêng thích hợp với giá ấy. Có người đi lễ xa, phải mang cả chục bộ khăn chầu áo ngự. Những nơi nổi tiếng, nhiều người đến lễ là đền Sòng, đền Phủ Giầy, đền Bắc Lệ... Khi lên đồng, có cung văn đệm đàn, hát chầu văn. Người lên đồng uốn éo nhảy nhót, phát ra những tiếng the thé để phán bảo những người kêu cầu, ban lộc cho cung văn, cho “ghế”, “đệm” ngồi hầu bóng ở xung quanh đang hết sức tâng bốc, nịnh hót… Có khi đồng phán cho lấy rượu hoả thang để đồng rửa mặt rửa tay, ban cho tàn hương nước thải để về nhà uống, hoặc ban cho một chén nước quết trầu để về xoa chỗ đau. Nhà chủ đã cúng một hôm rồi thì mỗi tối phải trầu rượu hương hoa đến lễ, xin dấu uống hoặc xin bùa đeo. Khi nào bệnh bớt thì phải lễ tạ, tuỳ đồng phán gì thì phải biện lễ cho đủ, hoặc bày gà, xôi oản quả, hoặc bằng tiền.

MÚA ĐỒNG. Múa của các ông đồng, bà đồng trong hầu bóng. Kết hợp với nhạc và hát trong khi hầu thể hiện sự tái sinh (nhập hồn) của các vị thánh nhập vào thân xác của các ông đồng, bà đồng; tạo nên trạng thái phấn khích, ngây ngất để người có thể hợp thể và hoà đồng với thần linh. Trong hầu bóng chỉ trừ ba giá hầu các mẫu là không có múa, còn hầu hết giá hầu nào cũng có múa. Tùy theo vị trí và tính cách của từng vị thánh mà có những động tác múa khác nhau, như giá hàng quan thường múa kiếm, long đao, kích; giá hàng các chầu bà thì múa quạt, múa mồi, múa tay không; các giá ông hoàng có múa cung, múa khăn, múa tay không; giá hàng các cô có múa quạt, múa hoa, chèo đò, múa thêu thùa, múa tay không; giá hàng các cậu thường múa hèo, múa lân; giá ngũ hổ, ông lốt (rắn) thường có động tác múa bắt chước động tác của hổ, rắn. Múa đồng tiếp thu nhiều điệu múa dân gian (múa mồi, múa quạt, chèo đò, múa kiếm...) có cách điệu hóa để phù hợp với tính chất sân khấu tâm linh. Ở Huế, khi hầu bóng thường nhiều người cùng múa một lúc.

PHÙ THUỶ. Theo mê tín, được coi là điều khiển được âm binh, âm tướng. Thầy phù thuỷ tồn tại được nhờ con người còn tin ốm đau là do tà ma ám ảnh, động mồ động mả... phải mời thầy phù thuỷ đến trừ tà bằng yểm bùa hoặc phụ trượng (cầm gậy đi khua khắp nhà để đuổi ma), phụ thần bạch xà (làm con rắn giả bằng rơm, trong ruột có máy cho cử động bò được). Người mê muội, tưởng thầy cao tay. Có người nhờ thầy phù thuỷ đánh đồng thiếp đưa mình xuống âm phủ gặp người thân đã mất. Có tang gia nghe thầy bói bảo chết phải giờ trùng, phải nhờ thầy phù thuỷ đến trừ trùng. (Thầy cho một người cầm một cành tre ngồi trước đèn, rồi thầy niệm chú phụ đồng để hồn người chết nhập vào người ngồi trước đèn và có thể nói chuyện với thân nhân), người cầm cành phan thường mê mẩn tâm thần trước tiếng chiêng rầm rì, những lời đọc chú ma quái của thầy phù thuỷ... Người ta còn đồn đại thầy phù thuỷ có phép làm bùa yêu, bùa mê làm cho hai người ghét nhau thành yêu nhau, hoặc đang yêu nhau thành ghét nhau, hoá điên hoá dại, phải có bùa giải mới hết...

 

0