Đọc hiểu văn bản Cha tôi, Gợi dẫn 1. Đặng Huy Trứ (1825 – 1874) hiệu là Tỉnh Trai và Vọng Tân, tự là Hoàng Trung, người làng Thanh Lương,...
– Đọc hiểu văn bản Cha tôi. Gợi dẫn 1. Đặng Huy Trứ (1825 – 1874) hiệu là Tỉnh Trai và Vọng Tân, tự là Hoàng Trung, người làng Thanh Lương, huyện Hương Điền, tỉnh Thừa Thiên – Huế. Năm 1843, Đặng Huy Trứ đỗ cử nhân, năm 1848 đỗ tiến sĩ nhưng vì phạm huý ông đã bị đánh trượt và bị tước luôn học vị ...
Ông đã dâng nhiều thư điều trần đề xuất nhiều tư tưởng tân tiến nhưng đáng tiếc là những tư tưởng của ông không được thực hiện.
2. Đặng Dịch Trai ngôn hành lục thuộc thể kí, là tác phẩm khá thành công của Đặng Huy Trứ. Tác phẩm là những trang hồi tưởng của tác giả về người cha đáng kính của mình, ông Đặng Văn Trọng (tên hiệu là Dịch Trai). Tác phẩm ghi lại chi tiết lời nói và việc làm của Đặng Văn Trọng cùng nhiều chi tiết quan trọng về cuộc đời, qua đó thể hiện những quan niệm về cuộc sống của tác giả và tình cảm kính trọng của ông đối với người cha đáng kính.
3. Đoạn trích có nhiều từ cổ, cần đọc kĩ chú thích. Lưu ý thể hiện rõ giọng đọc các lời thoại.
II – Kiến thức cơ bản
Thể kí xuất hiện mầm mống từ giai đoạn thứ hai của thời kì văn học trung đại (thế kỉ XVI đến nửa đầu thế kỉ XVIII) nhưng phải đến nửa cuối thế kỉ XVII với sự xuất hiện của Thượng kinh kí sự của Lê Hữu Trác thì kí mới thực sự ra đời với tư cách là thể văn xuôi tự sự nghệ thuật. Đặng Dịch Trai ngôn hành lục của Đặng Huy Trứ là tác phẩm thuộc loại văn tự thuật – một thể tài khá quen thuộc của kí trung đại. ở loại văn tự thuật, người viết thuật lại khá trung thành và tỉ mỉ các sự kiện liên quan đến cuộc đời mình và những người thân. Trong Đặng dịch trai ngôn hành lục, Đặng Huy Trứ đã thuật trung thực những sự kiện liên quan đến bản thân ông. Trong tác phẩm, tác giả nhắc nhiều đến người cha của mình là Đặng Văn Trọng. Là một trí thức có nhân cách, nhưng phải sống vào giai đoạn nửa cuối thế kỉ XIX, chứng kiến những cơn suy vong của vận mệnh dân tộc, ông đã đau lòng trước sự tan rã của hệ thống đạo đức luân lí phương Đông. Và vì thế ông tiếc nuối thời kì đã qua và gửi gắm niềm nuối tiếc ấy vào nỗi nhớ thương về người cha mà ông vô cùng kính trọng. Đoạn trích Cha tôi không đơn giản là tấm lòng của tác giả đối với người cha mà còn thể hiện những suy nghĩ của ông về lẽ sống, nhân sinh.
Đoạn trích lần lượt thuật lại ba sự kiện tiêu biểu, ba khúc ngoặt trên đường thi cử của nhân vật “tôi” (tức Đặng Huy Trứ). Sự kiện là việc thi cử đỗ trượt của “tôi” nhưng vấn đề tác giả muốn thể hiện ở đây lại nằm ở hành động, lời nói của người cha. Những phản ứng của người cha trước việc đỗ trượt của con trai đã thể hiện rõ nhân cách và cái nhìn sâu sắc của ông về con người.
Sự kiện thứ nhất xảy ra vào mùa thu năm Quý Mão (1843), “tôi theo cha cùng người anh con bác trưởng là Đặng Huy Sĩ đến trường Phú Xuân để thi”. Nhân vật “tôi” đi thi với mục đích “quen với tiếng trống trường thi”. Khi người ta xướng danh, yết bảng thì “tôi” đi xem hát. Cũng chỉ định đi chơi về rồi ngó bảng tú tài. Tất nhiên, đây chỉ là cách nói khiêm tốn của người thuật chuyện, song nó cũng thể hiện được thái độ đi thi của ông. Sự kiện đầy bất ngờ đã xảy ra, khi xướng danh họ Đặng, mọi người đều nghĩ là Đặng Văn Trọng. Thế nhưng người đỗ thứ ba lại chính là “tôi”. Đỗ thứ ba trong kì thi này là một vinh dự rất lớn, là hi vọng và mong đợi của mọi sĩ tử, kể cả của thân phụ Đặng Huy Trứ, tức Đặng Văn Trọng, một người tài giỏi mà ai cũng nghĩ là xứng đáng. Thế nhưng, thái độ của hai cha con lại hoàn toàn bất ngờ. Con thì không quan tâm, vẫn mải đi chơi và khiêm tốn với “ý định” “để đến tối sẽ đi coi bảng tú tài xem có tên mình hay không”. Còn người cha, nghe tin con đỗ, một tin vui đối với cả gia tộc, dòng họ thì lại có phản ứng thật lạ : “cha tôi dựa vào cây xoài, nước mắt ướt áo” như là “gặp việc chẳng lành”. Không phải ông buồn vì con thi đỗ mà ông lại trượt. Những giọt nước mắt của người cha ấy thể hiện tấm lòng cao cả, nỗi lo lắng của một người cha, một người từng trải, người vốn đã rất hiểu lẽ đời. Câu trả lời của ông hợp tình hợp lí : “Có gì đáng vui đâu. Đỗ đạt cao là để dành cho người có phúc đức. Con tôi tính tình chưa già dặn, chưa có đức nghiệp gì… Cổ nhân đã nói “Thiếu niên đăng khoa nhất bất hạnh dã !””. Đó là nỗi băn khoăn của một người cha luôn lo lắng cho con. Câu trả lời của ông vừa rất khiêm tốn lại rất chân thành. Những câu nói ấy đã có ngầm ý rằng : mục đích của việc thi cử không nhất thiết phải đỗ đạt để làm quan ngay. Sự đời cái gì dễ kiếm thì không được trân trọng dù nó rất quý giá. Dù là người có tài năng thực sự nhưng nếu đỗ đạt quá sớm sẽ sinh ra kiêu ngạo và tự mãn. Phản ứng của người cha là phản ứng của người hiểu sâu xa câu chuyện “Tái ông thất mã”. Kể lại sự kiện này, tác giả đã chọn chi tiết, ngôn ngữ rất khéo léo để thể hiện nhân cách và suy nghĩ sâu xa của người cha. Ngôn ngữ và cách nói của người cha thể hiện ông là một nhà nho mẫu mực. Những lí lẽ ông đưa ra đều thật trọn vẹn, có trên có dưới. Không tự ti nhưng cũng không kiêu căng tự mãn : “Nào ngờ, mới một lần đi thi lại trúng thứ ba. Đó là do triều đình nuôi dưỡng, tổ tông tích đức, gia đình giáo dục mà được thế… Nhìn lên, tôi đội ơn tác thành của thiên tử, lại cảm kích công vun trồng của tổ tiên, chỉ sợ con tôi không báo đáp được nghĩa nặng ơn dày nên không cầm nổi nước mắt”. Tác giả đã dùng lời đáp ấy và mượn lời nhận xét của mọi người để tỏ lòng kính trọng và niềm tự hào về người cha của mình.
Sự kiện thứ hai được thuật lại trong đoạn trích vẫn lại là chuyện thi cử. Lần thứ hai, người con đỗ đạt và người cha cũng có phản ứng tương tự. Đó là “Khoa thi Hội mùa xuân năm Đinh Mùi nhân tứ tuần đại khánh của đức Hiến tổ Chương Hoàng đế Thiệu Trị, vua cho mở Ân khoa”.
Người cha nghe tin con đỗ đạt không hồ hởi vui mừng mà lo lắng : “Bậc đỗ đại khoa ắt phải là người phúc phận lớn. Con tôi đức độ ra sao mà được như vậy, chỉ làm cho tôi thêm lo lắng”. Không phải người cha không tin vào khả năng của con mình. Đây là cách phản ứng của một người cha có suy nghĩ sâu sắc, chín chắn. Ông đã thể hiện quan niệm của mình về người quân tử. Người đỗ đạt phải là người có tài và có đức. Đó là quan niệm của một chính nhân quân tử, một con người hiểu đời, hiểu người, hiểu lẽ sống và hiểu chính con trai mình.
Sự kiện thứ ba được tác giả thuật lại trong đoạn trích có khác với hai sự kiện trên. Tác giả đã chọn kể hai sự việc đồng thời xảy ra trong gia đình để ngợi ca tấm lòng và nhân cách của người cha. “Kì thi Đình năm ấy vào ngày 26 tháng 4. Đúng hôm đó, từ cuối nhà bên trái điện Cần Chánh báo tin dữ : bác ngự y Đặng Văn Chức mất […]. Tôi thì vừa bị đánh hỏng trong kì thi Đình… Cả nhà lại càng buồn cho tôi”. Trước hai tin dữ ấy, Đặng Văn Trọng đau đớn trước cái chết của người anh và coi việc con trai bị đánh hỏng là “không có chuyện gì đáng kể”. Với phản ứng của người cha như trên, có thể suy đoán dường như người cha không muốn con trai mình đỗ đạt. Một nhà nho theo nghiệp sách đèn khoa cử không lẽ lại coi thường chuyện đỗ đạt như vậy. Xem lại thì không phải vậy. Tấm lòng của người cha ấy được thể hiện rõ ở lời nói của ông trong phần kết đoạn trích. Khi việc tang người anh trai đã hơi thư, ông mời quay sang khuyên nhủ con trai. Lời khuyên nhủ này là tâm sự giấu kín từ nơi sâu thẳm tấm lòng người cha : “Đã vào thi Đình thì không còn đánh trượt nữa, từ đời Lê đến nay như thế đã lâu mà nay con lại bị đánh trượt”. Ông đã phân tích cho con trai thấy sai lầm nghiêm trọng của mình để người con nhận rõ điều trái phải. Việc để bị đánh trượt trong kì thi Đình là một lỗi lầm rất lớn. Nhưng ông không dừng lại ở việc chỉ ra sai lầm của con, mà quan trọng hơn, ông đã khuyên nhủ con trai những lời thấu tình đạt lí. Lời khuyên của người cha chứa đựng những triết lí về cuộc sống. Nó đã giúp cho người con nhận ra lỗi lầm của mình, nhưng không bị rơi vào sự tuyệt vọng, bi quan hay phẫn uất. Bài học ông dạy con có thể thu gọn trong câu “Thất bại là mẹ thành công”. Những lí lẽ người cha đưa ra thật thấu tình đạt lí, nó buộc người con phải suy nghĩ mà quyết tâm tiến thủ. “… tước cả khoa danh của con là để rèn luyện cho con nên người. Ông Phạm Văn Huy ở Thiên Lộc… Tài học, phẩm hạnh của con còn kém các ông ấy muôn lần. Người ta ai chẳng có lúc mắc sai lầm, quý là ở chỗ biết sửa chữa”.
Lí lẽ và quan niệm về chuyện thi cử, về thành công và thất bại của người cha đều rất sâu sắc. Đó cũng chính là một bài học nhân sinh quý giá cho người đời sau.
Người cha hiện lên trong lời tự thuật của nhân vật “tôi” thật đáng kính trọng. Ông là điển hình mẫu mực của một nhà nho chân chính. Qua câu chuyện của bản thân mình, tác giả đã đưa ra một triết lí sống rất thực tế và sâu sắc : ở đời, điều quan trọng không phải là thành công hay thất bại. Điều quan trọng là ta phải biết vì sao mình thất bại, từ đó rút ra bài học cho bản thân. Thành công không kiêu ngạo tự mãn, thất bại không bi quan tuyệt vọng. Phải biết mình biết ta, biết sống cho đúng mực và phải biết đứng lên sau khi ngã.
Cách kể chuyện trong đoạn trích rất tiêu biểu cho nghệ thuật viết kí. Tác giả rất trung thành với sự thực nhưng không dừng lại ở việc thuật lại sự việc. Trong khi thuật lại các sự kiện, người viết đã lựa chọn chi tiết, sự việc tiêu biểu để từ đó thể hiện thái độ của bản thân hoặc những quan niệm, tư tưởng có ý nghĩa nhân sinh sâu sắc.
III – liên hệ
Đặng Huy Trứ để lại nhiều sách về giáo dục, sử, binh thư, riêng về văn, có Đặng Hoàng Trung văn sao(Bản sao tập văn của Đặng Hoàng Trung), Đặng Hoàng Trung thi sao (Bản sao tập thơ của Đặng Hoàng Trung), Đặng Dịch Trai ngôn hành lục (Sao lục châm ngôn và hành trạng của Đặng Dịch Trai), Tứ giới thi(Thơ về bốn điều răn)…, trong đó đáng kể nhất là Đặng Hoàng Trung thi sao và Đặng Dịch Trai ngôn hành lục. Thi sao gồm 12 quyển, 1250 bài thơ làm trong thời gian 1840 – 1860. Thơ ông bày tỏ tấm lòng quan tâm đến đời sống người dân thường ở nông thôn, chung niềm vui nỗi buồn với họ, từ bác thợ cày, phụ nữ nuôi tằm, chị vú nuôi trẻ, bà đỡ hộ sản đến người chạy chợ, nhà nho nghèo… Qua nhiều bài thơ, tác giả đã khắc hoạ nhiều mặt đời sống phong phú ở miền quê, bằng những chi tiết cụ thể, như đống rấm trấu ban đêm, mẹt cau phơi ngày lạnh. Các sản vật địa phương cùng những nghề thủ công như rổ tre Bàu La, gạo gie An Cựu, lò vịt An Xuân, nghề làm đá ở Lục Bảo v.v… cũng đi vào thơ của ông. Sau khi ra làm quan, tác giả dành phần lớn thơ để bộc lộ rõ hơn nữa lòng ưu thời mẫn thế cùng những suy tư về vận mệnh ngả nghiêng của đất nước. Lòng yêu nước đó đã được thể hiện cụ thể bằng hành động chống giặc Pháp đến hơi thở cuối cùng.
Thơ Đặng Huy Trứ tuy chưa sánh được với các nhà thơ cự phách về mặt nghệ thuật nhưng mặt mạnh của ông lại là đưa được những hình ảnh hiện thực sinh động, cá thể, giàu sắc thái địa phương vào thơ. Mặt mạnh này càng thể hiện đầy đủ hơn ở cuốn văn xuôi Đặng Dịch Trai ngôn hành lục. Đây là cuốn hồi kí viết về người cha nhưng đề cập đến cả một gia đình đông đúc của ông, gồm bà, mẹ, các bác, anh em họ, hàng xóm láng giềng…, đặc biệt là phần kể chuyện về thuở ấu thơ, việc học hành, thi cử cùng mối tình thuỷ chung vượt lễ giáo của ông với cô hàng bánh. Những chân dung nhân vật, những tập tục một thời đều được ông kể lại tỉ mỉ, chân thật, do đó rất hấp dẫn người đọc ; là những tư liệu quý giúp bạn đọc đời sau hiểu về đời sống đương thời mà không phải nhà văn đương thời nào cũng để tâm ghi chép. Điều đó hẳn không tách rời với những cởi mở, đổi mới của ông trong việc nhìn ra nước ngoài, góp phần chấn hưng nền kinh tế nước nhà một cách thiết thực.