11/01/2018, 12:03

Đọc hiểu Tiến sĩ giấy

Đọc hiểu Tiến sĩ giấy I - Gợi dẫn 1. Nguyễn Khuyến (xem bài Câu cá mùa thu). 2. Tiến sĩ giấy là bài thơ thuộc chùm thơ trào phúng của Nguyễn Khuyến. Sinh ra trong gia đình có truyền thống Nho học, từng đỗ đạt làm quan, nhưng ...

Đọc hiểu Tiến sĩ giấy

I - Gợi dẫn 1. Nguyễn Khuyến (xem bài Câu cá mùa thu).

2. Tiến sĩ giấy là bài thơ thuộc chùm thơ trào phúng của Nguyễn Khuyến. Sinh ra trong gia đình có truyền thống Nho học, từng đỗ đạt làm quan, nhưng đứng trước hiện thực điên đảo của xã hội Việt Nam đầu thế kỉ XIX, ông đã rơi vào tình trạng bi quan, mất hết niềm tự hào về chữ nghĩa thánh hiền. Vì vậy, ông đã viết nhiều bài thơ có giọng điệu trào phúng để thể hiện thái độ và tâm trạng của mình trước hiện thực. Tiến sĩ giấy là bài thơ mang giọng điệu ấy. Bài thơ vừa phê phán những kẻ mang danh tiến sĩ nhưng vô dụng với đất nước, vừa là lời tự trào chua chát của chính tác giả, một nho sĩ đang thấy mình bất lực trước cuộc đời.

3. Đọc chậm, chú ý sự thay đổi linh hoạt của nhịp thơ : 2/2/3-4/3-2/5-2/5-2/2/3-4/3-2/2/3-4/3.

II - Kiến thức cơ bản

Tiến sĩ giấy vốn là một thứ đồ chơi rất quen thộc của trẻ con thời xưa. Các bậc cha mẹ mua tiến sĩ giấy cho con để mong muốn bọn trẻ học hành đỗ đạt và ra làm quan. Nguyễn Khuyến đã mượn hình ảnh đồ chơi này để nói về thời cuộc. Triều đình vẫn mở các khoa thi để tuyển chọn nhân tài giúp nước. Vẫn có nhiều người đỗ tiến sĩ, nhưng họ đã giúp gì được cho đất nước. Đội ngũ tiến sĩ ấy có thể chia làm hai hạng. Hạng thứ nhất, có tài chữ nghĩa thực sự, nhờ chính tài năng của mình mà đỗ đạt. Nhưng họ là là những con người có lòng tự trọng dân tộc. Họ không xoay chuyển được tình thế bằng sức lực của mình nên họ buồn chán, quay về ở ẩn lánh đời. Từ đó cảm thấy mình vô dụng như một thứ đồ chơi. Hạng thứ hai, đỗ đạt nhờ đồng tiền. Đó là những kẻ bất tài nhưng lại tìm mọi cách để làm quan, để vơ vét của cải, để hưởng vinh hoa phú quý. Đó là một đám tiến sĩ giấy không những vô dụng mà còn có hại cho dân tộc. Hình ảnh tiến sĩ giấy trong tác phẩm của Nguyễn Khuyến, có bóng dáng của cả hai hạng tiến sĩ ấy.

Bốn câu thơ đầu phác hoạ nên hình ảnh ông tiến sĩ :

Cũng cờ cũng biển cũng cân đai,

Cũng gọi ông nghè có kém ai.

Mảnh giấy làm nên thân giáp bảng,

Nét son điểm rõ mặt văn khôi.

Tác giả có một cách bắt đầu rất độc đáo. Tác giả đã sử dụng điệp từ cũng để nhấn mạnh sự đầy đủ lệ bộ của ông tiến sĩ giấy. Nhưng chính từ cũng ấy làm nên cái bất ngờ cho toàn bài thơ. Nó nửa vời và bất thường. Tất nhiên đã là ông tiến sĩ thì phải có đủ cả cờ, biển, cân đai, và cũng được gọi là ông nghè. Nhà thơ cũng đã từng dùng cách nói này để tự trào :

Nghĩ mình lại gớm cho mình nhỉ,

Thế cũng bia xanh, cũng bảng vàng.

(Tự trào)

Nhưng đến hai câu tiếp thì tính chất nửa vời ấy tăng tiến với sự xuất hiện của hai cặp đối lập :

Mảnh giấy / thân giáp bảng

Nét son / mặt văn khôi

Những hình ảnh này là thực tế lại gợi lên những liên tưởng. Ông tiến sĩ giấy thì đương nhiên phải được làm bằng giấy rồi. Chỉ một mảnh giấy và vài nét son quết lên mặt là thành ông tiến sĩ rồi. Nhưng đó không phải là điều tác giả muốn nói. Tác giả đã chơi chữ. Mảnh giấy, nét son có thể hiểu là bài thi của các ông nghè, phải có bài thi ấy mới trở thành ông tiến sĩ. Song mảnh giấy, nét son ấy cũng có thể là những thứ dùng để mua danh tiến sĩ. Tính chất trào phúng được thể hiện ở sự đối lập những thứ thật đơn giản, nhỏ bé (mảnh giấy, nét son) với một thứ vốn rất đáng trân trọng (thân giáp bảng, mặt văn khôi). Trong thời hoàng kim của nho học, một người đỗ đạt mang danh thơm về cho cả làng cả tổng. Nó là kết quả của cả đời dùi mài kinh sử. Miêu tả ông nghè giấy nhưng để nói lên chuyện khoa cử, chuyện quan tước. Nhìn bề ngoài, bốn câu thơ đầu vẫn dừng lại ở việc miêu tả và bình luận về ông tiến sĩ – đồ chơi. Những tác giả vẫn chưa nói rõ. Đến hai câu luận, tác giả đã đưa ra lời bình :

Tấm thân xiêm áo sao mà nhẹ,

Cái giá khoa danh ấy mới hời.

Lời bình thể hiện thái độ chua chát của một nhà nho từng bao năm dùi mài kinh sử, từng ôm mộng khoa danh để phò vua giúp đời. Cái điều danh giá, cái mục đích cao cả mà suốt cả cuộc đời các nhà nho nung nấu nay sao rẻ rúng đến vậy.

Cái giá khoa danh ấy mới hời

Thân giáp bảng đã trở thành một món hàng, một món hàng rất hời. Thời phong kiến, chuyện mua danh bán tước không phải là chuyện hiếm hoi. Đến thời Nguyễn Khuyến, khi đạo đức đã suy đồi, Nho học đến lúc suy tàn thì chuyện đó chắc càng không hiếm. Trần Tế Xương đã chua xót mà nói rằng :

Lẳng lặng mà nghe nó chúc sang,

Đứa thời mua tước, đứa mua quan.

Phen này ông quyết đi buôn lọng,

Vừa bán vừa la cũng đắt hàng.

(Năm mới chúc nhau)

Nguyễn Khuyễn thì thâm trầm hơn. Giọng thơ nhẹ nhàng mà thâm thuý này càng thể hiện rõ sự chua xót của một nhà nho từng dùi mài kinh sử, từng lấy mộng khoa danh làm mục đích sống. Cách kết thúc bất ngờ, đột ngột nhưng rất tự nhiên ở câu thơ cuối cùng đã tạo nên tính chất trào phúng và giá trị phê phán cho tác phẩm :

Ghế tréo lọng xanh ngồi bảnh choẹ,

Nghĩ rằng đồ thật hoá đồ chơi !

Đúng là hình ảnh của một thứ đồ chơi đấy chứ. Nhưng tác giả cố tình chọn cách nói nửa vời làm cho thật giả cứ lẫn lộn cả lên. Cách thể hiện đầy bất ngờ ấy đã tạo nên hai lớp nghĩa cho bài thơ. Mượn việc vịnh một thứ đồ chơi của trẻ con mà châm biếm loại tiến sĩ rởm đồng thời cũng tự trào sự bất lực của mình.Tiến sĩ giấy vừa là bài thơ trào phúng, châm biếm những kẻ mua danh bán tước, đòng thời cũng là bài thơ tự trào. Đó là lời tự trào của một nhà nho có lòng tự trọng đã nhận ra và thấm thía nỗi chua xót của một trí thức bất lực trước thời cuộc.

III - liên hệ

1. Tưởng nhớ thi nhân Nguyễn Khuyến, nhà thơ Trần Đăng Thao viết bài thơ Gặp lại người xưa :

Ông ngồi lặng, giữa trời mây

Chiều buông. Còn một chút ngày khơi vơi

Chén nghiêng, đăm đắm nhìn trời

Nước cờ thế sự, một đời chưa xong.

Tưởng rằng, xe đã qua sông

Ngờ đâu tốt lại nhập cung mất rồi

Tri âm, còn được mấy người

Bảng vàng, bia đá ngậm ngùi lòng ai.

Tuổi già chợt thắm, chợt phai

Ngọn đèn trước gió, ban mai trước chiều

Nặng niềm non nước cô liêu

Đớn đau chi, trái tim nhiều xót xa

áo xiêm, nghĩ thẹn thân già

Ông nghè, ông cống cũng là giấy thôi !

Cuốc kêu khắc khoải bên hồi

Vườn khuya. Sương xuống trắng trời

Trăng lên.

                                     Vườn Bùi, 1976

2. Trong những ngày làm gia sư ở nhà Hoàng Cao Khải, Nguyễn Khuyến rất buồn bực. Bởi vậy, hàng ngày, sau buổi học, ông thường lững thững một mình, dạo vườn thăm cảnh cho khuây khoả.

Vườn nhà Khải có một hòn non bộ lớn dựng giữa một hồ nước rộng, cảnh trí rất xinh. Trên non bộ, có đặt một ông phỗng sành đứng trầm mặc, đăm đăm nhìn xuống mặt nước hồ. Nguyễn Khuyến thường hay tha thẩn quanh đó.

Một hôm, Khải dạo vườn, bất chợt gặp Nguyễn Khuyến đang tần ngần đứng ngắm ông phỗng. Hắn mời ông thử vịnh một bài. Ông ứng khẩu đọc :

Ông đứng làm chi đó hỡi ông ?

Trơ trơ như đá vững như đồng !

Đêm ngày gìn giữ cho ai đó ?

Non nước đầy vơi có biết không ?

Nhà thơ vịnh phỗng sành hay vịnh chính nhà chủ ?

Nghe nói sau đó, Khải phải để Nguyễn Khuyến về quê. Hắn không thể chịu đựng được Nguyễn Khuyến lâu hơn nữa.

soanbailop6.com

0