24/05/2018, 23:21

Định loại các loài giải (Reptilia: Tetudines: Trionychidae: Pelochelys, Rafetus) ở Việt Nam

Hiện nay, có nhiều ý kiến khác nhau về phân loại học các loài giải ở châu Á, đặc biệt là loài giải ở Nam Trung Quốc, ba loài giải ở New Ghine và các loài giải ở Miền Bắc Việt Nam. Thuật ngữ “giải” là tên thường gọi của các loại ba ba cỡ lớn phân ...

Hiện nay, có nhiều ý kiến khác nhau về phân loại học các loài giải ở châu Á, đặc biệt là loài giải ở Nam Trung Quốc, ba loài giải ở New Ghine và các loài giải ở Miền Bắc Việt Nam. Thuật ngữ “giải” là tên thường gọi của các loại ba ba cỡ lớn phân bố ở miền Bắc Việt Nam, tuy nhiên về mặt phân loại học “giải” là tên Việt Nam của các loài thuộc giống PelochelysRafetus. Ở Trung Quốc, Zhao (1997) đã xác nhận lại tên loài Pelochelys maculatus (Heude,1880) cho dạng ba ba cỡ lớn, có những đốm màu vàng trên mai. Tác giả này cho rằng loài này khác biệt với loài Rafetus swinhoei (Gray, 1873) và R. swinhoei có thể là một loài du nhập từ nước ngoài vào Trung Quốc [23].

Ở New Ghine, Webb cho rằng chỉ quần thể giải phân bố ở miền Nam là thuộc loài Pelochelys bibroni (Owen, 1853) còn các quần thể khác phân bố ở miền Bắc New Ghine và vùng Đông Nam Á là loài Pelochelys cantorii Gray, 1864 [20,21]. Gần đây tác giả này còn công bố thêm một loài mới ở Bắc New Ghine là Pelochelys signifera Webb, 2002 [11].

Ở Việt Nam, các tài liệu trước năm 2000 như Định loại rùa ở Đông dương của Bourret (1941, 1943), Định loại rùa Việt Nam (Đào Văn Tiến, 1978), Sách Đỏ Việt Nam (1992), Danh lục bò sát và ếch nhái Việt Nam (Nguyễn Văn Sáng, Hồ Thu Cúc, 1996) đều ghi nhận loài giải phân bố ở miền Bắc là Pelochelys bibroni Owen, 1853 [5,6,7,9]. Năm 1999, một tác giả ẩn danh gọi loài giải ở Hồ Gươm là Pelochelys hoguomensis S. A., 1999. Năm 2000, Hà Đình Đức công bố tên của loài giải sống ở Hồ Gươm (Hà Nội) là Rafetus leloii Ha Dinh Duc, 2000 như một loài mới cho khoa học. Đến năm 2001, Pritchard và cộng sự công bố kết nghiên cứu về loài giải phân bố dọc theo sông Hồng là Rafetus swinhoei (Gray, 1873). Năm 2003, Nguyễn Quảng Trường ghi nhận ở Việt Nam có 2 loài giải là Pelochelys cantorii Gray, 1864 và Rafetus swinhoei (Gray, 1873) [15,16]. Cũng trong năm này, Farkas và Webb lại cho rằng tên loài Rafetus leloii không có hiệu lực [4]. Từ những tư liệu trên có thể thấy thành phần loài của họ Ba ba (Trionychidae) ở Việt Nam là chưa rõ ràng. Thông qua phân tích và mô tả các đặc điểm hình thái từ các mẫu vật thu thập được ở miền Bắc Việt Nam, kết hợp với việc tham khảo và so sánh với mô tả mẫu chuẩn của các loài giải do các tác giả trong và ngoài nước công bố trên các tạp chí chuyên ngành, bài viết này nhằm mục đích thảo luận và làm rõ hơn về định loại các loài giải ở Việt Nam.

Mẫu vật nghiên cứu: Các mẫu vật được thu thập ở nhiều địa điểm khác nhau ở miền Bắc Việt Nam như các tỉnh dọc sông Hồng, khu vực Bắc Trung bộ. Bên cạnh đó cũng tiến hành đo đếm và phân tích các mẫu vật đang lưu giữ tại các bảo tàng của Việt Nam. Mẫu giải thuộc giống Pelochelys: Đã phân tích 1 mẫu sọ đang lưu giữ tại Đại học Sư phạm Hà Nội (LNN0901) thu tại Môn Sơn (Con Cuông, Nghệ An), năm 2001; 1 mẫu mai (T78) lưu giữ tại Bảo tàng của Trường Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội; 1 mẫu sọ và 1 mẫu xương mai (CP01) tại Bảo tàng Động vật của Vườn quốc gia Cúc Phương (Ninh Bình) thu giữ do buôn bán từ miền Trung ra, năm 2000. 1 mẫu giải thuộc giống Rafetus: Đã phân tích 8 mẫu vật, bao gồm: Bảo tàng Hoà Bình: 1 mẫu khô còn da (HB1) thu ở Lương Sơn (Hoà Bình), năm 1993; Đền Ngọc Sơn, Hà Nội: 1 mẫu khô (HK01) thu tại Hồ Gươm (Hà Nội), năm 1967; Viện Nghiên cứu Rùa Florida, Hoa Kỳ: 2 mẫu xương (CRI01-02) thu tại Hạ Hoà (Phú Thọ), năm 2000; Bảo tàng Hà Nội: 1 mẫu xương (HN01) thu tại Hồ Gươm (Hà Nội), năm 1968; Đại học khoa học Tự nhiên: 1 mẫu mai (T91) thu tại Sông Mã (Thanh Hoá), không rõ năm thu thập; Đại học Sư phạm: 1 mẫu sọ (HUE01) không rõ nguồn gốc (có giả thiết cho rằng đây là sọ của mẫu mai T91); Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật: 1 mẫu sọ (IEBR-NQT85) thu tại Cẩm Lĩnh (Ba Vì, Hà Tây), năm 2001.

Trong quá trình phân tích mẫu vật, đã sử dụng các số đo sau: chiều dài mai (LCL): là chiều dài tính theo đường thẳng dọc theo mai rùa kể cả riềm da; chiều dài xương mai (BDL): là chiều dài tính theo đường thẳng dọc theo xương mai rùa, chiều dài xương mai của cá thể trưởng thành lớn nhất được ký hiệu là BDLmax; chiều dài vòi mũi: độ dài của vòi thịt, đo từ mút xương hàm đến mút mũi; chiều dài sọ (HBL): khoảng cách dài nhất tính theo đường thẳng từ mút mõm đến hết phần kéo dài của xương đỉnh trên hộp sọ; chiều rộng sọ (HBW): khoảng cách rộng nhất tính theo đường thẳng của hộp sọ (thường ngang qua ổ mắt).

Các tài liệu tham khảo: Nhiều tài liệu về phân loại học của các loài ba ba nói chung và loài giải nói riêng đã được thu thập để tham khảo và so sánh, bao gồm: Định loại rùa ở Đông Dương của Bourret (1941, 1943) [5,6]; Khoá định loại rùa ở Việt Nam của Đào Văn Tiến (1978) [9]; Mô tả mẫu vật loài R. swinhoei thu thập ở miền Bắc Việt Nam đang lưu giữ tại Bảo tàng Viên (áo) của Fakas (1992) [2]; Phân bố, hình thái xương và lịch sử tự nhiên của loài P. bibroni ở New Ghine của Rhodin, Mittermeier, và Hall (1993) [1]; Mô tả mẫu chuẩn của loài P. bibroni và so sánh các quần thể khác nhau của giống Pelochelys ở New Ghine của Webb (1995, 1997) [20,21]; Định loại các loài ba ba ở Trung Quốc của Tang (1997) [23]; Mô tả hình thái của một loài thuộc giống Rafetus của Taskavak (1998) [19]; Định loại loài Rafetus swinhoei và loài Pelochelys maculatus của Fakas và Fritz (1998) [3]; Mô tả loài P. bibroni của Erns và Barbour (1989) [8]; Kích cỡ cơ thể, phân bố và sự khác nhau giữa các loài thuộc họ Ba ba (Trionychidae) của Pritchard (2001) [18]; Luận văn Thạc sỹ về đặc điểm hình thái các loài thuộc họ Ba ba (Trionychidae) của Nguyễn Quảng Trường (2003) [16]. Bàn luận về tên loài giải ở hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội, Việt Nam của Fakas và Webb (2003) [4].

1. Định loại các giống giải ở Việt Nam

1.1. Giống Pelochelys Gray, 1864

Pelochelys Gray, 1864, Proc. Zool. Soc., London, (6): 89.

Typ: Pelochelys cantorii Gray, 1864.

Tên Việt Nam: Giống giải khổng lồ. Giống này hiện biết có 3 loài là Pelochelys bibroni (Owen, 1853); Pelochelys cantorii Gray, 1864 và Pelochelys signifera Webb, 2002; trong đó loài Pelochelys cantorii phân bố ở Việt Nam.

Đặc điểm chung: Cỡ khổng lồ (BDLmax của con trưởng thành > 600 mm), vòi mũi ngắn hơn đường kính ổ mắt. Có 8 xương sống (đôi khi có 7) và 8 đôi xương sườn, đôi thứ 8 không tiêu giảm và tiếp xúc nhau ở giữa. Yếm có 4-5 chai. Đuôi rất ngắn. Xương sọ rộng và dẹp, chiều cao ngắn hơn so với chiều rộng (tỉ lệ giữa chiều cao/chiều rộng sọ = 5-6/10), xương lá mía tiếp xúc với xương gốc bướm.

Gray (1864) mô tả các đặc điểm đặc trưng của giống Pelochelys như sau: đầu dẹp, cỡ trung bình, phần mặt rất ngắn; hai mắt khá gần nhau nằm ở phía trên đầu; phần trước đầu phẳng không gồ cao; sọ rất dẹp, rộng; mũi rất ngắn, ổ mắt lớn; xương trước trán lớn, không có xương trước hàm; xương hàm trên bao bọc bên ngoài gờ dưới của lỗ mũi. Vùng 2 khẩu cái gần như phẳng, rộng, hơi lõm (nhưng không tạo thành rãnh) ở phần trước lỗ mũi trong. Lỗ mũi trong thuôn, xiên, mỗi bên có một rãnh sâu, mở rộng về phía sau. Hàm trên có gờ nghiền đơn giản. Hàm dưới mảnh, yếu, có một gờ nghiền đơn giản.

Meylan (1987) bổ sung thêm: Giống Pelochelys đôi khi có 8 xương sống; trên sọ xương lá mía thường tiếp xúc với xương gốc bướm, xương cánh ngoài thường dính liền với xương cánh ở con trưởng thành [3].

1.2. Giống Rafetus Gray, 1864

Rafetus Gray, 1864, Proc. Zool. Soc. London: 81.

Typ: Testudo euphratica Daudin, 1802 = Rafetus euphraticus (Daudin, 1802).

Tên Việt Nam: Giống giải.

Giống hiện biết có 2 loài gồm Rafetus euphraticus (Daudin, 1802) và Rafetus swinhoei (Gray, 1873), trong đó loài R. swinhoei phân bố ở Việt Nam.

Đặc điểm chung: Cỡ khổng lồ (BDLmax của con trưởng thành > 600 mm), vòi mũi ngắn. Thường có 7 xương sống, đôi khi có xương sống thứ 8 rất nhỏ, tách biệt hẳn với xương sống thứ 7; có 8 đôi xương sườn, đôi xương sườn thứ 8 tiêu giảm rất nhỏ tiếp xúc nhau gần như hoàn toàn ở giữa. Yếm chỉ có 2 chai nhỏ [8]. Xương sọ lớn, chiều cao xấp xỉ chiều rộng (tỉ lệ giữa chiều cao/chiều rộng sọ = 8-9/10).

Gray (1864) mô tả đặc điểm đặc trưng của giống Rafetus như sau: Sọ thuôn dài và cao. Mút mũi cong, nhô ra phía trước. Phần trên đầu phẳng. Hàm trên có gờ nghiền rộng, mở rộng về phía sau. Hàm dưới có gờ nghiền rộng, hơi lõm, thu hẹp về phía sau. Vùng khẩu cái tạo thành hõm, phía sau là lỗ mũi trong lớn, thuôn. Yếm có hai chai nhỏ.

Meylan (1987) bổ sung thêm: Lỗ gian hàm dưới sau không được bao bọc hoàn toàn bởi xương trước khớp. Đôi xương sườn thứ 8 tiêu giảm, rìa xương sườn có 7 hoặc nhiều hơn. Lỗ gian hàm trên chiếm khoảng 60% chiều dài khẩu cái nguyên sinh, xương lá mía ngăn cách xương hàm trên và tiếp xúc với lỗ gian hàm trên.

Trên cơ sở đó, Farkas và Fritz (1998) nêu ra một số đặc điểm phân biệt giữa giống PelochelysRafetus như sau: giống Rafetus có xương gò má bị ngăn cách với đỉnh bởi xương sau ổ mắt trong khi đó ở giống Pelochelys thì xương gò má tiếp xúc với cả xương đỉnh và xương sau ổ mắt. Giống Rafetus có lỗ gian hàm dưới sau không được bao bọc hoàn toàn bởi xương trước khớp trong khi đó lại được bao bọc hoàn toàn ở giống Pelochelys. Xương trước hàm thường biến mất ở giống Pelochelys trong khi đó lại tồn tại ở giống Rafetus. Xương vuông gò má tham gia tạo nên mấu ròng rọc của xương tai đối với loài R. swinhoe, nhưng không xuất hiện ở sọ của các loài thuộc giống Pelochelys. Tỉ lệ trung bình giữa chiều dài của lỗ gian hàm trên so với khẩu cái nguyên sinh khoảng 0,07 ở giống Pelochelys, trong khi đó đạt khoảng 0,2-0,4 ở loài Rafetus swinhoei.

2. ĐỊNH LOẠI CÁC LOÀI GIẢI Ở VIỆT NAM

2.1. Pelochelys cantorii Gray, 1864

Pelochelys cantorii Gray, 1864, Proc. Zool. Soc. London, (6): 90.

Symnonym:

  • Pelochelys cantoris, Boulenger, 1889, Cat. Chelo. Rhyn. Croco. Brit. Mus., London: 263.
  • Pelochelys cantori, de Rooij, 1915, Rept. Indo-Austr. Archipelago. Leiden, Vol. I: 331.
  • Pelochelys bibroni, Bourret, 1941, Les. Tort. l’Indoch.: 197.

Typ: Holotype: BMNH 1947.3.6.21 và 1947.3.6.22 (mẫu sọ), địa điểm thu mẫu chuẩn: Mallacca, tây Malaysia.

Tên Việt Nam: Giải khổng lồ, con giải, giải (Việt, Bắc bộ).

Tên tiếng Anh: Cantor’s giant softshell turtle, Asian giant softshell turtle.

Mô tả:

Mai dẹp, tròn, có chiều dài lớn hơn chiều rộng chút ít. Mai con non có nhiều u nhỏ xếp xít nhau, có thể có gờ lưng rất mờ, sau đó mai trở nên nhẵn dần và gờ lưng mất đi khi trưởng thành. Rìa trước mai không có u thịt. Có 8 xương sống (đôi khi có 7), xương sống thứ nhất ngăn cách hoàn toàn đôi xương sườn thứ nhất, xương sống thứ 8 nhỏ. Có 8 đôi xương sườn, đôi thứ 8 không tiêu giảm và tiếp xúc nhau khoảng 3/4 ở đường giữa mai. Xương mai có các vết rỗ. Mai nhẵn, đồng màu xám hoặc xám hơi nâu, không có các vết sáng màu. Con non có các đốm sẫm màu trên đầu và mai. Yếm có 4-5 chai. Xương ức và xương ngực phân biệt. Xương trước yếm nhỏ và cách xa nhau. Xương đòn tạo thành góc vuông hoặc góc nhọn với đường giữa yếm. Yếm màu kem hoặc trắng nhạt.100 Sọ dẹp nhưng rộng (tỉ lệ giữa chiều cao/chiều rộng sọ đạt 5-6/10); xương gò má thẳng, tiếp xúc với xương đỉnh; xương mũi tròn và rất ngắn. Vòi mũi ngắn hơn so với đường kính ổ mắt. Đầu màu xám có các đốm thẫm nhỏ, cằm màu trắng đục. Chân và cổ màu xám xanh ở phía trên, màu kem ở phía dưới. Trên cổ có các gờ da nổi lên. Chân có màng bơi, có các u nhỏ hình vảy xếp dọc theo mép dưới của chi trước. Con đực nhỏ hơn con cái nhưng có đuôi dài và dầy hơn.

Kích thước:

Trọng lượng cơ thể đạt 30-60 kg, chiều dài mai có thể đạt tới 1000 mm, tiêu bản ở Cúc Phương (Ninh Bình) có LCL = 500 mm.

Mẫu vật nghiên cứu: 2 mẫu sọ và 2 mẫu mai.

Phân bố:

  • Việt Nam: Vùng Bắc Trường Sơn: Nghệ An.
  • Thế giới: Nam Trung Quốc (kể cả đảo Hải Nam), ấn Độ, Miưanưma, Lào, Thái Lan,

Campuchia, Philippin, Malaixia, Indonesia và New Ghine.

2.2. Rafetus swinhoei (Gray, 1873)

Oscaria swinhoei Gray, 1873, Ann. Mag. Natur. Hist., London, 4(12): 156.

Symnomym:

  • Oscaria swinhoei Gray, 1873, Ann. Mag. Natur. Hist., London, 4(12): 156.
  • Yuen maculatus, Heude, 1880, Mem. Hist. Nat. Emp. Chinois 1(1): 20-38.
  • Pelochelys maculatus, Zhao, 1997, Sichuan Jour. Zool., Vol. 15: 62.
  • Trionyx swinhonis, Boulenger, 1889, Catalog. Chelo. Brit. Mus. (Natur. Hist): 257.
  • Rafetus swinhoei, Meylan and Webb, 1988, Jour. Herpetol. 22: 118.
  • Rafetus swinhoei, Farkas and Webb, 2003, Zool. Abh., Dresden 53: 107.

Typ: Holotype: BMNH 1946.1.22.9, sọ có số hiệu BMNH 1947.3.6.13, địa điểm thu mẫu chuẩn: Thượng Hải, Trung Quốc. Mẫu tham khảo: ZMB 36437, 36438.

Tên Việt Nam: Giải sinhoe, giải, giải thượng hải (Việt, Bắc bộ).

Tên tiếng Anh: Swinhoe’s softshell turtle, Shanghai softshell turtle.

Mô tả:

Mai dẹp có hình dạng thuôn gần giống hình chữ nhật. Xương sống đầu tiên ngăn cách đôi xương sườn thứ nhất. Có 7 xương sống, xương thứ bảy nhỏ tiếp xúc với đôi xương sườn thứ 6 và 7 (mẫu T91); đôi khi có xương sống thứ 8 rất nhỏ, tách biệt hẳn với xương sống thứ 7 (mẫu HN 01). Đôi xương sườn thứ 8 tiêu giảm rất nhỏ và tiếp xúc nhau gần như hoàn toàn nhưng đường tiếp xúc này nằm lệch so với đường giữa mai. Xương mai có nhiều vết rỗ tròn. Mai màu xanh nâu hoặc nâu đen (ở các mẫu khô ở Việt Nam), mẫu chuẩn đang lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử tự nhiên Anh có những đốm màu vàng và nhiều chấm vàng nhỏ nằm xen giữa (đôi khi tạo thành vòng tròn bao quanh đốm lớn hoặc xếp thành các sọc). Các điểm này thường thấy rõ dọc theo phần trước của hai riềm mai. Yếm chỉ có 2 chai không phát triển ở vùng xương ức và xương ngực. Các xương trước yếm tách biệt và các xương đòn tạo thành góc vuông với đường giữa yếm. Yếm màu xám hoặc trắng đục [3,8,14].

Sọ cỡ lớn, chiều cao sọ xấp xỉ chiều rộng (tỉ lệ giữa chiều cao/chiều rộng sọ 8-9/10); xương gò má hơi cong, ngăn cách với xương đỉnh bởi xương sau ổ mắt; xương mũi ngắn. Hàm dưới không có gờ ở giữa và chiều rộng của khớp nối nhỏ hơn đường kính ổ mắt. Carl và Babour (1989) mô tả xương gò má tiếp xúc với xương vảy, tuy nhiên khi phân tích các mẫu sọ HN01, IEBR-NQT85, 1 mẫu sọ không số thu tại Thanh Hoá (đang lưu giữ tại Viện Công nghệ Sinh học) thì thấy xương gò má nối với xương vảy qua xương vuông gò má; đặc điểm này cũng được Farkas và Fritz (1998) nhắc đến “xương vuông gò má tham gia tạo nên mấu ròng rọc của xương tai đối với loài R. swinhoe” [3]. Xương gốc bướm nối với xương khẩu cái. Vòi mũi ngắn. Đầu, cổ và mặt trên của chân có màu đen hoặc nâu, phía dưới màu vàng ở các mẫu vật khô. Quan sát ảnh đầu rùa chụp ở Hồ Gươm có nhiều đốm màu vàng trên và hai bên đầu, mặt dưới cằm màu trắng đục hơi vàng. Con đực có đuôi dài và dầy, gốc đuôi sát hậu môn.

Kích thước: Trọng lượng từ 24-175 kg, chiều dài mai (kể cả riềm da) từ 330ư1100 mm, trung bình của 2 tiêu bản (HB1 và HK01) có LCL = 1030 mm.

Mẫu vật nghiên cứu: 8 mẫu vật, bao gồm 2 mẫu khô, 4 mẫu xương mai, 4 mẫu sọ.

Phân bố:

  • Việt Nam: Phú Thọ (Hạ Hoà), Hà Nội (Hồ Gươm), Hà Tây (Bằng Tạ), Hoà Bình (Lương Sơn), Thanh Hoá (Sông Mã).
  • Thế giới: Nam Trung Quốc.

Về các giống giải ở Việt Nam

Căn cứ vào các mẫu vật đã phân tích thì hiện tại đã ghi nhận ở miền Bắc Việt Nam có hai giống giải là PelochelysRafetus.

Tiêu bản xương mai CP01 và T78 có 8 xương sống, 8 đôi xương sườn, đôi thứ 8 không tiêu giảm; tiêu bản xương sọ LNN0901 và CP01 dẹp, tỉ lệ chiều dài/ chiều rộng sọ = 5,9/10; tỉ lệ chiều cao/chiều rộng sọ = 5,6/10; xương gò má thẳng, tiếp xúc với xương đỉnh; mũi rất ngắn. Các đặc điểm hình thái này phù hợp với mô tả của giống Pelochelys.

Các tiêu bản CR01-02 và T91 có 7 xương sống, tiêu bản HN01 có 8 xương sống; 8 đôi xương sườn, đôi thứ 8 tiêu giảm rất nhỏ; 4 tiêu bản xương sọ HB01, HN01, HUE01 và IEBR-NQT85 có tỉ lệ dài sọ/rộng sọ = 6,4/10; tỉ lệ chiều cao/chiều rộng sọ = 8,8/10; xương gò má hơi cong, ngăn cách với xương đỉnh bởi xương sau ổ mắt. Các đặc điểm hình thái này phù hợp với mô tả của giống Rafetus.

Xương mai (trên: Mẫu T91 = C81) và sọ (dưới - nhìn mặt bên) của giải swinhoei Xương mai (trên) và sọ (dưới - nhìn mặt bên) của giải khổng lồ Sọ của giải khổng lồ nhìn mặt trên và mặt dưới
Sọ của giải swinhoei nhìn mặt trên và mặt dưới (Mẫu NQT85) Sọ của giải swinhoei (Mẫu chuẩn: BMNH 1947.3.6.13) Sọ của loài Rafetus euphraticus (Daudin, 1802)

Về các loài giải ở Việt Nam

Để xác định tên loài giải thuộc giống Pelochelys ở Việt Nam, cần so sánh đặc điểm hình thái của chúng với mô tả của các loài khác bao gồm P. bibroni, P. cantoriiP. ignifera.

Trước hết, về mặt phân loại, loài P. cantorii được coi là loài chuẩn của giống Pelochelys.

Về mặt hình thái, Webb (1995) chỉ ra sự khác biệt giữa loài P. bibroni ở Nam New Ghine với các quần thể thuộc giống Pelochelys khác là: (1) cá thể trưởng thành của P. ibroni có các sọc màu vàng chạy dọc bên cổ và có những đốm trên mai; (2) cá thể non có các nốt sần ở phía trên và phần sau cổ; (3) mai của cá thể non có những hàng nốt sần ở sát riềm da.

Loài Pelochelys signifera Webb, 2002 mới được công bố năm 2002 dựa trên mẫu vật thu tại Bắc New Ghine. Loài này phân biệt với các loài thuộc giống Pelochelys khác là mai con non có nhiều đốm nhỏ, sẫm màu xen kẽ với các đốm sáng màu, những hoa văn này mờ dần ở con trưởng thành. Quan sát cá thể giải trưởng thành nuôi ở Vườn quốc gia Cúc Phương (Hình 1, năm 2000) ở cổ phía trên màu xám nâu, phía dưới màu trắng đục, không có các sọc màu vàng. Căn cứ vào đặc điểm trên thì rõ ràng loài giải khổng lồ ở Việt Nam giống với loài P. cantorii hơn là với hai loài còn lại.

Đối với loài giải thuộc giống Rafetus ở Việt Nam, trước hết, cần xác định là R. swinhoei hay R. euphraticus. Về phân bố, hiện nay loài R. euphraticus ghi nhận ở Thổ Nhĩ Kỳ, Xiberi, I rắc và Iran còn loài R. swinhoei ghi nhận ở Nam Trung Quốc và Việt Nam.

Về hình thái, ở sọ của loài R. euphraticus có xương gốc bướm hình tam giác, cách biệt với xương khẩu cái qua xương cánh. Trong khi đó, sọ của loài giải ở Việt Nam có xương gốc bướm hình lục giác, tiếp xúc với xương khẩu cái, đặc điểm này phù hợp với sọ của mẫu chuẩn mô tả loài R. swinhoei.

Loài giải sống ở Hồ Gươm (Hà Nội) là đối tượng được nhiều nhà khoa học quan tâm, nhiều tác giả đã từng được sử dụng nhiều tên khác nhau như Trionyx (= Amyda) cartilaginea (Petzold, 1963), P. bibroni (Trần Kiên, 1992; Nguyễn Văn Sáng, Hồ Thu Cúc, 1996), P. hoguomensis S.A., 1999 và R. leloii Ha Dinh Duc, 2000 [4]. Đối với các tên loài dưới dạng Amyda spp.Pelochelys spp. đã được tu chỉnh dưới dạng Rafetus spp. thông qua phân tích cấu tạo xương mai (do đôi xương sườn thứ 8 tiêu giảm nên loài giải ở miền Bắc Việt Nam thuộc giống Rafetus). Để chứng minh các tên khoa học Pelochelys hoguomensisR. leloii không có hiệu lực, Farkas và Webb (2003) [4] đã đưa ra những lý do sau: (1) Theo Luật Danh pháp Quốc tế (ICZN, 2000) thì “các công bố phải được công bố rộng rãi và có tính khoa học lâu dài”, mặc dù các công bố trên đã được công bố trên báo chí nhưng không phải là tạp chí khoa học chuyên ngành được công nhận nên không mang tính khoa học lâu dài; (2) Các loài mới công bố sau năm 1930 “phải chỉ rõ sự khác nhau giữa các taxon” (đơn vị phân loại), nhưng các công bố này chỉ đề cập đến kích cỡ khác nhau (lớn, trung bình, nhỏ) một cách định tính của một số đặc điểm như: lỗ gian hàm, lỗ mũi trong và xương sườn thứ 7 và 8; (3) Danh pháp công bố sau năm 1950 thì “tên tác giả phải được viết đầy đủ”, như vậy tên loài P. hoguomensis S.A., 1999 do có tên tác giả ẩn danh nên không có hiệu lực; (4) Danh pháp công bố sau năm 1999 “phải đi kèm với mẫu chuẩn (holotype) hoặc mẫu đồng chuẩn (syntype) ấn định”; các mẫu chuẩn dùng để mô tả loài R. leloii không thoả mãn được yêu cầu này. Sau khi phân tích các lý do trên, hai tác giả này đã bình luận về phần so sánh giữa loài R. leloiiR. swinhoei của Hà Đình Đức và đưa ra kết luận không có sự khác biệt rõ ràng về hình thái giữa loài được cho là mới so với loài R. swinhoei.

Nhiều nhà nghiên cứu rùa gần đây đã phát hiện ra hai mẫu được gắn nhãn có tên loài là Rafetus swinhoei (No 4766 và 4767) ở Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Thượng Hải (Trung Quốc) thực ra là mẫu con non của loài Amyda cartilaginea do các mẫu này có các đốm màu vàng trên đầu, có các gờ u nhỏ trên mai và đôi tấm sườn thứ 8 không tiêu giảm [3,18]. Trong khi đó vào năm 1999, Pritchard đã phân tích 2 mẫu R. swinhoei cũng ở Bảo tàng trên nhưng lại được ghi nhãn là P. bibroni do có đôi tấm sườn thứ 8 tiêu giảm rất nhỏ. Như vậy, việc so sánh mẫu vật R. swinhoei thu được ở Việt Nam với mẫu ghi tên loài này (thực chất là loài A. cartilaginea) ở Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Thượng Hải đã gây ra sự nhầm lẫn đáng tiếc về định loại các loài giải ở cả Trung Quốc và Việt Nam. Sau phát hiện này, Farkas và Fritz (1998), Pritchard (2001), Farkas và Webb (2003) đã hiệu đính lại hàng loạt tên loài như Yuen leprosus, Y. maculatus, Y. pallens, Y. elegans, Y. viridis của Heude, 1880; Pelochelys taihuensis của Zhang, 1984; Pelochelys maculatus của Zhao, 1997; Pelochelys hoguomensis của S.A., 1999; Rafetus leloii của Hà Đình Đức, 2000 và coi những tên trên chỉ là những tên đồng nghĩa (synonym) của loài R. swinhoei.

Căn cứ vào các đặc điểm hình thái và vùng phân bố, hiện tại đã ghi nhận ở Việt Nam có hai giống giải là PelochelysRafetus. Đồng thời, hai loài giải ở Việt Nam được định loại là Pelochelys cantorii Gray, 1864 và Rafetus swinhoei (Gray, 1873). Tuy nhiên, việc phân tích và so sánh ADN của các quần thể giải ở Việt Nam với các mẫu chuẩn hoặc mẫu đã được định loại chính xác ở các bảo tàng có thể sẽ góp phần làm rõ hơn các vấn đề còn nghi ngờ về mặt phân loại học. Ở cấp toàn cầu, IUCN (2004) đã xếp hạng cho loài Pelochelys cantorii ở bậc EN nguy cấp và loài Rafetus swinhoei ở bậc CR - cực kỳ nguy cấp. ở cấp quốc gia, các tác giả đề nghị xếp hạng lại hai loài giải trên trong Sách Đỏ Việt Nam theo tiêu chuẩn đánh giá của IUCN (phiên bản 3.1, 2001) trong kỳ tái bản sắp tới.

Các tác giả xin cảm ơn GS. TSKH. Đặng Ngọc Thanh - Chủ nhiệm đề tài Động vật chí Việt Nam (2000-2001) và ông Peter Pritchard - Viện Nghiên cứu Rùa Florida, Hoa Kỳ đã hỗ trợ kinh phí nghiên cứu trong giai đoạn 2000-2001. Xin cảm ơn các bảo tàng đã cho phép phân tích các mẫu vật: Bảo tàng Hà Nội; Bảo tàng Hoà Bình; Bảo tàng Động vật của Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội; Khoa Sinh - Kỹ thuật nông nghiệp, Đại học Sư phạm Hà Nội; Trung tâm Nghiên cứu Rùa Cúc Phương và Bảo tàng Động vật, Vườn Quốc gia Cúc Phương, Viện Nghiên cứu rùa Florida, Hoa Kỳ; các đồng nghiệp trong và ngoài nước đã cung cấp các thông tin và tài liệu quan trọng về các loài giải ở khu vực Đông Nam á, đặc biệt là ông Peter Pritchard (Viện nghiên cứu rùa Florida, Hoa Kỳ), GS. Wolfgang Bửhme (Bảo tàng Động vật A-lêc-xan-đơ Kô-níc, CHLB Đức), Th.S. Raoul Bain và TS. David Kizirian (Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Hoa Kỳ), ông Douglas Hendrie (Hiệp hội Bảo tồn các loài rùa ở châu Á), PGS. Hà Đình Đức, ông Vũ Ngọc Thành (Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội) và Th.S. Nguyễn Lân Hùng Sơn (Đại học Sư phạm Hà Nội).

0