01/03/2018, 16:22

Điều kiện để bài thơ Đường đạt chuẩn và đối thanh

Điều kiện gì để được bài thơ Đường đạt chuẩn và đối thanh? “Một lần trăn trở, một thuở thăng hoa”. Chúng ta thường sử dụng thời gian nhàn rỗi đến với thơ theo xu hướng tự phát và tự giác, nên không ai quan tâm yêu thơ hay làm thơ là phải nghiên cứu, thế nầy thế khác. Làm được bài thơ ...

Điều kiện gì để được bài thơ Đường đạt chuẩn và đối thanh? “Một lần trăn trở, một thuở thăng hoa”.
Chúng ta thường sử dụng thời gian nhàn rỗi đến với thơ theo xu hướng tự phát và tự giác, nên không ai quan tâm yêu thơ hay làm thơ là phải nghiên cứu, thế nầy thế khác. Làm được bài thơ Đường luật, đọc nghe suông là đã mừng. Có ai nhận xét đúng thể, luật là khoái chí, nên ít ai quan tâm đến lỗi bệnh làm gì. Ngày nay qua mạng thông tin phong phú, chúng ta được giao lưu thơ và học lẫn nhau mỗi ngày trên fb, nên rất nhiều bạn tự phát ấy lại nhanh chóng hoàn thiện thể thơ Đường. Ngược lại, có ít bạn học lý thuyết căn bản hơn, khi đến với thể thơ “Thơ Bác học” nầy dường như lúc đầu ai cũng lại vướng phải khó khăn, ko thoát ra được bởi sự vây bám của những “Luật, Lỗi, Bệnh” và từ ngữ.
CHỦ ĐỀ LIÊN QUAN:



Trong bài viết nầy mình chỉ mách các bạn mới chơi thơ nắm được trình tự để tự nâng cấp một bài thơ đơn giản, thành một bài “Thơ chuẩn có đối thanh”. Trước tiên mỗi người cùng nhau khảo quan kỹ và bắt tay vào việc kiểm tra trình tự, niêm, vận, đối, lỗi, bệnh của bài thơ PHƯƠNG VỊ CUỘC ĐỜI chưa xét lỗi, bệnh sau đây:
Vận thế nghìn phiên cũng vậy thôi
Hèn sang mệnh số chả thành đôi
Khuyên nghề tốt phận đừng cầu vận
Nhủ nghiệp thân lành tránh chỗ tồi
Thử ngẫm sàn khinh tài ngự đẫm
Cùng suy chỗ trọng đức còn ngôi
Thành công chọn thế hòa phong thủy
Nhẩm dại trần duyên khổ mãi thôi!
Tổng quan về niêm, vận, đối và vai trò của của các cặp câu đều thể hiện đúng nhiệm vụ mà đề đặt ra… chúng ta thấy tương đối ổn, nên tạm ko xem xét khía cạnh nầy.
Tuy nhiên xét về lỗi bệnh theo cá nhân mình, thì đây là bài thơ tạp, có các lỗi bệnh sau:
VẬN thế nghìn PHIÊN cũng vậy THÔI
Hèn SANG mệnh số chả thành ĐÔI
Khuyên nghề tốt PHẬN đừng cầu VẬN
Nhủ nghiệp thân LÀNH tránh chỗ TỒI
Thử NGẪM sàn khinh tài có ĐẪM
Cùng SUY chỗ trọng đức còn NGÔI
Thành CÔNG chọn thế hòa PHONG thủy
Nhẩm dại trần DUYÊN khổ mãi THÔI!
Xét về lỗi:
Câu 1 và câu 3, câu 8, phạm lỗi điệp từ, điệp vận, (VẬN, THÔI đều dùng 2 lần)
Xét về bệnh:
- Các câu 1, 4, 8 là phạm phải bệnh “Hạc tất”. (từ thứ 4 với từ thứ 7 trùng dấu thanh).
- Các câu 2, câu 5, câu 6 phạm phải bệnh “phong yêu” (từ thứ 2 với thứ 7 trùng dấu thanh). Ngoài ra câu 5 còn phạm phải “Bệnh Tiểu vận”.
- Câu 3 phạm phải bệnh “Đại vận” (từ thứ 4 với 7 trùng vận nhau).
- Câu câu 7 phạm phải bệnh “Bàng Nữu” (trong câu hay liên câu có từ cùng âm).
Ngoài ra tính theo “Bệnh Bàng Nữu” suy ra 5 câu có vận chính (Câu 1, 2, 4, 6, 8 từ cuối là: THÔI, ĐÔI, TỒI, NGÔI, THÔI) của bài thơ sắp xếp như thế là chưa hợp lý, làm cho bài thơ không thể đối thanh được.

Từ bài thơ gốc, ta có nhiệm vụ chọn các từ khác, hoặc hoán vị những từ trong bài thơ sao cho khi thay vào các từ bị lỗi, bệnh vừa chữa được lỗi, bệnh, vừa nâng cấp lên bài thơ đúng chuẩn, mà không làm thay đổi nội dung chủ đề của bài thơ gốc của tác giả các bạn nhé! Theo thiển ý của mình bài thơ PHƯƠNG VỊ CUỘC ĐỜI tạm nâng cấp như sau:
Thế sự nghìn phiên cũng lở bồi
Sang hèn mệnh số chả thành đôi
Khuyên nghề tốt phận xa trần ảo
Nhủ nghiệp lành thân lánh cõi tồi
Ngẫm thử sàn khinh tài mấy ngự
Suy cùng chỗ trọng đức còn ngôi
Xây nhà chọn thế hòa phong thủy
Nhẩm dại trần duyên khó vãn hồi!
Từ bài thơ đã chỉnh sửa xong ta nhận xét: Nội dung chủ đề bài thơ vẫn không thay đổi. Chỉ đổi và hoán vị một ít từ để tránh lỗi, bệnh và xếp lại thanh vận để bài thơ đạt chuẩn và đối thanh như ý định.

Nhìn bài thơ đã chỉnh sửa, nếu các bạn đã hiểu lỗi, bệnh rồi thì sẽ nhận ra ngay. Riêng các bạn chưa khái niệm được lỗi, bệnh có thể hiểu như sau:
1. Để ko phạm lỗi điệp từ chúng ta chú ý: Khi từ đã dùng rồi trong bài thơ mà dùng lại nữa bất kỳ ở câu nào là phạm lỗi điệp từ. (câu 1 có từ Vận nhưng câu 3 dùng lại Vận).
2. Để ko phạm lỗi điệp vận chúng ta chú ý: Khi đã dùng vần ấy rồi trong bài thơ mà dùng lại nữa là phạm lỗi điệp vận. (Câu 1 vần Thôi, câu 8 dùng lại Thôi).
3. Để ko phạm phải bệnh “Hạc tất”: các từ thứ 4 với từ thứ 7 trong câu phải khác dấu thanh. Thí dụ:
Thế sự nghìn PHIÊN cũng lở BỒI .
4. Tương tự để không phạm bệnh “Phong yêu”: các từ thứ 2 thứ và thứ 7 không trùng dấu thanh. Thí dụ:
Sang HÈN mệnh số chả thành ĐÔI.
5. Tương tự để không phạm bệnh “Đại vận”: các từ thứ 4 thứ và thứ 7 không trùng vận với nhau. Thí dụ:
Khuyên nghề tốt phẬN đừng cầu vẬN. (từ phận có ẬN, từ vận cũng có ẬN).
6. Tương tự để không phạm bệnh “Bàng Nữu”: (Trong câu hay liên câu có từ cùng âm). Thí dụ:
Thành cÔNG chọn thế hòa phONG thủy. (Từ công có âm Ông, từ phong cũng có âm Ong nên gọi trùng âm).
7. Để bài thơ không phạm phải Bệnh Bàng Nữu và “Đối thanh”, chúng ta cần chú ý một điều quan trọng là: 5 vần chính của bài thơ, (từ thứ 7 các câu 1, 2, 4, 6, 8) phải đổi dấu xen kẽ nhau, không được dùng một dấu thanh. Thí dụ: lấy 5 vần từ bài thơ đã chỉnh sửa ta có vận sau: “BỒI, ĐÔI, TỒI, NGÔI, HỒI”.
8. Điều kiện nâng cấp đối thanh: Ngoài việc xử lý lỗi bệnh ta xem xét các từ nằm cạnh nhau dù bằng hay trắc khuyến khích không dùng một dấu mà phải đổi dấu. Thí dụ:
“Hôm nay; ngày nầy; vĩnh viễn; lẻ tẻ; nặng nhọc; lúng liếng… không nên dùng”. Đây là yếu tố tạo đối thanh, để khi đọc có âm điệu nhạc trong thơ. Kỹ năng nầy ngày xưa các cao nhân được dùng cho thể Ngũ Độ Thanh, nên khi ta xử lý tốt, (mỗi câu đủ 5 thanh) sẽ là bài thơ Đường “Ngũ Độ Thanh đạt chuẩn”.
LIÊN KẾT ĐƯỢC TÀI TRỢ




NHẬN XÉT & TRAO ĐỔI:
Khi chúng ta hiểu và nhận ra được luật hay lỗi, bệnh trong thơ Đường, đây mới chỉ là yếu tố vỡ lòng để tác nghiệp, để sử dụng nâng cấp thơ cho mình, cho bạn bè trong trường hợp như thế nầy. Còn trong thực tế thì có khác chứ ko phải bài thơ nào cũng bị bắt luật, lỗi, bệnh. Có thể 4 trường hợp sau đây ta không nên bắt luật, lỗi, bệnh:

Một: Thơ của các bậc Thi sĩ tiền bối, Cao nhân, Nhà thơ nổi tiếng. Vì sao? Bởi người nổi tiếng, Cao thơ… họ luôn làm chủ được hành vi của họ, nên lỗi, bệnh có khi là do họ cố ý phá cách. (Cho dù lỗi vô ý chúng ta cũng không nên, bởi đó có khi là tiền đề mở hướng cho cải cách và thơ mới… vì thế khi ta bắt lỗi, có khi phản tác dụng, bởi các tác phẩm ấy đã được xã hội đã công nhận).

Hai: Khi chưa biết bài thơ viết theo thể loại gì và chưa hiểu rõ tác giả. Vì sao? Bởi có khi đó là bài thơ phá cách của một cao nhân mà ta chưa từng biết.

Ba: Thể loại các thể “Thơ chế, phá cách”. Vì sao? Bởi ngoài những thể thơ Đường thuần túy, thì hiện tại có hằng trăm kiểu chơi khác do người chơi tự sáng tạo. Thông thường các thể phá cách đều phải mang từ một đến nhiều lỗi, bệnh. Các lỗi, bệnh đều là do dụng ý của người sáng tạo ra nó.

Bên cạnh đó xin các bạn lưu ý khi phê hay bình thơ! Nếu chúng ta biết các lỗi bệnh của Thơ Đường mà chưa chưa biết hết các thể loại, biến thể, ta thấy bài nào cũng đầy rẫy những lỗi và bệnh cả. Thí dụ một số thể loại phá luật hay phá cách đều mang lỗi bệnh như: Song điệp; Song điệp độc vận; Bát láy hay bát điệp; Các thể thủ vận; Các thể liên hoàn; Thể Áp cú; Thuận - nghịch; Thuận - Nghịch liên hoàn vận; Thơ Chơi chữ; Láy thơ (láy từ, láy âm, láy vần; láy đôi. Láy ba, láy tư…), còn rất nhiều nhiều nữa... Bản thân của các bài thơ thể trên tự nó phải mang lỗi bệnh, (nếu ko lỗi thì cũng bệnh và ngược lại). Nếu ko có lỗi bệnh thì ko thể làm được bài thơ “phá luật hay phá cách trên”.

Điều đó có nghĩa, với các thể “phá cách hay biến thể” là sự cố ý có tính toán của người chơi. Đối với người có tên tuổi, họ được quyền phá lệ bất cứ bài thơ nào kể cả bài thơ “Đường thuần túy” bởi vì họ luôn làm chủ được hành vi của họ “sai có chủ định”. Thí dụ Bài QUA ĐÈO NGANG của Bà HTQ: “Một mảnh tình riêng ta với ta”.

Do đó, việc áp dụng lỗi bệnh trong sáng tác hay nhận xét thơ, ta chỉ áp dụng cho thể loại “thuần túy”, không nên áp vào các thơ biến thể như trên. Ngoài ra, có thể chúng ta chỉ tránh các bệnh thông thường, còn các bệnh trừu tượng như “bệnh đầu, bệnh thượng vĩ, điệp điệu, điệp nghĩa…” thì ko cần quan tâm nhiều vì các bệnh ấy cả Nhà thơ cũng khó tránh; kể cả các Cuộc Thi Thơ cũng không bắt bệnh ấy. Nếu bạn nào ko muốn vướng mắc các lỗi bệnh thì ta ko chơi các thể “Đường biến thể”; còn bạn nào muốn bắt lỗi bệnh thì chúng ta phải hiểu từng thể loại biến thể và phải hiểu tác giả nữa…

Tóm lại, hiểu được niêm, vận, lỗi, bệnh, đối và các thể thể thơ nói chung… đó chỉ là tiêu chí căn bản của người chơi thơ vỡ lòng, cái cốt lõi vẫn là chất lượng, thâm hậu chính là dùng câu chữ, và các nghệ thuật nhân hóa, ẩn dụ để gieo ý ngoại của bài thơ, sao cho mỗi bài thơ được mang “hương vị của nghệ thuật vị nhân sinh” giống như một bức tranh luôn gieo vào lòng mỗi người một cách suy nghĩ, tạo nên một giá trị nhất định về không gian lẫn thời gian. Bài Thơ PHUONG VỊ CUỘC ĐỜI là một bức tranh thí dụ. Bởi Ý của Bài thơ nhắc mỗi con người tùy sang hay hèn khi vào đời, khi chọn nghề, định nghiệp trong thế giới nửa ảo, nửa thật phải nên thế nào, nên nặng TÀI hay ĐỨC, hoặc phải chạy theo danh lợi, xuôi theo thời thế… Đây chính là sự định vị khôn, dại; xấu, tốt; vinh, nhục đan xen… tứ thơ gieo vào lòng người bao nhiêu nỗi trăn trở, để mỗi người có sự lựa chọn cho mình một “PHƯƠNG VỊ”, sao cho hợp thời vận, để tương lai không phải vãn hồi, nuối tiếc… Đây mới là TRỌNG TÂM và THÂM THÚY của bài thơ chứ không phải LỖI BỆNH.
Bài viết theo thiển ý chủ quan chắc chắn sẽ còn nhiều thiếu sót, mong được sự góp ý hoàn thiện của các bạn. Kính chúc các bạn một ngày nghỉ ngổn ngang niềm tin lạc quan về PHƯƠNG VỊ CUỘC ĐỜI của riêng mình.
Trọng Ưu Huỳnh
0