Điện Biên - Khu di tích chiến thắng Điện Biên Phủ
Vị trí: Chiến trường Điện Biên Phủ thuộc tỉnh Điện Biên, cách Tp. Hà Nội khoảng 500km về phía tây. Đặc điểm: Chiến trường Ðiện Biên là một di tích lịch sử ghi lại chiến công oanh liệt của quân và dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến ...
Vị trí: Chiến trường Điện Biên Phủ thuộc tỉnh Điện Biên, cách Tp. Hà Nội khoảng 500km về phía tây.
Đặc điểm: Chiến trường Ðiện Biên là một di tích lịch sử ghi lại chiến công oanh liệt của quân và dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến anh dũng chống thực dân Pháp.
Từ Hà Nội theo quốc lộ 6 qua Sơn La, Thuận Châu, vượt đèo Pha Ðin sang Tuần Giáo rồi rẽ theo quốc lộ 279 vào Ðiện Biên. Thung lũng Ðiện Biên bốn bề là núi bao bọc với nhiều ngọn đồi ở phía đông và cánh đồng Mường Thanh dài 20km, rộng 6km, có sông Nậm Rốn chảy qua nên vùng đất Ðiện Biên này rất màu mỡ. Từ cuối năm 1953 thực dân Pháp đã đổ quân chiếm đóng Ðiện Biên và thành lập ở đây một tập đoàn cứ điểm quân sự mạnh được trang bị nhiều vũ khí hiện đại.
Tại thung lũng Ðiện Biên đã diễn ra cuộc chiến đấu cực kỳ anh dũng của quân dân Việt Nam suốt 55 ngày đêm với đội quân viễn chinh xâm lược của thực dân Pháp (13/3/1954 - 7/5/1954), bắt sống tướng Ðờ Catri (De Castries) và toàn bộ ban chỉ huy, loại khỏi vòng chiến đấu 16.000 quân địch. Chiến thắng Ðiện Biên Phủ đã gây một tiếng vang lớn chấn động địa cầu, khắp năm châu đều biết đến Ðiện Biên Phủ - Việt Nam.
Các di tích nổi bật của chiến trường Ðiện Biên năm xưa là đồi A1, C1, C2, D1, cứ điểm Hồng Cúm, Him Lam, đồi Ðộc Lập, cầu và sân bay Mường Thanh, hầm chỉ huy của tướng Ðờ Catri.
Quần thể di tích Sở chỉ huy Chiến dịch ở xã Mường Phăng, cách Tp. Ðiện Biên Phủ gần 30km, bên cạnh khu du lịch hồ Pá Khoang cảnh đẹp như trong thần thoại. Nối hai lán làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái là một đường hầm dài 96m, đào xuyên qua đồi để tránh bom và đạn đại pháo. Những bậc cấp dẫn lên miệng hầm (cũng là lán của Đại tướng) nay đã phủ rêu phong của thời gian.
Ðiện Biên Phủ từ xưa vừa là nơi giao lưu văn hóa và kinh tế của các dân tộc vùng biên ải Việt - Lào - Hoa và vừa là vùng tranh chấp thế lực giữa các lãnh chúa phong kiến. Trong nhiều thế kỷ, chiến tranh đã bao lần diễn ra trên cánh đồng Mường Thanh. Mãi đến năm 1777, phủ Ðiện Biên mới chính thức được thành lập, cuộc sống yên bình trở lại, dân cư bắt đầu tụ tập, ổn định và xây dựng cuộc sống. Do vị trí địa lý độc đáo, nơi "một tiếng gà gáy ba nước đều nghe thấy", trong vùng lòng chảo khá phồn thịnh, nơi buôn bán, trao đổi hàng hóa giữa bản địa, người Lào, người Myanmar và cả các dân tộc miền nam tỉnh Vân Nam, Trung Quốc. Từ Ðiện Biên, hàng hoá -chủ yếu là hàng nông thổ sản của vùng Tây Bắc, được vận chuyển qua cửa khẩu Tây Trang, cách thành phố 30km về phía Tây, để sang Lào, Thái Lan và Myanmar, đổi lấy hàng tiêu dùng.Bên dưới vẻ phù hoa của Phố Cũ, đằng sau nét tráng lệ của những con đường và biệt thự nơi phố mới, có một nét đẹp riêng của phủ Ðiện Biên dễ làm say lòng khách phương xa: người Kinh, người Thái, người H' Mông... mỗi dân tộc có lối sống riêng, có nền văn hoá riêng, trang phục riêng thật thuần khiết và rất mến khách. Ta có thể gặp họ bất cứ ở đâu, trong buổi chợ sớm bên cầu Mường Thanh, ven lối mòn về bản, trong phòng đợi của sân bay Ðiện Biên... Những con người ấy, cùng với thiên nhiên nguyên sơ tươi đẹp in đậm dấu ấn lịch sử, là thứ tài nguyên vô giá có sức hấp dẫn riêng đối với du khách mà không thể có ở nơi khác.