Bình Thuận - Di tích trường Dục Thanh
Vị trí: Thuộc làng Thành Đức, nay là số 39 đường Trưng Nhị, thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận. Đặc điểm: Đây là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ở và dạy học năm 1910 trước lúc Người vào Sài Gòn để ra đi tìm đường cứu nước. Nhà thơ, nhà yêu nước Nguyễn Thông đã xây trên một khu ...
Vị trí: Thuộc làng Thành Đức, nay là số 39 đường Trưng Nhị, thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận.
Đặc điểm: Đây là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ở và dạy học năm 1910 trước lúc Người vào Sài Gòn để ra đi tìm đường cứu nước.
Nhà thơ, nhà yêu nước Nguyễn Thông đã xây trên một khu đất của xóm chài nghèo một ngôi nhà gọi là Ngọa Du Sào để đọc sách, ngâm thơ, gặp gỡ và đàm đạo với bạn thơ, bạn cùng chí hướng yêu nước. Khi Nguyễn Thông qua đời nhiều chí sĩ nổi tiếng vãn thường lui tới Ngọa Du Sào trong đó có Phan Chu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp... Được Phan Chu Trinh gợi ý, con trai của nhà yêu nước Nguyễn Thông là Nguyễn Quý Anh đã xây dựng tại đây ngôi trường tiểu học, đặt tên là Dục Thanh với chí hướng giáo dục thanh niên, nâng cao dân trí cho con em trong vùng và truyền bá tinh thần yêu nước cho thế hệ trẻ.
Năm 1909 Nguyễn Tất Thành (tên Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc đó) trên đường vào nam đã tìm tới nhà yêu nước Trương Gia Mô ở Bình Thuận, người vừa mới được ra khỏi nhà tù thực dân Pháp. Trương Gia Mô giới thiệu Nguyễn Tất Thành với Nguyễn Quý Anh lúc đó đang làm hiệu trưởng trường tiểu học Dục Thanh. Số phận và con đường cách mạng buổi bình minh của cuộc đời đi tìm đường cứu nước đã đưa Người đến với ngôi trường nhỏ Dục Thanh nằm kín đáo sát con sông Cà Ty để giờ đây Dục Thanh trở thành một di tích lịch sử mà có lẽ không người Việt Nam nào không biết tới.
Năm 1910 Nguyễn Tất Thành trở thành thầy giáo trẻ nhất. Năm đó Người tròn 20 tuổi. Tại đây Nguyễn Tất Thành đã nhận dạy Quốc Văn, Hán Văn và kiêm nhiệm môn thể dục. Ngoài ra thầy còn nhận dạy tiếng Pháp khi giáo viên Pháp văn vắng mặt.
Ngày nay trong khu trường Dục Thanh còn giữ lại được gần như nguyên vẹn những kỷ vật cách đây gần ngót thế kỷ. Trong đó có nhà Ngự - nơi các thầy giáo và học trò ăn ở nội trú; Ngọa Du Sào; cây khế sau vườn - nơi thầy Thành hay tưới nước cho vườn cây vào những buổi chiều. Khu di tích trường Dục Thanh đã trở thành một trong những nơi gắn liền với thân thế và sự nghiệp của chủ tịch Hồ Chí Minh, một con người đã trở thành danh nhân văn hóa thế giới, vô cùng gần gũi thân yêu đối với mỗi người Việt Nam.