Điểm trung bình thời phổ thông có liên quan đến thu nhập cá nhân
(khoahoc.tv) - Một nhóm các nhà nghiên cứu, đứng đầu là ông Michael T. French, một chuyên gia về Kinh tế học Sức khỏe (health economics) tại trường Đại học Miami (UM), đã phát hiện ra rằng điểm trung bình (Grade Point Average – GPA) ở phổ thông là nhân tố dự đoán chắc chắn cho thu nhập trong tương ...
(khoahoc.tv) - Một nhóm các nhà nghiên cứu, đứng đầu là ông Michael T. French, một chuyên gia về Kinh tế học Sức khỏe (health economics) tại trường Đại học Miami (UM), đã phát hiện ra rằng điểm trung bình (Grade Point Average – GPA) ở phổ thông là nhân tố dự đoán chắc chắn cho thu nhập trong tương lai.
Những phát hiện này được công bố mới đây trên tạp chí Eastern Economic Journal, cho thấy điểm trung bình phổ thông cứ tăng một điểm thì thu nhập hàng năm của người trưởng thành sẽ tăng khoảng 12% đối với nam và 14% đối với nữ. Mặc dù những nghiên cứu trước đây đã chỉ ra mối quan hệ giữa các cấp giáo dục cao hơn và thu nhập cao, nhưng ít ai biết đến mối liên hệ giữa kết quả học tập ở phổ thông và thu nhập.
“Hiểu một cách thông thường thì kết quả học tập ở phổ thông là quan trọng đối với tuyển sinh lên đại học. Và đây là nghiên cứu đầu tiên chứng minh rõ ràng, mối liên hệ giữa điểm trung bình thời phổ thông và thu nhập trong thị trường lao động nhiều năm sau đó”, ông French - trưởng ban nghiên cứu Kinh tế học sức khỏe (HERG), khoa Xã hội học trường Đại học Khoa học và Nghệ thuật Miami, và là đồng tác giả của nghiên cứu này cho hay.
Số liệu cho thấy nhìn chung điểm trung bình phổ thông của nữ giới cao hơn đáng kể, nhưng thu nhập hàng năm của nam giới lại cao hơn. Vì lý do này, các nhà nghiên cứu đã phân tích nam và nữ một cách riêng biệt. Thậm chí như vậy, nghiên cứu đã chỉ ra rằng điểm trung bình tăng một điểm thì khả năng hoàn thành chương trình đại học tăng gấp đôi – từ 21% lên 42%, điều này đúng với cả nam và nữ.
Kết quả cũng chỉ ra, nếu GPA và các phép đo khác được loại bỏ khỏi mô hình phân tích, thì thật ấn tượng khi người đàn ông Mỹ gốc Phi đạt trình độ giáo dục thấp hơn người da trắng. Nhưng, khi các nhân tố dự đoán này được thêm vào nghiên cứu, nó cho thấy học sinh nam và nữ người Mỹ gốc Phi đạt trình độ giáo dục cao hơn học sinh da trắng, mặc dù chúng có cùng điểm trung bình thời phổ thông và những đặc điểm cơ bản.
“Kết quả chỉ ra rằng người Mỹ gốc Phi với điểm trung bình thấp thường ít có khả năng tốt nghiệp phổ thông và vào đại học, nhưng khi GPA và những yếu tố khác được đưa vào nghiên cứu cùng thì khả năng tốt nghiệp đại học và trung học của họ thực sự cao hơn”.
“Một lời giải thích có thể chấp nhận được cho phát hiện này đó là những người Mỹ gốc Phi với điểm GPA cao có động lực và quyết tâm vào đại học, đạt được bằng cấp cao hơn người da trắng”, ông French nói.
Phát hiện này có thể có ý nghĩa quan trọng cho các nhà hoạch định chính sách, giáo viên và lãnh đạo của các trường – những người mong muốn làm tăng thành tích học tập của sinh viên.
“Các nhà tư vấn hướng dẫn và giáo viên có thể sử dụng kết quả này để làm sáng tỏ tầm quan trọng của việc học tốt ở trường phổ thông vì mục đích ngắn hạn (vào đại học) và mục đích dài hạn (kiếm tiền khi là một người trưởng thành)”, ông French nói.
Nghiên cứu này đã sử dụng nguồn dữ liệu từ Khảo sát quốc gia theo chiều dọc về sức khỏe trẻ vị thành niên (National Longitudinal Survey of Adolescent Health). Thông tin bao gồm hồ sơ thời trung học, nhân khẩu học và những thông tin cơ bản từ hơn 10.000 học sinh nam và nữ. Trình độ học vấn và thông tin về thu nhập được thu thập khi những người tham gia khảo sát trong độ tuổi từ 24 đến 34 tuổi, sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông.