Đề xuất thi tốt nghiệp THPT 2 lần trong một năm

Lãnh đạo Hiệp hội cho biết, bản Đề xuất này trình bày về những thay đổi trong kỳ thi tốt nghiệp bậc phổ thông mà Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ ngoài công lập (NCL) Việt Nam chuẩn bị theo chỉ thị của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam. Đề xuất phương án này có một số điểm khác biệt với cả hai kỳ thi thông thường ...

Lãnh đạo Hiệp hội cho biết, bản Đề xuất này trình bày về những thay đổi trong kỳ thi tốt nghiệp bậc phổ thông mà Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ ngoài công lập (NCL) Việt Nam chuẩn bị theo chỉ thị của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam. Đề xuất phương án này có một số điểm khác biệt với cả hai kỳ thi thông thường trước đây đã được tổ chức trong thời gian qua; và kết quả của chúng có thể sử dụng cho cả hai mục tiêu công nhận tốt nghiệp phổ thông và xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng. 

Cụ thể phương án thi tốt nghiệp mà Hiệp hội đề xuất như sau:

Không tổ chức 2 kỳ thi gần nhau

Một số điểm khác biêt so với các kỳ thi trước đây mà Hiệp hội đề xuất là không tổ chức thành hai kỳ thi gần nhau gây tốn kém cho học sinh và xã hội như trước đây, kỳ thi này hỗ trợ cho cả hai mục tiêu công nhận tốt nghiệp phổ thông và tuyển sinh ĐH nhưng không đồng nhất với một trong hai kỳ thi.

Cụ thể, các kỳ thi này khác kỳ thi tốt nghiệp phổ thông ở chỗ: Đối tượng là học sinh đã học hết bậc phổ thông, có thể bao gồm những người tự học hoặc không học phổ thông nhưng muốn được xác nhận trình độ và dự tuyển vào các trường ĐH và chuyên nghiệp; Có thể tổ chức nhiều lần/2 lần trong năm; Thí sinh được kết quả thấp ở một kỳ thi có thể đăng ký xin thi lại ở một kỳ thi sau đề nâng kết quả, đó là cách để tự nâng cao dần năng lực và được xác nhận lại, như vậy kết quả không bị cố định như ở kỳ thi tốt nghiệp phổ thông.

De xuat thi tot nghiep THPT 2 lan trong mot nam

Thí sinh được kết quả thấp ở một kỳ thi có thể đăng ký xin thi lại ở một kỳ thi sau

Các kỳ thi được được thiết kế cũng khác kỳ thi tuyển sinh ĐH thông thường ở chỗ: Bao gồm cả mục tiêu xác nhận trình độ tốt nghiệp phổ thông; Không nhằm một ngành đào tạo cụ thể nào của trường đại học; Được tổ chức nhiều lần/2 lần trong năm.

Đối tượng tham gia, mọi học sinh đã hoàn thành chương trình phổ thông (đã hoặc chưa tốt nghiệp THPT); Mọi người có nhu cầu được xác nhận trình độ tương đương tốt nghiệp phổ thông và được dự tuyển vào ĐH, CĐ.

Đề thi: được thiết kế chủ yếu theo phương pháp trắc nghiệm

Tính chất kỳ thi: Loại thi thành quả học tập (achievement test), đánh giá theo chuẩn (norm), cụ thể là dựa vào chương trình phổ thông, và tính điểm dựa vào một phân bố chuẩn đại diện học sinh cuối bậc phổ thông của cả nước.

Công nghệ: Đề thi được thiết kế chủ yếu theo phương pháp trắc nghiệm khách quan (TNKQ), kết hợp một số câu hỏi tự luận (TL) ngắn cho các môn có nhu cầu bổ sung. Việc phát triển ngân hàng câu hỏi, thiết kế đề thi, xây dựng các đề thi tương đương được triển phai theo theo lý thuyết và công nghệ đo lường hiện đại (Lý thuyết Ứng đáp Câu hỏi). Công nghệ phát triển ngân hàng câu hỏi, xây dựng đề thi tương đương... sẽ được trình bày cụ thể trong đề án chi tiết.

Các môn thi (môn đơn và môn tích hợp) và tổ chức thi: Các môn thi (đơn và tích hợp) có thể được dự kiến như sau: 3 môn thi đơn: Toán, Ngữ Văn, Ngoại ngữ (một trong các thứ tiếng: Anh, Pháp, Nga, Trung, Đức).

2 bài thi tích hợp: Khoa học tự nhiên (liên quan đến các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học), Nhân văn và Khoa học xã hội (liên quan đến các môn Sử, Địa, Chính trị).

Các đề Toán và Ngữ Văn sử dụng phương pháp TNKQ kèm câu TL ngắn để thí sinh làm trung bình trong khoảng 30 phút. Phần TL của đề Toán nhằm đánh giá khả năng giải quyết các vấn đề toán học. Phần TL của đề Ngữ Văn nhằm đánh giá khả năng viết và diễn đạt bằng tiếng Việt, sẽ hạn chế thí sinh viết không quá 400 từ. Thời gian làm bài cho mỗi đề Toán và Ngữ Văn là 90 phút (60 phút TNKQ, 30 phút TL).

Các đề Khoa học tự nhiên, Nhân văn và Khoa học xã hội được ra dưới dạng tích hợp các môn tương ứng Vật lý, Hóa học, Sinh học và Sử, Địa, Chính trị, sử dụng phương pháp TNKQ. Thời gian làm bài cho mỗi đề là 90 phút.

Đề Ngoại ngữ (các tiếng Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc, Đức…) đánh giá khả năng đọc hiểu, ngữ pháp, bằng phương pháp TNKQ, thời gian 90 phút.

Mọi thí sinh đều phải thi ba môn đơn Toán, Ngữ Văn, Ngoại ngữ và được chọn 1 trong 2 môn tích hợp (hoặc thi cả 2) Khoa học tự nhiên, Nhân văn và Khoa học xã hội.

Mỗi kỳ thi được tổ chức chỉ trong 3 ngày, buổi đầu làm thủ tục cần thiết,5 buổi thực thi. Cách ra đề chủ yếu bằng TNKQ và theo các môn tổng hợp giúp đánh giá được kiến thức toàn diện của chương trình phổ thông trung học, chống xu hướng học lệch, nhưng vẫn tổ chức được kỳ thi ngắn gọn. Hai câu hỏi TL trong hai đề Toán và Ngữ Văn khắc phục được nhược điểm của phương pháp TNKQ, giúp đánh giá thêm khả năng viết văn và giải quyết vấn đề trong toán học. Việc hạn chế số từ của câu hỏi TL buộc thí sinh phải suy nghĩ cẩn thận về bố cục trước khi viết, đồng thời không tạo sự quá tải trong việc chấm các bài TL, có thể chọn người chấm có năng lực để đảm bảo chất lượng chấm bài tự luận.

Mỗi năm có thể tổ chức nhiều lần để giảm bớt sự tập trung căng thẳng và tạo cơ hội nhiều hơn cho thí sinh. Trước mắt nên tổ chức mỗi năm ít nhất 2 lần, tương ứng với các thời điểm đầu hai học kỳ của trường ĐH.

Sử dụng kết quả thi: Việc đạt điểm trung bình của 4 (hoặc 5) môn/bài thi là cơ sở để xét trình độ tốt nghiệp THPT và tương đương (theo hướng khoa học tự nhiên hoặc nhân văn - khoa học xã hội hoặc cả hai hướng).

Bảng điểm của 4 (hoặc 5) môn thi cho từng thí sinh là cơ sở để các trường ĐH, CĐ xét tuyển thí sinh vào ngành học mà họ xin dự tuyển. Các trường ĐH, CĐ đưa ra phương án tính tổng điểm của các môn thi để tuyển sinh vào các ngành học theo yêu cầu của trường mình (có thể tính tổng điểm các môn có hệ số).

Đối với phần lớn các trường tổng điểm này + bằng tốt nghiệp phổ thông trung học có thể xem là điểm chung tuyển. Đối với một số trường ĐH có yêu cầu đặc biệt hoặc yêu cầu cao hơn về chất lượng đầu vào có thể xem đây là điểm sơ tuyển. Trên cơ sở số thí sinh đã được sơ tuyển, các trường này có thể tổ chức thêm các kỳ thi về năng khiếu, các kỳ thi nâng cao hoặc/và phỏng vấn để chung tuyển. Xét tuyển theo phương án nào là quyền tự chủ của mỗi trường, nhưng các trường phải công khai cách xét tuyển trước để xã hội có thể đánh giá về chất lượng đầu vào của các trường và giám sát việc thực hiện.

Lãnh đạo Hiệp hội cho biết, muốn thực hiện được Đề án vào năm 2015 thì ngay từ quý II năm 2014, lãnh đạo các cấp cần có quyết tâm cao, chỉ đạo sát sao và triển khai quyết liệt. Đề xuất lập một “Đội đặc nhiệm” điều hành việc triển khai Đề án có hiệu quả.

 Theo Hồng Hạnh - Báo Dân Trí

>> Sau năm 2015, thi tốt nghiệp THPT còn 2 môn và bỏ thi Đại học

0