22/02/2018, 14:53

Đề thi và đáp án đề thi môn văn học kì 2 lớp 11 năm 2015

trường THPT Tân Hưng – Long An. Câu 1 (3,0 điểm) a) Phân tích hai thành phần nghĩa của câu thứ hai trong lời nói của nhân vật bác Siêu ở đoạn trích sau: Bác Siêu đáp vẩn vơ: – Hôm nay trong ông giáo cũng có tổ tôm. Dễ họ không phải đi gọi đâu. (Thạch Lam, Hai ...

trường THPT Tân Hưng – Long An.

de-thi-thpt-tan-hung-long-an

Câu 1 (3,0 điểm)

a) Phân tích hai thành phần nghĩa của câu thứ hai trong lời nói của nhân vật bác Siêu ở đoạn trích sau:

Bác Siêu đáp vẩn vơ:

 – Hôm nay trong ông giáo cũng có tổ tôm. Dễ họ không phải đi gọi đâu.

(Thạch Lam, Hai đứa trẻ)

b) Anh (chị) hãy cho biết trong câu “Dễ họ không phải đi gọi đâu.” (Thạch Lam, Hai đứa trẻ) có bao nhiêu âm tiết và bao nhiêu từ? Vì sao?

Câu 2 (7,0 điểm)

Phân tích hình tượng nhân vật Giăng Van-giăng trong đoạn trích “Người cầm quyền khôi phục uy quyền” (Trích Những người khốn khổ của V. Huy-gô).

— Hết —

 HƯỚNG DẪN CHẤM KIỂM TRA MÔN: NGỮ VĂN 11 (GDPT) HỌC KÌ II NĂM 2014 – 2015

Câu 1 (3,0 điểm) 

a) Trong lời bác Siêu, ở câu thứ hai có hai thành phần nghĩa:

Nghĩa sự việc do các thành phần chính biểu hiện “họ không phải đi gọi”. (1,0 điểm)

Nghĩa tình thái biểu hiện ở hai từ: từ “dễ” thể hiện sự phỏng đoán chưa chắc chắn về sự việc; từ “đâu” thể hiện ý phân trần, bác bỏ ý nghĩ (mong muốn) rằng họ sẽ ở trong huyện ra. (1,0 điểm)

b) Trong câu “Dễ họ không phải đi gọi đâu.” có bảy âm tiết và bảy từ. (0,5 điểm)

Vì theo đặc điểm loại hình của tiếng Việt: tiếng là đơn vị cơ sở của ngữ pháp. Về mặt ngữ âm, tiếng là âm tiết; về mặt sử dụng, tiếng có thể là từ hoặc yếu tố cấu tạo từ. (0,5 điểm)

Câu 2 (7,0 điểm)

 Yêu cầu chung:

Học sinh biết kết hợp kiến thức và kĩ năng về dạng bài nghị luận văn học để tạo lập văn bản. Bài viết phải có bố cục đầy đủ, rõ ràng; văn viết có cảm xúc; thể hiện khả năng cảm thụ văn học tốt; diễn đạt bảo đảm tính liên kết; không mắc lỗi chính tả, từ ngữ, ngữ pháp.

  • Yêu cầu cụ thể:

a) Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận: trình bày đầy đủ các phần mở bài, thân bài, kết luận. (0,5 điểm)

b) Xác định đúng vấn đề cần nghị luận. (0,25 điểm) 

c) Chia vấn đề thành các luận điểm phù hợp; sử dụng tốt các thao tác lập luận; biết kết hợp giữa nêu lí lẽ và dẫn chứng. Có thể trình bày theo định hướng sau:

– Vì muốn cứu một nạn nhân bị Gia-ve bắt oan, Giăng Van-giăng buộc phải tự thú mình là ai, và Ma-đơ-len chỉ là một cái tên giả. Bởi vậy, ông phải đến từ giã Phăng-tin trong khi nàng chưa biết gì về sự thật tàn nhẫn… (1,0 điểm)

– Thái độ bình tĩnh, điềm đạm, hoàn toàn không nghĩ đến sự an nguy của bản thân mà chỉ tìm cách an ủi người phụ nữ bất hạnh. Thái độ và hành động quyết liệt đối với Gia-ve khi Phăng-tin qua đời. Thái độ sẵn sàng chấp nhận cuộc sống tù đày tiếp tục để lương tâm thanh thản. (3,0 điểm)

– Nghệ thuật so sánh đối lập, tương phản của bút pháp lãng mạn… Tất cả nhằm thể hiện tư tưởng nhân đạo và bút pháp lãng mạn lí tưởng của tác giả. (1,0 điểm)

– Qua hình tượng nhân vật, Huy-gô muốn gửi tới bạn đọc thông điệp: Trong hoàn cảnh bất công và tuyệt vọng, con người chân chính vẫn có thể bằng ánh sáng của tình thương đẩy lùi bóng tối của cường quyền và nhen nhóm niềm tin vào tương lai. (0,5 điểm)

d) Sáng tạo: văn viết giàu cảm xúc; có quan điểm riêng nhưng không trái với chuẩn mực đạo đức và pháp luật. (0,5 điểm)

e) Không mắc lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu. (0,25 điểm)

Lưu ý: Sau khi cộng điểm toàn bài, làm tròn đến 0,5 điểm (lẻ 0,25 làm tròn thành 0,5; lẻ 0,75 làm tròn thành 1,0 điểm).

— Hết —

0