22/02/2018, 17:03

Đề thi và đáp án đề thi khảo sát chất lượng môn văn lớp 12 trường THPT Chuyên Hùng…

Các em tham khảo đề thi và đáp án đề thi KSCL môn văn lớp 12 trường THPC Chuyên Hùng Vương – Phú Thọ năm 2015. SỞ GD&ĐT PHÚ THỌ TRƯỜNG THPT CHUYÊN HÙNG VƯƠNG ĐỀ KHẢO SÁT CHẤT LƯỢNG LỚP 12 LẦN II NĂM HỌC 2014–2015 Môn thi : Ngữ văn , Khối: C-D ...

Các em tham khảo đề thi và đáp án đề thi KSCL môn văn lớp 12 trường THPC Chuyên Hùng Vương – Phú Thọ năm 2015.

SỞ GD&ĐT PHÚ THỌ

TRƯỜNG THPT

CHUYÊN HÙNG VƯƠNG

 

ĐỀ KHẢO SÁT CHẤT LƯỢNG LỚP 12 LẦN II

NĂM HỌC 2014–2015

Môn thi : Ngữ văn, Khối: C-D

Thời gian làm bài: 180 phút, không kể thời gian phát đề

(Đề thi gồm: 03 trang)

Phần I. Đọc hiểu (3,0 điểm):

Đọc đoạn trích sau đây và trả lời câu hỏi từ Câu 1 đến Câu 4:

Nhiều người An Nam thích bập bẹ năm ba tiếng Tây hơn là diễn tả ý tưởng cho mạch lạc bằng tiếng nước mình. Hình như đối với họ, việc sử dụng Pháp ngữ là một dấu hiệu thuộc giai cấp quý tộc, cũng như sử dụng nước suối Pê-ri-ê (Pérrier) và rượu khai vị biểu trưng cho nền văn minh châu Âu. Nhiều người An Nam bị Tây hóa hiện nay tưởng rằng khi cóp nhặt những cái tầm thường của phong hóa châu Âu họ sẽ làm cho đồng bào của mình tin là họ đã được đào tạo theo kiểu Tây phương.”

  (Nguyễn An Ninh, Tiếng mẹ đẻnguồn giải phóng các dân tộc bị áp bức,

SGK Ngữ văn 11 Nâng cao, Tập hai, NXB Giáo dục, 2007, tr. 116)

Câu 1. Hãy xác định phong cách ngôn ngữ của đoạn trích? (0,25 điểm)

Câu 2. Trong đoạn trích, tác giả chủ yếu sử dụng thao tác lập luận nào? Vì sao? (0,5 điểm)

Câu 3. Hãy ghi lại câu văn nêu khái quát chủ đề của đoạn trích. (0,25 điểm)

Câu 4. Qua đoạn văn trên tác giả đã phê phán hiện tượng gì? Hãy chỉ ra giá trị thời sự của vấn đề trong giai đoạn hiện nay. (0,5 điểm)

          Đọc đoạn thơ sau đây và trả lời câu hỏi từ Câu 5 đến Câu 8:

Xin chắp tay nguyện cầu cho người dân Nepal…

Mặt đất lặng im

Mặt đất đang bình yên chim hót

Những gương mặt người

Nhập nhoạng những buồn vui

Rồi bỗng nhiên

Mặt đất cựa mình

Mặt đất rùng lên trong đau đớn

Nứt

Gãy

Vỡ

Răng rắc

Rào rào

Ầm ầm những trận cuồng phong

Ầm ầm núi tuyết chảy tan

Nháo nhào những tiếng kêu than

Quáng quàng những bàn tay víu

Nát vụn rồi những ngôi nhà

Tan hoang rồi những đền đài

Đất mang bao phận người

Nằm xuống mà khôn nguôi sợ hãi

Có em bé nào trên đường đi học

Cặp sách trên vai và mơ ước trong tim

Sáng nay còn líu lo như bầy chim

Về những sợi nắng không bao giờ biết khóc

Có bà mẹ nào chở buồn vui trong tóc

Dọc đường mưu sinh dằng dặc khổ đau

Vẫn không quên giấu nước mắt tuôn mau

Mơ về ngày mai cuộc đời toàn tiếng hát

                           …

                                             ( Đỗ Nhật Nam – theo Dân trí ngày 01/5/2015)

Câu 5. Xác định những phương thức biểu đạt trong đoạn thơ trên? (0,25 điểm)

Câu 6. Chỉ ra hai biện pháp nghệ thuật chủ yếu trong đoạn thơ. (0,25 điểm)

Câu 7. Những câu thơ trước có tương quan như thế nào với câu cuối đoạn “Mơ về ngày mai cuộc đời toàn tiếng hát”? Ý nghĩa? (0,5 điểm)

Câu 8. Đoạn thơ thể hiện tình cảm sâu sắc của một cậu bé mới 14 tuổi. Đó là tình cảm gì? Viết từ 5 – 7 dòng thể hiện những suy nghĩ của anh/chị trước tình cảm của cậu bé.(0,5 điểm)

Phần II. Làm văn (7,0 điểm)

Câu 1. (3,0 điểm)

Người người đều muốn thay đổi thế giới, nhưng ai cũng không muốn thay đổi chính mình” (Lev Tolstoi)

Viết một bài văn (khoảng 600 từ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về ý kiến trên.

Câu 2. (4,0 điểm)

Cùng yêu thương con bằng sự thấu hiểu lẽ đời nhưng nếu ở bà cụ Tứ (Vợ nhặt – Kim Lân) là sự vị tha, bao dung, lạc quan thì ở người đàn bà hàng chài (Chiếc thuyền ngoài xa – Nguyễn Minh Châu) là sự chịu đựng, hi sinh, nhẫn nhục.

Từ cảm nhận của mình về hai nhân vật này, anh/chị hãy làm sáng tỏ ý kiến trên.

          ——————————– Hết ——————————–

Thí sinh không được sử dụng tài liệu. Cán bộ coi thi không giải thích gì thêm. 

Họ và tên thí sinh: ……………………………………………; Số báo danh: ……………………….

SỞ GD&ĐT PHÚ THỌ

TRƯỜNG THPT

CHUYÊN HÙNG VƯƠNG

HƯỚNG DẪN CHẤM THI MÔN NGỮ VĂN

KHẢO SÁT CHẤT LƯỢNG LỚP 12 LẦN 2

NĂM HỌC 2014–2015

(Hướng dẫn chấm thi gồm 05 trang)

I. Một số chú ý khi chấm bài

– Thi sinh có thể làm bài theo những cách khác nhau, nhưng phải đảm bảo yêu cầu về kiến thức cơ bản dưới đây.

– Khuyến khích và đánh giá cao những bài viết có tính  sáng tạo, thể hiện khả năng cảm thụ tinh tế, có phát hiện mới.

II. Đáp án và biểu điểm

Phần I   Yêu cầu Điểm
Câu     3,0 đ
  1 – Phong cách ngôn ngữ của đoạn trích: phong cách ngôn ngữ chính luận 0,25 đ
2 – Trong đoạn trích, tác giả chủ yếu sử dụng thao tác lập luận bình luận.

– Đoạn trích đưa ra ý kiến đánh giá, bàn luận về một vấn đề: chỉ ra vấn đề đúng/sai, tốt/xấu và mang tính đối thoại.

0,25 đ

0,25 đ

3 – Câu văn khái quát chủ đề của đoạn trích: Nhiều người An Nam thích bập bẹ năm ba tiếng Tây hơn diễn tả ý tưởng mạch lạc bằng tiếng nước mình. 0,25 đ
4 –         – Qua đoạn văn trên tác giả đã phê phán hiện tượng học đòi Tây hóa của một bộ phận trí thức, quan lại ở Việt Nam (trong những năm đầu của thế kỉ XX – 1925).

–         – Tính thời sự của vấn đề trong giai đoạn hiện nay:

–         Biết tiếng nước ngoài, học tiếng nước ngoài là một yêu cầu trong quá trình hội nhập nhưng phải song song với việc trau dồi tiếng mẹ đẻ.

–         Tránh sử dụng ngôn ngữ lai căng, pha tạp để bảo vệ tiếng mẹ đẻ.

0,25 đ

0,25 đ

  5 Những phương thức biểu đạt trong đoạn thơ trên: tự sự, miêu tả, biểu cảm 0,25 đ
  6 Hai biện pháp nghệ thuật chủ yếu trong đoạn thơ: nhân hóa, điệp từ ( hoặc liệt kê, tương phản,…) 0,25 đ
  7 – Những câu thơ trước có tương quan đối lập với câu thơ cuối đoạn.

– Ý nghĩa: Trong đau thương, đổ nát, hoang tàn con người vẫn không bi quan, tuyệt vọng mà luôn tin tưởng về một ngày mai đầy niềm vui và hạnh phúc.

0,25 đ

0,25 đ

  8 – Đoạn thơ thể hiện tình cảm sâu sắc của một cậu bé mới 14 tuổi. Đó là tình nhân ái “ thương người như thể thương thân” bao la, sâu sắc, chân thành.

– Viết 5-7 dòng thể hiện suy nghĩ trước tình cảm của cậu bé: đó có thể là xúc động, ngạc nhiên, trân trọng,…

0,25 đ

0,25 đ

Phần II      
Câu 1   3,0 đ
  a Giải thích 0,5 đ
  – Thay đổi thế giới: thay đổi trật tự thế giới cũ để xác lập một trật tự thế giới mới hay nói cách khác, thay hệ giá trị cũ bằng hệ giá trị mới, thay đổi để phát triển.

Thay đổi chính mình: thay đổi những thói quen, suy nghĩ, tính cách đã ăn sâu vào gốc rễ của chính mình.

– Nhiều người muốn thay đổi, cải biến thế giới khách quan nhưng lại thường bỏ quên yếu tố chủ quan. Đó chính là một trong những sai lầm lớn của con người. Câu nói của Lev Tolstoi đưa ra lời khuyên cho mỗi người: Muốn thay đổi thế giới trước hết phải thay đổi chính bản thân mình.

0,25 đ

0,25 đ

b Bàn luận 2,0 đ
  * Người người đều muốn thay đổi thế giới:

– Khát vọng thay đổi thế giới: ước muốn tích cực, tốt đẹp, cần được khích lệ( dẫn chứng làm sáng tỏ)

* Nhưng ai cũng không muốn thay đổi chính mình:

– Con người không muốn thay đổi bản thân vì không muốn thừa nhận những thiếu sót, những điểm yếu, phủ định giá trị của bản thân.

– Dù không muốn nhưng con người nhất thiết phải tự soi chiếu, tự nhìn nhận những khuyết điểm, hạn chế để phản tỉnh, hoàn thiện chính mình.

– Điều quan trọng nhất trong quá trình thay đổi bản thân chính là thay đổi thế giới quan. Nếu chọn cho mình một thế giới quan rộng mở, tiến bộ, biện chứng, con người có thể đạt được nhiều thành công ngoài mong đợi, “đời thay đổi khi chúng ta thay đổi”.

(dẫn chứng làm sáng tỏ)

0,5 đ

1,5 đ

0,5 đ

0,5 đ

0,5 đ

c Mở rộng, nâng cao vấn đề 0,5 đ
    – Nhiều người không phê phán, thay đổi bản thân từ đó kéo lùi sự phát triển của lịch sử, xã hội.

– Cần phải luôn có ý thức phản tỉnh để có thể hoàn thiện chính bản thân mình.

– Mỗi người tự nhận thức và hoàn thiện chính mình, tự thực hiện những cuộc cách mạng cá nhân thì cả thế giới cũng sẽ cải biếntheo.

0,25 đ

0, 25 đ

 Câu 2   4,0 đ
  a Vài nét về tác giả và tác phẩm 0,25 đ
    – Kim Lân là một cây bút chuyên viết truyện ngắn, “một nhà văn viết ít nhưng ngày càng được khâm phục nhiều”. Vợ nhặt là truyện ngắn xuất sắc nhất của Kim Lân, rút từ tập Con chó xấu xí (1962).

– Nguyễn Minh Châu là nhà văn tài năng đi tiên phong trong công cuộc đổi mới nền văn học Việt Nam sau 1975. Chiếc thuyền ngoài xa là một tác phẩm xuất sắc của ông ở giai đoạn này.

 
b Giải thích ý kiến 0,25 đ
  Ý kiến chỉ ra sự giống nhau của hai nhân vật: đều yêu thương con bằng sự thấu hiểu lẽ đời, đồng thời chỉ ra sự khác nhau: tình yêu thương con của bà cụ Tứ là sự vị tha, bao dung, lạc quan, còn tình yêu thương con của người đàn bà hàng chài là sự chịu đựng, hi sinh, nhẫn nhục. Đó là những nét riêng của tình mẫu tử trong  hai tác phẩm Vợ nhặt – Kim Lân và Chiếc thuyền ngoài xa – Nguyễn Minh Châu.  
c Chứng minh 3,0 đ
  * Điểm tương đồng: Cả hai nhân vật đều yêu thương con bằng sự thấu hiểu lẽ đời

– Bà cụ Tứ:

+ Khi biết người phụ nữ theo không con mình về làm vợ, bà cụ Tứ lặng người, cúi đầu nín lặng, khóc, vừa xót xa cho số kiếp con trai, vừa tủi thân, tủi phận cho chính mình vì nghèo mà không lấy nổi vợ cho con.

+ Đồng cảm với người vợ nhặt “ Người ta có gặp bước khó khăn, đói khổ này người ta mới lấy đến con mình”, đồng cảm với con trai “… Mà con mình mới có được vợ”; vun vén cho hạnh phúc của đôi trẻ “Ừ, thôi thì các con đã phải duyên, phải kiếp với nhau, u cũng mừng lòng…”…

– Người đàn bà hàng chài:

+ Tình yêu thương con bằng sự thấu hiểu lẽ đời khiến chị phải nhẫn nhục, chịu đựng sự đày ải tàn nhẫn của người chồng để con thuyền có người đàn ông khỏe mạnh “chèo chống khi phong ba” và “để cùng làm ăn nuôi nấng đặng một sắp con”.

+ Khi đối thoại với Phùng và Đẩu ở Tòa án huyện, chị đã nói: “Đàn bà ở thuyền chúng tôi phải sống cho con chứ không thể sống cho mình như ở trên đất được”.

* Sự khác biệt:

 Tình yêu thương con của bà cụ Tứ là sự vị tha, bao dung, lạc quan:

– Thấu hiểu việc vượt quyền cha mẹ của Tràng

– Cảm thông, xót thương cho tình cảnh và trân trọng giá trị của người vợ nhặt

– Suy nghĩ, hành động, lời nói luôn lạc quan, hướng về tương lai trong những ngày đói:

+ Bà truyền cho con cái niềm hi vọng “không ai khó ba đời”

+ Hành động xăm xắm thu dọn, quét tước nhà cửa

+ Dự định ngăn buồng cho đôi trẻ, mua đôi gà, bữa cơm mừng dâu mới với “chè khoán”…

* Tình yêu thương con của người đàn bà hàng chài là sự chịu đựng, hi sinh, nhẫn nhục:

– Người đàn bà hàng chài chịu đựng, hi sinh xin chồng đưa mình lên bờ mà đánh khi các con đã lớn vì sợ các con sẽ bị tổn thương khi chứng kiến cảnh bạo lực đau lòng.

– Vì lo những phản ứng dữ dội của thằng Phác có thể làm điều dại dột với ba nó mà chị phải cắn răng gửi thằng con chị yêu thương nhất lên rừng ở với ông ngoại đã nửa năm nay.

– Khi chồng đánh đập đau đớn chị lặng lẽ chịu đựng, nhẫn nhục như một người câm nhưng khi thằng Phác lao vào đánh bố để cứu mẹ, chị lại không nén nổi đau đớn. Chị “mếu máo” gọi con, “ôm chầm lấy nó rồi lại buông ra”, “chắp tay vái lấy vái để rồi ôm chầm lấy”. Đó là nỗi đau của người mẹ khi không che chắn nổi cho tuổi thơ của các con được trong sáng, nỗi sợ hãi cho sự phát triển tính cách của con trong môi trường tăm tối, bạo lực…

1,0 đ

0,5 đ

0,5 đ

2,0 đ

1,0đ

0,25 đ

0,25 đ

0,5đ

1,0 đ

0,5 đ

0,25 đ

0,25 đ

d Đánh giá 0,5 đ
  – Khẳng định sự đúng đắn của ý kiến:

+ Chỉ ra được những khác biệt trong tình yêu thương con của hai nhân vật. Từ đó giúp người đọc nhận ra được những nét độc đáo của mỗi hình tượng, những khám phá riêng trong cách thể hiện, xuất phát từ cái nhìn khác nhau về con người của hai nhà văn trong hai giai đoạn văn học khác nhau.

+ Đồng thời giúp người đọc cảm nhận được sự gặp gỡ trong tư tưởng nhân đạo của hai nhà văn và những tư tưởng, tình cảm mà họ gửi gắm.

 

                            

——————————– Hết ——————————–

0