14/01/2018, 16:26

Đề thi tuyển sinh vào lớp 10 môn Ngữ văn sở GD&ĐT Long An năm 2015 - 2016

Đề thi tuyển sinh vào lớp 10 môn Ngữ văn sở GD&ĐT Long An năm 2015 - 2016 Đề thi vào lớp 10 THPT môn Ngữ văn có đáp án Đề thi tuyển sinh vào lớp 10 môn Ngữ văn có đáp án được VnDoc sưu tầm và đăng ...

Đề thi tuyển sinh vào lớp 10 môn Ngữ văn sở GD&ĐT Long An năm 2015 - 2016

Đề thi tuyển sinh vào lớp 10 môn Ngữ văn

có đáp án được VnDoc sưu tầm và đăng tải nhằm giúp các em học sinh có thêm nhiều tài liệu ôn thi vào lớp 10 môn Ngữ văn để tham khảo chuẩn bị tốt cho kì thi tuyển sinh sắp tới đây đạt kết quả cao. Mời các em cùng tham khảo.

Đề thi thử vào lớp 10 môn Toán năm 2016 trường THPT Chuyên Hà Nội Amsterdam (đợt cuối)

Đề thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT môn Ngữ văn sở GD&ĐT Quảng Ninh năm 2014 - 2015

SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
LONG AN
KÌ THI TUYỂN SINH LỚP 10
NĂM HỌC 2015 - 2016
Môn thi: NGỮ VĂN
Thời gian: 120 phút (Không kể thời gian phát đề)

PHẦN I: ĐỌC - HIỂU (5,0 điểm)

Câu 1: (2,0 điểm)

a) Em hiểu gì về bút pháp nghệ thuật ước lệ được nhà thơ Nguyễn Du sử dụng khi gợi tả vẻ đẹp của chị em Thúy Kiều trong tác phẩm "Truyện Kiều"? Tìm câu thơ có sử dụng bút pháp nghệ thuật ước lệ trong bốn câu thơ sau:

"Đầu lòng hai ả tố nga,
Thúy Kiều là chị em là Thúy Vân.
Mai cốt cách tuyết tinh thần,
Mỗi người một vẻ mười phân vẹn mười."

(Trích "Truyện Kiều" – Nguyễn Du)

b) Đoạn văn sau được trích từ văn bản nào? Tác giả là ai? Nêu hoàn cảnh ra đời và ý nghĩa của văn bản đó.

"Nghe gọi, con bé giật mình, tròn mắt nhìn. Nó ngơ ngác, lạ lùng. Còn anh, anh không ghìm nổi xúc động."

Câu 2: (3,0 điểm)

a) Xác định lỗi dùng từ trong mỗi câu sau và sửa lại để có những câu đúng:

a1. Bạn có yếu điểm là chưa tự tin trước đông người.

a2. Qua bài thơ "Nói với con" cho ta hiểu thêm về sức sống của một dân tộc miền núi.

a3. Nguyễn Duy là một nhà thi sĩ tài hoa.

b) Giải nghĩa thành ngữ "Nói có sách, mách có chứng". Cho biết thành ngữ này liên quan đến phương châm hội thoại nào? Nêu nội dung của phương châm hội thoại đó.

PHẦN II: LÀM VĂN (5,0 điểm)

Cảm nhận về vẻ đẹp của người lính lái xe Trường Sơn thời chống Mĩ trong bài thơ "Bài thơ về tiểu đội xe không kính" của Phạm Tiến Duật.

Đáp án đề thi tuyển sinh vào lớp 10 môn Ngữ văn

PHẦN I: ĐỌC - HIỂU (5,0 điểm)

Câu 1:

a) (0,75 đ):

Bút pháp nghệ thuật ước lệ được nhà thơ Nguyễn Du sử dụng khi gợi tả vẻ đẹp của chị em Thúy Kiều trong tác phẩm

"Truyện Kiều" là bút pháp nghệ thuật cổ điển, lấy vẻ đẹp của thiên nhiên để gợi tả vẻ đẹp của con người.

Câu thơ có sử dụng bút pháp nghệ thuật ước lệ là:

"Mai cốt cách tuyết tinh thần"

*Cách chấm: Nếu thí sinh:

  • Nêu đúng như đáp án (chấm 0,5đ). Nêu thiếu từ cổ điển (cũng chấm trọn 0,5đ).
  • Nêu sai: gợi tả thành miêu tả (chấm 0,25đ).
  • Tìm đúng câu thơ có sử dụng bút pháp nghệ thuật ước lệ: "Mai cốt cách tuyết tinh thần" (chấm 0,25đ).

b) (1,25 đ):

  • Đoạn văn được trích từ văn bản "Chiếc lược ngà".
  • Tác giả: Nguyễn Quang Sáng.
  • Hoàn cảnh ra đời: Truyện ngắn "Chiếc lược ngà" được viết năm 1966, khi tác giả đang hoạt động ở chiến trường Nam Bộ.
  • Ý nghĩa của văn bản: Là câu chuyện cảm động về tình cha con sâu nặng, "Chiếc lược ngà" cho ta hiểu thêm về những mất mát to lớn của chiến tranh mà nhân dân ta đã trải qua trong cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước.

* Cách chấm: Nếu thí sinh:

  • Nêu đúng vị trí của đoạn văn như đáp án (chấm 0,25đ).
  • Nêu đúng tên tác giả Nguyễn Quang Sáng (chấm 0,25đ).
  • Nêu đúng hoàn cảnh ra đời của tác phẩm như đáp án (chấm 0,25đ). Hoặc chỉ nêu được một trong hai ý của đáp án (cũng chấm trọn 0,25đ).
  •  Ý nghĩa của văn bản:
    • Nêu đúng như đáp án (chấm 0,5đ). Hoặc chỉ nêu được: Là câu chuyện cảm động về tình cha con sâu nặng, "Chiếc lược ngà" cho ta hiểu thêm về những mất mát to lớn của chiến tranh mà nhân dân ta đã trải qua (cũng chấm trọn 0,5đ).
    • Chỉ nêu được: Là câu chuyện cảm động về tình cha con sâu nặng. Hoặc "Chiếc lược ngà" cho ta hiểu thêm về những mất mát to lớn của chiến tranh mà nhân dân ta đã trải qua trong cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước. (chấm 0,25đ)

Câu 2: 

a) Xác định lỗi dùng từ trong mỗi câu và sửa lại để có những câu đúng: (1,5 điểm):

a1. Bạn có yếu điểm là chưa tự tin trước đông người.

  • Dùng sai từ "yếu điểm" Sửa lại "điểm yếu".

a2. Qua bài thơ "Nói với con" cho ta hiểu thêm về sức sống của một dân tộc miền núi.

  • Dùng thừa từ quan hệ từ "Qua" Sửa lại: bỏ từ "Qua" và viết hoa chữ "bài".

a3. Nguyễn Duy là một nhà thi sĩ tài hoa.

  • Dùng thừa từ "nhà" Sửa lại: bỏ từ "nhà".

*Cách chấm: Nếu thí sinh:

  • Xác định đúng lỗi sai ở mỗi câu (chấm 0,25đ).
  • Sửa sai đúng theo đáp án (chấm 0,25đ)).

b) (1,5 điểm):

  •  Nghĩa của thành ngữ "nói có sách, mách có chứng" là: nói có căn cứ chắc chắn.
  • Thành ngữ "nói có sách, mách có chứng" liên quan đến phương châm về chất.
  • Nội dung của phương châm về chất: Khi giao tiếp, đừng nói những điều mà mình không tin là đúng hay không có bằng chứng xác thực.

*Cách chấm: Nếu thí sinh:

  • Giải nghĩa thành ngữ đúng như đáp án (chấm 0,5đ).
  • Nếu giải thích: "nói có sách, mách có chứng" là: nói có chứng cứ rõ ràng, chắc chắn. Hoặc tương tự (cũng chấm trọn 0,5đ).
  • Nêu đúng thành ngữ "nói có sách, mách có chứng" liên quan đến phương châm về chất (chấm 0,5đ).
  • Nêu đúng nội dung của phương châm về chất (chấm 0,5đ).
  • Chỉ nêu: Khi giao tiếp, đừng nói những điều mà mình không tin là đúng. Hoặc: Khi giao tiếp, đừng nói những gì không có bằng chứng xác thực. (chấm 0,25đ).

PHẦN II: LÀM VĂN (5 điểm)

Cảm nhận về vẻ đẹp của người lính lái xe Trường Sơn thời chống Mĩ trong bài thơ Bài thơ về tiểu đội xe không kính của Phạm Tiến Duật.

A. Yêu cầu về kĩ năng:

  • Biết vận dụng kĩ năng nghị luận về một bài thơ.
  • Bố cục rõ ràng, diễn đạt lưu loát, ít sai lỗi về chính tả, dùng từ, ngữ pháp; chữ viết rõ ràng, ...

B. Yêu câu về kiến thức:

Trên cơ sở những hiểu biết về nhà thơ Phạm Tiến Duật và hình ảnh người lính lái xe trong bài thơ Bài thơ về tiểu đội xe không kính, thí sinh có thể diễn đạt và trình bày theo nhiều cách khác nhau nhưng cần làm rõ các ý cơ bản sau:

I. MỞ BÀI: (0,5 đ)

  • Giới thiệu tác giả Phạm Tiến Duật, tác phẩm Bài thơ về tiểu đội xe không kính.
  • Giới thiệu khái quát luận đề.

II. THÂN BÀI: (4,0 đ)

1. Cảm nhận về vẻ đẹp của người lính lái xe Trường Sơn:

  • Tư thế ung dung, hiên ngang: phong thái đàng hoàng, không run sợ, không né tránh gian khổ, hi sinh (ung dung buồng lái ta ngồi/ nhìn đất nhìn trời nhìn thẳng).
  • Tinh thần dũng cảm, bất chấp gian khổ, hiểm nguy: hoàn cảnh của người chiến sĩ trong chiếc xe không kính được miêu tả chân thực (gió vào xoa mắt đắng, bụi phun tóc trắng, mặt lấm, mưa tuôn mưa xối như ngoài trời) nhưng người chiến sĩ chấp nhận thử thách như một tất yếu (ừ thì có bụi, ừ thì ướt áo). Với tinh thần chấp nhận thử thách, họ hết sức bình thản, ngang tàng (chưa cần rửa, chưa cần thay...), vẫn tiến thẳng ra tiền tuyến.
  • Tâm hồn lãng mạn, sôi nổi, lạc quan yêu đời (Thấy sao trời và đột ngột cánh chim/ Như sa như ùa vào buồng lái; phì phèo châm điếu thuốc; nhìn nhau, mặt lấm cười ha ha;lại đi, lại đi trời xanh thêm...).
  • Tình đồng chí đồng đội thắm thiết: hoàn cảnh chiến tranh đã gắn kết những người lính trong tình đồng đội như anh em ruột thịt, cùng chia sẻ với nhau trong cuộc sống thiếu thốn, hiểm nguy (Bếp Hoàng Cầm..., chung bát đũa nghĩa là gia đình đấy...).
  • Ý chí chiến đấu giải phóng miền Nam: những khó khăn gian khổ trong cuộc đời người lính, sự tàn phá của bom đạn kẻ thù cũng không ngăn cản được bước chân người lính, không làm lung lạc ý chí chiến đấu giải phóng miền Nam. (Không có kính, rồi xe không có đèn...Chỉ cần trong xe có một trái tim).

2. Nghệ thuật:

  • Thể thơ tự do; giọng điệu tự nhiên, trẻ trung tinh nghịch, ngang tàng, mạnh mẽ, hào hùng; cấu trúc lặp (ừ thì, chưa cần).
  • Nhiều điệp ngữ (không có kính, lại đi, nhìn,...), hình ảnh thơ độc đáo (những chiếc xe không kính),... đã góp phần khắc họa đậm nét những người lính lái xe ở Trường Sơn, làm nổi bật giá trị tư tưởng của bài thơ.

III. KẾT BÀI: (0,5 đ)

  • Qua hình ảnh những chiếc xe không kính, tác giả khắc họa hình tượng người lính lái xe Trường sơn trẻ trung, hiên ngang dũng cảm, chiến đấu vì một lí tưởng cao cả, ...
  • Họ chính là hình ảnh tiêu biểu cho cả thế trẻ Việt Nam thời kì chống Mĩ cứu nước của dân tộc ta.

C. Cách chấm điểm:

  • Điểm 5,0: Bài viết đáp ứng đầy đủ các yêu cầu nêu trên; sáng tạo trong cảm nhận; bố cục rõ ràng, lời văn mạch lạc, lập luận chặt chẽ, thuyết phục.
  • Điểm 4,0 - 4,5: Bài viết đáp ứng các yêu cầu nêu trên; bố cục rõ ràng, lời văn mạch lạc; lập luận thuyết phục.
  • Điểm 3,0 - 3,5: Đáp ứng 2/3 yêu cầu về nội dung kiến thức; bố cục rõ ràng, diễn đạt tương đối mạch lạc.
  • Điểm 2,5: Đáp ứng 1/2 yêu cầu về nội dung kiến thức, bố cục tương đối rõ, còn mắc một vài lỗi về diễn đạt.
  • Điểm 1,5 – 2,0: Bài làm sơ sài, chưa cảm nhận được vẻ đẹp của người lính lái xe Trường Sơn; mắc nhiều lỗi về diễn đạt, chính tả, dùng từ.
  • Điểm 0,5 - 1,0: Bài làm xa đề, diễn xuôi thơ; diễn đạt lủng củng, bố cục của bài văn không rõ ràng.
  • Điểm 00: Bài làm lạc đề.
0