Đề thi thử vào lớp 10 môn Ngữ văn lần 3 năm 2015 Phòng GD-ĐT Phúc Yên, Vĩnh Phúc
Đề thi thử vào lớp 10 môn Ngữ văn lần 3 năm 2015 Phòng GD-ĐT Phúc Yên, Vĩnh Phúc Đề thi thử tuyển sinh lớp 10 môn Văn có đáp án Đề thi thử vào lớp 10 môn Ngữ văn là đề thi thử tuyển sinh vào lớp 10 ...
Đề thi thử vào lớp 10 môn Ngữ văn lần 3 năm 2015 Phòng GD-ĐT Phúc Yên, Vĩnh Phúc
Đề thi thử vào lớp 10 môn Ngữ văn
là đề thi thử tuyển sinh vào lớp 10 môn Văn có đáp án. Hi vọng tài liệu này sẽ giúp các bạn tự luyện tập, kiểm tra lại kiến thức, ôn thi vào lớp 10 môn Văn hiệu quả hơn. Mời các bạn cùng tham khảo.
Đề thi tuyển sinh vào lớp 10 môn Ngữ văn năm học 2015-2016 Sở GD-ĐT Phú Thọ
Đề thi tuyển sinh vào lớp 10 môn Ngữ văn năm học 2015-2016 trường THPT Chuyên Đại học Vinh
PHÒNG GD&ĐT PHÚC YÊN
|
ĐỀ KHẢO SÁT LỚP 9 LẦN 3 NĂM HỌC 2014 – 2015 |
Câu 1. (2,0 đểm)
“Trong cuộc đời đầy truân chuyên của mình, chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiếp xúc với văn hóa nhiều nước, nhiều vùng trên thế giới, cả phương Đông và phương Tây. Trên những con tàu vượt trùng dương, Người đã ghé lại nhiều hải cảng, đã thăm các nước châu Phi, châu Á, châu Mĩ. Người đã sống dài ngày ở Pháp, ở Anh. Người nói và viết thạo nhiều thứ tiếng ngoại quốc: Pháp, Anh, Hoa, Nga… và Người đã làm nhiều nghề. Có thể nói, ít có vị lãnh tụ nào lại am hiểu nhiều về các dân tộc và nhân dân thế giới, văn hóa thế giới sâu sắc như chủ tịch Hồ Chí Minh. Đến đâu Người cũng học hỏi và tìm hiểu văn hóa, nghệ thuật đến một mức khá uyên thâm. Người cũng chịu ảnh hưởng tất cả các nền văn hóa, đã tiếp thu mọi cái đẹp và cái hay đồng thời với việc phê phán những tiêu cực… Nhưng điều kì lạ là tất cả những ảnh hưởng quốc tế đó đã nhào nặn với cái gốc văn hóa không gì lay chuyển được ở Người, để trở thành một nhân cách rất Việt Nam, một lối sống rất bình dị, rất Việt Nam, rất phương Đông, nhưng đồng thời cũng rất mới, rất hiện đại”.
(“Phong cách Hồ Chí Minh” – Lê Anh Trà – in trong cuốn “Hồ Chí Minh và văn hóa Việt Nam” - 1990).
a. Đoạn văn trên được viết theo phương thức biểu đạt chính nào?
b. Chỉ ra các phép liên kết câu được sử dụng trong đoạn văn?
c. Đoạn văn sau tác giả đã sử dụng biện pháp tu từ gì: Trên những con tàu vượt trùng dương, Người đã ghé lại nhiều hải cảng, đã thăm các nước châu Phi, châu Á, châu Mĩ. Người đã sống dài ngày ở Pháp, ở Anh. Người nói và viết thạo nhiều thứ tiếng ngoại quốc: Pháp, Anh, Hoa, Nga… Và người đã làm nhiều nghề”.
d. Cụm từ “Có thể nói” là thành phần gì của câu: “Có thể nói, ít có vị lãnh tụ nào lại am hiểu nhiều về các dân tộc và nhân dân thế giới, văn hóa thế giới sâu sắc như chủ tịch Hồ Chí Minh”
e. Theo quan điểm của tác giả đoạn trích, nét phong cách nổi bật của Hồ Chí Minh là gì?
f. Qua đoạn trích trên, em học tập được những gì từ cách tiếp thu văn hóa các nước của Bác?
Câu 2. (3,0 điểm)
“Con ơi tuy thô sơ da thịt
Lên đường
Không bao giờ nhỏ bé được
Nghe con.”
a. Nêu nội dung chính của đoạn thơ.
b. Từ những suy ngẫm về đoạn thơ, em hãy viết đoạn văn ngắn (8 - 10 dòng) với chủ đề: “Ý chí, khát vọng trong cuộc sống”.
Câu 3. (5,0 điểm)
“Con dù lớn vẫn là con của mẹ
Đi suốt đời, lòng mẹ vẫn theo con”
(“Con cò” – Chế Lan Viên)
“Con là sóng và mẹ là bến bờ kì lạ
Con lăn, lăn, lăn mãi rồi sẽ cười vang vỡ tan vào lòng mẹ
Và không ai trên thế gian này biết mẹ con ta ở chốn nào”
(“Mây và sóng” – Targo)
Từ cảm nhận về hai đoạn thơ trên, em hãy bày tỏ suy nghĩ của mình về ý nghĩa của tình mẫu tử trong cuộc đời mỗi con người.
Đáp án đề thi thử vào lớp 10 môn Ngữ văn
Câu 1 (2đ):
a, Đoạn văn trên được viết theo phương thức biểu đạt chính: Tự sự (0,25đ)
b, Các phép liên kết câu được sử dụng trong đoạn văn (0,5đ):
- Phép thế: Chủ tịch Hồ Chí Minh – Người; tất cả những ảnh hưởng quốc tế đó
- Phép nối: Có thể nói; Và; Nhưng
- Phép lặp: Người; Chủ tịch Hồ Chí Minh
c, Đoạn văn tác giả đã sử dụng biện pháp tu từ: liệt kê (0,25đ)
d, Cụm từ “Có thể nói” là thành phần: biệt lập tình thái (0,25đ).
e, Theo quan điểm của tác giả đoạn trích, nét phong cách nổi bật của Hồ Chí Minh là: “Một nhân cách rất Việt Nam, một lối sống rất bình dị, rất Việt Nam, rất phương Đông, nhưng đồng thời cũng rất mới, rất hiện đại” (0,25đ)
f, Học tập được cách tiếp thu văn hóa các nước của Bác (0,5đ):
- Đến đâu Người cũng học hỏi và tìm hiểu văn hóa, nghệ thuật đến một mức khá uyên thâm
- Tiếp thu mọi cái đẹp và cái hay đồng thời với việc phê phán những tiêu cực…
Câu 2 (3đ):
a, Nội dung chính của đoạn thơ:
- Là lời dặn dò, nhắn nhủ của cha dành cho con: “người đồng mình” mộc mạc nhưng không tầm thường, nhỏ bé mà giàu lòng tự trọng, giàu ý chí, giàu khát vọng vươn lên trong cuộc sống và hướng tới xây dựng quê hương, đất nước giàu đẹp. Từ đó cha nhắc nhở con phải tự tin vững bước trên đường đời, phải sống sao cho cao đẹp, xứng đáng với truyền thống của quê hương.
b, Viết đoạn văn với chủ đề ý chí và khát vọng trong cuộc sống:
- Cuộc sống luôn đặt ra nhiều khó khăn, thử thách.
- Con người cần có ý chí để không gục ngã, luôn tự tin, vững bước đối diện và vượt qua mọi thử thách trên đường đời.
- Con người cần có khát vọng để nâng cao giá trị của bản thân và cống hiến hết mình cho quê hương, đất nước.
Câu 3 (5đ):
I, Giới thiệu tác giả, tác phẩm, đoạn trích: 0,5đ
- Chế Lan Viên là một trong những tên tuổi hàng đầu của thơ hiện đại Việt Nam. Thơ ông đậm chất suy tưởng, triết lí, trí tuệ và hiện đại. “Con cò” được sáng tác năm 1962, in trong tập “Hoa ngày thường – Chim báo bão”. Trong bài thơ, Chế Lan Viên đã khai thác hình ảnh con cò trong những lời hát ru để đi đến khẳng định, ngợi ca tình mẹ và ý nghĩa lời ru đối với cuộc đời mỗi con người. Đoạn trích trên đã cô đọng đực chủ đề tư tưởng của thi phẩm.
- Ra-bin-đra-nát Ta-go là nhà thơ lớn của Ấn Độ. Thơ ông thể hiện tinh thần dân tộc và dân chủ sâu sắc, tinh thần nhân văn cao cả và chất trữ tình sâu lắng. “Mây và sóng” được in trong tập “Trăng non” – xuất bản năm 1909. Bài thơ là lời em bé nói với mẹ, như một lời thủ thỉ tâm tình, qua đó ngợi ca tình mẫu tử thiêng liêng, bất diệt. Đoạn trích nằm ở phần cuối tác phẩm, bày tỏ niềm hạnh phúc vô bờ bến của em bé khi được vui đùa cùng mẹ.
II, Cảm nhận về hai đoạn thơ 3,0đ
1, Đoạn 1:
- Kết câu “dù… vẫn” tạo nên giọng điệu khẳng định mạnh mẽ: dù chúng ta còn bé hay đã trưởng thành thì trong lòng mẹ con vẫn luôn là đứa trẻ mà mẹ sẵn lòng giang rộng vòng tay yêu thương, bao bọc, trở che.
- “Đi hết đời…” khoảng thời gian dài rộng của cả đời người mẹ vẫn luôn dõi theo con, sưởi ấm, nâng bước con vượt qua bao nỗi đau và những khó khăn thử thách trong cuộc đời.
→ Bằng những ngôn từ cô đọng, hàm súc, ý thơ vươn lên sức khái quát, triết lí: khẳng định tấm lòng, tình thương bao la và đức hi sinh cao cả của mẹ dành cho con.
2, Đoạn 2:
- Trong bài thơ, em bé đã từ chối lời mời của “mây”, của “sóng” để được ở bên Mẹ. Hơn nữa, em bé còn tự sáng tạo ra những trò chơi cùng Mẹ.
- Trong đoạn thơ em bé đã tưởng tượng ra mình là “sóng” và mẹ là “bến bờ” để em “lăn, lăn, lăn mãi” rồi “vỡ tan vào lòng mẹ”… Những hình ảnh thơ lấp lánh niềm hạnh phúc vô bờ bến của em bé khi được ở bên mẹ, đón nhận sự ấm áp, tình yêu thương, sự bao dung của mẹ.
- Trong trái tim em, mẹ là tất cả, có mẹ là em có cả thế giới ở bên “Và không ai trên thế gian này biết mẹ con ta ở chốn nào”.
→ Giọng thơ trữ tình, hồn nhiên, ấm áp diễn tả cảm động tình yêu thương vô bờ bến của em bé dành cho mẹ.
3, Mối quan hệ giữa hai đoạn thơ:
- Bổ sung cho nhau để đi đến khẳng định tình mẫu tử thiêng liêng, bền chặt.
III, Bày tỏ suy nghĩ của mình về ý nghĩa của tình mẫu tử đối với mỗi con người: 1,5đ
- Đó là tình cảm thiêng liêng, cao đẹp và sâu năng nhất.
- Lòng bao dung, sự chở che của mẹ sẽ tiếp thêm sức mạnh giúp ta vượt qua những khó khăn, thử thách; sẽ là nơi nương tựa bình yên và bền vững mỗi khi ta vấp ngã …
- Sự dạy dỗ, chỉ bảo ân cần của mẹ sẽ là hành trang quý báu cho ta vững bước vào đời.
- Đền đáp lại công ơn của mẹ là tình yêu thương, lòng hiếu thảo của con. Như vậy, tình mẫu tử luôn bồi đắp những tình cảm nhân văn trong tâm hồn mỗi con người.