Đề thi thử vào lớp 10 môn Ngữ văn lần 1 năm học 2015-2016 trường THCS Tân Trường, Hải Dương
Đề thi thử vào lớp 10 môn Ngữ văn lần 1 năm học 2015-2016 trường THCS Tân Trường, Hải Dương Đề thi thử vào lớp 10 môn Văn có đáp án Đề thi thử vào lớp 10 môn Ngữ văn có đáp án là đề thi thử vào lớp ...
Đề thi thử vào lớp 10 môn Ngữ văn lần 1 năm học 2015-2016 trường THCS Tân Trường, Hải Dương
Đề thi thử vào lớp 10 môn Ngữ văn
có đáp án là đề thi thử vào lớp 10 môn Văn hay dành cho các em học sinh lớp 9 tự ôn tập, thử sức trước kì thi tuyển sinh lớp 10 THPT sắp tới. Mời các em cùng tham khảo.
Đề thi thử vào lớp 10 môn Ngữ văn năm 2015 Quận Tây Hồ, Hà Nội
Đề thi thử vào lớp 10 môn Ngữ văn thành phố Hà Nội năm học 2015-2016
TRƯỜNG THCS TÂN TRƯỜNG |
ĐỀ THI VÀO LỚP 10 THPT NĂM 2015-2016 |
Câu 1 (2,0 điểm)
Cho đoạn trích:
“Trong giờ phút cuối cùng, không còn đủ sức để trăng trối lại điều gì, hình như chỉ có tình cha con là không thể chết được, anh đưa tay vào túi, móc lấy cây lược đưa cho tôi và nhìn tôi một hồi lâu. Tôi không đủ lời lẽ để tả lại cái nhìn ấy, chỉ biết rằng, cho đến bây giờ, thỉnh thoảng tôi cứ nhớ lại đôi mắt của anh”
a. Nêu tên tác phẩm, tác giả của đoạn trích?
b. Theo em tại sao tác giả lại viết “chỉ có tình cha con là không thể chết được” và tại sao nhân vật tôi (ông Ba) lại “không đủ lời lẽ để tả lại cái nhìn” của đôi mắt ông Sáu?
Câu 2 (3,0 điểm)
Trong văn bản “Cổng trường mở ra”, Lý Lan viết: “Mẹ sẽ đưa con đến trường, cầm tay con dắt qua cánh cổng, rồi buông tay mà nói:“Đi đi con, hãy can đảm lên, thế giới này là của con”.
Từ việc người mẹ không “cầm tay” dắt tay con đi tiếp mà “buông tay” để con tự đi, hãy viết một bài văn ngắn khoảng 01 trang giấy thi bàn về tính tự lập.
Câu 3 (5,0 điểm)
Những cảm nhận tinh tế, sâu sắc của nhà thơ Hữu Thỉnh về sự biến đổi của trời đất từ cuối hạ sang đầu thu qua bài thơ “Sang thu”.
Đáp án đề thi thử vào lớp 10 môn Ngữ văn
Câu 1 (2,0 điểm)
a. (0,5): Nêu đúng tên tác giả, tác phẩm, viết đúng chỉnh tả, mỗi ý được 0,25.
- Tác phẩm: Chiếc lược ngà.
- Tác gải: Nguyễn Quang Sáng
b. (1,5):
- Hình thức (0,25): HS viết được đoạn văn hoàn chỉnh, diễn đạt lưu loát, mạch lạc, không mắc lỗi chính tả, dùng từ đặt câu.
- Nội dung (1,25): Đoạn văn phải đảm bảo các ý:
- Ông Ba nghĩ “chỉ có tình cha con là không thể chết được” vì: (0,5)
- Trong giây phút hấp hối cuối cùng, điều mà ông Sáu nghĩ đến vẫn là chiếc lược ngà chưa trao được cho con.
- Sự sống trong ông đang lụi tàn nhưng tình cha con lại đang bùng lên mãnh liệt hơn bao giờ hết.
- Ông Ba “không đủ lời lẽ để tả lại cái nhìn của ông Sáu” vì: (0,75)
- Đó là cái nhìn của một người sắp ra đi, cái nhìn gửi gắm vào đó tất cả những tình cảm cháy bỏng của mình.
- Đó là ánh mắt chứa đựng muôn vàn yêu thương, chứa đựng cả nỗi đau xót khi không còn gặp lại đứa con gái. Ánh mắt chứa đựng cả tình yêu mãnh liệt nhờ ông Ba gửi tới con gái, là mệnh lệnh thiêng liêng trao cho đồng đôi “anh hãy trao cây lược cho bé Thu”.
- Đó là đôi mắt không bao giờ chết cũng như tình cha con mãi mãi tồn tại. Chiến tranh có thể cướp đi sự sống nhưng không thể hủy diệt tình cảm phụ tử mãnh liệt, thiêng liêng.
Câu 2 (3,0 điểm)
Viết bài ngắn văn, đảm bảo các yêu cầu:
Hình thức – kĩ năng (0,5): Làm đúng kiểu bài văn nghị luận xã hội. Bố cục và hệ thống ý rõ ràng. Biết vận dụng phối hợp các thao tác nghị luận giải thích, chứng minh, bình luận. Lời văn trôi chảy, lập luận chặt chẽ, dẫn chứng thuyết phục, Không mắc lỗi ngữ pháp, lỗi logic.
Nội dung – kiến thức đảm bảo các ý sau: (2,5)
- Giới thiệu được vấn đề cần bàn luận: Tính tự lập. (0,25)
- Giải thích được các từ ngữ: cầm tay, buông tay để hiểu vấn đề cần bàn: Cẩm tay gợi sự sự dẫn dắt, chở che cho con; buông tay để con tự đi, tự khám phá. Việc bà mẹ buông tay để con tự đi: Người mẹ muốn con mình phải tự lập. (0,25)
- Tự lập là gì? Là tự làm những việc của mình không nhờ vả, không ỷ lại, dựa dẫm vào người khác. (0,5)
- Vì sao cần tự lập? Vì tự lập có có tác dụng: (0,5)
- Giúp con người có ý thức rèn luyện để hoàn thiện bản thân.
- Giúp con người thích nghi với hoàn cảnh, vượt qua mọi thử thách. Mỗi lứa tuổi, mỗi hoàn cảnh việc thể hiện tính tự lập khác nhau.
- Người tự lập sẽ năng động không ỷ lại vào người khác.
- Tự lập nhưng vẫn cần biết liên kết với người khác để tạo ra sức mạnh tập thể.
- Làm thế nào để tự lập? (0,5): Cần có các yếu tố nhất định như tự tin, các kĩ năng sống… Phải biết phê phán những kẻ ích kỉ, dựa dẫm (lấy dẫn chứng minh họa – dẫn chứng từ thực tế, dẫn chứng trong văn học)
- Rút ra bài học nhận thức và hành động rèn luyện thái độ sống đúng đắn. (0,5)
- Mức tối đa (3,0): Đảm bảo hoàn hảo yêu cầu về hình thức và nội dung.
- Mức chưa tối đa (0,25; 0,5; 1,0; 1,5; 2,0; 2,5,…): Chưa đạt yêu cầu hoàn hảo như ở mức tối đa.
- Mức chưa đạt: Làm không đúng yêu cầu về nội dung và hình thức.
Khi chấm cần lưu ý: GV chấm bài thống nhất để chia mức độ điểm theo cấu trúc bài nghị luận cho hợp lí, bài viết đảm bảo yêu cầu về hình thức và nội dung ở mức tối đa mới chấm điểm ở mức tối đa.
Câu 3 (5, 0 điểm)
1. Yêu cầu về hình thức: (0,5)
- Làm dúng kiểu bài nghị luận văn học, bố cục hợp lí, rõ ràng, diễn đạt lưu loát, không mắc lỗi chính tả, dùng từ trong sáng, câu, đoạn đúng ngữ pháp.
- Biết kết hợp phương thức nghị luận với các yếu tố miêu tả, biểu cảm, tự sự một cách linh hoạt, lời văn chặt chẽ, có cảm xúc.
2. Yêu cầu về nội dung (4,5)
Bài viết có thể trình bày theo các cách khác nhau song cần có các ý cơ bản sau:
* Cảm nhận chung (1,0): “Sang thu” là bài thơ ngũ ngôn gồm 3 khổ. Với số câu từ khiêm tốn ấy, Hữu Thỉnh đã miêu tả thật hàm súc cái khoảnh khắc giao mùa từ hạ sang thu; bộc lộ cảm xúc bâng khuâng, vương vấn trước đất trời trong trẻo đồng thời kín đáo thể hiện những suy nghĩ, triết lý của mình về cuộc sống.
* Phân tích chi tiết (3,0)
- Cảm nhận tinh tế và sâu sắc của nhà thơ trước những tín hiệu đầu tiên khi mùa thu về. (1,0)
- Bài thơ mở ra bằng sự cảm nhận của khứu giác và xúc giác:
“Bỗng nhận ra hương ổi
Phả vào trong gió se”
- Từ “bỗng” vang lên như một tiếng reo, một phát hiện, diễn tả cái đột ngột, bất ngờ, không báo trước. Qua đó ta thấy cảm xúc ngỡ ngàng của thi nhân khi nhận ra những dấu hiệu thiên nhiên đặc trưng lúc mùa thu về.
- Ổi chín là hương của mùa thu làng quê mộc mạc, bình dị.
- “phả” thơm trong “gió se” - làn gió nhẹ, khô, hơi lạnh của mùa thu muôn thuở - hấp dẫn và đánh thức cả vị giác, thị giác, khứu giác của người đọc. Động từ mạnh “phả” có thể thay thế bằng “lan”, “tan”, “thoảng”, “toả”… Nhưng bấy nhiêu từ không từ nào gợi nổi hương thơm như sánh lại, như đậm hơn của trái chín mà từ “phả” có khả năng diễn đạt. Vậy là, với “hương ổi” và “gió se” – hương thu và gió thu, mùa thu đã sang với những tín hiệu đầu tiên.
- Sau hương, sau gió là sương:
“Sương chùng chình qua ngõ”
- Từ láy gợi hình “chùng chình” diễn tả trạng thái dùng dằng nửa muốn đi nửa muốn ở của con người. Dùng để tả “sương”, Hữu Thỉnh đã thành công trong nghệ thuật tu từ nhân hoá. Nhờ nghệ thuật nhân hoá làn sương thu mỏng nhẹ, mong manh như tơ giăng, như khói tỏa hiện lên vừa sinh động vừa có hồn.
- Từ những cảm nhận về hương, về gió, về sương, thi nhân lòng tự nhủ lòng:
“Hình như thu đã về”
- “Hình như” là phần phụ tình thái diễn đạt ý chưa thật rõ, chưa chắc chắn, còn nghi hoặc. Phút giây giao mùa của thiên nhiên nhìn thấy rồi, cảm thấy rồi bằng cả khứu giác, xúc giác, thị giác vậy mà nhà thơ vẫn bối rối “hình như”. Vì sao? Có thể vì tín hiệu mùa thu nhà thơ quan sát được mơ hồ quá: hương thu, gió thu, sương thu - những cảnh vật cảm thấy nhiều hơn là nhìn thấy. Nhưng chủ yếu là bởi cái rung động rất tinh tế, mới mẻ của tâm hồn thi nhân hoà nhịp, đồng điệu lắm với thiên nhiên cảnh sắc giao mùa như thực như ảo.
- Cảm nhận của nhà thơ trước những thay đổi của thiên nhiên, đất trời lúc thu sang. (1,0)
- Thiên nhiên được nhà thơ quan sát ở không gian vừa dài rộng vừa cao vời với những cảnh vật hữu hình, cụ thể:
“Sông được lúc dềnh dàng
Chim bắt đầu vội vã”
- Hai câu thơ tạo nên một cặp đăng đối rất tự nhiên gần với vẻ đẹp của thơ cổ. Dòng sông không cuồn cuộn, gấp gáp như trong những ngày mưa lũ mùa hạ mà lắng lại êm đềm. Từ láy cùng nghệ thuật nhân hoá “dềnh dàng” miêu tả rất thực và sống động đặc điểm dòng chảy hiền hoà của sông mùa thu. Tương phản với sông, “chim bắt đầu vội vã”. Nhạy cảm với sự thay đổi của thời tiết, bầy chim trời chuẩn bị hành trình bay về phương Nam tránh rét.
- Cảm giác giao mùa được diễn tả thú vị qua hình ảnh nhân hoá - ẩn dụ:
“Có đám mây mùa hạ
Vắt nửa mình sang thu”
- Hai câu thơ tả mây. Động từ “vắt” gợi liên tưởng đám mây như dải lụa, như tấm khăn voan của người thiếu nữ lửng lơ trên bầu trời nửa còn đang là mùa hạ, nửa đã nghiêng về mùa thu.
- Lấy không gian, mượn cảnh vật để miêu tả bước đi thời gian rõ ràng là sáng tạo riêng, độc đáo của Hữu Thỉnh. Câu thơ nhờ vậy sống động, có hồn hơn; hình ảnh cụ thể, mới mẻ hơn. Bức tranh mùa thu mỗi lúc mỗi hiện rõ với vẻ đẹp vô cùng quyến rũ…
- Từ sự cảm nhận về mùa thu, nhà thơ hướng dần vào tâm tưởng. (1,0)
- Hai khổ thơ trước, mùa thu được cảm nhận trực tiếp bằng thị giác, khứu giác, xúc giác; được quan sát theo trình tự không gian từ gần đến xa, từ cao xuống thấp. Khổ 3, mùa thu được khẳng định bằng những đoán nhận, kinh nghiệm, đối chiếu; được quan sát theo trình tự thời gian từ quá khứ đến hiện tại, từ hạ sang thu, hướng dần vào tâm tưởng:
“Vẫn còn bao nhiêu nắng
Đã vơi dần cơn mưa
Sấm cũng bớt bất ngờ
Trên hàng cây đứng tuổi”
- Nắng rực rỡ, chói chang; mưa ào ạt, xối xả; sấm đột ngột, mạnh mẽ là những đặc điểm của thiên nhiên mùa hạ. Tất cả “vẫn còn” đấy nhưng đã “vơi”, “bớt” rồi. Tác giả đã chọn dùng những từ không lặp lại để diễn tả một ý nghĩa: sự giảm đi về mức độ. Không gay gắt, đổ lửa như nắng hạ, nắng thu dìu dịu, trong lành. Không sầm sập trút nước như mưa hè, mưa thu lưa thưa, lắc rắc. Sấm cũng không rền vang, bất ngờ mà ít đi, nhỏ hơn…
- Khép lại cảnh thu đất trời quê hương là hình ảnh:
Sấm cũng bớt bất ngờ
Trên hàng cây đứng tuổi”
- “Hàng cây đứng tuổi” vừa tả thực những cây cổ thụ lâu năm vừa gợi tới thế giới sang thu của hồn người, đời người. Vẻ điềm tĩnh của cây trước sấm sét phải chăng là ẩn dụ chỉ sự từng trải, chín chắn của con người sau những bão giông? Cũng như hàng cây nhiều năm tuổi không bất ngờ trước sấm chớp, người ta khi đã từng trải, đã chịu nhiều thử thách, gian nan thì vững vàng, bình tĩnh hơn trước mọi tác động bất thường của ngoại cảnh.
- Như vậy, khổ cuối đâu chỉ miêu tả cảnh sang thu mà chất chứa những chiêm nghiệm, suy ngẫm thâm trầm của nhà thơ về con người và cuộc sống. Phải sâu sắc và nhiều nếm trải, Hữu Thỉnh mới khái quát được những điều thấm thía thế về kiếp sống, nhân sinh…
* Đánh giá, bình (0,5): với nghệ thuật tả cảnh điêu luyện, ý thơ hàm súc, ngôn từ chọn lọc, lời thơ biểu cảm… “Sang thu” đã miêu tả cảnh thu thiên nhiên đẹp, tình thu thi nhân thiết tha trìu mến.
- Những biến chuyển của trời đất lúc thu sang được Hữu Thỉnh cảm nhận qua nhiều yếu tố, bằng nhiều giác quan và sự rung động tinh tế.
- Đọc bài thơ ta không chỉ thấy vẻ đẹp tâm hồn thi sĩ mà còn biết yêu hơn cảnh sắc thân quen, bình dị, thơ mộng, hữu tình của mùa thu đất nước quê hương…
- Mức tối đa (5,0): Đạt hoàn hảo các yêu cầu về hình thức và nội dung.
- Mức chưa tối đa 0,5; 1,0; 1,5; 2,0; 2,5; 3; 3,5; 4,0,…: Tùy từng ý đạt được để chấm các mức điểm.
- Mức không đạt: Không làm đúng yêu cầu về hình thức và nội dung.