14/01/2018, 15:40

Đề thi thử THPT Quốc gia năm 2016 môn Ngữ văn trường THPT Lý Tự Trọng, Quảng Nam

Đề thi thử THPT Quốc gia năm 2016 môn Ngữ văn trường THPT Lý Tự Trọng, Quảng Nam Đề thi thử THPT Quốc gia môn Văn có đáp án Đề thi thử THPT Quốc gia 2016 môn Văn gồm 2 phần Đọc hiểu và Làm văn cùng ...

Đề thi thử THPT Quốc gia năm 2016 môn Ngữ văn trường THPT Lý Tự Trọng, Quảng Nam

Đề thi thử THPT Quốc gia 2016 môn Văn

gồm 2 phần Đọc hiểu và Làm văn cùng hướng dẫn đi kèm, giúp các bạn luyện tập và chuẩn bị tốt nhất cho kì thi THPT Quốc gia, luyện thi Đại học, Cao đẳng 2016 sắp tới một cách hiệu quả.

Những bài văn nghị luận xã hội hay nhất

Tổng hợp các chuyên đề ôn thi THPT Quốc gia môn Ngữ văn

Cấu trúc phần thi đọc hiểu trong đề thi THPT Quốc gia môn Ngữ văn

SỞ GD & ĐT QUẢNG NAM

TRƯỜNG THPT LÝ TỰ TRỌNG

(Đề thi gồm 2 trang)

ĐỀ THI THỬ THPT QUỐC GIA

NĂM HỌC 2015 - 2016

Môn Ngữ Văn. Lớp 12.

Thời gian: 180 phút (không kể thời gian giao đề)

I. ĐỌC - HIỂU (2,0 điểm)

1. Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi:

Đời chúng ta nằm trong vòng chữ tôi. Mất bề rộng ta đi tìm bề sâu. Nhưng càng đi sâu càng lạnh. Ta thoát lên tiên cùng Thế Lữ, ta phiêu lưu trong trường tình cùng Lưu Trọng Lư, ta điên cuồng với Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, ta đắm say cùng Xuân Diệu.Nhưng động tiên đa khép, tình yêu không bền, điên cuồng rồi tỉnh, say đắm vẫn bơ vơ. Ta ngơ ngẩn buồn trở về hồn ta cùng Huy Cận.

Câu 1. Đoạn văn trên thuộc văn bản nào? Tác giả của văn bản đó là ai? Viết trong thời gian nào?

Câu 2. Đoạn văn nói về vấn đề gì? Cách diễn đạt của tác giả có gì đặc sắc?

Câu 3. Anh (chị) hiểu như thế nào về bề rộng và bề sâu mà tác giả nói đến ở đây?

Câu 4. Nội dung của đoạn văn giúp gì cho anh (chị) trong việc đọc - hiểu các bài thơ mới trong chương trình Ngữ văn Trung học phổ thông?

2. Đọc đoạn văn sau và trả lời câu hỏi:

"Mị không nói. A Sử cũng không hỏi thêm nữa. A Sử bước lại, nắm Mị, lấy thắt lưng trói hai tay Mị. Nó xách cả một thúng sợi đay ra trói đứng Mị vào cột nhà. Tóc Mị xõa xuống, A Sử quấn luôn tóc lên cột, làm cho Mị không cúi, không nghiêng đầu được nữa. Trói xong vợ, A Sử thắt nốt cái thắt lưng xanh ra ngoài áo rồi A Sử tắt đèn, đi ra, khép cửa buồng lại".

(Trích Vợ chồng A Phủ - Tô Hoài)

Câu 5. Đoạn văn trên được viết theo phương thức nào là chính?

Câu 6. Nội dung chủ yếu của đoạn văn bản là gì?

Câu 7. Trong đoạn văn trên, Tô Hoài sử dụng nhiều câu ngắn kết hợp với các câu dài có nhiều vế ngắn, nhịp điệu nhanh. Tác dụng của hình thức nghệ thuật này là gì?

Câu 8. Đoạn văn bản trên khiến anh/chị liên tưởng đến hiện tượng nào trong cuộc sống? Nêu ngắn gọn những hiểu biết của anh/chị về hiện tượng và đưa ra một giải pháp mà anh/chị cho là hợp lí nhất để giải quyết hiện tượng này.

II. LÀM VĂN (8 điểm)

Câu 1 (3 điểm)

Hãy lắng nghe những lời đối thoại về quan điểm sống sau đây:

- Xuân Diệu:

Xuân đương tới nghĩa là xuân đương qua

Xuân còn non nghĩa là xuân sẽ già

Cho nên:

Mau đi thôi ! Mùa chưa ngả chiều hôm

(Vội vàng)

Mau với chứ, vội vàng lên với chứ !

Em, em ơi, tình non đã già rồi.

(Giục giã)

- Nguyễn Ngọc Thuần: "Trong nhịp sống ồn ào, vội vã hôm nay, đôi khi ta cũng cần dừng lại, mua thêm cho mình một chút suy tư, một chút nhớ mong, một chút bình yên, để lấy sức và rồi tiếp tục bước đi" .

(Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ)

- Còn bạn? ..................................................................................................

Hãy thể hiện quan điểm của bản thân về vấn đề trên bằng một bài văn không quá 600 từ.

Câu 2 (5 điểm)

Từ nhân vật Việt trong đoạn trích từ tác phẩm "Những đứa con trong gia đình" của Nguyễn Thi (theo SGK Ngữ văn 12, tập 2), nêu suy nghĩ của anh/chị về trách nhiệm của bản thân trong việc bảo vệ độc lập chủ quyền của dân tộc trong thời điểm hiện nay.

Đáp án đề thi thử THPT Quốc gia môn Văn năm 2016

Phần 1: Đọc hiểu (2 điểm)

Câu 1. Đoạn văn đựợc trích từ bài Một thời đại trong thi ca, là bài tổng luận cuốn Thi nhân Việt Nam của Hoài Thanh và Hoài Chân, được viết năm 1942. (0,25đ)

Câu 2. Đoạn văn đề cập đến cái tôi cá nhân - một nhân tố quan trọng trong tư tưởng và nội dung của thơ mới (1932 - 1945), đồng thời, nêu ngắn gọn những biểu hiện của cái tôi cá nhân ở một số nhà thơ tiêu biểu. (0,25đ)

Câu 3. Bề rộng mà tác giả nói đến ở đây là cái ta. Nói đến cái ta là nói đến đoàn thể, cộng đồng, dân tộc, quốc gia. Thế giới của cái ta hết sức rộng lớn.

Bề sâu là cái tôi cá nhân. Thế giới của cái tôi là thế giới riêng tư, nhỏ hẹp, sâu kín. Thơ mới từ bỏ cái ta, đi vào cái tôi cá nhân bằng nhiều cách khác nhau. (0,25đ)

Câu 4. Nội dung của đoạn văn trên giúp ta có cơ sở để đọc - hiểu một số bài thơ thuộc phong trào Thơ mới (1932 - 1945) trong chương trình Ngữ văn Trung học phổ thông. Trước hết, đoạn văn nhắc ta một điều quan trọng: Thơ mới là tiếng nói trữ tình của cái tôi cá nhân. Cũng qua đoạn văn trên, ta sẽ hiểu biết hơn về nét nổi bật của một số nhà thơ tiêu biểu trong phong trào Thơ mới. (0,25đ)

Câu 5. Đoạn văn được viết theo phương thức tự sự là chính. (0,25 điểm)

Câu 6. Đoạn văn kể lại hành động trói Mị của A Sử trong đêm mùa xuân khi Mị muốn đi chơi. (0,25 điểm)

Câu 7. Tô Hoài sử dụng nhiều câu ngắn kết hợp với các câu dài có nhiều vế ngắn, nhịp điệu nhanh. Bằng hình thức này, tác giả cho thấy hành động trói vợ của A Sử diễn ra rất nhanh, rất thuần thục, tưởng như đó là việc làm thường xuyên, quen thuộc của A Sử. Qua đây có thể thấy tính cách độc ác, tàn nhẫn của A Sử. (0,25 điểm)

Câu 8. Đoạn văn bản trên khiến người đọc liên tưởng đến hiện tượng bạo lực gia đình trong đời sống. HS cần trình bày những hiểu biết, suy nghĩ của mình về hiện tượng này một cách ngắn gọn, đưa ra một giải pháp có sức thuyết phục. (0,25 điểm)

Phần II: Tự luận (7.0đ)

Câu 1 (3 điểm)

  • Yêu cầu về kĩ năng
  • Biết cách làm bài nghị luận xã hội về tư tưởng đạo lý, hiện tượng đời sống.
  • Vận dụng tốt các thao tác lập luận.
  • Không mắc lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu, diễn đạt.
  • Có những cách viết sáng tạo, độc đáo.
  • Yêu cầu về kiến thức

Thí sinh có thể viết theo những cách khác nhau miễn là thuyết phục trên cơ sở lập trường tư tưởng sau: cần linh hoạt, ứng biến cho phù hợp với từng hoàn cảnh sống, tùy thời điểm và điều kiện mà "sống nhanh" hay "sống chậm" miễn là sống có ích, có ý nghĩa, kết hợp hài hòa giữa cống hiến và hưởng thụ.

  • Biểu điểm
    • Điểm 2,5 - 3: đáp ứng tốt các yêu cầu trên, có thể còn vài sai sót về diễn đạt.
    • Điểm 1,5 - 2: đáp ứng phần lớn các yêu cầu trên, có thể còn một số sai sót về diễn đạt, chính tả.
    • Điểm 1: đáp ứng được một phần các yêu cầu trên, còn mắc nhiều lỗi về diễn đạt, chính tả.
    • Điểm 0: Bài không làm được gì hoặc viết nhưng không liên quan gì đến yêu cầu của đề.

Câu 2

  • Yêu cầu về kĩ năng
  • Thí sinh biết cách làm bài nghị luận văn học kết hợp với nghị luận xã hội;
  • Vận dụng tốt các thao tác lập luận;
  • Không mắc lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp;
  • Khuyến khích những bài viết sáng tạo.
  • Yêu cầu về kiến thức

Trên cơ sở hiểu biết về tác giả Nguyễn Thi, tác phẩm Những đứa con trong gia đình và đoạn trích trong SGK Ngữ văn 12, thí sinh có thể viết về nhân vật Việt và bày tỏ suy nghĩ của mình về trách nhiệm của bản thân trong việc bảo vệ độc lập chủ quyền của dân tộc trong thời điểm hiện nay theo những cách khác nhau, nhưng phải hợp lí, có sức thuyết phục.
Sau đây là một số gợi ý:

a. Nhân vật Việt trong đoạn trích từ tác phẩm "Những đứa con trong gia đình" của Nguyễn Thi :

* Giới thiệu vài nét về tác giả, tác phẩm, đoạn trích

* Nhân vật Việt trong đoạn trích:

  • Việt có nét riêng dễ mến của một cậu con trai mới lớn, vô tư, trong sáng, tính tình còn trẻ con, ngây thơ, hiếu động.
  • Việt còn là một chàng trai nhạy cảm và giàu cảm xúc.
  • Việt còn là một chiến sĩ dũng cảm, kiên cường.

Với nghệ thuật trần thuật độc đáo, đặc biệt là để cho nhân vật tự bộc lộ mình bằng ngôn ngữ nửa trực tiếp, Nguyễn Thi đã xây dựng thành công nhân vật Việt với những nét tâm lí chân thực, với những hành động, suy nghĩ, lời nói không chỉ mang tính cá biệt, sinh động mà còn thể hiên những nét chung của "những người con trong gia đình" yêu nước, căm thù giặc và bất khuất kiên cường trong chiến đấu. Đó là cũng là nhân vật tiêu biểu cho thế hệ trẻ miền Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

b. Thí sinh bày tỏ suy nghĩ của mình về vấn đề: trách nhiệm của bản thân trong việc bảo vệ độc lập chủ quyền của dân tộc trong thời điểm hiện nay, trong đó cần nêu được: Vấn đề độc lập chủ quyền của dân tộc hiện nay có đặc điểm gì? Mỗi người có trách nhiệm như thế nào trong việc bảo vệ độc lập chủ quyền của dân tộc trong thời điểm hiện nay ? Trách nhiệm của bản thân? (Bản thân em có thể làm những gì để góp phần vào việc bảo vệ độc lập chủ quyền của dân tộc?) ...

Cách cho điểm

  • Điểm 4,5 - 5: Viết về nhân vật Việt một cách thuyết phục, bày tỏ được suy nghĩ sâu sắc của bản thân về vấn đề trách nhiệm của bản thân trong việc bảo vệ độc lập chủ quyền của dân tộc trong thời điểm hiện nay. Bố cục rõ ràng, lập luận chặt chẽ, diễn đạt lưu loát, có cảm xúc và sáng tạo; có thể còn vài sai sót về chính tả, dùng từ.
  • Điểm 3 - 4: Cơ bản làm rõ được những đặc điểm của nhân vật Việt, nêu được suy nghĩ của bản thân về trách nhiệm của bản thân trong việc bảo vệ độc lập chủ quyền của dân tộc trong thời điểm hiện nay. Bố cục rõ ràng, lập luận tương đối chặt chẽ; còn mắc một số lỗi về chính tả, dùng từ, ngữ pháp.
  • Điểm 1,5 – 2,5: Chưa làm rõ được nhân vật Việt; phần bày tỏ suy nghĩ của bản thân về trách nhiệm của bản thân trong việc bảo vệ độc lập chủ quyền của dân tộc trong thời điểm hiện nay còn sơ sài; mắc nhiều lỗi về chính tả, dùng từ, ngữ pháp.
  • Điểm 1: Chưa hiểu đề; sai lạc kiến thức; mắc rất nhiều lỗi về diễn đạt.
  • Điểm 0: Không làm bài hoặc hoàn toàn lạc đề.

Lưu ý:

  • Điểm làm tròn toàn bài là 0,25
  • Các mức điểm đã bao hàm kĩ năng diễn đạt.
  • Khuyến khích bài viết có ý tưởng, cách viết sáng tạo.
0