14/01/2018, 15:23

Đề thi thử THPT Quốc gia năm 2016 môn Ngữ văn trường THPT Đa Phúc, Hà Nội (Lần 1)

Đề thi thử THPT Quốc gia năm 2016 môn Ngữ văn trường THPT Đa Phúc, Hà Nội (Lần 1) Đề thi thử đại học môn Ngữ văn năm 2016 có đáp án Đề thi thử THPT Quốc gia năm 2016 môn Ngữ văn Nhằm giúp các bạn học ...

Đề thi thử THPT Quốc gia năm 2016 môn Ngữ văn trường THPT Đa Phúc, Hà Nội (Lần 1)

Đề thi thử THPT Quốc gia năm 2016 môn Ngữ văn

Nhằm giúp các bạn học sinh luyện đề, thử sức trước kì thi Quốc gia, kì thi đại học sắp tới, VnDoc.com xin giới thiệu: . Đây là đề thi thử đại học 2016 có đáp án kèm theo. Mời các bạn cùng tham khảo.

Đề thi thử THPT Quốc gia năm 2016 môn Ngữ văn trường THPT Yên Thế, Bắc Giang (Lần 2)

Đề thi thử THPT Quốc gia môn Ngữ văn năm 2016 trường THPT Hàm Long, Bắc Ninh (Lần 2)

SỞ GD & ĐT HÀ NỘI

TRƯỜNG THPT ĐA PHÚC

(Đề thi có 2 trang)

ĐỀ THI THỬ THPT QUỐC GIA LẦN 1 NĂM 2016

Môn thi: NGỮ VĂN

Thời gian: 180 phút

 

I. PHẦN ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)

Đọc đoạn trích sau đây và trả lời các câu hỏi từ Câu 1 đến Câu 4:

Trong những ngôi biệt thự của các gia đình quyền quý, tỉ phú đều có một phòng thư viện gia đình rộng lớn với bao sách quý. Theo bạn, họ giàu, do vậy họ có thể mua được tất cả những gì mình thích, hay họ có những gì của ngày hôm nay là do say mê đọc sách từ rất sớm?

Một nhà thông thái nào đó đã từng nói "Mỗi con người là tổng thể của những cuốn sách họ đã đọc". Tại sao việc đọc sách lại quan trọng đến vậy?

Trước hết, từ ngữ là tổng thể của các ý nghĩ. Mỗi một từ mới học được tương đương với một sáng kiến. Ai cũng biết, đã là sáng kiến thì vô giá. Với lí do như vậy, nhiều người cho rằng số tiền kiếm được của bạn sẽ tương đương với số từ vựng bạn sở hữu. Đọc sách giúp ta luyện óc tưởng tượng. Nhân loại sẽ không ở vị trí ngày hôm nay nếu không có óc tưởng tượng phong phú ! (...)

Lí do thứ hai khiến ta nên đọc sách là độc giả có thể trau dồi kiến thức trong vòng vài giờ đồng hồ, trong khi đó để viết ra một cuốn sách, tác giả đã không ngừng học hỏi, nghiên cứu cùng bao người khác, chắt lọc những gì giá trị nhất trong một thời gian dài. Chúng ta không cần phải vầp ngã trên đường đời để từ đó rút ra những bài học cao quý. Kiến thức về mọi chủ đề đều đã được ghi lại rất cẩn thận ở đâu đó. Công việc duy nhất của độc giả là miệt mài tìm kiếm. Hãy tin rằng, một cuốn sách, nếu đến với bạn đúng lúc, có thể thay đổi cả cuộc đời bạn...

(Theo hoathuytinh.com)

Câu 1. Tác giả chủ yếu sử dụng thao tác lập luận nào trong văn bản trên?

Câu 2. Hãy đặt nhan đề cho văn bản.

Câu 3. Hãy giải thích vì sao tác giả lại cho rằng "Chúng ta không cần phải vấp ngã trên đường đời để từ đó rút ra những bài học cao quý" ?

Câu 4. Anh/chị hãy nêu ít nhất 02 tác dụng khác của việc đọc sách (không trùng lặp với quan điểm của tác giả). Trả lời trong khoảng 5-7 dòng.

Đọc đoạn thơ sau đây và trả lời các câu hỏi từ Câu 5 đến Câu 8:

...Muốn nói bao nhiêu, muốn khóc bao nhiêu
Bài hát đầu xin hát về trường cũ
Một lớp học bâng khuâng màu xanh rủ
Sân trường đêm-Rụng xuống trái bàng đêm.
Nỗi nhớ đầu anh nhớ về em
Nỗi nhớ trong tim em nhớ về với mẹ
Nỗi nhớ chẳng bao giờ nhớ thế
Bạn có nhớ trường, nhớ lớp, nhớ tên tôi?
"-Có một nàng Bạch Tuyết các bạn ơi
Với lại bảy chú lùn rất quấy"
"- Mười chú chứ, nhìn xem trong lớp ấy"
(Ôi những trận cười trong sáng đó lao xao).

(Trích Chiếc lá đầu tiên - Hoàng Nhuận Cầm, Theo Tình bạn tình yêu thơ, NXB Giáo dục, 1987).

Câu 5. Đoạn thơ trên được viết theo thể thơ nào?

Câu 6. Chỉ ra phương thức biểu đạt chính của đoạn thơ trên.

Câu 7. Chỉ ra và nêu hiệu quả của biện pháp tu từ được tác giả sử dụng trong bốn dòng thơ sau:

Nỗi nhớ đầu anh nhớ về em
Nỗi nhớ trong tim em nhớ về với mẹ
Nỗi nhớ chẳng bao giờ nhớ thế
Bạn có nhớ trường, nhớ lớp, nhớ tên tôi?

Câu 8. Đoạn thơ đã gợi cho em những cảm xúc gì khi sắp rời xa mái trường THPT (Trình bày khoảng 5 đến 7 dòng).

II. Phần Làm văn (7,0 điểm)

Câu 1 (3,0 điểm)

Có ý kiến cho rằng: "Phép lịch sự chính là tấm giấy thông hành cho phép bạn đến mọi vùng đất, mọi văn phòng, mọi ngôi nhà và mọi trái tim trên thế giới".

Anh (chị) hãy viết một bài văn ngắn (khoảng 600 từ) bày tỏ suy nghĩ về ý kiến trên.

Câu 2 (4,0 điểm)

Cảm nhận của anh/chị về vẻ đẹp của hai đoạn thơ sau:

Rải rác biên cương mồ viễn xứ
Chiến trường đi c+hẳng tiếc đời xanh
Áo bào thay chiếu anh về đất
Sông Mã gầm lên khúc độc hành

(Tây Tiến - Quang Dũng, Ngữ Văn 12, tập 1, NXBGDVN, 2012)

Có biết bao người con gái con trai
Trong bốn nghìn lớp người giống ta lứa tuổi
Họ đã sống và chết
Giản dị và bình tâm
Không ai nhớ mặt đặt tên
Nhưng họ đã làm ra Đất Nước

(Đất nước - Nguyễn Khoa Điềm, Ngữ Văn 12, tập 1, NXBGDVN, 2012)

Đáp án đề thi thử THPT Quốc gia năm 2016 môn Ngữ văn

 I. PHẦN ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)

1. Thao tác lập luận phân tích/thao tác phân tích/lập luận phân tích/phân tích.

2. Đặt nhan đề:

Đọc sách/ Vai trò của đọc sách/ Tầm quan trọng của đọc sách...

3. Giải thích vì sao tác giả lại cho rằng "Chúng ta...bài học cao quý"

Bởi vì đọc sách sẽ giúp chúng ta có những kiến thức, kinh nghiệm, những bài học quý giá... trong đời sống. 

4. Nêu ít nhất 02 tác dụng của việc đọc sách theo quan điểm riêng của bản thân, không nhắc lại những tác dụng mà tác giả đã nêu trong đoạn trích. (Có thể là: đọc sách giúp tâm hồn ta trở nên phong phú, tăng cường khả năng giao tiếp, rèn luyện năng lực tưởng tượng, liên tưởng, sáng tạo...)

5. Thể thơ tự do/ tự do.

6. Hai biện pháp tu từ:

  • Điệp từ (Nỗi nhớ....nhớ),
  • Câu hỏi tu từ (Bạn có nhớ trường, nhớ lớp, nhớ tên tôi?)

Tác dụng:

  • Nhấn mạnh nỗi nhớ thương tràn ngập, tha thiết...
  • Thể hiện những cảm xúc đẹp của tuổi học trò...

7. Nội dung chính của đoạn thơ:

Kí ức đẹp/Những kỉ niệm đẹp của tuổi học trò

8. Ghi lại cảm xúc chân thành, suy nghĩ trong sáng, lời lẽ thuyết phục

II. Phần Làm văn (7,0 điểm)

Câu 1 (3,0 điểm) Viết bài văn nghị luận bày tỏ suy nghĩ về vấn đề: Phép lịch sự chính là tấm giấy thông hành cho phép bạn đến mọi vùng đất, mọi văn phòng, mọi ngôi nhà và mọi trái tim trên thế giới.

a. Đảm bảo cấu trúc nghị luận

Có đủ phần mở bài, thân bài, kết bài. Mở bài nêu được vấn đề, thân bài triển khai được vấn đề, kết bài kết luận được vấn đề.

b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận

Phép lịch sự chính là tấm giấy thông hành cho phép bạn đến mọi vùng đất, mọi văn phòng, mọi ngôi nhà và mọi trái tim trên thế giới.

c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm; vận dụng tốt các thao tác lập luận; kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng; rút ra bài học nhận thức và hành động.

  • Giải thích:
    • "Phép lịch sự": Cách ứng xử, hành vi ứng xử, giao tiếp lễ phép, thanh lịch, có văn hóa ...
    • "tấm giấy thông hành": giấy đi đường cho phép đến được nhiều nơi.

-> Ý nghĩa của câu nói: Khẳng định sức mạnh của phép lịch sự bởi nó là giấy thông hành nối kết con người với cuộc sống, với thế giới, và với mọi trái tim.

  • Bàn luận:
    • Những biểu hiện của phép lịch sự: Luôn mỉm cười; biết nói lời cảm ơn, xin lỗi đúng lúc; biết lắng nghe người khác; tôn trọng những sở thích, cá tính của người khác; tôn trọng những nét văn hóa của các dân tộc khác...
    • Giao tiếp, ứng xử lịch sự giúp ta dễ dàng tiếp cận với những người xung quanh, dù người đó khác biệt về sắc tộc, màu da... làm tăng tính hiệu quả trong giao tiếp.
    • Lịch sự cũng là một trong những biểu hiện của lòng tốt, của văn hóa, nếu ta mở lòng thì thế giới xung quanh ta sẽ rộng mở...khiến nâng cao giá trị của bản thân và làm mối quan hệ giữa người với người, giữa các dân tộc trở nên tốt đẹp.
    • Nếu thiếu phép lịch sự thì con người trở nên lạc lõng, thậm chí là vô cảm, bị đánh giá là thiếu văn hóa... -> Phê phán lối ứng xử thiếu lịch sự đồng thời cũng ca ngợi lối ứng xử lịch sự của một số HS, một số người trong XH.
    • (Có dẫn chứng chứng minh cụ thể)
  • Bài học:
    • Rút ra bài học nhận thức và hành động cho bản thân trong giao tiếp, ứng xử.

d. Sáng tạo

Có nhiều cách diễn đạt độc đáo và sáng tạo (viết câu, sử dụng từ ngữ, hình ảnh, yếu tố biểu cảm,...); thể hiện được phát hiện mới mẻ; có cách trình bày vấn đề độc đáo.

e. Chính tả, dùng từ, đặt câu

Đảm bảo đúng quy tắc chính tả, dùng từ, đặt câu.

Câu 2 (4,0 điểm) Cảm nhận vẻ đẹp của hai đoạn thơ trong bài Tây Tiến và đoạn trích Đất Nước

a. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận:

Trình bày đầy đủ các phần Mở bài, Thân bài, Kết luận. Phần Mở bài biết dẫn dắt hợp lí và nêu được vấn đề; phần Thân bài biết tổ chức thành nhiều đoạn văn liên kết chặt chẽ với nhau cùng làm sáng tỏ vấn đề; phần Kết bài khái quát được vấn đề và thể hiện được ấn tượng, cảm xúc sâu đậm của cá nhân.

b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận

Vẻ đẹp của hai đoạn thơ trong baì Tây Tiến và đoạn trích Đất Nước

c. Triển khai vấn đề

Chia vấn đề cần nghị luận thành các luận điểm phù hợp; các luận điểm được triển khai theo trình tự hợp lí, có sự liên kết chặt chẽ; sử dụng tốt các thao tác lập luận để triển khai các luận điểm (trong đó phải có thao tác phân tích, so sánh); biết kết hợp giữa nêu lí lẽ và đưa dẫn chứng.

  • Giới thiệu về tác giả, tác phẩm
  • Phân tích vẻ đẹp nội dung và nghệ thuật của hai đoạn thơ
    • Đoạn thơ trong bài Tây Tiến
      • Thí sinh có thể có những cách trình bày khác nhau, nhưng cần làm nổi bật được
      • Về nội dung: Đoạn thơ đã thể hiện tinh thần yêu nước, anh dũng và sự hi sinh bi tráng của người lính Tây Tiến. Những nấm mồ rải rác thầm lặng, lẻ loi nơi xa xôi, hoang vắng... Tinh thần dũng cảm, sẵn sàng cống hiến tuổi trẻ cho đất nước. Cái chết đơn sơ nhẹ nhàng, thanh thản. Lời ai điếu dữ dội của thiên nhiên tiễn đưa linh hồn tử sĩ.
      • Về nghệ thuật: Ngòi bút vừa hiện thực vừa lãng mạn, giọng điệu vừa bi thương vừa hùng tráng, nói giảm nói tránh, thể thơ thất ngôn với ngôn ngữ trang trọng, cổ kính qua hệ thống từ Hán Việt....
    • Đoạn thơ trong đoạn trích Đất Nước
      • Thí sinh có thể có những cách trình bày khác nhau, nhưng cần làm nổi bật được
      • Về nội dung: Đoạn thơ là sự khám phá đất nước dưới góc nhìn lịch sử. Trong đó nhà thơ bộc lộ lòng trân trọng ngợi ca, biết ơn với nhân dân - những người anh hùng vô danh đã cống hiến, hi sinh một cách tự nguyện, thầm lặng để làm nên đất nước. Từ đó, khẳng định đất nước của nhân dân.
      • Về nghệ thuật: Thể thơ tự do với những câu dài ngắn linh hoạt, ngôn ngữ bình dị...Giọng điệu tâm tình nhẹ nhàng, sâu lắng...
    • Chỉ ra điểm tương đồng và khác biệt để thấy được vẻ đẹp riêng của mỗ đoạn
      • Thí sinh có thể diễn đạt theo nhiều cách khác nhau, nhưng cần làm nổi bật được:
      • Sự tương đồng: Hai đoạn thơ cùng ngợi ca tinh thần yêu nước của những người đã ngã xuống trong công cuộc đấu tranh bảo vệ đất nước. Họ hi sinh một cách tự nguyện, thanh thản, nhẹ nhàng mà thầm lặng. Họ là những người bình thường nhưng công lao lại vô cùng to lớn.
      • Sự khác biệt:
        • Đoạn thơ trong bài "Tây Tiến", ra đời vào thời kì đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp, khắc họa vẻ đẹp rất hào hùng, bi tráng của người lính Tây Tiến, họ là những con người cụ thể - những chàng trai xuất thân từ Hà Nội, lần đầu lên miền Tây hoang vu, xa xôi để chiến đấu với lí tưởng cao đẹp.
          • Giọng điệu vừa bi thương vừa hùng tráng, biện pháp nói giảm. nói tránh, thể thơ thất ngôn với ngôn ngữ trang trọng, cổ kính, thể hiện rõ hồn thơ Quang Dũng tinh tế, hào hoa, đậm chất lãng mạn.
        • Đọan thơ trong đoạn trích "Đất Nước" ra đời trong kháng chiến chống Mĩ, khắc họa hình ảnh tập thể (nhân dân) dưới góc nhìn lịch sử, trân trọng những người bình dị, vô danh nhưng đã làm ra đất nước.
          • Thể thơ tự do, bộc lộ rõ phong cách thơ Nguyễn Khoa Điềm: giàu chất suy tư, cảm xúc lắng đọng, thể hiện tâm tư của người trí thức đứng về nhân dân.
      • Lí giải sự khác biệt (Thời đại, xuất thân của tác giả, đặc điểm sáng tác...)
    • Khẳng định lại vấn đề

d. Sáng tạo

Có nhiều cách diễn đạt độc đáo và sáng tạo (viết câu, sử dụng từ ngữ, hình ảnh và các yếu tố biểu cảm,...); văn viết giàu cảm xúc; thể hiện khả năng cảm thụ văn học tốt; có quan điểm và thái độ riêng sâu sắc nhưng không trái với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.

e. Chính tả, dùng từ, đặt câu

Đảm bảo đúng quy tắc chính tả, dùng từ, đặt câu.

Lưu ý cách cho điểm:

  • Điểm 4: Đáp ứng tất cả các yêu cầu về kiến thức và kĩ năng, có thể mắc một vài lỗi nhỏ về chính tả, diễn đạt.
  • Điểm 2.5->3: Đáp ứng phần lớn các yêu cầu về kiến thức và kĩ năng, có thể mắc một vài lỗi nhỏ về chính tả, diễn đạt.
  • Điểm 1.5->2: Đáp ứng được một phần yêu cầu về kiến thức và kĩ năng, mắc nhiều lỗi chính tả, diễn đạt.
  • Điểm 1: Chưa hiểu kĩ đề, mắc nhiều lỗi diễn đạt, dùng từ.
  • Điểm 0: Lạc đề hoàn toàn hoặc không làm bài.
0