14/01/2018, 13:33

Đề thi thử THPT Quốc gia năm 2015 môn Ngữ Văn trường THPT Chi Lăng

Đề thi thử THPT Quốc gia năm 2015 môn Ngữ Văn trường THPT Chi Lăng Đề thi thử đại học môn Văn có đáp án là đề thi thử đại học môn Văn có đáp án dành cho các bạn tham khảo, luyện đề, luyện thi đại học ...

Đề thi thử THPT Quốc gia năm 2015 môn Ngữ Văn trường THPT Chi Lăng

 

 là đề thi thử đại học môn Văn có đáp án dành cho các bạn tham khảo, luyện đề, luyện thi đại học môn Ngữ văn, nhằm chuẩn bị tốt cho kì thi THPT Quốc gia 2015, kì thi đại học sắp tới.

Đề thi thử THPT Quốc gia môn Ngữ Văn

TRƯỜNG THCS & THPT CHI LĂNG
TỔ VĂN THPT

ĐỀ THI THỬ KỲ THI QUỐC GIA THPT
Năm học: 2014 - 2015
MÔN: Ngữ văn
Thời gian làm bài: 180 phút

Phần I. Đọc hiểu (3,0 điểm)

Đọc văn bản sau đây và trả lời câu hỏi từ câu 1 - 4:

“Chưa chữ viết đã vẹn tròn tiếng nói
Vầng trăng cao đêm cá lặn sao mờ
Ôi tiếng Việt như đất cày, như lụa
Óng tre ngà và mềm mại như tơ

Tiếng tha thiết nói thường nghe như hát
Kể mọi điều bằng ríu rít âm thanh
Như gió nước không thể nào nắm bắt
Dấu huyền trầm, dấu ngã chênh vênh”

(Lưu Quang Vũ – Tiếng Việt)

  1. Văn bản trên thuộc thể thơ nào?
  2. Chỉ ra và phân tích biện pháp tu từ được sử dụng chủ yếu trong văn bản.
  3. Văn bản thể hiện thái độ, tình cảm gì của tác giả đối với tiếng Việt.
  4. Viết đoạn văn khoảng 6 – 8 câu, trình bày suy nghĩ của anh (chị) về trách nhiệm giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt ở giới trẻ ngày nay.

Đọc văn bản sau đây và trả lời câu hỏi từ câu 5 - 8:

“Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng thì tinh thần ấy lại sôi nổi. Nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước.”

(Hồ Chí Minh)

5. Anh (chị) hãy đặt tên cho đoạn trích.

6. Chỉ ra phép liên kết chủ yếu được sử dụng trong đoạn trên.

7. Đoạn trên viết theo phong cách ngôn ngữ nào? Đặc trưng?

8.Tác giả sử dụng biện pháp nghệ thuật nào để thể hiện lòng yêu nước trong câu: “Nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ to lớn , nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn , nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước.”

Phần II. Làm văn (7,0 điểm)

Câu 1. (3,0 điểm)

Viết một bài văn ngắn (không quá 600 từ) trình bày suy nghĩ anh/chị về tình yêu thương của con người trong xã hội hiện nay.

Câu 2. (4,0 điểm)

Phân tích những nét khác nhau trong tư tưởng nhân đạo của Kim Lân và Tô Hoài được thể hiện qua hai tác phẩm “Vợ nhặt” và “Vợ chồng A Phủ”.

Đáp án đề thi thử THPT Quốc gia môn Ngữ Văn

Phần I. Đọc hiểu (3,0 điểm)

1- Thể thơ tự do.

2- Biện pháp tu từ chủ yếu được sử dụng trong văn bản: so sánh:

  • Ôi tiếng Việt như đất cày , như lụa
  • Óng tre ngà và mềm mại như tơ
  • Tiếng tha thiết nói thường nghe như hát
  • Như gió nước không thể nào nắm bắt

Tác dụng: hữu hình hóa vẻ đẹp của tiếng Việt bằng các hình ảnh, âm thanh; tiếng Việt đẹp bởi hình và thanh.

3- Văn bản trên thể hiện lòng yêu mến, thái độ trân trọng đối với vẻ đẹp và sự giàu có, phong phú của tiếng Việt.

4- Thí sinh phải viết một đoạn văn ngắn hoàn chỉnh khoảng 6 – 8 câu trình bày được suy nghĩ về trách nhiệm giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt. (Ví dụ: ý thức giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt trong nói và viết, phê phán các hành vi cố tình sử dụng sai tiếng Việt).

5- Tinh thần yêu nước của nhân dân ta.

6- Phép thế với các đại từ “đó”, “ấy” , “nó”.

7- Tác giả đã dùng nghệ thuật ẩn dụ khi ngầm so sánh sức mạnh của lòng yêu nước với “một làn sóng”:

  • Dùng phép điệp trong cấu trúc “nó kết thành”, “nó lướt qua”, “nó nhấn chìm”…
  • Điệp từ “nó”
  • Phép liệt kê.

8- Viết theo phong cách ngôn ngữ chính luận, với những đặc trưng:

  • Tính công khai về quan điểm chính trị.
  • Tính chặt chẽ trong diễn đạt và suy luận.
  • Tính truyền cảm, thuyết phục.

Phần II. Làm văn (7,0 điểm)

Câu 1. (3,0 điểm)

Mở bài: (0.5đ) Nêu vấn đề cần nghị luận.

Thân bài:

  • Giải thích: Tình yêu thương là những xúc cảm phát ra tự đáy tâm hồn biểu hiện sự chia sẻ, thấu hiểu, đồng cảm ... là một trong những phẩm chất cao đẹp của con người.
  • Bình luận:
    • Biểu hiện của lòng yêu thương:
      • Quan tâm, yêu thương, có những hành động giúp đỡ những người bất hạnh, người gặp khó khăn. (Dẫn chứng)
      • Yêu mến, trân trọng những người có phẩm chất tình cảm tốt đẹp.
    • Tại sao cần có lòng yêu thương:
      • Lòng yêu thương đem lại niềm vui, hạnh phúc, sự sống, động viên những người có cảnh ngộ bất hạnh, khó khăn tăng thêm niềm tin hướng đến cuộc sống.
      • Ta sống bằng tình yêu thương với người khác thì sẽ được người khác yêu thương lại, cuộc sống của chúng ta sẽ ấm áp , hạnh phúc…
    • Ý nghĩa của tình yêu thương: tạo mối quan hệ tốt đẹp giữa người và người, bồi đắp cho tâm hồn tuổi trẻ trong sáng, cao đẹp hơn.
    • Biểu dương những gương sáng: Nguyễn Trãi, Bác Hồ…
    • Phê phán những biểu hiện vô cảm trong xã hội
  • Bài học:
    • Cần quan tâm chia sẻ, giúp đỡ người khác.
    • Làm việc thiện, sống tử tế…
    • Học tập những nhân cách lớn .

Kết bài:

  • Khẳng định tầm quan trọng của tình yêu thương.
  • Cần sống theo phương châm “mình vì mọi người, mọi người vì mình”.

Câu 2. (4,0 điểm)

a. Mở bài (0.5đ): Kim Lân và Tô Hoài là những cây bút truyện ngắn nổi tiếng trong nền văn xuôi Việt Nam hiện đại. Vợ nhặt và Vợ chồng A Phủ là hai truyện ngắn có giá trị nhân đạo sâu sắc nhưng tư tưởng nhân đạo của mỗi nhà văn trong từng tác phẩm vẫn có những nét riêng.

b. Thân bài: (3.0đ)

  • Giống nhau: đều thể hiện sự cảm thông sâu sắc trước số phận của người nông dân trong xã hội cũ, đều tố cáo, lên án các thế lực tàn bạo đã gây ra bi kịch cho con người và sự trân trọng vẻ đẹp phẩm chất của người lao động.
  • Khác nhau:
    • Ở truyện ngắn “Vợ nhặt”:
      • Đặt nhân vật vào một tình huống đặc biệt, tác giả bày tỏ sự cảm thương trước số phận bi thảm của người nông dân bị nạn đói dồn đẩy đến bước đường cùng, giá trị con người trở nên rẻ mạt (HS phân tích quang cảnh xóm ngụ cư ngày đói, hình ảnh người đàn bà vợ nhặt…)
      • Tố cáo tội ác của bọn thực dân, phát xít đã gây ra nạn đói khủng khiếp.
      • Phát hiện và ngợi ca khát vọng sống, khát vọng hạnh phúc, tình cảm cưu mang đùm bọc lẫn nhau giữa những người cùng chung cảnh ngộ và niềm tin hướng về tương lai của họ (hành động táo tợn, liều lĩnh của thị; hành động và tâm trạng của Tràng khi gặp thị, mời thị ăn và đưa thị về, suy nghĩ của bà cụ Tứ, của dân xóm ngụ cư trước hạnh phúc của Tràng…)
    • Ở truyện “Vợ chồng A Phủ”:
      • Nhà văn cảm thông trước số phận bi thảm của người lao động vùng cao Tây Bắc, đặc biệt là thân phận người phụ nữ dưới ách áp bức bóc lột của bọn chúa đất phong kiến. (thân phận và cảnh ngộ của Mị khi về làm dâu nhà thống lý Pa Tra, số phận của A Phủ…)
      • Tố cáo, lên án tội ác của giai cấp phong kiến thống trị (điển hình là cha con thống lý Pá Tra: bắt trả lãi cắt cổ, bắt người gạt nợ, trói người dã man, xử kiện không cho thanh minh).
      • Trân trọng khát vọng tự do, tinh thần đấu tranh phản kháng của quần chúng bị áp bức (tâm trạng của Mị trong đêm tình mùa xuân, khi cắt dây trói cứu A Phủ…)

c. Kết bài: (0.5đ) Đánh giá vấn đề: đóng góp riêng của mỗi nhà văn đã góp phần làm phong phú, mới mẻ cho truyền thống nhân đạo của văn học dân tộc (đặc biệt là ở cái nhìn đầy lạc quan tin tưởng vào tương lai), tạo nên diện mạo mới cho văn xuôi giai đoạn 1945 – 1975.

0