14/01/2018, 17:00

Đề thi thử THPT Quốc gia môn Ngữ văn tháng 6/2016 trường THPT Trần Hưng Đạo, TP. Hồ Chí Minh

Đề thi thử THPT Quốc gia môn Ngữ văn tháng 6/2016 trường THPT Trần Hưng Đạo, TP. Hồ Chí Minh Đề thi thử Đại học môn Văn có đáp án Đề thi thử THPT Quốc gia môn Ngữ văn năm 2016 là đề thi thử đại học ...

Đề thi thử THPT Quốc gia môn Ngữ văn tháng 6/2016 trường THPT Trần Hưng Đạo, TP. Hồ Chí Minh

Đề thi thử THPT Quốc gia môn Ngữ văn năm 2016

là đề thi thử đại học môn Văn có đáp án đi kèm. Đây là tài liệu ôn tập môn Văn hữu ích dành cho các bạn học sinh, giúp các bạn củng cố và ôn tập chuẩn bị cho kì thi THPT Quốc gia 2016 sắp tới. Mời các bạn tham khảo.

Đề thi thử THPT Quốc gia năm 2016 môn Ngữ văn trường THPT Trần Hưng Đạo, TP. Hồ Chí Minh (Lần 1)

Đề thi thử THPT Quốc gia môn Ngữ văn năm 2016 trường THPT Hậu Lộc 4, Thanh Hóa

Đề thi thử THPT Quốc gia năm 2016 môn Ngữ văn trường THPT Lục Nam, Bắc Giang

 SỞ GD & ĐT TP. HỒ CHÍ MINH

TRƯỜNG THPT TRẦN HƯNG ĐẠO

ĐỀ THI THỬ THPT QUỐC GIA NĂM HỌC 2015 - 2016

MÔN NGỮ VĂN 

Ngày thi: 07/06/2016

Thời gian làm bài: 180 phút 

PHẦN I: Đọc hiểu (3 điểm)

Đọc đoạn trích sau và thực hiện yêu cầu từ Câu 1 đến Câu 4:

(1) Đưa những cuốn sách về với quê hương mình, với mái trường cũ thân thương của mình, để các em nhỏ sẽ không còn "khát" sách đọc. Đó là công việc thiện nguyện của những người tham gia chương trình "Sách hóa nông thôn Việt Nam", đang chung tay đeo đuổi mục tiêu để 10 triệu trẻ em nông thôn có quyền đọc sách và có sách đọc như trẻ em thành phố.

(2) Anh Nguyễn Quang Thạch, người khởi xướng chương trình hiện đang trong quá trình đi bộ xuyên Việt từ Hà Nội vào TP Hồ Chí Minh. Chuyến đi được khởi hành từ ngày mồng 1 Tết Ất Mùi và dự kiến sẽ hoàn thành vào trung tuần tháng 6-2015. Anh là cử nhân tiếng Anh, đã từng trải qua nhiều vị trí ở cơ quan nhà nước và từng làm việc cho một số tổ chức quốc tế. Chuyến đi bộ xuyên Việt của anh lần này là mong muốn kêu gọi cộng đồng chung tay nhân rộng tủ sách trong trường học, dòng họ... để đạt con số 300 nghìn tủ sách được xây dựng trên toàn quốc vào năm 2017, giúp hơn 10 triệu học sinh nông thôn có sách đọc.

(...) (3) Chương trình Sách hóa nông thôn Việt Nam ra đời theo mong muốn của anh là nhằm giải quyết vấn đề thiếu sách ở nông thôn mà theo anh là để nâng cao dân trí, xây dựng tinh thần chia sẻ trách nhiệm xã hội trong cộng đồng. Tâm nguyện của anh là tạo ra một hệ thống thư viện mi-ni rộng khắp cả nước để mọi người dân thôn quê có thể tiếp cận tri thức. Chương trình Sách hóa nông thôn Việt Nam đến nay đã thực hiện thành công năm loại tủ sách, với hơn 3.800 tủ sách được xây dựng, giúp hơn 200 nghìn người dân nông thôn, đặc biệt là 100 nghìn học sinh nông thôn có cơ hội đọc 40 đầu sách/năm.

(Đưa sách về làng, Nhân dân cuối tuần, 26/04/2015)

Câu 1. Xác định phong cách ngôn ngữ của văn bản. (0,25 điểm)

Câu 2. Đoạn (2) giới thiệu những thông tin gì về hành động "đi bộ xuyên Việt" của anh Nguyễn Quang Thạch? (0,25 điểm)

Câu 3. Từ nội dung văn bản, hãy nêu mục tiêu và kết quả đạt được của chương trình "Sách hóa nông thôn Việt Nam". (0,5 điểm)

Câu 4. Theo số liệu của Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch: hiện nay, trung bình người Việt đọc 0,8 cuốn sách/năm. Từ thực trạng này, anh/chị hãy nhận xét ngắn gọn về anh Nguyễn Quang Thạch và chương trình "Sách hóa nông thôn Việt Nam" do anh khởi xướng. Trả lời trong khoảng 5-7 dòng. (0,5 điểm)

Đọc văn bản sau và thực hiện yêu cầu từ câu 5 đến câu 8:

"Thương biển lắm cha ơi
Đứng dậy đi cha!
Cha ngồi đó đã nhiều ngày.
Mắt ráo hoảnh nhìn ra phía biển
Chiếc điếu cày mấy ngày cha không động đến
Con thấy đau nhói tận tim mình
Tấm lưới trên tay cha đặt xuống, nâng lên
Con biết cha đứt từng khúc ruột.
"Biển chết rồi con ơi"! Cha khóc.
Lần đầu tiên nước mắt người đàn ông đi biển như cha vỡ ra như tia máu chảy quanh hốc má gầy gò.
Dân Miền Trung quê tôi
Mấy tuần nay không còn tiếng reo hò
Câu chuyện ra khơi không còn trong bữa ăn làng biển
Mẹ bỏ chợ, thuyền úp mình trên bến
Người ngư dân rồi sẽ ra sao
Làng biển quê tôi vốn dĩ đã quá nghèo
Cuộc sống mưu sinh từ con tôm con cá
Thuyền lưới ra khơi một đời cha chằm vá
Nuôi con nuôi cháu trưởng thành.
Có biển nơi mô như biển quê mình
Cá dưới lòng sâu cá trên mặt nước
Bao nhiêu cá chết vì nhiễm độc
Biển gào lên thủy táng những linh hồn
Làng biển quê tôi chìm ngập nỗi buồn
Cá chết hồn oan mắt chưa kịp nhắm.
Đứng dậy đi cha
Con thương cha nhiều lắm
Con biết người thương nhớ biển cha ơi! ........."

(Hoa Trần 26/4/2016)

Câu 5. Bài thơ được viết theo thể thơ nào? (0,25đ)

Câu 6. Xác định các từ ngữ thể hiện tâm trạng của nhân vật trữ tình trong bài thơ? (0,5đ)

Câu 7. Chỉ ra các phương thức biểu đạt chính trong bài thơ? (0,25đ)

Câu 8. Qua bài thơ, anh/chị cảm nhận về tình yêu biển của nhân vật người cha nói riêng và của người dân Việt Nam nói chung như thế nào? (Trình bày trong khoảng 7 đến 10 dòng). (0,5đ)

PHẦN II: Làm văn (7 điểm)

Câu 1: Nghị luận xã hội (3 điểm)

Trong chương trình "Tạp chí kinh tế xuân Bính Thân – Phẳng hay không phẳng", VTV1, 12/2/2016, nhà báo Lê Bình đã nhắc đến vấn nạn thực phẩm bẩn với một sự trăn trở:

Nhiều người Việt kiếm tiền bằng mọi giá, đánh đổi cả liêm sỉ, danh dự để có tiền. Sự kiếm tiền nào độc ác hơn là kiếm tiền trên sức khỏe và mạng sống đồng bào mình? Trung bình hai giờ đồng hồ có ba mươi người chết vì bệnh ung thư – một con số tàn nhẫn đến rợn người. Bao giờ người Việt mới thôi độc ác với nhau? Làm thế nào để con người biết yêu thương nhau hơn? Đơn giản vậy thôi nhưng nó quyết định vận mệnh của cả dân tộc, cả thế giới này. Người nông dân chỉ cần thương người tiêu dùng một chút đã không nhẫn tâm tưới thuốc độc lên rau củ quả để đào huyệt chôn đồng bào mình và chôn sống chính mình.

Anh (chị) suy nghĩ gì về nhận định của nhà báo Lê Bình? Trình bày quan điểm của mình trước vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm hiện nay bằng một bài văn không quá 600 từ.

Câu 2: Nghị luận văn học (4 điểm)

Bút pháp miêu tả nội tâm nhân vật của Kim Lân qua đoạn văn sau:

[...] " Bà lão cúi đầu nín lặng. Bà lão hiểu rồi. Lòng người mẹ nghèo khổ ấy còn hiểu ra biết bao nhiêu cơ sự, vừa ai oán vừa xót thương cho số kiếp đứa con mình. Chao ôi, người ta dựng vợ gả chồng cho con là lúc trong nhà ăn nên làm nổi, những mong sinh con đẻ cái mở mặt sau này. Còn mình thì...Trong kẽ mắt kèm nhèm của bà rỉ xuống hai dòng nước mắt...Biết rằng chúng nó có nuôi nổi nhau sống qua được con đói khát này không.

Bà lão khẽ thở dài ngẩng lên, đăm đăm nhìn người đàn bà. Thị cúi mặt xuống, tay vân vê tà áo đã rách bợt. Bà lão nhìn thị và bà nghĩ: Người ta có gặp bước khó khăn, đói khổ này, người ta mới lấy đến con mình. Mà con mình mới có vợ được...Thôi thì bổn phận bà là mẹ, bà chẳng lo lắng được cho con...may ra mà qua khỏi được cái tao đoạn này thì thằng con bà cũng có vợ, nó yên bề nó, chẳng may ra ông giời bắt chết cũng phải chịu chứ biết thế nào mà lo cho hết được?

Bà lão khẽ dặng hắng một tiếng, nhẹ nhàng nói với " nàng dâu mới":

- Ừ, thôi thì các con đã phải duyên phải kiếp với nhau u cũng mừng lòng...

Tràng thở đánh phào một cái, ngực nhẹ hẳn đi. Hắn ho khẽ một tiếng, bước từng bước dài ra sân. Bà cụ Tứ vẫn từ tốn tiếp lời:

- Nhà ta thì nghèo con ạ. Vợ chồng chúng mày liệu mà bảo nhau làm ăn. Rồi ra may mà ông giời cho khá... Biết thế nào hở con, ai giàu ba họ, ai khó ba đời? Có ra thì rồi con cái chúng mày về sau.

Bà lão đăm đăm nhìn ra ngoài. Bóng tối trùm lấy hai con mắt. Ngoài xa dòng sông sáng trắng uốn khúc trong cánh đồng tối. Mùi đốt đống rấm ở những nhà có người chết theo gió thoảng vào khét lẹt. Bà lão nhẹ thở ra một hơi dài. Bà lão nghĩ đến ông lão, nghĩ đến đứa con gái út. Bà lão nghĩ đến cuộc đời cực khổ dài dằng dặc của mình. Vợ chồng chúng nó lấy nhau, cuộc đời chúng nó liệu có hơn bố mẹ trước kia không?..."

(Trích Vợ nhặt)

Đáp án đề thi thử THPT Quốc gia môn Ngữ văn năm 2016

PHẦN I: Đọc hiểu (3 điểm)

Yêu cầu chung

  • Phần này kiểm tra năng lực đọc hiểu văn bản của thí sinh; đòi hỏi thí sinh phải huy động kiến thức và kĩ năng đọc hiểu một câu, một đoạn, một văn bản văn học thuộc nhiều thể loại để làm bài.
  • Mỗi câu chỉ hỏi một khía cạnh, thí sinh cần xác định đúng yêu cầu để trả lời chính xác.

Văn bản 1.

Câu 1. Phong cách ngôn ngữ báo chí

Câu 2. Hành động đi bộ xuyên Việt của anh Nguyễn Quang Thạch:

  • Về hành trình: từ Hà Nội vào TP Hồ Chí Minh
  • Về thời gian: khởi hành từ ngày mồng 1 Tết Ất Mùi và dự kiến sẽ hoàn thành vào trung tuần tháng 6-2015.
  • Về mục đích: kêu gọi cộng đồng chung tay nhân rộng tủ sách trong trường học, dòng họ... để đạt con số 300 nghìn tủ sách được xây dựng trên toàn quốc vào năm 2017, giúp hơn 10 triệu học sinh nông thôn có sách đọc.
  • Điểm 0,25: nêu được 2 ý trở lên

Câu 3.

  • Mục tiêu: 10 triệu trẻ em nông thôn có quyền đọc sách và có sách đọc như trẻ em thành phố.
  • Kết quả đạt được của chương trình "Sách hóa nông thôn Việt Nam": thực hiện thành công năm loại tủ sách, với hơn 3.800 tủ sách được xây dựng, giúp hơn 200 nghìn người dân nông thôn, đặc biệt là 100 nghìn học sinh nông thôn có cơ hội đọc 40 đầu sách/năm
  • Điểm 0,5: nêu đủ 2 ý trên;

Câu 4. Thí sinh nêu được quan điểm của bản thân về anh Nguyễn Quang Thạch và ý nghĩa của chương trình "Sách hóa nông thôn Việt Nam". Câu trả lời phải chặt chẽ, có sức thuyết phục.

  • Anh Nguyễn Quang Thạch: là một người có tâm huyết với cộng đồng, có lí tưởng sống đẹp, biết chăm lo cho sự phát triển của thế hệ trẻ, đặc biệt là trẻ em nông thôn.
  • Chương trình "Sách hóa nông thôn Việt Nam": là một chương trình thiết thực, ý nghĩa, giúp cho mỗi người có nhận thức đúng hơn về sách và quan tâm nhiều hơn đến việc đọc sách.
  • Điểm 0,5: Nhận xét đúng, hợp lí về cả hai đối tượng, diễn đạt gọn, trong sáng;
  • Điểm 0,25: Nhận xét đúng, hợp lí về cả hai đối tượng; diễn đạt chưa thật trong sáng.

Văn bản 2.

Câu 5. Bài thơ được viết theo thể thơ Tự do

Câu 6. Xác định các từ ngữ thể hiện tâm trạng của nhân vật trữ tình trong bài thơ: Thương biển lắm, đau nhói tận tim mình, Làng biển quê tôi chìm ngập nỗi buồn

Câu 7. Chỉ ra các phương thức biểu đạt chính trong bài thơ : Biểu cảm, Miêu tả, Tự sự

Câu 8. Qua bài thơ, anh/chị cảm nhận về tình yêu biển của nhân vật người cha nói riêng và của người dân Việt Nam nói chung như thế nào? (Trình bày trong khoảng 5 dòng): yêu thương biển, đau xót, buồn bã, bảo vệ biển đảo ...

PHẦN II: Làm văn (7 điểm)

Câu 1: Nghị luận xã hội (3 điểm)

Yêu cầu chung

  • Câu này kiểm tra năng lực viết bài nghị luận xã hội của thí sinh; đòi hỏi thí sinh phải huy động những hiểu biết về đời sống xã hội, kĩ năng tạo lập văn bản và khả năng bày tỏ quan điểm riêng của mình để làm bài.
  • Thí sinh có thể triển khai vấn đề theo nhiều cách khác nhau, nhưng phải có lí lẽ và căn cứ xác đáng; được tự do bày tỏ quan điểm của mình, nhưng phải có thái độ chân thành, nghiêm túc, phù hợp với chuẩn mực đạo đức xã hội và luật pháp.

Yêu cầu cụ thể

  • Đảm bảo kết cấu (0,5)
  • Xác định đúng vấn đề (0,25): Thực phẩm bẩn, tác hại và thái độ cần có.
  • Triển khai vấn đề: (2.25)
    • Giải thích nhận định: (0,25)
      • Nhận định của nhà báo Lê Bình đã làm nổi bật thực trạng an toàn vệ sinh thực phẩm hiện nay (người nông dân tưới thuốc độc lên rau củ quả), hậu quả mà nó gây ra (hai giờ đồng hồ có 30 người chết vì ung thư) cũng như nguyên nhân của vấn nạn này (người Việt kiếm tiền bằng mọi giá, đánh đổi cả liêm sỉ, danh dự để có tiền).
    • Thực trạng vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm: (0,5)
      • Liên tiếp gần đây, nhiều vụ việc liên quan đến quy trình sản xuất, kinh doanh thực phẩm bẩn đang khiến nhiều người cảm thấy rất hoang mang. Những thực phẩm thiết yếu hàng ngày như rau, củ, thịt, cá hay ngay cả dầu ăn, nước mắm... tất cả đều có nguy cơ nhiễm bẩn. Dẫn chứng: Thịt heo nạc bất thường do lạm dụng chất cấm salbutamol trong chăn nuôi, măng tươi được tẩm, nhuộm Auramine O – chất cấm sử dụng trong chế biến, bảo quản thực phẩm.
      • Thậm chí, thực phẩm bẩn đang tuồn vào các siêu thị uy tín. Như vậy, vấn nạn thực phẩm bẩn đang "hoành hành" từ các khu chợ thuận tiện cho việc mua bán thường nhật đến những siêu thị lớn gửi gắm niềm tin của người tiêu dùng.
    • Nguyên nhân: (0,5)
      • Tâm lí muốn thu về lợi nhuận nhanh chóng bất chấp các quy định về vệ sinh an toàn trong sản xuất, đối với người nông dân đôi khi còn là gánh nặng cơm áo gạo tiền.
      • Sự thiếu hiểu biết về ảnh hưởng nghiêm trọng của thực phẩm bẩn đối với sức khỏe người tiêu dùng.
      • Sản xuất, canh tác, gieo trồng trong môi trường bị ô nhiễm trầm trọng từ đất đai, nguồn nước đến không khí.
      • Người tiêu dùng:
        • Thiếu hiểu biết dẫn đến việc tiêu thụ sản phẩm một cách tràn lan, không chọn lọc.
        • Tâm lí ham của rẻ vô tình tạo ra nhu cầu tiêu thụ lớn đối với thực phẩm kém chất lượng.
      • Cơ quan có thẩm quyền: Chưa có biện pháp xử lí thích đáng đối với các trường hợp sản xuất không bảo đảm vệ sinh, buôn bán thực phẩm bẩn khiến vấn nạn thực phẩm thiếu an toàn tiếp tục tái diễn.
      • Chưa có sự phối hợp đồng bộ giữa cơ quan pháp luật với tổ chức khoa học để đẩy nhanh quá trình phát hiện thực phẩm bẩn, ngăn chặn hoạt động sản xuất và tiêu thụ thực phẩm bẩn.
    • Hậu quả của việc sản xuất, tiêu thụ sản phẩm bẩn: (0,5)
      • Sức khỏe bị ảnh hưởng, tính mạng bị đe dọa khi sử dụng thực phẩm bẩn hàng ngày, không ăn thì không thể tồn tại, ăn thì phó mặc may rủi cho số phận, bệnh đến lúc nào biết lúc ấy. Tâm lí hoang mang, sự bất ổn có thể nảy sinh trong xã hội khi không còn niềm tin, tình thương giữa con người với con người.
    • Giải pháp ngăn chặn vấn đề thực phẩm bẩn, ý nghĩa vấn đề nghị luận: (0,5)
      • Nâng cao hiểu biết cho người sản xuất lẫn người tiêu thụ về tác hại khôn lường, lâu dài của việc sử dụng, tiêu thụ thực phẩm bẩn. Đưa ra hình thức xử phạt đủ sức răn đe để loại bỏ việc sản xuất không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
      • Nhận định của nhà báo Lê Bình một lần nữa đã rung lên hồi chuông báo động về tình trạng thực phẩm bẩn tràn lan trong thị trường, ẩn chứa những hậu quả nghiêm trọng thời gian vừa qua.

Câu 2: Nghị luận văn học (4 điểm)

Yêu cầu chung

  • Câu này kiểm tra năng lực viết bài nghị luận văn học của thí sinh; đòi hỏi thí sinh phải huy động kiến thức về tác phẩm văn học, lí luận văn học, kĩ năng tạo lập văn bản và khả năng cảm nhận văn chương của mình để làm bài.
  • Thí sinh có thể cảm nhận và kiến giải theo những cách khác nhau, nhưng phải có lí lẽ, có căn cứ xác đáng, không được thoát li văn bản tác phẩm.

Yêu cầu cụ thể

  • Đảm bảo kết cấu (0,5)
  • Giới thiệu. (0,5)
    • Tác giả, tác phẩm, Đoạn trích và vấn đề cần nghị
  • Phân tích. (2,5)
    • Phân tích vị trí, bối cảnh đoạn trích: Đoạn trích trong đề bài là đoạn văn thể hiện rõ nhất tâm trạng của bà cụ Tứ, sau khi hiểu ra sự tình của con trai bà: tự nhiên có được vợ. Nhưng có vợ đúng lúc gia đình bà túng đói đến cùng cực. Tâm trạng bà cụ Tứ nảy sinh trong hoàn cảnh này là rất hợp lí
    • Phân tích diễn biến tâm trạng phức tạp của bà cụ Tứ trước tình cảnh éo le của con trai và gia đình mình...(cần căn cứ vào câu chữ, chi tiết, hình ảnh, lời văn và logic diễn biến tâm trạng của nhân vật trong đoạn trích)
  • Đánh giá cái tài, cái tâm của tác giả (0,5)
0