14/01/2018, 16:09

Đề thi thử THPT Quốc gia môn Lịch sử năm 2016 tỉnh Thanh Hóa

Đề thi thử THPT Quốc gia môn Lịch sử năm 2016 tỉnh Thanh Hóa Đề thi thử Đại học môn Sử có đáp án Đề thi thử THPT Quốc gia 2016 môn Sử tỉnh Thanh Hóa có 4 câu hỏi tự luận cùng đáp án đi kèm, là đề thi ...

Đề thi thử THPT Quốc gia môn Lịch sử năm 2016 tỉnh Thanh Hóa

Đề thi thử THPT Quốc gia 2016 môn Sử tỉnh Thanh Hóa

có 4 câu hỏi tự luận cùng đáp án đi kèm, là đề thi thử THPT Quốc gia môn Sử hữu ích dành cho các bạn thí sinh, giúp các bạn luyện tập và chuẩn bị tốt nhất cho kì thi THPT Quốc gia 2016 sắp tới. Mời các bạn tham khảo.

Bộ đề thi thử THPT Quốc gia năm 2016 môn Lịch sử - Số 1

Bộ đề thi thử THPT Quốc gia năm 2016 môn Lịch sử - Số 2

SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
THANH HÓA

KHẢO SÁT CHẤT LƯỢNG LỚP 12 THPT NĂM HỌC 2015 - 2016

Môn: Lịch sử

Thời gian: 180 phút (Không kể thời gian giao đề)

Câu 1 (2,5 điểm)

Phong trào dân chủ 1936 - 1939 ở Việt Nam có tính chất dân tộc hay không? Vì sao?

Câu 2 (2,5 điểm)

Phân tích sự kết hợp đấu tranh quân sự với đấu tranh ngoại giao để kết thúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1946 - 1954) của nhân dân Việt Nam.

Câu 3 (2,0 điểm)

Vai trò của miền Bắc trong sự nghiệp kháng chiến chống Mĩ cứu nước 1954 - 1975.

Câu 4 (3,0 điểm)

Có đúng không khi khẳng định rằng phong trào giải phóng dân tộc đã làm cho thế kỉ XX trở thành một "thế kỉ giải trừ chủ nghĩa thực dân"? Vì sao? Việt Nam có vai trò như thế nào trong phong trào đó?

Đáp án đề thi thử THPT Quốc gia môn Sử năm 2016

Câu 1:

Phong trào dân chủ 1936 - 1939 ở Việt Nam có tính chất dân tộc hay không? Vì sao?

  • Phong trào dân chủ 1936 - 1939 là một cuộc vận động dân chủ, nhưng vẫn có tính chất dân tộc, vì:
  • Mục tiêu đấu tranh: trong phong trào này, Đảng chưa chủ trương thực hiện các khẩu hiệu "độc lập dân tộc" và "cách mạng ruộng đất", mà chỉ chỉ đòi các quyền tự do, dân chủ, cơm áo, hoà bình, nhưng đó cũng là quyền lợi của dân tộc và phải đấu tranh để đòi từ tay kẻ thù của dân tộc.
  • Lực lượng của phong trào hết sức rộng rãi, từ quần chúng cơ bản đến các tầng lớp trên và cả những người Pháp có xu hướng chống phát xít ở Đông Dương, nhưng lực lượng đông đảo nhất vẫn là lực lượng dân tộc.
  • Thông qua phong trào này, Đảng có điều kiện xây dựng một lực lượng chính trị quần chúng đông đảo; rèn luyện đội ngũ cán bộ, đảng viên, tích luỹ thêm nhiều kinh nghiệm, chuẩn bị tiến lên làm cách mạng giải phóng dân tộc.

Câu 2:

Phân tích sự kết hợp đấu tranh quân sự với đấu tranh ngoại giao để kết thúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân Việt Nam...

  • Để làm thất bại kế hoạch quân sự Nava, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng (9 - 1953), chủ trương mở cuộc tiến công chiến lược đông – xuân 1953 - 1954, đánh vào những nơi có tầm quan trọng về chiến lược nhưng địch tương đối yếu, buộc địch phải phân tán lực lượng đối phó với ta, tạo điều kiện để ta tiêu diệt thêm một bộ phận quan trong sinh lực địch, giải phóng đất, giải phóng dân.
  • Đồng thời với tiến công quân sự, Đảng và Chính phủ chủ trương đẩy mạnh cuộc đấu tranh ngoại giao, mở ra khả năng giải quyết cuộc chiến tranh Đông Dương bằng con đường hoà bình. Tháng 11 - 1953, Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên bố: "Nếu Chính phủ Pháp đã rút ra được bài học trong cuộc chiến tranh mấy năm nay, muốn đi đến đình chiến ở Việt Nam bằng cách thương lượng và giải quyết các vấn đề Việt Nam theo lối hoà bình thì nhân dân và Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà sẵn sàng tiếp ý muốn đó".
  • Cuộc tiến công chiến lược đông – xuân 1953 - 1954 làm cho kế hoạch Na không thể thực hiện được theo dự kiến. Hội nghị ngoại trưỏng bốn nước Liên Xô, Mĩ, Anh, Pháp họp tại Béclin (1 - 1954) thoả thuận sẽ triệụ tập một hội nghị quốc tế tại Giơnevơ để giải quyết vấn đề Triều Tiên và lập lại hoà bình ở Đông Dương. Tuy nhiên, Pháp nuôi hi vọng kết thúc chiến tranh trên thế mạnh, nên tăng cường xây dựng Điện Biên Phủ thành một tập đoàn cứ điểm mạnh nhất Đông Dương. Bộ Chính trị quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ. Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: "Chiến dịch này là một chiến dịch lịch sử của quân đội ta, ta đánh thắng chiến dịch này có ý nghĩa quân sự và chính trị quan trọng".
  • Ngày 7 - 5 - 1954, quân đội và nhân dân Việt Nam giành thắng lợi hoàn toàn trong chiến dịch Điện Biên Phủ, giáng đòn quyết định vào ý chí xâm lược của thực dân Pháp, làm xoay chuyển cục diện chiến tranh, tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc đấu tranh ngoại giao tại Hội nghị Giơnevơ về Đông Dương (từ ngày 8 - 5 - 1954 đến 21 - 7 - 1954), kết thúc cuộc kháng chiến lâu dài và anh dũng của dân tộc.

Câu 3:

Vai trò của miền Bắc trong sự nghiệp kháng chiến chống Mĩ cứu nước 1954 - 1975.

  • Trong thời kì 1954 - 1975, miền Bắc có vài trò quyết định nhất đối với tiến trình phát triển của cách mạng Việt Nam nói chung và đối với sự nghiệp kháng chiến chống Mĩ cứu nước nói riêng.
  • Chi viện sức người, sức của cho tiền tuyến miền Nam với khẩu "Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng giặc Mĩ xâm lược", "Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người". Nhiều thế hệ thanh niên miền Bắc tiếp nối nhau vào chiến trường miền Nam... Chỉ tính riêng trong hai năm 1973 - 1974, miền Bắc đã chi viện cho miền Nam 15 vạn bộ đội chủ lực và hàng chục vạn tấn vật chất, nhất là các loại vũ khí và các phương tuiện chiến tranh hiện đại, góp phần đảm bảo thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975.
  • Miền Bắc là nguồn cổ vũ động viên to lớn về chính trị tinh thần đối với cuộc chiến đấu gian khổ và ác liệt của đồng bào và chiến sĩ ở miền Nam.
  • Miền Bắc là nơi tiếp nhận, bảo quản, cải tiến và vận chuyển tới chiến trường miền Nam các loại vũ khí và các phương tiện vật chất khác được chi viện từ các nước anh em, nối liền hậu phương quốc tế với chiến trường miền Nam.
  • Miền Bắc không chỉ là hậu phương, mà còn là chiến trường đánh Mĩ. Quân dân miền Bắc đã triển khai một cuộc chiến tranh nhân dân, đánh thắng chiến tranh phá hoại của đế quốc Mĩ, đặc biệt là làm nên trận Điện Biên Phủ trên không, đập tan cuộc tập kích bằng máy bay B52 của Mĩ vào Hà Nội, Hải Phòng (12 - 1973). Những chiến công của quân dân miền Bắc đã góp phần buộc Mĩ phải xuống thang chiến tranh, ngồi vào bàn đàm phán và kí kết Hiệp định Pari về chám dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Việt Nam.

Câu 4:

Có đúng không khi khẳng định rằng phong trào giải phóng dân tộc đã làm cho thế kỉ XX trở thành một "thế kỉ giải trừ chủ nghĩa thực dân"? Vì sao? Việt Nam có vai trò như thế nào trong phong trào đó?

  • Sự phát triển của phong trào giải phóng dân tộc đã lần lượt xoá bỏ ách thống trị của chủ nghĩa thực dân cũ và mới, làm cho thế kỉ XX trở thành một "thế kỉ giải trừ chủ nghĩa thực dân".

Có thể khẳng định như trên vì:

  • Trong thế kỉ XX, nhất là sau Chiến tranh thế giới thứ hai, một cao trào giải phóng dân tộc đã dấy lên mạnh mẽ ở các nước Á, Phi và Mĩ la tinh, làm cho bản đồ chính trị thế giới có những thay đổi to lớn và sâu sắc. Hệ thống thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc kéo dài nhiều thế kỉ sụp đổ hoàn toàn.
  • Trên cơ sở xoá bỏ chủ nghĩa thực dân, hơn 100 quốc gia độc lập ra đời và ngày càng có vai trò quan trọng trong đời sống chính trị thế giới với ý chí chống chủ nghĩa thực dân, vì hoà bình, độc lập dân tộc và tiến bộ xã hội.
  • Việt Nam có vai trò vô cùng to lớn trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân với những thắng lợi có ý nghĩa chiến lược: Cách mạng tháng Tám 1945, cuộc kháng chiến chống Pháp và cuộc kháng chiến chống Mĩ. Những thắng lợi đó đều có tác dụng cổ vũ mạnh mẽ phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới.
0