14/01/2018, 22:55

Đề thi thử THPT Quốc gia năm 2017 môn Ngữ văn trường THPT Trung Giã, Hà Nội (Lần 2)

Đề thi thử THPT Quốc gia năm 2017 môn Ngữ văn trường THPT Trung Giã, Hà Nội (Lần 2) Đề thi thử THPT Quốc gia 2017 môn Văn có đáp án Đề thi thử THPT Quốc gia 2017 môn Ngữ văn Kì thi THPT ...

Đề thi thử THPT Quốc gia năm 2017 môn Ngữ văn trường THPT Trung Giã, Hà Nội (Lần 2)

Đề thi thử THPT Quốc gia 2017 môn Ngữ văn

Kì thi THPT Quốc gia đang đến rất gần, để chuẩn bị tốt về mặt kiến thức cũng như kỹ năng các bạn học sinh hãy tham khảo và làm thật nhiều đề thi thử của các trường. Hôm nay VnDoc xin chia sẻ với các bạn: . 

Đề thi thử THPT Quốc gia năm 2017 môn Ngữ văn Sở GD&ĐT Bắc Giang

Đề thi thử THPT Quốc gia năm 2017 môn Ngữ văn trường THPT Trần Quốc Tuấn, Quảng Ngãi (Lần 2)

SỞ GD & ĐT HÀ NỘI
TRƯỜNG THPT TRUNG GIÃ
KỲ THI THỬ THPT QUỐC GIA LẦN 2 - 2017
Môn: NGỮ VĂN
Thời gian làm bài : 120 phút, không kể thời gian phát đề

I. PHẦN ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)

Đọc đoạn trích sau và trả lời các câu hỏi bên dưới:

"Khi bạn đang uống cô ca giải khát, hãy nghĩ xem bố mẹ thường uống gì. Khi bạn mặc những bộ quần áo đắt tiền hàng hiệu, xin hãy nghĩ xem bố mẹ bạn thường mặc ra sao. Khi bạn thoải mái tiêu pha, hãy nghĩ đến những thứ đồ bố mẹ bạn hay dùng như thế nào. Bố mẹ đã vì chúng ta mà bỏ bao công sức? Rơi bao hạt mồ hôi, đều chỉ vì mong chúng ta có một cuộc sống tốt đẹp hơn. Những thứ chúng ta đang dùng đều là do hai bàn tay cha mẹ đem về cho. Xin hãy yêu quý bố mẹ của riêng mình, làm một người con hiếu thuận..."

(Khuyết danh)

Câu 1 (0,5 điểm): Xác định phương thức biểu đạt chính của đoạn trích trên?

Câu 2 (0,5 điểm): Đoạn trích trên bàn về vấn đề gì?

Câu 3 (0,75 điểm): Nêu tác dụng của phép đối được sử dụng trong ba câu đầu đoạn trích?

Câu 4 (1,25 điểm): Từ đoạn trích trên, anh/chị rút ra bài học gì cho bản thân?

II. PHẦN LÀM VĂN (7,0 điểm)

Câu 1 (2,0 điểm): Trong bức thư gửi thầy giáo của con, Tổng thống Mĩ A. Lin - côn đã viết: Xin thầy hãy giúp cháu có đủ sức mạnh để không chạy theo đám đông khi tất cả mọi người đều chạy theo như thế.

Anh/ chị hiểu nguyện vọng của vị Tổng thống này như thế nào? Hãy viết một đoạn văn ngắn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của mình về điều đó?

Câu 2 (5,0 điểm):

Nhà nghiên cứu Trần Đình Sử cho rằng: "Mị là nhân vật thành công bậc nhất trong văn xuôi đương đại Việt Nam. Nhà văn đã khắc họa được quá trình tâm lí biến hóa, ngẫu nhiên, bất ngờ mà vẫn nằm trong vòng tình lí của sự sống." (Phân tích và bình giảng tác phẩm văn học lớp 12, NXB Giáo dục 1997).

Anh/chị hãy phân tích diễn biến tâm lí của Mị trong đêm tình mùa xuân ở tác phẩm Vợ chồng A Phủ (Tô Hoài) để làm sáng tỏ ý kiến trên.

---HẾT---
Thí sinh không được sử dụng tài liệu. Cán bộ coi thi không giải thích gì thêm.
Họ và tên thí sinh:..............;Số báo danh: ..........

Đáp án đề thi thử THPT Quốc gia năm 2017 môn Ngữ văn

I. ĐỌC HIỂU 

Câu 1. Phương thức biểu đạt chính: Nghị luận 

Câu 2. Đoạn văn trên bàn về: Lối sống hưởng thụ của giới trẻ trong khi cha mẹ còn rất vất vả trong cuộc sống mưu sinh. Hãy biết yêu quý bố mẹ... 

Câu 3. Tác dụng:

  • Nhấn mạnh lối sống hưởng thụ và sự thờ ơ của giới trẻ hiện nay.
  • Nhấn mạnh sự vất vả và lối sống giản dị của cha mẹ 

Câu 4. Học sinh có thể trình bày theo những suy nghĩ khác nhau nhưng cần tập trung một số nội dung sau: Sống chan hòa yêu thương, tiết kiệm, giản dị, không ngần ngại nói những lời yêu thương với cha mẹ, học hành ngày một tiến bộ để đền đáp công lao cha mẹ... 

II. LÀM VĂN

Câu 1 

a. Đảm bảo cấu trúc của đoạn nghị luận xã hội 

Có đủ các phần mở đoạn, thân đoạn, kết đoạn. Mở đoạn nêu hết được vấn đề, thân đoạn triển khai được vấn đề, kết đoạn kết luận được vấn đề.

b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận 

Cần có đủ sức mạnh và nghị lực để vượt qua những cám dỗ của cuộc sống

c. Nội dung:

  • Giải thích:
    • Sức mạnh: khả năng tác động hoặc chịu/không chịu tác động một cách mạnh mẽ, tạo hiệu quả ở mức độ cao.
    • Chạy theo đám đông: làm theo người khác một cách thiếu suy nghĩ, dễ dãi, làm theo mà không biết chuyện gì đang xảy ra.

-> Ý của vị phụ huynh: mong muốn con mình có đủ khả năng, bản lĩnh, có chính kiến để không bị ảnh hưởng bởi những tác động xấu của đời sống.

  • Bình luận:
    • Đó là một nguyện vọng đúng đắn, chính đáng và hết sức tha thiết của người cha yêu thương con, có trách nhiệm, có hiểu biết sâu sắc:
    • Những người chạy theo đám đông là những người thiếu bản lĩnh, thiếu niềm tin vào bản thân, dễ bị lôi kéo, kích động. Hành vi chạy theo đám đông là hành vi đáng phê phán...
    • Khi có sức mạnh (được tạo nên bởi ý thức về giá trị, về năng lực...của bản thân), con người tin vào khả năng của bản thân, có bản lĩnh để không chạy theo người khác một cách mù quáng.
    • Người thầy có vai trò vô cùng quan trọng trong việc giúp học trò có được sức mạnh trên, được phụ huynh đề cao: xin thầy hãy giúp cháu.
  • Liên hệ:
    • Thực tế hiện nay: xu thế chạy theo đám đông trong cuộc sống là khá phổ biến, nhất là trong giới trẻ.
    • Hãy luôn có bản lĩnh, lập trường kiên định để vượt qua những cám dỗ của cuộc sống, xã hội. Đặc biệt về tình hình nước ta hiện nay.

Câu 2 

a. Đảm bảo cấu trúc của bài nghị luận

Có đủ các phần mở bài, thân bài, kết bài. Mở bài nêu được vấn đề, thân bài triển khai được vấn đề, kết bài kết luận được vấn đề. 

b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận

Diễn biến tâm lí của Mị trong đêm tình mùa xuân ở tác phẩm Vợ chồng A Phủ. 

c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm; vận dụng tốt các thao tác lập luận; kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng.

* Giới thiệu tác giả, tác phẩm

  • Nhà văn Tô Hoài có vị trí hết sức quan trọng trong nền văn học Việt Nam hiện đại, có nhiều trang viết hấp dẫn về thiên nhiên, phong tục tập quán ở mọi miền đất nước. Ông đặc biệt thành công với mảng văn xuôi đề tài miền núi Tây Bắc.
  • Truyện ngắn Vợ chồng A Phủ in trong Truyện Tây Bắc là kết quả của chuyến đi cùng bộ đội giải phóng Tây Bắc. Truyện phản ánh tinh thần đấu tranh chống áp bức của người dân Tây Bắc và thể hiện ngòi bút miêu tả tâm lí nhân vật tinh tế, sắc sảo của nhà văn.
  • Nhân vật Mị bị áp bức, bóc lột nặng nề nhưng trong tâm hồn vẫn tiềm tàng sức sống mãnh liệt, khi có cơ hội lại bùng lên mạnh mẽ. Trong đó, ông đã khắc họa rõ nét diễn biến tâm lí bất ngờ mà cũng rất hợp lí của Mị trong đêm tình mùa xuân.

* Giải thích ý kiến

  • Khắc họa: miêu tả cho nổi bật lên đối tượng
  • Quá trình tâm lí biến hóa, ngẫu nhiên, bất ngờ: diễn biến tâm lí có sự thay đổi nhanh chóng, bất ngờ
  • Nằm trong vòng tình lí của sự sống: Phù hợp với quy luật phát triển tính cách con người trong cuộc sống.

=> Ý kiến đánh giá cao tài năng miêu tả tâm lí nhân vật của Tô Hoài. Đó là cách miêu tả chân thực, sinh động và làm nổi bật diễn biến tâm lí phức tạp nhưng hợp lí.

* Phân tích, chứng minh, bình luận ý kiến

  • Hoàn cảnh làm hồi sinh sức sống của Mị
    • Vẻ đẹp của núi rừng Tây Bắc vào xuân
    • Tiếng sáo gọi bạn yêu- âm thanh biểu tượng cho khát vọng tình yêu
    • Men rượu ngày xuân mà Mị đã lén uống
  • Diến biến tâm trạng của Mị
    • Nghe thấy ngoài đầu núi lấp ló tiếng ai thổi sáo rủ bạn đi chơi, cô đã mở lòng ra đón nhận vẻ đẹp của mùa xuân, nhẩm thầm theo lời bài hát của người đang thổi sáo
    • Mị đã lén lấy hũ rượu, uống ừng ực từng bát như muốn nuốt đi những tủi hờn cay đắng, như nén lại những uất ức giận hờn.
    • Mị đã quên đi hiện tại, Mị phơi phới sống lại quá khứ tươi đẹp với bao thổn thức.
    • Mị tuyệt vọng và nghĩ đến nắm lá ngón, nếu có sẵn sẽ ăn cho chết ngay. Mị trở lại ý nghĩ của những ngày đầu mới bị bắt về làm vợ A Sử. Muốn chết, tức là lòng ham sống, tình yêu đời đã trở lại.
    • Mị bắt đầu có sự thay đổi: lòng phơi phới trở lại, đột nhiên vui sướng. Mị thấy mình còn trẻ, còn tuổi xuân, còn khao khát tình yêu, hạnh phúc.
    • Đỉnh điểm của sức sống mãnh liệt thể hiện sự thay đổi thật bất ngờ, quyết liệt: muốn đi chơi và chuẩn bị đi chơi. Mị xắn thêm mỡ bỏ vào đĩa đèn cho sáng. Mị chủ động thắp sáng cho căn buồng tăm tối của mình, khơi lên khát vọng tự do, hạnh phúc. Mị với chiếc váy hoa...
    • Bị A Sử trói vào cột mà Mị dường như không biết. Tâm hồn Mị vẫn bay bổng theo tiếng sáo và những lời ca tình tứ. Mị vùng bước theo tiếng sáo, lại trở về hiện tại vì dây trói đau nhức. Mị không còn nghe thấy tiếng sáo nữa mà chỉ nghe tiếng chân ngựa đạp vào vách. Mị thổn thức nghĩ mình không bằng con ngựa.
    • Mị tỉnh dậy và nhớ lại câu chuyện người đàn bà bị chồng trói đến chết trong căn nhà này liền cựa quậy xem mình còn sống hay đã chết. Mị sợ chết là biểu hiện của lòng ham sống. Sức sống trong Mị đã không lụi tàn.

* Đánh giá

  • Nhà văn thể hiện sự am hiểu sâu sắc tâm lí con người, phát hiện và miêu tả chân thực
  • Thể hiện giá trị nhân đạo của ngòi bút Tô Hoài: đồng cảm với thân phận khổ đau, niềm tin mãnh liệt vào sức sống tiềm tàng của con người.
  • Góp phần tạo chất thơ của Vợ chồng A Phủ 
0