Đề thi thử Quốc gia môn Ngữ Văn lần 1 năm 2015 trường THPT Quỳnh Lưu 4, Nghệ An
Đề thi thử Quốc gia môn Ngữ Văn lần 1 năm 2015 trường THPT Quỳnh Lưu 4, Nghệ An Đề thi thử đại học môn Văn có đáp án có đáp án kèm theo là tài liệu tham khảo hữu ích, giúp các bạn học sinh lớp 12 tự ôn ...
Đề thi thử Quốc gia môn Ngữ Văn lần 1 năm 2015 trường THPT Quỳnh Lưu 4, Nghệ An
có đáp án kèm theo là tài liệu tham khảo hữu ích, giúp các bạn học sinh lớp 12 tự ôn thi tốt nghiệp môn văn, ôn thi đại học khối C. Mời các bạn tải về để tham khảo.
Đề thi thử THPT Quốc gia môn Văn
SỞ GD & ĐT NGHỆ AN ĐỀ CHÍNH THỨC |
ĐỀ THI THỬ THPT QUỐC GIA LẦN I Năm học 2014-2015 Môn: Ngữ Văn (Thời gian làm bài 180 phút không kể thời gian giao đề) |
Phần I. ĐỌC HIỂU (2.0 điểm)
- Tnú không cứu được vợ được con. Tối đó Mai chết. Còn đứa con thì đã chết rồi. Thằng lính to béo đánh một cây sắt vào ngang bụng nó, lúc mẹ nó ngã xuống, không kịp che cho nó. Nhớ không Tnú, mày cũng không cứu sống được vợ mày. Còn mày thì chúng nó bắt mày, trong tay mày chỉ có hai bàn tay trắng, chúng nó trói mày lại. Còn tau thì lúc đó đứng đằng sau gốc cây vả. Tau thấy chúng nó trói mày bằng dây rừng. Tau không nhảy ra cứu mày. Tau cũng chỉ có hai bàn tay không. Tau không ra, tau quay đi vào rừng, tau đi tìm bọn thanh niên. Bọn thanh niên thì cũng đã đi vào rừng, chúng nó đi tìm giáo mác. Nghe rõ chưa, các con, rõ chưa. Nhớ lấy, ghi lấy. Sau này tau chết rồi, bay còn sống phải nói cho con cháu: Chúng nó đã cầm súng, mình phải cầm giáo!…
Câu 1: Đoạn văn trên là lời ai? Nói với ai? Trong hoàn cảnh nào?
Câu 2: Người kể chuyện nhắc đi nhắc lại những chi tiết: Tnú không cứu được vợ được con, chỉ có hai bàn tay trắng nhằm mục đích gì?
Câu 3: Từ câu chuyện cuộc đời Tnú và đoạn đời đau thương của làng Xô Man, người kể chuyện rút ra chân lí lịch sử nào? Viết một đoạn văn (từ 5-7 câu) nêu suy nghĩ của anh/ chị về chân lí đó.
Phần II. Làm văn (8 điểm)
Câu 4: (3 điểm) Viết một bài văn nghị luận nêu suy nghĩ của anh/chị về ý kiến sau:
Nghịch cảnh không chỉ là một phép thử của tình cảm mà còn là thước đo của trí tuệ và bản lĩnh.
Câu 5: (5 điểm)
Cảm nhận của anh chị về đoạn thơ:
Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc
Quân xanh màu lá dữ oai hùm
Mắt trừng gửi mộng qua biên giới
Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm
Rải rác biên cương mồ viễn xứ
Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh
Áo bào thay chiếu anh về đất
Sông Mã gầm lên khúc độc hành
(Tây Tiến – Quang Dũng, Ngữ Văn 12, tập 1, NXBGDVN, 2012, Tr.89)
Từ đó, anh/chị suy nghĩ gì về lý tưởng sống của thanh niên hiện nay.
Đáp án đề thi thử THPT Quốc gia môn Văn
Phần 1 (2 điểm)
Câu 1 (0,5 điểm)
Đoạn văn trên là lời của cụ Mết nói với dân làng Xô Man trong hoàn cảnh: Tnú sau ba năm đi lực lượng được cấp trên cho về thăm làng một đêm. Đêm đó, tại nhà cụ Mết, cụ đã kể lại câu chuyện cuộc đời Tnú và đoạn đời đau thương của làng Xô Man cho cả làng nghe.
Câu 2 (0,5 điểm)
Người kể chuyện nhắc đi nhắc lại những chi tiết: Tnú không cứu được vợ được con, chỉ có hai bàn tay trắng nhằm mục đích: khắc sâu bị kịch, nỗi đau của Tnú và cũng như của làng Xô Man, nhấn mạnh việc muốn đấu tranh, bảo vệ những người yêu thương thì phải có vũ khí.
Câu 3 (1 điểm)
- Chân lí lịch sử: Chúng nó đã cầm súng, mình phải cầm giáo! (0,5 điểm)
- Một đoạn văn cần nêu được: đây là một chân lí lịch sử được rút ra từ máu xương của những người thân yêu nhất. Đây cũng là quy luật tất yếu, một bài học đúng với cách mạng Việt Nam không chỉ ở thời chống Mĩ. (0,5 điểm)
Phần 2 (8 điểm)
Câu 4 (3 điểm)
I. Yêu cầu về kĩ năng:
- Biết kết hợp các thao tác nghị luận để làm bài văn nghị luận xã hội.
- Bố cục rõ ràng, lập luận chặt chẽ, diễn đạt sáng rõ, lưu loát.
II. Yêu cầu về nội dung:
Giới thiệu và giải thích vấn đề: (0,5 điểm)
- Nghịch cảnh là hoàn cảnh trớ trêu, nghịch lí, éo le mà con người không mong muốn trong cuộc sống. Ví dụ: ốm đau, tai nan, chiến tranh, xung đột,…
- Nghịch cảnh không chỉ là một phép thử của tình cảm mà còn là thước đo của trí tuệ và bản lĩnh: nghĩa là qua nghịch cảnh, con người không chỉ hiểu thêm về tâm hồn, tình cảm của mình và của người mà quan trọng hơn, thấy được trí tuệ và bản lĩnh trong cuộc sống...
=> Khẳng định ý nghĩa của nghịch cảnh trong quá trình nhận thức và tự nhận thức của con người.
Phân tích, bình luận ý kiến: (1,5 điểm)
- Nghịch cảnh là một phần tất yếu của cuộc sống.
- Qua nghịch cảnh, ta hiểu thêm về trái tim mình và trái tim người, thất được tình cảm của tập thể và cả dân tộc.
- Đối diện và vượt qua nghịch cảnh, mỗi người và cả dân tộc sẽ chứng tỏ được tầm vóc của trí tuệ và bản lĩnh của mình.
- Phê phán quan niệm và hành động sai lầm: chạy trốn hay đầu hàng nghịch cảnh, thiếu tỉnh táo, sáng suốt khi gặp hoàn cảnh éo le, ngang trái, dễ thất bại trong công việc, thậm chí bị kẻ thù lợi dụng.
Bài học nhận thức và hành động: (1,0 điểm)
- Tự làm giàu cho tâm hồn và trí tuệ để có đủ sức mạnh vượt qua nghịch cảnh.
- Sống yêu thương, đoàn kết, tỉnh táo để cùng nhau chiến thắng nghịch cảnh với cả cộng đồng.
Câu 5 (5 điểm)
1. Về kỹ năng:
- Biết vận dụng hợp lý các thao tác lập luận phân tích, so sánh, bình luận để viết bài nghị luận văn học về một đoạn thơ
- Bài viết có bố cục rõ ràng, chặt chẽ, diễn đạt lưu loát, ngôn ngữ trong sáng có cảm xúc.
2. Về kiến thức:
Bài viết cần đáp ứng một số yêu cầu sau:
a. Giới thiệu về tác giả, tác phâm, đoạn trích. (0,5 điểm)
b. Cảm nhận về đoạn thơ:
* Nội dung: (1,5 điểm)
- Đây là đoạn thơ thứ 3 trong bài thơ Tây Tiến, khắc họa chân thật, sâu sắc về hình tượng người lính Tây Tiến bằng bút pháp hiện thực và lãng mạn.
- Chân dung người lính được khắc họa qua những nét vẽ về ngoại hình (toát lên vẻ oai phong, dữ dằn) và vẻ đẹp tâm hồn (lãng mạn, mơ mộng, khát khao yêu) qua cái nhìn lãng mạn của QD
- Những người lính với ý chí, khát vọng cống hiến ,… đã lên đường và họ đã phải đối diện với những khó khăn, hi sinh mất mát nhưng vẫn luôn kiên cường, bền gan vững chí
- Hình ảnh về sự hi sinh lặp lại ở khổ 1, nhưng được nâng lên tầm khái quát mang tầm vóc sử thi, thần thoại
* Nghệ thuật: (1,5 điểm)
Bút pháp hiện thực kết hợp lãng mạn, hình ảnh mới lạ, sử dụng từ Hán Việt,…
c. Đánh giá: (0,5 điểm)
- Đoạn thơ làm toát lên vẻ đẹp hào hùng và hào hoa, đậm chất bi trángcủa người lính TT
- Đoạn thơ nói riêng và bài thơ nói chung đã tạo nên một cái nhìn trọn vẹn về hình tượng người lính trong kháng chiến chống Pháp.
- Bài thơ thể hiện rõ phong cách thơ Quang Dũng và khẳng định sự đóng góp của nhà thơ trong phong trào thơ ca cách mạng.
d. Liên hệ: Lý tưởng sống của thanh niên hiện nay: (1,0 điểm)
- Có nhiều điểm khác so với thế hệ cha anh.
- Hiện nay, nhiệm vụ chính của thanh niên là học tập, lao động để xây dựng và bảo vệ Tổ Quốc.
- Tuy nhiên, bên cạnh đó nhiều thanh niên phai nhạt lý tưởng, sống không xác định được mục tiêu, phương hướng, không có trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội,…