14/01/2018, 23:02

Đề thi học sinh giỏi môn Ngữ văn lớp 7 Phòng GD&ĐT Thành phố Bắc Giang năm học 2016 - 2017

Đề thi học sinh giỏi môn Ngữ văn lớp 7 Phòng GD&ĐT Thành phố Bắc Giang năm học 2016 - 2017 Đề thi HSG cấp thành phố môn Văn lớp 7 có đáp án Đề thi học sinh giỏi lớp 7 môn Văn giúp các bạn học ...

Đề thi học sinh giỏi môn Ngữ văn lớp 7 Phòng GD&ĐT Thành phố Bắc Giang năm học 2016 - 2017

Đề thi học sinh giỏi lớp 7 môn Văn

 giúp các bạn học sinh củng cố lại kiến thức, rèn luyện kỹ năng giải đề chuẩn bị cho kì thi chọn học sinh giỏi lớp 7 môn Văn. Chúc các bạn ôn thi hiệu quả và đạt được thành tích cao. Mời các bạn cùng tham khảo.

Đề thi học sinh giỏi môn Ngữ văn lớp 7 năm học 2014 - 2015 huyện Tam Đảo, Vĩnh Phúc

Đề thi học sinh giỏi môn Ngữ Văn lớp 7 Phòng GD&ĐT Thanh Oai, Hà Nội năm học 2016 - 2017

PHÒNG GD & ĐT

TP BẮC GIANG

 

ĐỀ THI HỌC SINH GIỎI CẤP THÀNH PHỐ

Năm học: 2016-2017

Môn: Ngữ văn lớp 7

Thời gian làm bài: 150 phút

Câu 1: (4,0 điểm)

Đọc đoạn thơ sau và trả lời câu hỏi:

Cháu chiến đấu hôm nay
Vì lòng yêu Tổ quốc
Vì xóm làng thân thuộc
Bà ơi cũng vì bà
Vì tiếng gà cục tác
Ổ trứng hồng tuổi thơ.

(Tiếng gà trưa, Xuân Quỳnh, Ngữ văn 7, tập 1)

a. Chỉ ra và nêu đặc điểm của các biện pháp tu từ được sử dụng trong đoạn thơ.

b. Viết đoạn văn trình bày cảm nhận của em về hiệu quả nghệ thuật của các phép tu từ đó trong việc thể hiện nội dung.

Câu 2: (6,0 điểm)

Viết bài văn ngắn trình bày suy nghĩ của em về câu nói sau:

Đời phải trải qua giông tố nhưng không được cúi đầu trước giông tố.

(Trích Nhật kí Đặng Thuỳ Trâm)

Câu 3: (10,0 điểm)

Sự gặp gỡ và khám phá riêng về tình yêu quê hương qua hai bài thơ Tĩnh dạ tứ của Lý Bạch và Hồi hương ngẫu thư của Hạ Tri Chương.

......................Hết......................

Đáp án đề thi học sinh giỏi lớp 7 môn Văn

Câu 1: (4 điểm)

a. Chỉ ra và nêu đặc điểm của các biện pháp tu từ được tác giả sử dụng trong đoạn thơ: (1,0 điểm)

  • Điệp ngữ: vì. Đặc điểm: điệp ngữ cách quãng.
  • Liệt kê: Vì lòng yêu Tổ quốc/ Vì xóm làng thân thuộc/ Bà ơi cũng vì bà/ Vì tiếng gà cục tác/ Ổ trứng hồng tuổi thơ. Đặc điểm: trình bày từ khái quát đến cụ thể.

b. Viết đoạn văn cảm nhận: (3,0 điểm)

Những ý chính cần thể hiện:

  • Xác định được vị trí, nội dung chính của đoạn thơ: Sau những kỉ niệm về bà hiện lên trong hồi tưởng, người chiến sĩ trở về với hiện tại và bộc lộ cảm xúc, suy nghĩ về mục đích chiến đấu.
  • Điệp ngữ cách quãng "nghe" lặp lại bốn lần ở bốn dòng thơ liên tiếp gây chú ý cho người đọc, nhấn mạnh nguyên nhân chiến đấu của người chiến sĩ.
  • Phép liệt kê theo trình tự từ khái quát đến cụ thể đã giúp tác giả đưa ra một loạt hình ảnh gợi cảm và có hệ thống: Tổ quốc, xóm làng, bà, tiếng gà, ổ trứng. Nhờ phép liệt kê, tình cảm của tác giả vừa được thể hiện ở diện rộng vừa có chiều sâu.
  • Điệp ngữ vì kết hợp phép liệt kê trên đây một cách nhuần nhuyễn không chỉ nhấn mạnh được mục đích chiến đấu mà còn lí giải một cách cảm động ngọn nguồn của lòng yêu nước, làm sáng lên một chân lí phổ biến. Liên hệ...
  • Đoạn thơ ngắn, diễn đạt tự nhiên với việc kết hợp hai phép tu từ đã hoàn thiện mạch cảm xúc của bài thơ, làm sâu sắc thêm tình yêu quê hương đất nước của nhân vật trữ tình.

Câu 2: (6 điểm)

1. Yêu cầu về kĩ năng:

Dựa vào hai đoạn trích thơ đã cho, học sinh bằng lời văn của mình diễn đạt thành bài văn hoàn chỉnh, đúng yêu cầu đề. Bài văn chặt chẽ, diễn đạt trôi chảy, không mắc lỗi chính tả, dùng từ và ngữ pháp.

2. Yêu cầu về kiến thức

a. Giải thích khái niệm của đề bài

  • Giông tố ở đây dùng để chỉ cảnh gian nan đầy thử thách hoặc việc xảy ra dữ dội.
  • Câu nói khẳng định: cuộc đời có thể trải qua nhiều gian nan nhưng chớ cúi đầu trước khó khăn, chớ đầu hàng thử thách, gian nan. (Đây là vấn đề nghị luận)

b. Giải thích, chứng minh vấn đề

Có thể triển khai các ý:

  • Cuộc sống nhiều gian nan, thử thách nhưng con người không khuất phục.
  • Gian nan, thử thách chính là môi trường tôi luyện con người

c. Khẳng đinh, bàn bạc mở rộng vấn đề

  • Câu nói trên là tiếng nói của một lớp trẻ sinh ra và lớn lên trong thời đại đầy bão táp, sống thật đẹp và hào hùng.
  • Câu nói thể hiện một quan niệm nhân sinh tích cực: Sống không sợ gian nan, thử thách, phải có nghị lực và bản lĩnh.
  • Câu nói gợi cho bản thân nhiều suy nghĩ: Trong học tập, cuộc sống bản thân phải luôn có ý thức phấn đấu vươn lên. Bởi cuộc đời không phải con đường bằng phẳng mà đầy chông gai, mỗi lần vấp ngã không được chán nản bi quan mà phải biết đứng dậy vươn lên. Để có được điều này thì cần phải làm gì?

Câu 3: (10 điểm)

I. Mở bài: (0,5 điểm)

Dẫn dắt, giới thiệu vấn đề cần nghị luận

II. Thân bài:

1. Sự gặp gỡ về tình yêu quê hương của hai bài thơ: (7 điểm)

a. Tình yêu quê hương qua bài "Tĩnh dạ tứ": (3,5 điểm)

  • Hai câu thơ đầu đã gợi ra cảnh một đêm trăng sáng mang vẻ đẹp dịu êm, mơ màng, yên tĩnh. Hơn nữa, hai câu còn gợi tâm trạng của nhà thơ, đó là tâm trạng khắc khoải, dáng hình trăn trở, thao thức của kẻ li hương.
  • Hai câu cuối trực tiếp bộc lộ nỗi nhớ quê của tác giả: d/c
  • Hai câu thơ chỉ có ba chữ tả tình trực tiếp "tư cố hương", còn lại tả hành động của chủ thể trữ tình: cử đầu, vọng minh nguyệt, đê đầu. Mỗi hành động đều thấm đẫm tâm trạng
  • Sáng tạo của nhà thơ là đã đưa thêm hai cụm từ trái nghĩa "ngẩng đầu" và "cúi đầu". Do đó, hành động "ngẩng đầu" là hành động có ý thức, còn "cúi đầu" là hành động tự nhiên, vô thức; "ngẩng đầu" là hướng ra ngoại cảnh để nhìn trăng, còn "cúi đầu" là hoạt động hướng nội, trĩu nặng tâm tư. Vì vũ trụ bây giờ là tấm lòng thương nhớ quê hương da diết của nhà thơ. "Ngẩng đầu - cúi đầu", chỉ trong khoảnh khắc đã động mối tình quê, đủ thấy tình cảm đó trong lòng tác giả thường trực, sâu nặng biết bao!

b. Tình yêu quê hương qua bài "Hồi hương ngẫu thư" (3,5 điểm)

  • Câu thơ đầu, qua nghệ thuật đối, tác giả đã kể vắn tắt về quãng đời xa quê đi làm quan kéo dài gần cả một đời người.
  • Khi trở về, con người có những yếu tố thay đổi phụ thuộc vào yếu tố khách quan theo qui luật nghiệt ngã của thời gian: vóc dáng, tuổi tác, mái tóc thay đổi. Tuy nhiên, có một yếu tố không thay đổi: đó là giọng nói của quê hương: "giọng quê vẫn thế". "Giọng quê" không chỉ là giọng nói mang bản sắc riêng của một vùng quê mà còn là chất quê, hồn quê được biểu hiện trong giọng nói của con người. Chi tiết "hương âm vô cải" là một biểu hiện cảm động về tấm lòng tha thiết gắn bó với quê hương.
  • Điều trớ trêu là sau bao nhiêu năm xa cách, nay trở về nơi chôn rau cắt rốn mà nhà thơ lại "bị" xem như là "khách lạ". Tình huống ấy đã tạo nên cảm xúc bi hài thấp thoáng sau lời kể cố giữ vẻ khách quan, trầm tĩnh của nhà thơ. Mang tâm trạng bùi ngùi, thoáng buồn ấy chứng tỏ tình yêu, nỗi nhớ quê tích tụ, dồn nén trong trái tim nhà thơ hơn nửa thế kỷ thật thắm thiết, bền bỉ.

2. Khám phá riêng về tình yêu quê hương của hai bài thơ: (2 điểm)

  • Hoàn cảnh sáng tác khác nhau:
    • Bài "Tĩnh dạ tứ" được sáng tác khi nhà thơ xa quê, một đêm chợt nhìn ánh trăng và khắc khoải nhớ về quê nhà.
    • Còn bài "Hồi hương ngẫu thư" được viết khi nhà thơ vừa trở về quê cũ, đứng ngay trên mảnh đất quê mình mà lũ trẻ lại gọi là khách đến làng chơi.
  • Cách thể hiện tình cảm có nét riêng:
    • Bài "Tĩnh dạ tứ", với những từ ngữ giản dị mà tinh luyện đã thể hiện một cách nhẹ nhàng mà thấm thía tình yêu quê hương của một người sống xa nhà trong đêm thanh tĩnh.
    • Còn bài "Hồi hương ngẫu thư" biểu hiện một cách chân thực mà sâu sắc, hóm hỉnh mà ngậm ngùi tình yêu quê hương đáng trân trọng của một vị quan lớn đời Đường trong khoảnh khắc vừa mới đặt chân trở về quê cũ.

III. Kết bài: (0,5 điểm)

  • Khẳng định chủ đề chung của hai bài thơ.
  • Đánh giá, cảm nghĩ, bài học...
0