14/01/2018, 18:38

Đề thi học sinh giỏi môn Ngữ văn lớp 11 tỉnh Quảng Bình năm học 2015 - 2016 (Vòng 2)

Đề thi học sinh giỏi môn Ngữ văn lớp 11 tỉnh Quảng Bình năm học 2015 - 2016 (Vòng 2) Đề thi học sinh giỏi cấp tỉnh lớp 11 môn Ngữ văn có đáp án Đề thi học sinh giỏi cấp tỉnh môn Ngữ văn lớp 11 . Đối ...

Đề thi học sinh giỏi môn Ngữ văn lớp 11 tỉnh Quảng Bình năm học 2015 - 2016 (Vòng 2)

Đề thi học sinh giỏi cấp tỉnh môn Ngữ văn lớp 11

. Đối với những bạn học sinh đang trong quá trình ôn thi học sinh giỏi đây là tài liệu hữu ích, giúp các bạn rèn luyện kỹ năng làm bài. Mời các bạn tham khảo.

Đề thi học sinh giỏi môn Ngữ văn lớp 11 tỉnh Quảng Bình năm học 2015 - 2016 (Vòng 1)

Đề thi học sinh giỏi môn Ngữ văn lớp 11 trường THPT Đô Lương 2, Nghệ An năm học 2014 - 2015

Đề thi học sinh giỏi môn Ngữ văn lớp 11 trường THPT Thái Phiên, Hải Phòng năm học 2015 - 2016

SỞ GD&ĐT QUẢNG BÌNH
ĐỀ THI CHÍNH THỨC

Họ và tên:.......................
Số báo danh:..................

KỲ THI CHỌN HSG TỈNH NĂM HỌC 2015 - 2016
Khóa ngày 23/03/2016
Môn: NGỮ VĂN
LỚP 11 THPT – VÒNG II
Thời gian làm bài: 180 phút (không kể thời gian giao đề)

Câu 1 (3,0 điểm)

Cảm nhận của em về đoạn văn sau:

Trong làng tôi không thiếu gì các loại cây, nhưng hai cây phong này khác hẳn - chúng có tiếng nói riêng và hẳn phải có một tâm hồn riêng, chan chứa những lời ca êm dịu. Dù ta tới đây vào lúc nào, ban ngày hay ban đêm, chúng cũng vẫn nghiêng ngả thân cây, lay động lá cành, không ngớt tiếng rì rào theo nhiều cung bậc khác nhau. Có khi tưởng chừng như một làn sóng thủy triều dâng lên vỗ vào bãi cát, có khi lại nghe như một tiếng thì thầm thiết tha nồng thắm truyền qua lá cành như một đốm lửa vô hình, có khi hai cây phong bỗng im bặt một thoáng rồi khắp lá cành lại cất tiếng thở dài một lượt như thương tiếc người nào. Và khi mây đen kéo đến cùng với bão giông, xô gãy cành, tỉa trụi lá, hai cây phong nghiêng ngả tấm thân dẻo dai và reo vù vù như một ngọn lửa bốc cháy rừng rực.

Về sau, khi nhiều năm đã trôi qua, tôi mới hiểu được điều bí ẩn của hai cây phong....Chẳng qua chúng đứng trên đồi cao lộng gió nên đáp lại bất kỳ chuyển động khe khẽ nào của không khí, mỗi chiếc lá nhỏ đều nhạy bén đón lấy mọi làn gió nhẹ thoảng qua.

Nhưng việc khám phá ra chân lí giản đơn ấy vẫn không làm tôi vỡ mộng xưa, không làm tôi bỏ mất cách cảm thụ của tuổi thơ mà tôi còn giữ đến tận ngày nay. Và cho đến tận ngày nay tôi vẫn thấy hai cây phong trên đồi có một vẻ sinh động khác thường. Tuổi trẻ của tôi đã để lại nơi ấy, bên cạnh chúng như một mảnh vỡ của chiếc gương thần xanh...

(Ai-ma-tốp, Người thầy đầu tiên)

Câu 2 (7,0 điểm)

Nhà thơ Trung Quốc đời Tống, Lục Du đã viết: Công phu của thơ là ở ngoài thơ (công phu tại thi ngoại).

Suy nghĩ của anh (chị) về lao động thơ ca từ ý kiến trên.

ĐÁP ÁN ĐỀ THI HSG CẤP TỈNH MÔN NGỮ VĂN LỚP 11

A. HƯỚNG DẪN CHUNG

  • Giám khảo căn cứ vào nội dung triển khai và mức độ đáp ứng các yêu cầu về kĩ năng để cho từng ý điểm tối đa hoặc thấp hơn.
  • Có thể cho điểm toàn bài như sau: 0; 0,25; 0,5; 0,75; ... đến tối đa là 10.

B. HƯỚNG DẪN CỤ THỂ

Câu 1 (3,0 điểm)

I. Yêu cầu về kĩ năng

  • Biết cách cảm nhận vẻ đẹp một đoạn văn.
  • Hệ thống ý (luận điểm) rõ ràng và được triển khai tốt.
  • Diễn đạt suôn sẻ; mắc ít lỗi chính tả, dùng từ và ngữ pháp.

II. Yêu cầu về nội dung

(Học sinh có thể có những suy nghĩ và cách trình bày khác nhau, nhưng về cơ bản cần hướng đến những nội dung chủ yếu sau):

1. Về nội dung: Đoạn trích kể lại dòng cảm xúc của nhân vật tôi khi nghĩ về hai cây phong trong làng: 0,5

  • Hai cây phong mang một vẻ đẹp riêng đầy sức sống, với "nhiều cung bậc cảm xúc" (những biểu hiện khác nhau) trước mọi vang động của thiên nhiên đất trời. 0,5
  • Hai cây phong là nhân vật lưu giữ, chứng kiến một quãng đời thơ ấu đẹp đẽ của nhân vật tôi ở ngôi làng mình. 0,5

2. Về nghệ thuật: Đoạn trích là sự kết hợp của nhiều hình thức nghệ thuật đặc sắc:

  • Tác giả đã kết hợp sử dụng rất thành công các yếu tố miêu tả để gợi lên vẻ đẹp sống động của hai cây phong; hai cây phong được miêu tả như những nhân vật của câu chuyện, tham gia, chứng kiến những kỷ niệm của con người. 1,0
  • Ngoài ra phép nhân hóa, so sánh độc đáo, lối liên tưởng phong phú, đặc biệt là bút pháp tạo hình đậm chất hội họa cũng được nhà văn sử dụng một cách tài hoa. 0,5

Câu 2 (7,0 điểm)

I. Yêu cầu về kĩ năng

  • Biết cách làm bài nghị luận văn học; bố cục và cách trình bày hợp lí.
  • Hệ thống ý (luận điểm) rõ ràng và được triển khai tốt; dẫn chứng phù hợp.
  • Diễn đạt suôn sẻ; mắc ít lỗi chính tả, dùng từ và ngữ pháp.

II. Yêu cầu về nội dung

(Học sinh có thể sắp xếp, trình bày theo nhiều cách nhưng cần hướng tới nội dung cơ bản sau):

1. Giải thích. 1,0

  • Ở ngoài thơ: Vai trò vốn sống khả năng hiểu biết cuộc đời, sự từng trải là nhân sinh của người cầm bút
  • Lục Du muốn khẳng định sức mạnh của thơ nằm ở đời sống chứ không phải ở ngôn từ. 

2. Khẳng định vấn đề

  • Nói đến thơ là nói đến cảm hứng sáng tạo mạnh mẽ, cảm hứng ấy chỉ xuất hiện trong việc tiếp xúc với hiện thực đời sống, cho nên cảm hứng thơ ca không tự nhiên mà có, nó đến trong sự va đập của nhà thơ với cuộc đời. {Nguyễn Du để có cảm hứng đau đớn lòng phải bắt đầu từ "những "điều trông thấy"...}. 1,5
  • Nói đến thơ là nói đến cái đẹp, đó là cái đẹp bất ngờ, đa dạng, tiềm ẩn trong hiện thực đời sống và chỉ khi đi vào hiện thực người cầm bút mới có cơ duyên bắt gặp được những cái đẹp ấy. {Những hình ảnh thi vị trong thơ không phải lúc nào cũng là sự hư cấu mà nó bắt nguồn từ hiện thực cuộc đời: Đầu súng trăng treo là hình ảnh đẹp bắt nguồn từ hiện thực chiến đấu...}. 1,0
  • Chính hiện thực là chất liệu nhào nặn lên bản lĩnh của nhà thơ. Cuộc sống với sự tương tác của nó đem lại cho anh ta cái nhìn riêng, và đó là yếu tố quyết định tài năng của người nghệ sĩ. {Chính cuộc đời đã tạo nên cái nhìn nghệ thuật của Nguyễn Du (sống trong thời đại nhiều biến cố, đã đưa đến cảm thức về thân phận bé bỏng của con người)...}. 1,0

3. Mở rộng, nâng cao

  • Nếu chỉ có thi ngoại (chỉ có hiểu biết cuộc sống) thơ sẽ không còn thuyết phục (làm người quý thẳng, làm thơ quý cong). Vì thế bên cạnh sự hiểu biết cuộc sống, thơ còn phải là thế giới nghệ thuật của ngôn từ (cách tổ chức lời thơ, nhịp thơ...). 1,0
  • Tác phẩm nghệ thuật đích thực phải là sự kết hợp hài hòa của hai yếu tố "thi ngoại" và "chuốt lời" mới tạo nên sự xuất thần. 0,75
  • Chính sự cao quý của thơ nên người nghệ sĩ phải sống, phải không ngừng trải nghiệm, phải vật lộn với ngôn từ mới có thể đạt đến đỉnh cao của nghệ thuật. 0,75

* Lưu ý chung:

1. Trong thực tế chấm bài các yêu cầu về kỹ năng (bố cục, kết cấu bài làm; cách hình thành, triển khai ý; khả năng diễn đạt...) phải luôn luôn được đề cao.

2. Bài viết không có sự kết hợp hài hòa giữa lí luận và dẫn chứng (có lí luận không có dẫn chứng hoặc có dẫn chứng không có lí luận) giám khảo cho tối đa không quá 3.0 điểm.

0