14/01/2018, 15:54

Đề thi học kì 2 môn Ngữ văn lớp 9 phòng GD&ĐT Đại Thành, Bắc Giang năm 2015 - 2016

Đề thi học kì 2 môn Ngữ văn lớp 9 phòng GD&ĐT Đại Thành, Bắc Giang năm 2015 - 2016 Đề kiểm tra học kì II môn Ngữ văn lớp 9 có đáp án Đề thi học kì 2 môn Ngữ văn lớp 9 Đề kiểm tra học kì 2 môn Ngữ ...

Đề thi học kì 2 môn Ngữ văn lớp 9 phòng GD&ĐT Đại Thành, Bắc Giang năm 2015 - 2016

Đề thi học kì 2 môn Ngữ văn lớp 9

Đề kiểm tra học kì 2 môn Ngữ Văn lớp 9 phòng GD&ĐT Đại Thành, Bắc Giang năm 2015 - 2016 có đáp án kèm theo được VnDoc sưu tầm và giới thiệu tới các bạn học sinh lớp 9 nhằm học tốt môn văn, ôn tập lại kiến thức và tự luyện tập nhằm đạt điểm cao trong các bài thi giữa kì, thi cuối kì, ôn thi vào lớp 10 môn văn. Mời các bạn tham khảo.

Đề thi giữa học kì 2 môn Toán lớp 9 phòng GD&ĐT Bình Giang năm 2014 - 2015

Đề thi giữa học kì 2 môn Vật lý lớp 9 trường THCS Nguyễn Trãi, Quảng Nam năm 2014 - 2015

UBND HUYỆN ĐẠI THÀNH
PHÒNG GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
KIỂM TRA HỌC KỲ II
NĂM HỌC 2015-2016
MÔN: Ngữ văn 9
Thời gian làm bài: 90 phút
(Đề gồm 03 câu, 01 trang)

Câu 1 (2,0 điểm): Cho đoạn thơ sau:

"... Ta làm con chim hót
Ta làm một cành hoa
Ta nhập vào hòa ca
Một nốt trầm xao xuyến.

Một mùa xuân nho nhỏ
Lặng lẽ dâng cho đời
Dù là tuổi hai mươi
Dù là khi tóc bạc..."

(Theo SGK Ngữ văn 9, tập 2)

a. Đoạn thơ trên được trích trong tác phẩm nào? Của ai?

b. Trình bày ngắn gọn cảm nhận của em về những nguyện ước chân thành của tác giả trong đoạn thơ trên.

Câu 2 (3,0 điểm): Viết một bài văn ngắn trình bày suy nghĩ của em về ý kiến sau: "Ý chí là con đường về đích sớm nhất".

Câu 3 (5,0 điểm): Phân tích nhân vật anh thanh niên trong truyện ngắn "Lặng lẽ Sa Pa" của Nguyễn Thành Long (SGK Ngữ văn 9, tập 1) để thấy được vẻ đẹp trong cách sống, tâm hồn và những suy nghĩ của nhân vật.

Đáp án đề thi học kì 2 môn Ngữ văn lớp 9

Câu 1:

a) Đoạn thơ trích trong tác phẩm "Mùa xuân nho nhỏ" (0,25đ)

Tác giả: Thanh Hải (0,25đ)

b) Đoạn thơ đã diễn tả được nguyện ước chân thành, giản dị nhưng vô cùng cao đẹp của nhà thơ. (1,5đ)

  • Đó là ước nguyện hòa nhập vào cuộc sống của đất nước, được cống hiến cho cuộc đời chung.
  • Ước nguyện đó được Thanh Hải diễn tả bằng những hình ảnh đẹp, sáng tạo.
  • Ước nguyện của nhà thơ cho ta hiểu mỗi người phải biết sống, cống hiến cho cuộc đời chung những gì tinh túy nhất dù là nhỏ bé, từ đó khơi gợi những khát vọng, lý tưởng sống tốt đẹp.

Câu 2: Mức tối đa

* Về phương diện nội dung (2,75 điểm)

  • Kiểu bài: Nghị luận xã hội, vấn đề được bàn luận ở đây là sự cần thiết của ý chí, nghị lực trên con đường thành công của mỗi người.
  • Học sinh có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau song cần tập trung vào những nội dung sau:

a) Mở bài (0,25 điểm)

Giới thiệu được vấn đề nghị luận, trích dẫn ý kiến.

b) Thân bài (2,25 điểm)

* Giải thích: (1,0 điểm)

  • Ý chí: ý thức, tinh thần tự giác, quyết tâm dồn sức lực, trí tuệ đạt bằng được mục đích.
  • Đích: chỗ, điểm cần đạt đến, hướng tới.
  • Ý chí là con đường về đích sớm nhất: Ý chí có vai trò quan trọng trong mọi hoạt động của cuộc đời con người. Khi con người tự giác, quyết tâm dồn sức lực, trí tuệ để đạt những mục tiêu trong cuộc sống thì đó là con đường nhanh nhất đưa ta đến với những thành công.

* Vì sao ý chí lại là con đường về đích sớm nhất? (1,0 điểm)

  • Ý chí giúp con người vững vàng, vượt khó khăn, chinh phục mọi thử thách để đi đến những thành công trong mọi mặt của đời sống: học tập, lao động, khoa học, v.v...
  • Câu nói trên đúc kết một bài học về sự thành công mang tính thực tiễn, có ý nghĩa tiếp thêm niềm tin cho con người trước những thử thách, khó khăn của cuộc sống.
  • Thiếu ý chí, không đủ quyết tâm để thực hiện những mục đích của mình là biểu hiện của thái độ sống nhu nhược, thiếu bản lĩnh.
  • Ý chí phải hướng tới những mục tiêu đúng đắn, cao đẹp. (Lấy dẫn chứng trong thực tế cuộc sống để minh họa...)

* Bài học nhận thức và hành động: (0,25 điểm)

  • Ý chí là phẩm chất quan trọng, rất cần thiết cho mỗi con người trong cuộc sống. Đối với học sinh, ý chí là yếu tố quan trọng giúp bản thân thành công trong học tập và rèn luyện.
  • Để rèn luyện ý chí, mỗi người cần xác định cho mình lí tưởng sống cao đẹp với những mục tiêu phấn đấu hướng tới một cuộc sống ý nghĩa. Phê phán những người thối chí, đầu hàng số phận, buông xuôi, đổ lỗi cho hoàn cảnh,...

c) Kết bài (0.25 điểm)

Khẳng định lại vấn đề và liên hệ bản thân.

* Về phương diện hình thức và các tiêu chí khác (0,25 điểm)

  • Bài viết đảm bảo bố cục ba phần.
  • Bài viết không sai lỗi diễn đạt, chính tả.
  • Lời văn mạch lạc, lập luận chặt chẽ, luận điểm rõ ràng.

Mức chưa tối đa: Chưa đảm bảo đầy đủ các yêu cầu về nội dung và hình thức nêu trên.

Mức không đạt: Không làm bài hoặc làm lạc đề.

Câu 3: Mức tối đa

* Về phương diện nội dung (4,0 điểm)

  • Kiểu bài: Nghị luận về tác phẩm truyện – nhân vật văn học.
  • Học sinh có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau song cần đảm bảo các ý cơ bản sau:

a) Mở bài (0,5 điểm)

Giới thiệu khái quát về tác giả, tác phẩm; tình cảm, thái độ của bản thân trước những phẩm chất cao đẹp của người thanh niên trong truyện.

b) Thân bài (3,0 điểm)

Hoàn cảnh sống và làm việc đặc biệt của nhân vật anh thanh niên:

  • Quê ở Lào Cai, tình nguyện lên sống và làm việc trên đỉnh Yên Sơn cao 2600m, giữa cỏ cây và mây mù lạnh lẽo.
  • Làm công tác khí tượng – một công việc đều đều, nhàm chán.
  • Sống một mình suốt bốn năm với nỗi "thèm người" - khát khao được hòa nhập với cuộc đời.

-> Hoàn cảnh sống cô đơn, buồn tẻ, khó khăn đòi hỏi con người phải có bản lĩnh, nghị lực để vượt qua.

Yêu nghề, say mê với công việc mình làm.

  • Suy nghĩ về công việc rất đẹp: anh thấy được việc mình làm có ích cho cuộc đời; công việc chính là niềm vui, là người bạn nên ở một mình vẫn không cảm thấy cô đơn, cách nghĩ về công việc cũng rất mơ mộng.
  • Hành động: Hy sinh cả hạnh phúc, cuộc sống riêng tư vì công việc, làm việc nghiêm túc, khoa học, chính xác, tỉ mỉ. Cách làm việc ấy ngấm cả vào nếp sống hàng ngày.

Lối sống: giản dị, khiêm tốn:

  • Cách nghĩ về cuộc sống của mình và những người ở mảnh đất Sa Pa rất giản dị.
  • Ca ngợi mọi người, từ chối không muốn ông họa sĩ vẽ mình.
  • Kể về chiến công, đóng góp của bản thân một cách khiêm nhường.

Chủ động gắn mình với cuộc đời, hồn nhiên, cởi mở:

  • Sống một mình trên đỉnh núi cao, nhưng anh biết rất rõ những người xung quanh mình: vợ bác lái xe mới ốm dậy, hai anh cán bộ ở Sa Pa, ông kỹ sư nông nghiệp và anh cán bộ nghiên cứu sét...
  • Anh chủ động hòa mình với cuộc đời: sắp xếp cuộc sống ngăn nắp, đọc sách, nuôi gà, trồng hoa...

c) Kết bài (0,5 điểm)

Cuộc sống giản dị, tâm hồn tươi đẹp của anh thanh niên làm ta trân trọng, khâm phục, truyền đến cho bạn đọc những suy nghĩ đẹp về cuộc sống, về cách sống của bản thân.

  • Đó là cách sống của người thanh niên có lý tưởng.
  • Tiêu biểu cho thế hệ trẻ Việt Nam...

* Về phương diện hình thức và các tiêu chí khác (1,0 điểm)

  • Bài viết đảm bảo bố cục ba phần.
  • Bài viết không sai lỗi diễn đạt, chính tả.
  • Lời văn mạch lạc, lập luận chặt chẽ, luận điểm rõ ràng.

Mức chưa tối đa: Chưa đảm bảo đầy đủ các yêu cầu về nội dung và hình thức nêu trên.

Mức không đạt: Không làm bài hoặc làm lạc đề.

Đề kiểm tra học kì 2 môn Ngữ Văn lớp 9 năm 2015 trường THCS Kim Thư, Hà Nội

0