14/01/2018, 22:42

Đề thi học kì 2 môn Ngữ văn lớp 11 trường THPT Đoàn Thượng, Hải Dương năm học 2016 - 2017

Đề thi học kì 2 môn Ngữ văn lớp 11 trường THPT Đoàn Thượng, Hải Dương năm học 2016 - 2017 Đề kiểm tra học kì II môn Văn lớp 11 có đáp án Đề thi học kì 2 lớp 11 môn Văn có đáp án, giúp các bạn học ...

Đề thi học kì 2 môn Ngữ văn lớp 11 trường THPT Đoàn Thượng, Hải Dương năm học 2016 - 2017

Đề thi học kì 2 lớp 11 môn Văn

có đáp án, giúp các bạn học sinh ôn tập một cách dễ dàng hơn nhằm chuẩn bị cho kì thi học kỳ 2. Qua đây, các bạn sẽ hệ thống lại kiến thức phù hợp với cấu trúc đề thi. Chúc các bạn học tốt.

Đề thi học kì 2 môn Ngữ văn lớp 11 trường THPT Trần Hưng Đạo, TP Hồ Chí Minh năm học 2016 - 2017

Đề thi học kì 2 môn Ngữ văn lớp 11 trường THPT Đa Phúc, Hà Nội năm học 2016 - 2017

SỞ GD&ĐT HẢI DƯƠNG

TRƯỜNG THPT ĐOÀN THƯỢNG

                   ________________

ĐỀ KIỂM TRA CHẤT LƯỢNG HỌC KÌ II

MÔN: NGỮ VĂN - LỚP 11

NĂM HỌC 2016 - 2017

Thời gian làm bài 90 phút

I. Phần 1: Đọc - hiểu (3,0 điểm)

Đọc đoạn văn bản sau và trả lời các câu hỏi từ 1 đến 4:

"Trên con đường đời, niềm vui đong đầy, hạnh phúc ngọt ngào hay trái đắng chua chát, vất vả nhọc nhằn, tất cả đều là ẩn số. Một cơn sóng dữ từ đại dương bất ngờ ập đến, đánh chìm cuộc sống ta xuống vực thẳm của đau khổ. Tình yêu thương, lúc ấy chính là ánh sáng xua đi bóng tối và dẫn lối ta thoát khỏi nghịch cảnh. Vì cái rộng hơn biển cả là bầu trời, cái rộng hơn bầu trời là trái tim con người nên tâm hồn con người rất cần tình đồng loại. Anh vác cho tôi, tôi vác cho anh, chúng ta phải dựa vào nhau là vì thế. Với tình yêu thương, chúng ta có thể chia sẻ những cảm xúc và thấu hiểu lẫn nhau, cùng sát cánh bên nhau khắp mọi nẻo đường đời. Có tình thương, chúng ta cùng ươm mầm cho trái tim hoài bão và khát vọng. Cuộc đời là một bản nhạc và chúng ta là những nghệ sĩ đệm đàn. Tại sao không tạo nên một bản nhạc hạnh phúc cho chính mình từ tình yêu thương?"

(Trích: Chỉ có trái tim yêu thương mới gieo mầm hạnh phúc - Văn học và tuổi trẻ số tháng 4 năm 2017, trang 104)

Câu 1: Xác định phong cách ngôn ngữ của văn bản trên? (0,5 điểm)

Câu 2: Trong đoạn trích trên, tác giả đã sử dụng thao tác lập luận nào là chủ yếu? (0,5 điểm)

Câu 3: Biện pháp tu từ nào được sử dụng trong câu văn sau? Hãy cho biết tác dụng của biện pháp tu từ đó? (1,0 điểm)

"Một cơn sóng dữ từ đại dương bất ngờ ập đến, đánh chìm cuộc sống ta xuống vực thẳm của đau khổ".

Câu 4: Viết một đoạn văn ngắn (từ 3 đến 5 câu) để khẳng định rằng: Có tình yêu thương, chúng ta cùng ươm mầm cho trái tim hoài bão và khát vọng. (1,0 điểm)

II. Phần 2 – Làm văn (7,0 điểm)

Cảm nhận của em về khổ cuối bài thơ Tràng giang của Huy Cận.

"Lớp lớp mây cao đùn núi bạc,
Chim nghiêng cánh nhỏ: bóng chiều sa.
Lòng quê dợn dợn vời con nước,
Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà."

(Tràng Giang – Huy Cận)

Đáp án đề thi học kì 2 lớp 11 môn Văn

Phần I: Đọc - hiểu (3,0 điểm)

1. Phong cách ngôn ngữ nghệ thuật (văn chương) (0,5 điểm)

2. Thao tác phân tích (0,5 điểm)

3. (1,0 điểm)

  • Biện pháp tu từ ẩn dụ
  • Tác dụng: Cuộc sống luôn có những khó khăn, gian khổ đang rình rập ta, nó có thể đến bất cứ lúc nào, nếu ta không chuẩn bị sẵn tinh thần để đối diện với nó thì ta sẽ phải nhận sự thất bại.

4. Học sinh có nhiều cách diễn đạt khác nhau nhưng phải khẳng định được quan điểm của mình: có tình yêu thương, chúng ta cùng ươm mầm cho trái tim hoài bão và khát vọng nảy nở. (1,0 điểm)

Phần II. Làm văn (7,0 điểm)

* Yêu cầu chung: Học sinh biết kết hợp kiến thức, kĩ năng về dạng bài nghị luận văn học để tạo lập văn bản. Bài viết có bố cục đầy đủ rõ ràng; văn viết có cảm xúc; thể hiện khả năng cảm thụ văn học tốt; diễn đạt trôi chảy, bảo đảm tính liên kết; không mắc lỗi chính tả, từ ngữ, ngữ pháp.

* Yêu cầu cụ thể:

a) Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận (0,5 điểm)

  • Điểm 0,5: Trình bày đầy đủ các phần: mở bài, thân bài, kết bài. Phần mở bài biết dẫn dắt hợp lí, nêu được vấn đề; phần thân bài biết tổ chức thành nhiều đoạn văn liên kết chặt chẽ với nhau cùng làm sáng tỏ vấn đề; phần kết bài khái quát được vấn đề và thể hiện được ấn tượng, cảm xúc, nhận thức của cá nhân.
  • Điểm 0,25: Trình bày đủ ba phần: mở bài, thân bài, kết luận nhưng các phần chưa thể hiện được đầy đủ yêu cầu trên, phần thân bài chỉ có một đoạn văn.
  • Điểm 0: Thiếu mở bài hoặc kết luận, thân bài chỉ có một đoạn văn hoặc cả bài là một đoạn văn.

b) Xác định đúng vấn đề cần nghị luận (0,5 điểm)

  • Điểm 0,5: Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: Bức tranh thiên nhiên kì vĩ, nên thơ và tấm lòng nhớ thương quê hương tha thiết của Huy Cận.
  • Điểm 0,25: Xác định chưa rõ vấn đề cần nghị luận, chỉ nêu chung chung.
  • Điểm 0: Xác định sai vấn đề cần nghị luận, trình bày lạc sang vấn đề khác.

c) Chia vấn đề nghị luận thành các luận điểm phù hợp; các luận điểm được triển khai theo trình tự hợp lí, có sự liên kết chặt chẽ; sử dụng tốt các thao tác lập luận để triển khai các luận điểm (trong đó phải có các thao tác phân tích, so sánh, bình luận); biết kết hợp giữa nêu lí lẽ và dẫn chứng. (5,0 điểm)

  • Điểm 5,0: Đảm bảo các yêu cầu trên, có thể trình bày theo định hướng sau:
    • Giới thiệu khái quát về tác giả Huy Cận, về bài thơ Tràng giang và vấn đề cần nghị luận: Bức tranh thiên nhiên kì vĩ, nên thơ và tấm lòng nhớ thương quê hương tha thiết của Huy Cận.
    • Hai câu đầu :
      • Bức tranh phong cảnh thiên nhiên kì vĩ, nên thơ:
        • Lớp lớp mây chồng xếp lên nhau thành núi mây trắng trông như dát bạc.
        • Một cánh chim nhỏ tương phản với lớp lớp mây cao (càng làm cho cảnh thiên nhiên trở nên hùng vĩ hơn) → Cô đơn, bơ vơ, nhỏ nhoi đến tội nghiệp. Cảnh được gợi lên bởi bút pháp nghệ thuật cổ điển với các hình ảnh: mây - núi, cánh chim chiều,... đồng thời mang dấu ấn tâm trạng của tác giả.
    • Hai câu cuối:
      • Kế thừa ý thơ của Thôi Hiệu trong bài Hoàng Hạc Lâu (Quê hương khuất bóng hoàng hôn – Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai) nhưng có sự sáng tạo: Thôi Hiệu nhìn khói sóng mà buồn nhớ quê; Huy Cận không thấy khói sóng mà vẫn nhớ nhà → Nỗi buồn nhớ quê hương da diết, mãnh liệt của Huy Cận. Huy Cận đi tìm sự đồng cảm tri âm giữa cõi người nhưng chỉ gặp sự cô đơn trống vắng.
      • Tấm lòng nhớ thương quê hương tha thiết của tác giả được bộc lộ trực tiếp, đó là nỗi buồn của thế hệ thanh niên, trí thức trong những năm tháng mất nước, ngột ngạt, bế tắc → Là nỗi buồn trong sáng, nỗi buồn đau của cái tôi cá nhân luôn đối diện với chính nỗi cô đơn của lòng mình, nỗi buồn từ lòng yêu nước kín đáo của nhà thơ và ẩn sâu trong đó là tình yêu giang sơn Tổ quốc.

=> Nêu cảm nhận khái quát về khổ thơ: Vẻ đẹp của bức tranh thiên nhiên và tấm lòng của nhà thơ.

Học sinh có thể có những cảm nhận và diễn đạt khác nhưng phải hợp lí và có sức thuyết phục.

  • Điểm 4,5 đến 4,75: Cơ bản đáp ứng được các yêu cầu trên, song một trong các luận điểm (phân tích, so sánh...) còn chưa đầy đủ hoặc liên kết chưa thật chặt chẽ.
  • Điểm 4,0 đến 4,25: Đáp ứng được 2/3 các yêu cầu trên.
  • Điểm 3,0 đến 3,75: Đáp ứng được 1/2 các yêu cầu trên.
  • Điểm 2,0 đến 2,75: Đáp ứng được 1/3 các yêu cầu trên.
  • Điểm 1,0 đến 1,75: Đáp ứng được 1/4 các yêu cầu trên.
  • Điểm 0,5 đến 0,75: Đáp ứng được 1/5 các yêu cầu trên.
  • Điểm 0,25: Hầu như không đáp ứng được yêu cầu nào trong số các yêu cầu trên.
  • Điểm 0: Không đáp ứng được bất kì yêu cầu nào trong các yêu cầu trên.

d) Sáng tạo (0,5 điểm)

  • Điểm 0,5: Có nhiều cách diễn đạt độc đáo và sáng tạo (viết câu, sử dụng từ ngữ, hình ảnh và các yếu tố biểu cảm...); viết văn giàu cảm xúc; thể hiện khả năng cảm thụ văn học tốt; có quan điểm và thái độ riêng, sâu sắc nhưng không trái với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.
  • Điểm 0,25: Có một số cách diễn đạt độc đáo và sáng tạo; thể hiện được một số suy nghĩ riêng sâu sắc nhưng không trái với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.
  • Điểm 0: Không có cách diễn đạt độc đáo và sáng tạo; không có quan điểm và thái độ riêng hoặc quan điểm, thái độ trái với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.

e) Chính tả, dùng từ, đặt câu (0,5 điểm)

  • Điểm 0,5: Không mắc lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu.
  • Điểm 0,25: Mắc một số lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu.
  • Điểm 0: Mắc nhiều lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu.
0