14/01/2018, 19:28

Đề thi học kì 1 môn Ngữ văn lớp 6 Phòng GD&ĐT Thái Thụy, Thái Bình năm học 2016 - 2017

Đề thi học kì 1 môn Ngữ văn lớp 6 Phòng GD&ĐT Thái Thụy, Thái Bình năm học 2016 - 2017 Đề thi học kì I môn Ngữ văn lớp 6 có đáp án Đề thi học kì 1 môn Ngữ văn lớp 6 Để kì thi học kì 1 đạt được kết ...

Đề thi học kì 1 môn Ngữ văn lớp 6 Phòng GD&ĐT Thái Thụy, Thái Bình năm học 2016 - 2017

Đề thi học kì 1 môn Ngữ văn lớp 6

Để kì thi học kì 1 đạt được kết quả tốt môn Ngữ văn, các bạn học sinh ngoài việc nắm chắc kiến thức trong SGK, cũng nên tham khảo cách ra đề của nhiều trường khác nhau để rèn luyện kỹ năng làm bài. VnDoc.com giới thiệu đến bạn: .

Đề thi học kì 1 môn Ngữ văn lớp 6 Phòng GD&ĐT Đất Đỏ, Bà Rịa - Vũng Tàu năm học 2016 - 2017

Đề thi học kì 1 môn Ngữ văn lớp 6 năm học 2016 - 2017

Đề thi học kì 1 môn Ngữ văn lớp 6 Phòng GD&ĐT Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc năm học 2015 - 2016

PHÒNG GD&ĐT THÁI THỤY ĐỀ KIỂM TRA HỌC KỲ I NĂM HỌC 2016 - 2017
Môn: NGỮ VĂN 6
Thời gian làm bài: 90 phút (không kể thời gian giao đề)

I. PHẦN ĐỌC HIỂU (2,0 điểm)

ẾCH NGỒI ĐÁY GIẾNG
(Truyện ngụ ngôn)

Có một con ếch sống lâu ngày trong một giếng nọ. Xung quanh nó chỉ có vài con nhái, cua, ốc bé nhỏ. Hằng ngày nó cất tiếng kêu ồm ộp làm vang động cả giếng, khiến các con vật kia rất hoảng sợ. Ếch cứ tưởng bầu trời trên đầu chỉ bé bằng chiếc vung và nó thì oai như một vị chúa tể.

Một năm nọ, trời mưa to làm nước trong giếng dềnh lên, tràn bờ, đưa ếch ta ra ngoài.

Quen thói cũ, ếch nghênh ngang đi lại khắp nơi và cất tiếng kêu ồm ộp. Nó nhâng nháo đưa cặp mắt nhìn lên bầu trời, chả thèm để ý đến xung quanh nên đã bị một con trâu đi qua giẫm bẹp.

Sách Ngữ văn 6, tập một - Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, 2015

Em hãy đọc kỹ văn bản trên rồi trả lời các câu hỏi sau:

1) Vì sao ếch tưởng bầu trời trên đầu chỉ bé bằng cái vung và nó thì oai như một vị chúa tể?

2) Giải nghĩa từ: Chúa tể.

3) Do đâu ếch bị con trâu đi qua giẫm bẹp?

4) Truyện Ếch ngồi đáy giếng nhằm nêu lên bài học gì?

II. PHẦN LÀM VĂN (8,0 điểm)

Kể về một thầy giáo hay một cô giáo mà em quý mến.

ĐÁP ÁN ĐỀ THI HỌC KÌ 1 MÔN NGỮ VĂN LỚP 6

I. PHẦN ĐỌC HIỂU: 2,0 điểm

Câu 1: Ếch tưởng bầu trời trên đầu chỉ bé bằng cái vung và nó thì oai như một vị chúa tể vì:

  • Ếch sống lâu ngày trong một giếng nọ. Xung quanh ếch lâu nay cũng chỉ có một vài loài vật bé nhỏ.
  • Hằng ngày, ếch cất tiếng kêu ồm ộp làm vang động cả giếng, khiến các con vật kia rất hoảng sợ nên càng làm cho ếch chủ quan, kiêu ngạo...  

Câu 2: Giải nghĩa từ: Chúa tể

  • Kẻ có quyền lực cao nhất, chi phối những kẻ khác. 

Câu 3

  • Ếch bị con trâu đi qua giẫm bẹp vì: Một lần ra khỏi giếng, quen thói cũ, nó nhâng nháo nhìn lên bầu trời, chả thèm để ý đến xung quanh... 

Câu 4

  • Truyện Ếch ngồi đáy giếng nhằm nêu lên bài học: Phê phán những kẻ hiểu biết cạn hẹp mà lại huênh hoang, khuyên nhủ người ta phải cố gắng mở rộng tầm hiểu biết của mình, không được chủ quan, kiêu ngạo. 

II. PHẦN LÀM VĂN: 8,0 điểm

1. Khái quát nội dung:  Kể về một thầy giáo hay một cô giáo mà em quý mến.

  • Phạm vi kể chuyện rộng, đây cũng là dịp để các thầy, cô giáo hiểu được tình cảm của học sinh dành cho mình.
  • Đề bài yêu cầu học sinh kể về một thầy giáo hay một cô giáo mà em quý mến (chuyện có thể có thực trong đời sống hoặc do học sinh sáng tạo ra một câu chuyện từ đời sống...), yêu cầu học sinh biết vận dụng kiến thức Tập làm văn và những quan sát từ đời sống thực tế để làm bài.

2. Nội dung cụ thể 

a. Mở bài: Học sinh có thể mở bài bằng nhiều cách khác nhau, nhưng phải giới thiệu được thầy giáo hay cô giáo mà em quý mến và giới thiệu được hoàn cảnh xảy ra câu chuyện. 

b. Thân bài: Học sinh chọn ngôi thứ nhất để kể chuyện, khuyến khích sự sáng tạo của học sinh.

  • Giới thiệu về thầy giáo (hay cô giáo) mà em quý mến
  • Kể lại một câu chuyện hoặc một tình huống chuyện về thầy giáo hay cô giáo em quý mến theo một trình tự nhất định (về thời gian, không gian, tình huống xảy ra câu chuyện...)
  •  Kết hợp kể chuyện với miêu tả người, miêu tả cảnh ...
  • Kết hợp nêu cảm nghĩ của bản thân với thầy hay cô giáo... 

c. Kết bài: Kết thúc câu chuyện, tình cảm của em với thầy hay cô giáo... 

* VẬN DỤNG CHO ĐIỂM PHẦN LÀM VĂN

  • Điểm 7 - 8: Kể chuyện sinh động, có các tình tiết chính, phụ; có sáng tạo. Biết kết hợp kể chuyện với miêu tả người, miêu tả cảnh và nêu cảm nghĩ. Bài làm có bố cục mạch lạc, diễn đạt tốt, đồng thời trình bày đẹp, chữ viết đúng chính tả.
  • Điểm 5 - 6: Biết vận dụng văn kể chuyện, có các tình tiết nhưng có thể chưa sáng tạo trong ngôn ngữ kể chuyện. Biết kết hợp kể chuyện với miêu tả người, miêu tả cảnh và nêu cảm nghĩ nhưng có thể chưa rõ. Bài làm có bố cục tương đối rõ, trình bày tương đối đẹp, có thể mắc một số lỗi chính tả, diễn đạt.
  • Điểm 3 - 4: Vận dụng văn kể chuyện chưa tốt, có các tình tiết nhưng chưa sáng tạo trong ngôn ngữ kể chuyện. Chưa biết kết hợp kể chuyện với miêu tả người, miêu tả cảnh và nêu cảm nghĩ, đôi chỗ còn lan man. Bố cục chưa rõ, trình bày chưa đẹp, còn mắc lỗi chính tả, diễn đạt...
  • Điểm 1 - 2: Chưa biết vận dụng văn kể chuyện, chưa biết kết hợp kể chuyện với miêu tả cảnh, miêu tả người, các tình tiết của câu chuyện còn lan man, mắc nhiều lỗi diễn đạt, chữ viết và trình bày chưa đạt yêu cầu.
  • Điểm 0: Bỏ giấy trắng.

* Lưu ý:

  • Với học sinh lớp 6: Không yêu cầu cao trong việc vận dụng kiến thức Tập làm văn để kể một câu chuyện hoàn chỉnh. Chỉ yêu cầu học sinh biết kể lại một câu chuyện có nhân vật, có các tính tiết câu chuyện theo yêu cầu đề ra, bước đầu biết kết hợp kể chuyện với miêu tả, nêu cảm nghĩ... trân trọng những sáng tạo của học sinh.
  • Trong quá trình chấm bài, cần hết sức quan tâm đến kĩ năng diễn đạt và trình bày của học sinh. Coi diễn đạt và trình bày (cả nội dung & hình thức, chữ viết, chính tả...) là yêu cầu rất quan trọng trong bài làm của học sinh. Khi cho điểm toàn bài, cần chú ý các yêu cầu này.

* Điểm toàn bài: Làm tròn tới 0,5 (4,0; 4,5; 5,0; 5,5 . . . 9,0; 9,5; 10)

0