Đề thi học kì 1 môn Ngữ văn lớp 11 trường THPT Đoàn Thượng, Hải Dương năm học 2016 - 2017
Đề thi học kì 1 môn Ngữ văn lớp 11 trường THPT Đoàn Thượng, Hải Dương năm học 2016 - 2017 Đề kiểm tra học kì I môn Ngữ văn lớp 11 có đáp án Đề thi học kì 1 môn Ngữ văn lớp 11 là đề kiểm tra học kì I ...
Đề thi học kì 1 môn Ngữ văn lớp 11 trường THPT Đoàn Thượng, Hải Dương năm học 2016 - 2017
Đề thi học kì 1 môn Ngữ văn lớp 11
là đề kiểm tra học kì I lớp 11 nhằm đánh giá năng lực đọc - hiểu và tạo lập văn bản của học sinh thông qua hình thức kiểm tra tự luận. Mời quý thầy cô và các em cùng tham khảo.
Đề thi học kì 1 môn Ngữ văn lớp 11 Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc năm học 2016 - 2017
Đề thi học kì 1 môn Ngữ văn lớp 11 trường THPT Nguyễn Công Hoan, Hưng Yên năm học 2016 - 2017
Phân tích cảnh cho chữ trong Chữ người tử tù của Nguyễn Tuân
SỞ GD&ĐT HẢI DƯƠNG TRƯỜNG THPT ĐOÀN THƯỢNG (Đề kiểm tra gồm có 01 trang) |
ĐỀ KIỂM TRA HỌC KÌ I MÔN NGỮ VĂN KHỐI 11 - NĂM HỌC 2016 - 2017 (Thời gian làm bài: 90 phút) |
Phần I. Đọc – hiểu (3,0 điểm)
Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu từ câu 1 đến câu 5:
Trong xã hội "Truyện Kiều", đồng tiền đã thành một sức mạnh tác quái rất ghê. Nguyễn Du không phải không nhắc đến tác dụng tốt của đồng tiền. Có tiền Thúc Sinh, Từ Hải mới chuộc được Kiều, Kiều mới cứu được cha và sau này báo được ơn cho người này, người nọ. Đó là những khi đồng tiền nằm trong tay người tốt. Nhưng chủ yếu Nguyễn Du vẫn nhìn về mặt tác hại. Vì Nguyễn Du thấy rõ cả một loạt hành động gian ác bất chính đều là do đồng tiền chi phối. Quan lại vì tiền mà bất chấp công lí; sai nha vì tiền mà tra tấn cha con Vương Ông; Tú Bà, Mã Giám Sinh, Bạc Bà, Bạc Hạnh vì tiền mà làm nghề buôn thịt bán người; Sở Khanh vì tiền mà táng tận lương tâm; Khuyển, Ưng vì tiền mà làm những điều đại ác. Cả một xã hội chạy theo tiền.
(Dẫn theo Ngữ văn 11, Tập một, NXB Giáo dục Việt Nam, 2016, tr.26)
Câu 1. Xác định câu chủ đề của đoạn văn trên. (0,5 điểm)
Câu 2. Thao tác lập luận chủ yếu được sử dụng trong đoạn văn là gì? (0,5 điểm)
Câu 3. Xác định biện pháp tu từ được sử dụng trong câu văn sau: "Quan lại vì tiền mà bất chấp công lí; sai nha vì tiền mà tra tấn cha con Vương Ông; Tú Bà, Mã Giám Sinh, Bạc Bà, Bạc Hạnh vì tiền mà làm nghề buôn thịt bán người; Sở Khanh vì tiền mà táng tận lương tâm; Khuyển, Ưng vì tiền mà làm những điều đại ác". (0,5 điểm)
Câu 4. Phân tích tác dụng của biện pháp tu từ đã xác định được ở Câu 3. (0,5 điểm)
Câu 5. Từ nội dung của đoạn trích, anh/chị hãy nêu suy nghĩ của mình về vai trò của đồng tiền trong cuộc sống hiện nay (Trình bày khoảng 5 đến 7 dòng). (1,0 điểm)
Phần II. Làm văn (7,0 điểm)
Cảm nhận của anh/chị về những nét độc đáo của cảnh cho chữ được Nguyễn Tuân thể hiện ở đoạn văn sau:
Đêm hôm ấy, lúc trại giam tỉnh Sơn chỉ còn vẳng có tiếng mõ trên vọng canh, một cảnh tượng xưa nay chưa từng có, đã bày ra trong một buồng tối chật hẹp, ẩm ướt, tường đầy mạng nhện, đất bừa bãi phân chuột, phân gián.
Trong một không khí khói tỏa như đám cháy nhà, ánh sáng đỏ rực của một bó đuốc tẩm dầu rọi lên ba cái đầu người đang chăm chú trên một tấm lụa bạch còn nguyên vẹn lần hồ. Khói bốc tỏa cay mắt, làm họ dụi mắt lia lịa.
Một người tù, cổ đeo gông, chân vướng xiềng, đang dậm tô nét chữ trên tấm lụa trắng tinh căng trên mảnh ván. Người tù viết xong một chữ, viên quản ngục lại vội khúm núm cất những đồng tiền kẽm đánh dấu ô chữ đặt trên phiến lụa óng. Và cái thầy thơ lại gầy gò, thì run run bưng chậu mực. Thay bút con, đề xong lạc khoản, ông Huấn Cao thở dài, buồn bã đỡ viên quản ngục đứng thẳng người dậy và đĩnh đạc bảo:
- Ở đây lẫn lộn. Ta khuyên thầy Quản nên thay chốn ở đi. Chỗ này không phải là nơi để treo một bức lụa trắng với những nét chữ vuông tươi tắn nó nói lên những cái hoài bão tung hoành của một đời con người. Thoi mực, thầy mua ở đâu mà tốt và thơm quá. Thầy có thấy mùi thơm ở chậu mực bốc lên không?... Tôi bảo thực đấy, thầy Quản nên tìm về nhà quê mà ở, thầy hãy thoát khỏi cái nghề này đi đã, rồi hãy nghĩ đến chuyện chơi chữ. Ở đây, khó giữ thiên lương cho lành vững và rồi cũng đến nhem nhuốc mất cái đời lương thiện đi.
(Trích Chữ người tử tù - Nguyễn Tuân. Ngữ văn 11, Tập một, NXB Giáo dục Việt Nam, 2016, tr. 113-114)
Đề thi học kì 1 môn Ngữ văn lớp 11
Phần I. Đọc – hiểu (3,0 điểm)
1. Câu chủ đề: Trong xã hội "Truyện Kiều", đồng tiền đã thành một sức mạnh tác quái rất ghê. (0,5đ)
2. Thao tác lập luận phân tích. (0,5đ)
3. Biện pháp tu từ:
- Liệt kê (0,25đ)
- Lặp cú pháp (0,25đ)
4. Tác dụng: biện pháp tu từ liệt kê kết hợp lặp cú pháp có tác dụng nhấn mạnh bản chất tham lam, tàn nhẫn, táng tận lương tâm của bọn quan lại, sai nha và buôn thịt bán người. Qua đó khẳng định bản chất của xã hội đồng tiền. (0,5đ)
5. HS có những suy nghĩ khác nhau song cần nêu được vai trò tích cực cũng như những ảnh hưởng tiêu cực từ mặt trái của đồng tiền trong cuộc sống hiện nay. (1,0đ)
Phần II. Làm văn (7,0 điểm) Cảm nhận những nét độc đáo của cảnh cho chữ được Nguyễn Tuân thể hiện ở đoạn văn trong tác phẩm Chữ người tử tù.
a. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận: Có đủ các phần mở bài, thân bài, kết bài. Mở bài nêu được vấn đề, thân bài triển khai được vấn đề gồm nhiều ý/ đoạn văn, kết bài kết luận được vấn đề. (0,5đ)
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: những nét độc đáo của cảnh cho chữ (0,5đ)
c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm; vận dụng tốt các thao tác lập luận; kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng.
- Giới thiệu tác giả Nguyễn Tuân, truyện ngắn Chữ người tử tù, vị trí và giá trị của cảnh cho chữ. (0,5đ)
- Những nét độc đáo của cảnh cho chữ trong đoạn văn (Nguyễn Tuân gọi đó là "cảnh tượng xưa nay chưa từng có")
- Việc cho chữ, xin chữ (nghệ thuật thư pháp) - sáng tạo nghệ thuật, vốn là thanh cao, lại diễn ra trong buồng giam tử tù tối tăm, ẩm ướt, hôi hám: tường đầy mạng nhện, đất bừa bãi phân chuột, phân gián. Cái đẹp được sáng tạo giữa cái hôi hám nhơ bẩn, cái thiên lương cao cả toả sáng ở môi trường tội ác. (1,0đ)
- Người nghệ sĩ tài hoa – ông Huấn Cao - người cho chữ không phải là người được tự do mà là kẻ tử tù, cổ đeo gông, chân vướng xiềng. Hình ảnh uy nghi của ông Huấn đang dậm tô nét chữ đối lập với hình ảnh thầy trò viên quan coi ngục, giữ tù đang khúm núm, run run, ... (1,0đ)
- Trật tự, kỉ cương vốn có bị đảo ngược hoàn toàn: Ông Huấn Cao khuyên quản ngục thay đổi chốn ở (về quê) để chơi chữ và giữ thiên lương cho lành vững -> Tù nhân trở thành người ban phát cái đẹp, người thuyết giảng đạo đức, còn quan coi tù lại là người chịu sự thuyết giảng đạo đức. (1,0đ)
- Đặc sắc trong nghệ thuật thể hiện: (1,0đ)
- Thủ pháp tương phản, đối lập;
- Nghệ thuật sử dụng ngôn từ điêu luyện;
- Tạo không khí cổ kính.
- Đánh giá chung:
- Cảnh cho chữ đã khẳng định ánh sáng chiến thắng bóng tối, cái đẹp cái thiện chiến thắng cái xấu, cái ác. Qua đó nhà văn ngợi ca, tôn vinh cái đẹp, cái thiện và nhân cách cao đẹp của con người (0,5đ)
d. Sáng tạo: Có cách diễn đạt mới mẻ, thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận (0,5đ)
e. Chính tả, dùng từ, đặt câu: Đảm bảo quy tắc chính tả, dùng từ, đặt câu. (0,5đ)