Đề thi học kì 1 môn Ngữ văn lớp 12 trường THPT Chuyên Lý Tự Trọng, Cần Thơ năm học 2015 - 2016
Đề thi học kì 1 môn Ngữ văn lớp 12 trường THPT Chuyên Lý Tự Trọng, Cần Thơ năm học 2015 - 2016 Đề kiểm tra học kì 1 môn Ngữ văn lớp 12 có đáp án Đề thi học kì 1 môn Ngữ văn lớp 12 được VnDoc.com sưu ...
Đề thi học kì 1 môn Ngữ văn lớp 12 trường THPT Chuyên Lý Tự Trọng, Cần Thơ năm học 2015 - 2016
Đề thi học kì 1 môn Ngữ văn lớp 12
được VnDoc.com sưu tầm và đăng tải, nhằm kiểm tra, đánh giá năng lực học tập môn Văn của học sinh lớp 12 cuối học kì I và thời gian để các bạn hoàn thiện bài thi là 45 phút. Mời các bạn cùng tham khảo.
Đề thi học kì 1 môn Ngữ văn lớp 12 trường THPT Đoàn Thượng, Hải Dương năm học 2016 - 2017
Đề thi học kì 1 môn Ngữ văn lớp 12 năm học 2015 - 2016 tỉnh Cần Thơ
Nét mới trong cảm nhận về Đất nước của Nguyễn Khoa Điềm
SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO CẦN THƠ TRƯỜNG THPT CHUYÊN LÝ TỰ TRỌNG
ĐỀ CHÍNH THỨC |
KIỂM TRA HỌC KÌ I, NĂM HỌC 2015 – 2016, Tuần 19 Môn: NGỮ VĂN - Lớp 12 Thời gian làm bài: 120 phút Đề gồm 2 phần in trên 02 trang |
I. ĐỌC HIỂU VĂN BẢN (3.0 điểm)
1. Đọc đoạn sau và trả lời câu hỏi từ câu 1 đến câu 4.
Yêu Tổ quốc từ những giọt mồ hôi tảo tần. Mồ hôi rơi trên những cánh đồng cho lúa thêm hạt. Mồ hôi rơi trên những công trường cho những ngôi nhà thành hình, thành khối. Mồ hôi rơi trên những con đường nơi rẻo cao Tổ quốc của những thầy cô trong mùa nắng để nuôi ước mơ cho các em thơ. Mồ hôi rơi trên thao trường đầy nắng gió của những người lính để giữ mãi yên bình và màu xanh cho Tổ quốc...
(Nguồn http://vietbao.vn ngày 9-5-2014)
Câu 1. (0.25 điểm)
Thao tác lập luận chính được sử dụng trong văn bản trên là gì?
Câu 2. (0.5 điểm)
Xác định biện pháp tu từ chính được sử dụng trong văn bản trên và phân tích ngắn gọn tác dụng của biện pháp tu từ đó.
Câu 3. (0.25 điểm)
Những từ ngữ: cánh đồng, công trường gợi nghĩ đến đối tượng nào trong cuộc sống?
Câu 4. (0.25 điểm)
Hãy đặt cho văn bản trên một nhan đề thích hợp?
2. Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi từ câu 5 đến câu 8
Hãy sống như đời sống để biết yêu nguồn cội
Hãy sống như đồi núi vươn tới những tầm cao
Hãy sống như biển trào, như biển trào để thấy bờ bến rộng
Hãy sống như ước vọng để thấy đời mênh mông
Và sao không là gió, là mây để thấy trời bao la
Và sao không là phù sa rót mỡ màu cho hoa
Sao không là bài ca của tình yêu đôi lứa
Sao không là mặt trời gieo hạt nắng vô tư
Và sao không là bão, là giông, là ánh lửa đêm đông
Và sao không là hạt giống xanh đất mẹ bao dung
Sao không là đàn chim gọi bình minh thức giấc
Sao không là mặt trời gieo hạt nắng vô tư
(Lời bài hát Khát Vọng – Phạm Minh Tuấn)
Câu 5. (0.25 điểm)
Phương thức biểu đạt chủ yếu của văn bản trên là gì?
Câu 6. (0.25 điểm)
Xác định nội dung của văn bản trên.
Câu 7. (0.25 điểm)
Câu "Sao không là mặt trời gieo hạt nắng vô tư" trong lời bài hát định hướng cho mọi người lối sống như thế nào?
Câu 8. (1.0 điểm)
Viết một đoạn văn ngắn (từ 5 đến 7 câu) trình bày cảm nhận của anh/ chị về lời bài hát trong văn bản trên.
II. LÀM VĂN (7.0 điểm)
Trong đoạn trích Đất Nước (trích trường ca Mặt đường khát vọng) của Nguyễn Khoa Điềm có đoạn:
"...Trong anh và em hôm nay
Đều có một phần Đất Nước
Khi hai đứa cầm tay
Đất Nước trong chúng ta hài hòa nồng thắm
Khi chúng ta cầm tay mọi người
Đất Nước vẹn tròn, to lớn
Mai này con ta lớn lên
Con sẽ mang Đất Nước đi xa
Đến những tháng ngày mơ mộng
Em ơi em Đất Nước là máu xương của mình
Phải biết gắn bó và san sẻ
Phải biết hoá thân cho dáng hình xứ sở
Làm nên Đất Nước muôn đời..."
(Sách giáo khoa Ngữ Văn 12 - tập 1, trang 117, nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, năm 2011)
Phân tích đoạn thơ trên. Từ đó, anh/chị hãy trình bày suy nghĩ về trách nhiệm của bản thân đối với đất nước.
Đáp án đề thi học kì 1 môn Ngữ văn lớp 12
Phần I: Đọc hiểu (3.0 điểm)
1. Trả lời các câu hỏi từ câu 1 đến câu 4:
Câu 1. (0.25đ)
Thao tác lập luận chính được sử dụng trong văn bản trên là thao tác phân tích.
Câu 2. (0.5đ)
Biện pháp tu từ chính được sử dụng trong văn bản trên là điệp (lặp) cú pháp (0.25đ)
Biện pháp điệp (lặp) cú pháp có tác dụng nhấn mạnh những vất vả nhọc nhằn và sự hi sinh thầm lặng của người dân lao động.
Qua đó, bộc lộ sự trân trọng, tin yêu với những con người lao động và tình yêu Tổ quốc của nhà thơ. (0.25đ)
Câu 3. (0.25đ)
Những từ ngữ: cánh đồng, công trường gợi nghĩ đến người nông dân, công nhân trong cuộc sống.
Câu 4. (0.25đ)
Đặt nhan đề cho văn bản: Yêu Tổ quốc, những giọt mồ hôi thầm lặng, những hi sinh thầm lặng ....
2. Trả lời các câu hỏi từ câu 5 đến câu 8:
Câu 5 .(0.25đ)
Phương thức biểu đạt chủ yếu của văn bản trên là biểu cảm.
Câu 6. (0.25đ)
Văn bản trên thể hiện khát vọng về cách sống có ích, sống tốt đẹp - khát vọng hóa thân để cống hiến và dựng xây cuộc đời.
Câu 7. (0.25đ)
Câu "Sao không là mặt trời gieo hạt nắng vô tư" trong lời bài hát định hướng cho mọi người lối sống có ích như mặt trời đối với vạn vật trên trái đất.
Câu 8. (0.75đ)
Học sinh viết đoạn văn trình bày được cảm nhận của mình về lời bài hát trong văn bản trên.
Phần II: Tự luận (7.0 điểm)
1. Yêu cầu chung: Thí sinh biết kết hợp kiến thức và kĩ năng làm nghị luận văn học để tạo lập văn bản. Bài viết phải có bố cục đầy đủ, rõ ràng; văn viết có cảm xúc; diễn đạt trôi chảy, bảo đảm tính liên kết; không mắc lỗi chính tả, từ ngữ, ngữ pháp.
2. Yêu cầu cụ thể
a. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận (1.0 điểm)
- Điểm 1.0: Trình bày đầy đủ các phần Mở bài, Thân bài, Kết luận. Phần Mở bài biết dẫn dắt hợp lí và nêu được vấn đề; phần Thân bài biết tổ chức thành nhiều đoạn văn liên kết chặt chẽ với nhau cùng làm sáng tỏ vấn đề; phần Kết bài khái quát được vấn đề hoặc liên hệ, mở rộng.
- Điểm 0.5: Trình bày đầy đủ ba phần Mở bài, Thân bài, Kết luận, nhưng các phần chưa thể hiện được đầy đủ yêu cầu như trên; phần Thân bài chỉ có 1 đoạn văn.
- Điểm 0: Thiếu Mở bài hoặc Kết luận, Thân bài chỉ có 1 đoạn văn hoặc cả bài viết chỉ có 1 đoạn văn.
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận (1,5 điểm)
- Điểm 1.5: Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: những lời nhắn nhủ tâm tình của tác giả về sự gắn bó và trách nhiệm của mỗi người với đất nước từ đó nêu lên trách nhiệm của bản thân với đất nước.
- Điểm 0.75: Xác định chưa rõ vấn đề cần nghị luận, chỉ phân tích đoạn thơ.
- Điểm 0: Xác định sai vấn đề cần nghị luận, trình bày lạc sang vấn đề khác.
c. Chia vấn đề cần nghị luận thành các luận điểm phù hợp; các luận điểm được triển khai theo trình tự hợp lí, có sự liên kết chặt chẽ; sử dụng tốt các thao tác lập luận để triển khai các luận điểm , biết kết hợp giữa nêu luận điểm và phân tích luận điểm ....(3.5 điểm).
Điểm 3.5: Đảm bảo các yêu cầu trên; có thể trình bày theo định hướng sau:
- Giới thiệu sơ lược về tác giả, tác phẩm, nội dung đoạn trích.
- Phân tích đoạn thơ theo các ý sau:
- Đất nước hóa thân và kết tinh trong cuộc sống của mỗi người (câu 1,2) Sự sống mỗi cá nhân không phải chỉ riêng của mỗi cá nhân mà còn là của đất nước bởi mỗi cuộc đời đều được thừa hưởng những di sản văn hoá tinh thần và vật chất của dân tộc, của nhân dân.
- Mối quan hệ gắn bó sâu sắc giữa mỗi người với đất nước (câu 3,4,5,6) động từ "cầm tay" + các tính từ "hài hòa, nồng thắm", "vẹn tròn, to lớn" đi liền nhau + kiểu câu cấu tạo theo hai cặp đối xứng về ngôn từ ("Khi /Khi; Đất Nước / Đất Nước) đất nước là sự thống nhất hài hòa giữa tình yêu đôi lứa với tình yêu Tổ quốc, giữa cá nhân với cộng đồng.
- Niềm tin mãnh liệt vào tương lai tươi sáng của đất nước (câu 7,8,9).
- Trách nhiệm của cá nhân với đất nước (câu 10,11,12) giọng văn trữ tình kết hợp với chính luận + câu cầu khiến, + điệp ngữ "phải biết" + các động từ "gắn bó, san sẻ, hóa thân" ... đã cụ thể hoá trách nhiệm đối với đất nước lời kêu gọi trách nhiệm mang tính chính luận nhưng không mang tính chất giáo huấn mà rất trữ tình, tha thiết như lời tự dặn mình - dặn người của nhà thơ.
- Nhận xét, đánh giá: đây là một trong những đọan thơ hay trong "Đất Nước" của Nguyễn Khoa Điềm. Qua đọan thơ, nhà thơ đã giúp cho chúng ta hiểu hơn về sự gắn bó giữa mỗi người với đất nước. Từ đó, ý thức hơn về trách nhiệm của mỗi người với đất nước. Đồng thời, đoạn thơ cũng giúp ta hình dung được sức truyền cảm lớn từ sự hòa quyện của chất chính luận và chất trữ tình, suy tưởng và cảm xúc trong thơ của Nguyễn Khoa Điềm.
- Phát biểu suy nghĩ về trách nhiệm đối với đất nước (Học sinh có thể đưa ra những ý kiến riêng, trình bày theo nhiều cách khác nhau nhưng cần chân thành, thiết thực, hợp lí, chặt chẽ và thuyết phục).
- Tổng hợp ý, đánh giá ý nghĩa của vấn đề, liên hệ, mở rộng.
Điểm 2,0: Cơ bản đáp ứng được các yêu cầu trên, song một trong các luận điểm còn chưa đầy đủ hoặc liên kết chưa thật chặt chẽ.
Điểm 1.5: Đáp ứng 1/2 đến 2/3 các yêu cầu trên.
Điểm 1.0: Đáp ứng được 1/3 các yêu cầu trên.
Điểm 0: Không đáp ứng được bất kì yêu cầu nào trong các yêu cầu trên.
d. Sáng tạo (0.5 điểm)
- Điểm 0.5: Có nhiều cách diễn đạt độc đáo và sáng tạo (viết câu, sử dụng từ ngữ, hình ảnh và các yếu tố biểu cảm); thể hiện được quan điểm và thái độ riêng khi phân tích đoạn thơ và phát biểu suy nghĩ về trách nhiệm đối với đất nước.
- Điểm 0.25: Có một số cách diễn đạt độc đáo và sáng tạo; thể hiện được những suy nghĩ riêng khi phân tích đoạn thơ và phát biểu suy nghĩ về trách nhiệm đối với đất nước.
- Điểm 0: Không có cách diễn đạt độc đáo và sáng tạo; không có quan điểm và thái độ riêng hoặc quan điểm, thái độ chưa thích hợp.
e. Chính tả, dùng từ, đặt câu (0.5 điểm)
- Điểm 0.5: Không mắc lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu.
- Điểm 0.25: Mắc một số lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu.
- Điểm 0: Mắc nhiều lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu.