14/01/2018, 17:36

Đề thi học kì 1 môn Ngữ văn lớp 10 trường Đông Du, TP.HCM năm học 2015 - 2016

Đề thi học kì 1 môn Ngữ văn lớp 10 trường Đông Du, TP.HCM năm học 2015 - 2016 Đề kiểm tra học kì 1 môn Ngữ văn lớp 10 có đáp án Đề thi học kì 1 môn Ngữ văn lớp 10 là tài liệu tham khảo được Vndoc.com ...

Đề thi học kì 1 môn Ngữ văn lớp 10 trường Đông Du, TP.HCM năm học 2015 - 2016

Đề thi học kì 1 môn Ngữ văn lớp 10

là tài liệu tham khảo được Vndoc.com sưu tầm. Đề gồm hai phần đọc hiểu và làm văn, với thời gian làm bài là 90 phút, có sẵn đáp án. Mời các bạn tham khảo.

Đề thi học kì 2 môn Ngữ văn lớp 10 trường THPT Đa Phúc, Hà Nội năm học 2015 - 2016

Đề thi khảo sát chất lượng môn Ngữ văn lớp 10 trường THPT Lương Tài 2, Bắc Ninh năm học 2015 - 2016 (Lần 3)

SỞ GD & ĐT TP.HCM
TRƯỜNG THCS, THPT ĐÔNG DU
ĐỀ KIỂM TRA HỌC KÌ I
NĂM HỌC: 2015 - 2016
MÔN: NGỮ VĂN – LỚP 10
Thời gian làm bài: 90 phút

I. Đọc - hiểu: (3,0 điểm)

Đọc kỹ văn bản sau và trả lời câu hỏi:

...Quê hương là cầu tre nhỏ
Mẹ về nón lá nghiêng che
Là hương hoa đồng cỏ nội
Bay trong giấc ngủ đêm hè
Quê hương là vòng tay ấm
Con nằm ngủ giữa mưa đêm
Quê hương là đêm trăng tỏ
Hoa cau rụng trắng ngoài thềm
Quê hương là vàng hoa bí
Là hồng tím giậu mồng tơi
Là đỏ đôi bờ dâm bụt
Màu hoa sen trắng tinh khôi
Quê hương mỗi người chỉ một
Như là chỉ một mẹ thôi
Quê hương có ai không nhớ...
(Trích "Quê hương"- Đỗ Trung Quân)

1. Nêu nội dung đoạn thơ? Qua đó, em có cảm nhận gì về tình cảm của Đỗ Trung Quân với quê hương (1,0 điểm)

2. Chỉ ra phương thức biểu đạt cơ bản của đoạn thơ (0,5 điểm)

3. Xác định biện pháp tu từ cơ bản của đoạn thơ và nêu tác dụng của nó (0,5 điểm)

4. Viết đoạn văn (khoảng từ 7 đến 10 câu) bày tỏ tình cảm của anh/ chị với quê hương đất nước. (1,0 điểm)

Phần II. Làm văn (7,0 điểm)

Câu 1. (3,0 điểm)

Thể hiện mình là nhu cầu của lứa tuổi học sinh.

Hãy viết một vãn bản nghị luận (khoảng 400 từ) trình bày suy nghĩ của anh (chị) về cách thể hiện bản thân trong môi trường học đường.

Câu 2. (4,0 điểm)

Cảm nhận về bài thơ sau:

Múa giáo non sông trải mấy thu
Ba quân khí mạnh nuốt trôi trâu
Công danh nam tử còn vương nợ
Luống thẹn tai nghe chuyện Vũ hầu.

("Tỏ lòng" - Phạm Ngũ Lão - Sách Ngữ văn 10, tập I, tr.115, 116)

----------------Hết-------------------
Học sinh không được sử dụng tài liệu. Cán bộ coi thi không giải thích gì thêm

Đáp án đề thi học kì 1 môn Ngữ văn lớp 10

SỞ GD & ĐT TP.HCM
TRƯỜNG THCS, THPT ĐÔNG DU
ĐÁP ÁN ĐỀ KIỂM TRA HỌC KÌ I
NĂM HỌC: 2015 - 2016
MÔN: NGỮ VĂN – LỚP 10
Thời gian làm bài: 90 phút


Phần I: Đoc hiểu

Câu 1 (1,0 điểm)

  • Nôi dung của đoạn thơ: Quê hương hiện thân trong những thứ bình dị, thân thương nhưng hàm chứa nhiều ý nghĩa nhân sinh sâu sắc và cao cả. (0,5 điểm)
  • Tình cảm của nhà thơ đối với quê hương: Yêu mến, tự hào về vẻ đẹp của quê hương. (0,5 điểm)
  • Lưu ý khi chấm:
    • Học sinh có thể có nhiều cách trả lời khác nhau, miễn đúng ý là cho điểm.
    • Không đủ chi tiết: - 0,25 điểm

Câu 2: (0,5 điểm)

  • Phương thức biểu đạt cơ bản: Miêu tả.
  • Lưu ý khi chấm: 
    • Nêu 2 phương thức (có 1 phương thức đúng): - 0,25 điểm
    • Nêu từ 3 - 6 phương thức: 0 điểm

Câu 3 (0,5 điểm)

  • Xác định biện pháp tu từ cơ bản của đoạn thơ: So sánh (0,25 điểm)
  • Tác dụng: Nhấn mạnh về những thứ bình dị, thân thương của quê hương. (0,25 điểm)
  • Lưu ý khi chấm:
    •  Chỉ ra được biện pháp tu từ: 0,25 điểm.
    • Chỉ ra 3 biện pháp tu từ trở lên: 0 điểm
    • Học sinh có thể có nhiều cách trả lời khác nhau, miễn đúng ý là cho điểm.

Câu 4 (1,0 điểm)

1. Yêu cầu nội dung

  • Trình bày được những ý sau
    • Tạo lập được đoạn văn, đảm bảo logic về ý.
    • Cần đưa ra được những ý cơ bản: Yêu quê hương, gắn bó với quê hương; đóng góp sức lực tài năng để góp phần xây dựng quê hương đất nước.
  • Diễn đạt sáng rõ, đúng chính tả.

2. Yêu cầu hình thức: Viết 1 đoạn (7 - 10 câu)

  • Viết bài phải đủ 3 phần (độ dài không vượt quá yêu cầu)
  • Viết 2 đoạn: Tối đa 0,75 điểm
  • Không thụt vào, không viết hoa đầu đoạn: Chỉ cho 0,75 điểm
  • Viết từ 10 - 12 câu: Vẫn cho 1,0 điểm
  • Viết quá ngắn (3 - 5 câu) hoặc quá dài (15 câu trở lên): 0,75 điểm
  • Viết 3 - 5 câu: 0,5 điểm 
  • Lưu ý khi chấm:
    • Viết được đoạn văn, trình bày được một số ý, nhưng chưa thật đầy đủ, sâu sắc: 0,75 điểm
    • Chỉ viết được 1 vài câu, ý sơ sài: 0,5 điểm
    • Viết sai nội dung: 0 điểm

Phần II: Làm văn

Câu 1 (3,0 điểm)

Thể hiện mình là nhu cầu của lứa tuổi học sinh. Hãy viết một bài văn ngắn (khoảng 400 từ) trình bày suy nghĩ về cách thể hiện bản thân trong môi trường học đường. 

1. Yêu cầu về kỹ năng

  • Nắm vững phương pháp làm bài nghị luận xã hội
  • Bố cục và hệ thống ý sáng rõ
  • Biết vận dụng phối hợp nhiều thao tác nghị luận (giải thích, chứng minh, bình luận...)
  • Văn trôi chảy, lập luận chặt chẽ, dẫn chứng thuyết phục
  • Không mắc lỗi diễn đạt; không sai lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp.

2. Yêu cầu về nội dung

a. Mở bài: Giới thiệu được vấn đề cần nghị luận (0,5 điểm)

b. Thân bài

  • Giải thích: Thể hiện mình là làm cho người khác thấy được những đặc điểm của bản thân qua những hành vi, cử chỉ, lời nói, việc làm...  (0,5 điểm)
  • Bàn luận (1,0 điểm)
    • Khẳng định: Thể hiện mình là một nhu cầu của lứa tuổi học sinh. Học sinh thể hiện mình để gây sự chú ý, để khẳng định bản thân hoặc để được tôn trọng, yêu thương...
    • Những biểu hiện: Ở môi trường học đường, học sinh có nhiều cách để thể hiện bản thân:
      • Có cách thể hiện tích cực, đúng đắn (chăm chỉ học tập, có ý thức kỉ luật, tích cực tham gia các phong trào, vâng lời thầy cô, yêu thương và quan tâm bạn bè...)
      • Có cách thể hiện tiêu cực, sai trái (đánh nhau, nói năng thiếu văn hóa, ăn mặc không phù hợp, làm ngược lại những điều tốt đẹp mà thầy cô khuyên bảo...)
    • Lưu ý: Có thể bàn luận cách thể hiện bản thân của riêng mình trong toàn bài, giám khảo dựa vào kĩ năng làm bài và nội dung bài làm của học sinh để đánh giá mức điểm.
  • Phê phán: Lên án, phê phán những cách thể hiện bản thân tiêu cực, sai trái. (0,5 điểm)

c. Kết bài: (0,5 điểm)

  • Khẳng định những cách thể hiện bản thân tích cực.
  • Đề ra cách thể hiện tích cực cho bản thân.

Câu 2 (4,0 điểm)

Phân tích bài thơ "Tỏ lòng" của Phạm Ngũ Lão 4,0

1. Yêu cầu về hình thức

  • Viết bài văn nghị luận: Bố cục phải rõ ràng (ít nhất 3 phần)
  • Đề bài có 2 yêu cầu
    • Cảm nhận bài thơ (bố cục đầy đủ)
    • Suy nghĩ về chí hướng của tuổi trẻ trong thời đại ngày nay.

2. Yêu cầu nội dung

a. Mở bài: (0,5 điểm)

  • Giới thiệu về tác giả, tác phẩm...
  • Trích thơ.
  • Lưu ý khi chấm: Không trích dẫn thơ - 0,25 điểm

b. Thân bài:

  • Cảm nhận chung (tựa đề, ...)   (0,5 điểm)
  • Hai câu thơ đầu: Hình tượng con người và quân đội thời Trần:
    • Câu 1: Hình ảnh người tráng sĩ thời Trần (0,5 điểm)
      • Hành động: Cắp ngang ngọn giáo (hoành sóc). Cây trường giáo như phải đo bằng chiều ngang của non sông.
      • Tư thế rắn rỏi, tự tin, kiêu hùng, hiên ngang, sẵn sàng trấn giữ đất nước. 
      • => Hình ảnh con người mang tầm vóc vũ trụ, xông xáo tung hoành, bất chấp nguy hiểm, với một tư thế hiên ngang, kì vĩ, sẵn sàng trấn giữ đất nước.
    • Câu 2: Hình tượng "ba quân" - quân đội thời Trần (0,5 điểm)
      • Ba quân: Quân đội nhà Trần (nghĩa hẹp).
      • Sức mạnh dân tộc (nghĩa rộng)
      • Sức mạnh như  hổ báo.
      • Khí thế như nuốt trôi trâu.
      • => Hai câu thơ đầu mang vẻ đẹp của hình tượng người anh hùng mang tầm vóc vũ trụ, được lồng trong hình tượng dân tộc, đã tạo nên một bức tranh toàn cảnh về thời đại nhà Trần. Đây chính là vẻ đẹp và sức mạnh của hào khí Đông A.
    • Lưu ý khi chấm: Nghệ thuật có thể tách riêng, có thể cảm nhận trong lúc phân tích
  • Hai câu cuối: Nỗi lòng của tác giả
  • Quan niệm về nợ công danh (0,5 điểm)
    • Theo quan niệm phong kiến: Làm trai trong xã hội phải lập công (sự nghiệp) để được ghi danh (lưu lại tiếng thơm) đến muôn  đời.
    • Công danh chính là món nợ phải trả của kẻ làm trai, trả  xong nợ công danh là hoàn thành nghĩa vụ với dân, với đời, với nước.
    • => Lập công danh là lí tưởng sống của nam nhi thời phong kiến . Đó là một tư tưởng tích cực.
  • Thẹn khi nghe chuyện Vũ hầu (0,5 điểm)
    • Vũ hầu: Tức Gia Cát Lượng, người thời Tam quốc, người có công giúp Lưu Bị khôi phục nhà Hán.
    • Đó là cái thẹn của một người có khát vọng lớn, nhân cách lớn, nỗi thẹn của mọt người có trách nhiệm với dân với nước.

c. Kết bài

  • Khái quát nội dung và nghệ thuật (0,5 điểm)
  • Cảm nhận, suy nghĩ của bản thân: Sống có lí tưởng, có ý chí, quyết tâm thực hiện lí tưởng. (0,5 điểm)

Lưu ý:

  • Có thể cảm nhận sơ sài nhưng vẫn đảm bảo thao tác (có trích thơ, không sai nội dung): Tối đa 2,5 điểm
  • Bố cục
    • Chỉ 2 phần: Thiếu phần nào trừ điểm phần đó
    • Viết một đoạn: Chỉ cho 1,0 điểm
  • Phân tích mà không trích thơ
    • Ở mở bài: - 0.25 điểm
    • Trong thân bài: Cho tối đa 1,0 điểm
  • Mở bài có trích thơ, thân bài không trích thơ: Nếu phân tích được: Tối đa 1,5 điểm
  • Sử dụng các dấu câu (sai qui cách) ở đầu đoạn: Tối đa 1,0 điểm
0