23/02/2018, 07:30

Đề thi học kì 1 lớp 9 môn Văn Sở GD&ĐT Nam Định năm học 2016 – 2017 có đáp án

Đề thi học kì 1 lớp 9 môn Văn của Sở GD&ĐT Nam Định năm học 2016 -2017 được tổ chức ngày 14-12-2016: Kể lại một câu chuyện (hoặc em đã từng trải qua) mang đến cho em bài học sâu sắc trong cuộc sống. SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO NAM ĐỊNH ĐỀ KHẢO SÁT CHẤT LƯỢNG HỌC KỲ 1 NĂM HỌC ...

Đề thi học kì 1 lớp 9 môn Văn của Sở GD&ĐT Nam Định năm học 2016 -2017 được tổ chức ngày 14-12-2016: Kể lại một câu chuyện (hoặc em đã từng trải qua) mang đến cho em bài học sâu sắc trong cuộc sống.

SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO NAM ĐỊNH

ĐỀ KHẢO SÁT CHẤT LƯỢNG HỌC KỲ 1

NĂM HỌC 2016 – 2017

MÔN: NGỮ VĂN – Lớp 9

Thời gian làm bài 90 phút

Phần I. Tiếng Việt (2 điểm)

1. (1 điểm)

“Chỉ nhớ khói hun nhèm mắt cháu

Nghĩ lại đến giờ sống mũi còn cay”

(Bếp lửa – Bằng Việt)

a) Từ mũi trong câu thơ trên được dùng với nghĩa gốc hay nghĩa chuyển?

b) Giải thích nghĩa từ mũi trong câu thơ trên

c) Đặt một câu có từ mũi được dùng với nghĩa chuyển và chỉ rõ phương thức chuyển nghĩa của từ mũi trong câu văn đó.

2. (1 điểm)

Đọc truyện cười sau và trả lời các câu hỏi:

Ai tìm ra châu Mĩ

  Trong giờ Địa Lí, thầy giáo gọi bạn A lên bảng chỉ bản đồ:

– Em hãy chỉ đâu là Châu Mĩ

– Thưa thầy đây ạ! – Bạn A chỉ trên bản đồ.

– Tốt lắm! Mời em về chỗ. Bây giờ thầy mời bạn B hãy cho thầy biết người có công tìm ra châu Mĩ là ai?

Bạn B nhanh nhẩu:

-Thưa thầy, bạn A là người có công tìm ra châu Mĩ ạ!

a) Trong truyện cười trên, câu trả lời của bạn B đã vi phạm phương châm hội thoại nào?

b) Nếu tuân thủ phương châm hội thoại thì bạn B phải trả lời thầy giáo như thế nào? Em hãy viết lại câu trả lời đó.

c) Câu thành ngữ nào sau đây có nội dung liên quan đến phương châm hội thoại bị vi phạm trong truyện cười trên: “Ông nói gà, bà nói vịt; Ăn ốc nói mò; Nói dơi nói chuột.

Phần II. Đọc hiểu văn bản (3,5 điểm)

Đọc đoạn văn:

“Dứt lời ông lão lại lật đật đi thẳng sang gian bên bác Thứ. Chưa đến bực cửa, ông lão đã
bô bô:
– Bác Thứ đâu rồi? Bác Thứ làm gì đấy? Tây nó đốt nhà tôi rồi bác ạ. Đốt nhẵn! Ông
chủ tịch làng tôi vừa mới lên trên này cải chính, ông ấy cho biết… cải chính cái tin làng Chợ
Dầu chúng tôi đi Việt gian ấy mà. Láo! Láo hết! Toàn là sai sự mục đích cả.
Bác Thứ chưa nghe thủng câu chuyện ra sao, ông lão đã lật đật bỏ lên nhà trên.
– Tây nó đốt nhà tôi rồi ông chủ ạ. Đốt nhẵn. Ông chủ tịch làng em vừa mới lên trên
này cải chính, ông ấy cho biết… cải chính cái tin làng Chợ Dầu chúng em đi Việt gian ấy mà.
Ra láo! Láo hết, chẳng có gì sất. Toàn là sai sự mục đích cả!
Cũng chỉ bằng ấy câu, ông lão lại lật đật bỏ đi nơi khác. Còn phải để cho mọi người khác
biết chứ. Ông lão cứ múa tay lên mà khoe cái tin ấy với mọi người. Ai ai cũng mừng cho ông
lão…”

(Kim Lân, Làng, Ngữ Văn 9 tập 1, NXB Giáo dục)

Trả lời các câu hỏi:

a) Nêu phương thức biểu đạt chính của đoạn văn trên?

b) Chỉ ra 2 chi tiết miêu tả cử chỉ, dáng vẻ của nhân vật ông lão trong đoạn trích trên

c) Ngoài miêu tả cử chỉ, dáng vẻ, tác giả đã sử dụng hình thức ngôn ngữ nào của nhân vật để thể hiện tâm trạng ông Lão?

d) Tâm trạng ông lão trong đoạn văn có gì mâu thuẫn? Vì sao ông lão có tâm trạng ấy?

e) Em hãy đặt tên cho đoạn văn trên?

Phần III. Làm văn (4,5 điểm)

Kể lại một câu chuyện (hoặc em đã từng trải qua) mang đến cho em bài học sâu sắc trong cuộc sống.

Bài làm

Cuộc sống là một chuỗi những biến hóa mà không một ai có thể lường trước được mọi điều, chính vì vậy mà khi những biến cố ấy ập đến thì con người thường bị bất ngờ, tùy vào năng lực và khả năng giải quyết của mỗi người mà những biến cố ấy được giải quyết theo những cách thức khác nhau, nếu là người có nghị lực, bản lĩnh không chịu đầu hàng trước số phận thì ta sẽ tìm được cách để vượt qua nó, chinh phục nó. Nhưng cũng có không ít người lựa chọn dừng lại, đầu hàng trước số phận. Tuy cách thức lựa chọn có thể khác nhau nhưng điều mà chúng ta nhận được sau những biến cố bất ngờ đó chính là những bài học vô cùng sâu sắc, là những bài học kinh nghiệm mà ta sẽ mang đến cuối cuộc đời. Tôi cũng đã từng biết đến một câu chuyện sâu sắc như vậy, nó bắt đầu từ những lầm lỗi, nhưng kết thúc nhân vật chính nhận được một bài học cho mình, hối hận vì những gì mình gây ra cho những người thương yêu.

Câu chuyện mà tôi được nghe thực ra là một bộ phim ngắn do Thái Lan sản xuất, câu chuyện kể về cuộc đời của một người mẹ lam lũ và một anh con trai bướng bỉnh, ngỗ ngược. Vì một bất đồng nhỏ mà anh ta bỏ nhà đi biền biệt, cùng vì hành động vô tình đó mà cuối cùng anh ta đã nhận được một bài học sâu sắc, phải hối hận khôn nguôi vì hành động bồng bột, vô tâm của mình. Câu chuyện tuy đề cập đến hình ảnh của một anh con trai nhưng khi xem xong ta sẽ thấy được hình ảnh của chính mình trong đó, bởi trong chúng ta ai cũng đã từng một lần làm cho bố mẹ buồn phiền, cũng từng vì giận dữ mà nói ra những lời không hay với người mà ta yêu thương nhất.

Đến cuối cùng, điều làm ta đau đớn nhất chính là sự hối hận, ăn năn muộn màng bởi trong một phút nào đó ta vô tình lãng quên đi cha mẹ, nhưng đối với cha mẹ thì không như vậy, tình yêu dành cho con cái luôn là vô bờ bến, dẫu con cái có mắc phải những sai lầm không thể tha thứ thì quay đầu ngoảnh lại vẫn có hình bóng của cha mẹ phía sau. Nội dung của bộ phim này kể về một người mẹ già yếu, sống cùng anh con trai trong ngôi nhà nhỏ, nghề nghiệp mà hai mẹ con dùng để mưu sinh hàng ngày là thu mua những đồ đạc cũ mà người ta không cần đến. Trong một lần nóng giận, người mẹ đá mắng anh con trai, nhưng vì tự ái mà anh con trai đã nói những lời không hay với mẹ và từ đó bỏ đi biền biệt, để lại người mẹ đau khổ, cô đơn trong ngôi nhà nhỏ.

Anh con trai đi liền mấy tháng mà không có một chút tung tích, cũng không hồi âm gì cho mẹ già. Nhưng người mẹ thì đâu có thể bỏ mặc mà không quan tâm gì đến đứa con mà mình dứt ruột đẻ ra được. Dù anh con trai có thái độ hỗn hào với mình nhưng người mẹ vẫn vô cùng đau buồn về sự ra đi của đứa con, mà trên tất cả là lo lắng, lo cho con có đủ cơm ăn, có bị ai bắt nạt hay không. Những ngày mòn mỏi chờ con chở về là những ngày đau đớn nhất đối với bà mẹ, ngày nào bà cũng ra cửa trông ngóng đứa con nhưng đều thất vọng trở vào. Thậm chí người mẹ ấy còn tự trách bản thân lúc ấy đã nặng lời khiến cho con tức giận mà bỏ đi.

Thế rồi không thể yên tâm ở nhà chờ đợi nữa, người mẹ già đã qua tuổi lục tuần ấy đã gom góp tất cả tiền bạc mà mình có, khăn gói lên đường tìm kiếm con trai. Bà mẹ không biết anh con trai đi đâu về đâu nhưng vẫn mang theo bức ảnh đã bạc màu khắp nơi dò hỏi tin tức của người con. Đất nước rộng lớn như vậy, không có một địa điểm cụ thể, người mẹ ấy cứ mải miết đi hết thành phố này qua thành phố khác, đến đâu bà cũng hỏi nhưng một chút tin tức cũng không có. Tiền bạc mang trên người cũng hết, ban ngày bà tìm con, ban đêm lại ngủ ở gầm cầu, ven đường vô cùng đáng thương. Ngay cả những bữa ăn qua ngày cũng là những người qua đường cho.     

Cầm lấy thức ăn được người ta cho, bà mẹ ứa nước mắt nghĩ về đứa con, và rồi quá đau khổ, bế tắc người mẹ ấy đã hóa điên. Dù đã không còn ý thức minh mẫn nhưng người mẹ ấy vẫn lang thang trên đường gọi con, người mẹ ấy già xọm đi, quần áo rách rưới, người ta thường nhìn thấy bà tìm kiếm đồ ăn ở những thùng rác công cộng. Hình ảnh đáng thương của bà mẹ khiến ta không cầm được nước mắt và thêm trách người con đã quá vô tâm, tàn nhẫn với mẹ của mình. Và trong một lần tìm kiếm thức ăn, bà mẹ nhìn thấy một chú chó nhỏ bị bỏ rơi, bà ôm con chó vào lòng và tưởng tượng đến hình ảnh đứa con lúc còn nhỏ.

Bà vừa khóc vừa ôm lấy con chó nhỏ như vừa tìm thấy đứa con của mình, đi đâu bà cũng gánh theo chú chó với tâm trạng đầy hồ hởi, những người xung quanh nhìn bà với con mắt cảm thông có, chê cười có. Và rồi đến một ngày định mệnh, con chó nhỏ chạy mất, bà mẹ hốt hoảng chạy đi gọi con, bà nhớ lại khoảnh khắc lúc con trai bỏ mình mà đi, bà mải miết chạy và tìm thấy chó nhỏ, bà ôm vào lòng mà không nhận ra người vừa đưa chú chó cho mình lại chính là anh con trai. Bất ngờ đau đớn hơn cả là anh con trai, bởi anh ta vẫn nghĩ mẹ mình đang sống yên ổn ở quê.

Tình trạng đáng thương của bà mẹ khiến cho anh ta ngỡ ngàng, đau đớn, muốn nói mà không nói ra được lời nào, chỉ biết câm lặng nhìn bà mẹ bế con chó mà rời xa mình. Sự đau khổ, hối hận đan xen, anh ta không cho phép mình bỏ rơi mẹ một lần nữa nên anh ta mặc kệ những ánh mắt tò mò xung quanh mà chạy lại, quỳ xuống dưới chân bà mẹ xin tha thứ. Kết thúc bộ phim, người mẹ vẫn chưa thể nhận ra được đứa con nhưng với sự hối lỗi chân thành của người con thì ta hoàn toàn có cơ sở để tin rằng anh ta sẽ không bao giờ mắc phải lỗi lầm xưa một lần nữa, người con bằng tình yêu, sự hối hận của mình rất có thể làm cho người mẹ trở nên tỉnh táo hơn chăng? Ta hoàn toàn có thể tin vào điều đó.

Câu chuyện về người mẹ điên khiến cho ta trải qua nhiều cung bậc của cảm xúc, cảm thông, thương cảm đến sự xót xa đau đớn và cuối cùng là niềm vui nhen nhóm khi người con cuối cùng cũng nhận ra lỗi lầm và trở về. Hơn hết, câu chuyện còn nhắc nhở ta trong cách ứng xử với mẹ của mình, trong cuộc sống đã có rất nhiều lần chúng ta có những xung đột, mâu thuẫn mà lớn tiếng với mẹ. Những lúc ấy chúng ta không ý thức được chúng ta đã nói những gì nhưng đó đều là những mũi dao đâm vào trái tim của những người mẹ. Mẹ có thể không biểu hiện sự đau đớn, mất mát ấy ra bên ngoài nên ta thường vô tâm bỏ qua và không mấy để ý.

Nhưng dù có lúc tức giận mà lớn tiếng với chúng ta đi nữa thì tình cảm của người mẹ đối với con cái của mình lại không hề một chút đổi thay, mẹ trách mẹ mắng bởi mẹ quan tâm và mong muốn chúng ta có thể trở thành những con người có ích, nghĩa là mong chúng ta tiến bộ, trưởng thành hơn. Nhưng bản thân chúng ta lại không vậy, cãi lại mẹ chỉ vì cái “tôi” đầy ích kỉ và thiển cẩn, những lời nói không hay của chúng ta sẽ làm cho mẹ buồn nhưng mẹ lại chẳng bao giờ trách mắng mà chỉ để trong bụng.

Sau tất cả thì người mẹ vẫn dành cho những đứa con tình yêu bao la, rộng lớn nhất, tấm lòng vị tha của người mẹ có thể tha thứ cho mọi lỗi lầm của người con, thậm chí có thể cảm hóa sự bướng bỉnh, làm cho những đứa con thay đổi tích cực hơn. Như trong câu chuyện trên, tuy là kết mở nhưng ta cũng tạm thở phào nhẹ nhõm vì cuối cùng sau bao nhiêu sóng gió của cuộc đời mình thì bà mẹ cũng tìm được anh con trai, dù nhận thức có mơ hồ nhưng giọt nước mắt đau khổ của bà mẹ cuối câu chuyện chính là một dấu hiệu cho một khởi đầu mới tốt đẹp hơn chăng.

Sinh ra và nuôi dưỡng chúng ta trưởng thành mẹ đã trải qua vô vàn những khó khăn nhưng mẹ không bao giờ nói, những lời nói của mẹ lúc tức giận có thể làm ta buồn nhưng những hành động của mẹ lại chứa chan yêu thương. Vì vậy những ai có mẹ thì đừng làm cho mẹ buồn, bởi có đi khắp thế gian thì cũng không tìm ra được ai tốt bằng mẹ.

0