Tham khảo đề thi học kì 1 lớp 9 môn Văn – Đông Anh Hà Nội năm 2016
Đề thi kiểm tra học kì 1 môn Ngữ văn lớp 9 Phòng GD&ĐT Đông Anh, Hà Nội năm học 2016 – 2017: Em hãy trình bày hoàn cảnh ra đời bài thơ “Ánh trăng”? Phần I (4.0 điểm) : Đọc đoạn trích sau và thực hiện yêu cầu bên dưới: “Tất cả trẻ em trên thế giới đều ...
Đề thi kiểm tra học kì 1 môn Ngữ văn lớp 9 Phòng GD&ĐT Đông Anh, Hà Nội năm học 2016 – 2017: Em hãy trình bày hoàn cảnh ra đời bài thơ “Ánh trăng”?
Phần I (4.0 điểm): Đọc đoạn trích sau và thực hiện yêu cầu bên dưới:
“Tất cả trẻ em trên thế giới đều trong trắng, dễ bị tổn thương và còn phụ thuộc. Đồng thời chúng hiểu biết, ham hoạt động và đầy ước vọng. Tuổi chúng phải được sống trong vui chơi, thanh bình, được chơi, được học và phát triển. Tương lai của chúng phải được hình thành trong sự hòa hợp và tương trợ. Chúng phải được trưởng thành khi được mở rộng tầm nhìn, thu nhận thêm những kinh nghiệm mới”.
1 (0.5 điểm): Đoạn trích trên có trong văn bản nào?
2 (1.5 điểm): Tìm trong đoạn trích trên các từ, cụm từ chỉ đặc điểm tâm sinh lý của trẻ em.
3 (2.0 điểm): Bảo vệ quyền lợi, chăm lo đến sự phát triển của trẻ em là một trong những vấn đề quan trọng, cấp bách, có ý nghĩa toàn cầu. Em hãy viết một đoạn văn (khoảng 1/2 trang giấy thi) phát biểu ý kiến về sự quan tâm, chăm sóc của nhà trường và chính quyền địa phương đối với trẻ em.
Phần II (6.0 điểm): Trong bài thơ “Ánh trăng”, Nguyễn Duy viết:
“Ngửa mặt lên nhìn mặt
có cái gì rưng rưng
như là đồng là bể
như là sông là rừng
Trăng cứ tròn vành vạnh
kể chi người vô tình
ánh trăng im phăng phắc
đủ cho ta giật mình.”
1 (0.5 điểm): Em hãy trình bày hoàn cảnh ra đời bài thơ “Ánh trăng”?
2 (1.0 điểm): Giải thích nghĩa của hai từ “mặt” trong câu thơ thứ nhất. Từ “mặt” nào được dùng theo nghĩa chuyển? Nghĩa chuyển đó được hình thành theo phương thức nào?
3 (1.5 điểm): Trong bài thơ, các hình ảnh “đồng”, “sông”, “bể”, “rừng” đã được nói đến ở một khổ thơ khác. Hãy chép chính xác khổ thơ đó. Theo em, các hình ảnh “đồng”, “sông”, “bể”, “rừng” ở khổ thơ này về ý nghĩa có gì khác so với hai khổ thơ trên?
4 (3.0 điểm): Em hãy viết một đoạn văn theo phép lập luận tổng hợp – phân tích – tổng hợp (khoảng 10 đến 12 câu) cảm nhận về nỗi niềm xúc động và suy nghĩ sâu sắc của nhà thơ được thể hiện qua hai khổ thơ trên, trong đoạn văn có sử dụng câu ghép. (Gạch chân dưới câu ghép)
ĐÁP ÁN ĐỀ THI HỌC KÌ 1 MÔN NGỮ VĂN LỚP 9
Phần I: 4.0 điểm
1
– HS nêu đúng tên văn bản: “Tuyên bố thế giới về sự sống còn, quyền được bảo vệ và phát triển của trẻ em”
– Lưu ý: Nếu HS nêu tên văn bản thiếu hoặc sai một vài từ thì không cho điểm.
2: HS chỉ ra các từ, cụm từ chỉ đặc điểm, tâm sinh lý của trẻ em:
“trong trắng” hoặc “đều trong trắng”
“dễ bị tổn thương”
“phụ thuộc” hoặc “còn phụ thuộc”
“hiểu biết”
“ham hoạt động”
“đầy ước vọng”
3: HS hoàn thành đoạn văn theo yêu cầu:
* Về hình thức:
– Khoảng 2/3 trang giấy thi
– Kiểu đoạn: Tùy chọn kiểu lập luận, có sự kết hợp các phương thức biểu đạt, diễn đạt sinh động, hấp dẫn…
* Về nội dung: Học sinh có nhiều cách diễn đạt khác nhau, song phải bày tỏ được những suy nghĩ, ý kiến, nhận thức, thái độ, hành động… đúng đắn khi nói về sự quan tâm, chăm sóc của nhà trường, chính quyền địa phương đối với trẻ em; từ đó biết trân trọng, thể hiện trách nhiệm của bản thân đối với bạn bè, thầy cô, nhà trường, xã hội …
* Biểu điểm:
– Đạt các yêu cầu về nội dung và hình thức, diễn đạt lưu loát, sinh động, hấp dẫn.
– Diễn đạt lưu loát, sinh động, hấp dẫn được song ý chưa thật sâu.
– Diễn đạt đủ ý, song dài dòng, còn mắc vài lỗi diễn đạt
– Thiếu ý, diễn đạt kém
* Lưu ý:
– Không cho điểm đoạn văn biểu hiện suy nghĩ lệch lạc, tiêu cực.
– Nếu đoạn văn quá dài (hơn 1 trang giấy) hoặc quá ngắn (ít hơn ½ trang giấy) trừ 0.25
Phần II: 6.0 điểm
1: HS nêu đúng: Bài thơ được viết năm 1978, tại Thành phố Hồ Chí Minh
2
* HS giải nghĩa:
– Từ “mặt” trong “Ngửa mặt”: Mặt người, một bộ phận trên cơ thể con người, từ trán xuống cằm.
– Từ “mặt” trong “nhìn mặt”: Mặt trăng, một vật thể trên trời.
* HS nêu đúng:
– Từ “mặt” trong “nhìn mặt” được dùng theo nghĩa chuyển.
– Nghĩa chuyển được hình thành theo phương thức ẩn dụ
3
– HS chép chính xác một khổ thơ có hình ảnh “đồng”, “sông”, “bể”, “rừng”:
Hồi nhỏ sống với đồng
với sông rồi với bể
hồi chiến tranh ở rừng
vầng trăng thành tri kỉ
– Sai một câu (sai chính tả, thiếu từ, viết hoa chữ đầu dòng của 3 câu cuối khổ…) trừ 0,25 điểm
* Học sinh có nhiều cách diễn đạt, song cần nêu được:
– Hình ảnh “đồng”, “sông”, “bể”, “rừng” ở khổ thơ vừa chép được dùng với nghĩa thực. Hoặc HS có thể nói: Đó là hình ảnh của thiên nhiên tươi mát, hồn nhiên, gắn bó với thời tuổi trẻ và thời chiến tranh gian lao ở rừng.
– Hình ảnh “đồng”, “sông”, “bể”, “rừng” ở hai khổ thơ trên được dùng với nghĩa ẩn dụ. Hoặc HS có thể nói: Đó là biểu tượng cho quá khứ gian lao, nghĩa tình, đầy ắp kỉ niệm đẹp đẽ.
4: HS hoàn thành đoạn văn theo yêu cầu:
* Về hình thức:
– Khoảng 10 đến 12 câu.
– Có sử dụng câu ghép
– Kiểu đoạn: Lập luận theo kiểu đoạn tổng hợp – phân tích – tổng hợp (Tổng – phân – hợp) diễn đạt sinh động, hấp dẫn, có cảm xúc…
* Về nội dung: Học sinh có nhiều cách diễn đạt khác nhau, song phải đảm bảo các yêu cầu sau:
Mở đoạn: Đạt yêu cầu về hình thức, nội dung.
Thân đoạn: Bám vào ngữ liệu (hai khổ thơ) để phân tích hiệu quả của các dấu hiệu nghệ thuật (thơ năm chữ, từ nhiều nghĩa, điệp ngữ, các biện pháp tu từ…) có dẫn chứng, lí lẽ làm nổi bật nỗi niềm xúc động, suy ngẫm sâu sắc của nhà thơ khi đối diện với vầng trăng cũng là đối diện với quá khứ nghĩa tình.
Kết đoạn: Đạt yêu cầu về hình thức, nội dung.
* Biểu điểm:
Đạt các yêu cầu về nội dung và hình thức, diễn đạt lưu loát, sinh động, hấp dẫn, cảm nhận sâu sắc..
Đạt các yêu cầu về nội dung và hình thức, diễn đạt lưu loát, sinh động, hấp dẫn, song ý chưa thật sâu.
Diễn đạt song còn mắc vài lỗi diễn đạt.
Diễn xuôi ý thơ, dài dòng, còn mắc vài lỗi diễn đạt.
Ý quá sơ sài, nhiều lỗi diễn đạt
Chưa thể hiện được phần lớn ý hoặc sai lệch về nội dung, diễn đạt kém…
* Lưu ý:
Nếu đoạn văn quá dài (hơn 13 câu) hoặc quá ngắn (ít hơn 9 câu) hoặc nhiều đoạn, sai kiểu đoạn: Trừ 0.25 điểm
Chưa gạch chân dưới câu ghép: Trừ 0.25 điểm