14/01/2018, 15:46

Đề thi chọn học sinh giỏi tỉnh Bắc Ninh môn Ngữ văn lớp 12 Chuyên năm 2015 - 2016

Đề thi chọn học sinh giỏi tỉnh Bắc Ninh môn Ngữ văn lớp 12 Chuyên năm 2015 - 2016 Đề thi HSG cấp tỉnh môn Văn có đáp án Đề thi học sinh giỏi tỉnh Bắc Ninh môn Văn lớp 12 Chuyên gồm 2 câu hỏi với thang ...

Đề thi chọn học sinh giỏi tỉnh Bắc Ninh môn Ngữ văn lớp 12 Chuyên năm 2015 - 2016

Đề thi học sinh giỏi tỉnh Bắc Ninh môn Văn lớp 12 Chuyên

gồm 2 câu hỏi với thang điểm 20, đây là đề thi học sinh giỏi cấp tỉnh có đáp án đi kèm, giúp các bạn tham khảo và luyện tập, củng cố kiến thức môn Văn nâng cao hiệu quả.

Đề thi học sinh giỏi môn Ngữ văn lớp 12 TP. Hồ Chí Minh năm 2015 - 2016

Đề thi học sinh giỏi môn Ngữ văn lớp 12 trường THPT Chuyên Nguyễn Du, Đắk Lắk

Đề thi học sinh giỏi quốc gia THPT môn Ngữ văn năm 2016

UBND TỈNH BẮC NINH

SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

ĐỀ CHÍNH THỨC

ĐỀ THI CHỌN HỌC SINH GIỎI CẤP TỈNH

NĂM HỌC 2015 - 2016

Môn: Ngữ văn - Lớp 12 Chuyên

Thời gian làm bài: 180 phút (không kể thời gian giao đề)

Ngày thi: 24 tháng 3 năm 2016

Câu 1 (8 điểm). Đọc bài thơ sau:

Bản hợp đồng cuối cùng

Buổi sáng tôi đi trên con đường lát đá
Và rao lên: "Nào, ai thuê tôi thì đến thuê"
Ông vua ngồi trên xe đi tới,
kiếm cầm trong tay.
Ông nắm tay tôi và bảo
"Ta muốn thuê ngươi bằng quyền lực của ta"
Nhưng quyền lực của y thì có gì đáng kể,
và thế là y lại đi

Dưới trời trưa nóng bỏng
Những ngôi nhà đóng cửa đứng yên.
Tôi lang thang trên con đường nhỏ quanh co
Một ông già bước ra, mang một túi vàng.
Ông suy nghĩ rồi bảo:
"Ta sẽ thuê ngươi bằng tiền bạc của ta".
Ông ta nhấc tiền lên, đồng này rồi đồng khác
nhưng tôi đã quay lưng.

Chiều đã xuống, khu vườn nở hoa đầy giậu.
Một cô gái xinh đẹp đến vào bảo
"Tôi sẽ thuê anh bằng một nụ cười"
Nụ cười của cô ta đã nhạt đi
và tan thành nước mắt,
và cô trở về trong bóng tối một mình

Ánh mặt trời long lanh trên cát
và sóng vỗ rì rào
Một cậu bé ngồi chơi với dăm vỏ ốc
Cậu ngẩng đầu lên và dường như cậu nhận ra tôi
rồi nói: "Tôi thuê anh với hai bàn tay trắng"
Và từ khi bản hợp đồng được kí chơi với cậu bé
tôi đã thành người tự do.

(Thơ Ta-go - Bản dịch của Đào Xuân Quý)

Từ ý nghĩa của "bản hợp đồng cuối cùng" trong bài thơ, anh/chị hãy bình luận quan niệm về tự do của Ta-go.

Câu 2. (12 điểm)

Trong bài văn "Đọc Kiều một ngày kia", Chế Lan Viên viết: "Trong câu Kiều xưa ta tìm ra Nguyễn Du và tìm ra chính mình".
Anh (chị) suy nghĩ gì về câu văn trên? Bằng các tác phẩm văn học đã học trong chương trình Ngữ văn trung học phổ thông, anh (chị) hãy làm sáng tỏ.

Đáp án đề thi HSG tỉnh Bắc Ninh môn Văn lớp 12 Chuyên

Câu 1: 8 điểm

A. Gợi ý chung:

  • Vấn đề nghị luận: quan niệm về tự do của Ta-go: tự do nghĩa là sự giải thoát khỏi ràng buộc của những dụng vọng, ham muốn tầm thường.
  • Thao tác nghị luận hỗn hợp: bình luận, phân tích, giải thích, chứng minh...

B. Gợi ý triển khai vấn đề:

1. Phân tích ý nghĩa của bài thơ:

  • Bài thơ có dáng dấp như một câu chuyện dân gian với tình huống đặc biệt: một chàng trai ra giá thuê mình, đi tìm kiếm một bản hợp đồng. Lần lượt, nhà vua thuê bằng quyền lực, ông già thuê bằng tiền bạc, cô gái xinh đẹp thuê bằng nhan sắc... nhưng anh ta đều không đồng ý. Cuối cùng, chàng trai kí kết một bản hợp đồng đặc biệt với một cậu bé, một thứ hợp đồng như trò chơi thuần túy tinh thần và phi vật chất: chơi với cậu bé một ngày trên bãi biển, cậu bé chẳng có gì trả cho anh và thực ra, anh không phải lao động đúng nghĩa. Chính lúc kí bản hợp đồng cuối cùng này, anh cảm thấy "mình thành người tự do".
  • Ẩn sau mạch tự sự là mạch triết lí. Chàng trai ra giá thuê mình mà tại sao lại không chấp nhận kí hợp đồng với người có quyền lực, có tiền bạc, có nhan sắc? Là bởi vì những điều đó đều khiến anh ta thấy mất tự do. Bản hợp đồng với cậu bé đã được kí kết vì anh thấy mình tự do. Như vậy, bài thơ là hành trình tìm kiếm tự do, hành trình của một khát vọng. Từ đó, triết lí nảy ra: chỉ khi nào tâm hồn con người được giải thoát khỏi sự cám dỗ, ràng buộc của quyền lực, tiền tài, sắc đẹp... nghĩa là những ham muốn, dục vọng vật chất, thì mới có được sự tự do đích thực trong tinh thần.

2. Bàn luận quan niệm về tự do của Ta-go.

2.1. Giải thích khái niệm

  • Tự do (của cá nhân) là trạng thái con người tự mình làm chủ mình, không lệ thuộc vào người khác, không bị người khác chi phối và được nghĩ, được hành động theo đúng những đòi hỏi của tâm hồn mình trên cơ sở nhận thức về lẽ phải.
  • Tự do vừa là bản chất tự nhiên, vừa là khát vọng thường trực của mỗi con người. Tìm kiếm tự do trở thành bản năng sống của mỗi người. Càng thiếu tự do, con người càng khao khát tự do.

2.2. Lí giải quan niệm của Ta-go.

Vì sao giải thoát khỏi quyền lực, tiền bạc, sắc đẹp con người sẽ có tự do?

  • Bản chất của con người khi sinh ra là tự do. Đó là quyền tự nhiên của mỗi con người. Quyền lực, tiền bạc, sắc đẹp... là hiện thân cho những mong muốn, dụng vọng vật chất có thể điều khiển, chi phối suy nghĩ, hành động của con người, khiến con người không được sống đúng với mong muốn thực sự của mình, nghĩa là mất tự do. Ngược lại, thoát khỏi cái nhà tù vô hình của dục vọng, con người sẽ có được tự do trong tinh thần- một biểu hiện cao nhất, sâu sắc nhất của tự do.

Vì sao tự do tinh thần là biểu hiện cao nhất, sâu sắc nhất của tự do?

  • Tinh thần và thể xác của con người dù thống nhất nhưng luôn có sự độc lập tương đối. Tự do thể xác đôi khi không đồng nghĩa với tự do tinh thần. Và tự do tinh thần lại quyết định tự do thể xác. Tinh thần cảm thấy không tự do thì thể xác tự do cũng vô nghĩa. Tinh thần tự do thì ngay cả khi thể xác bị cầm tù, con người vẫn thấy tự do. Vì thế, tự do tinh thần là biểu hiện cao nhất và sâu sắc nhất của tự do.
  • Tự do tinh thần đem đến sự thanh thản và cảm giác sung sướng thỏa nguyện, tức là cảm giác hạnh phúc nên nó là thứ tự do cao nhất mà con người luôn khao khát, kiếm tìm.

2.3. Đánh giá quan niệm của Ta-go

  • Bài thơ thể hiện một quan niệm đúng đắn, sâu sắc về tự do.
  • Quan niệm này định hướng cho con người cách giải thoát khỏi những ràng buộc của cuộc sống, tìm được sự an nhiên, thanh thản trong tâm hồn để có niềm vui, niềm hạnh phúc đích thực.

2.4. Mở rộng, liên hệ:

  • Tự do tinh thần phải đi cùng với hiểu biết về lẽ phải, nó không bao giờ có nghĩa là vô chính phủ, là hoang dã, không luật lệ... Không thể dựa vào tự do để làm những điều bất nghĩa, phi nghĩa, không có đạo đức và văn hóa...
  • Tự do không có nghĩa là không ham muốn bất kì điều gì... mà chỉ là làm như lời nhà Phật dạy: "tri túc, tiểu dục" (biết đủ, muốn ít).
  • Tự do của mỗi cá nhân phải gắn liền với tự do, độc lập của đất nước, dân tộc...
  • Lối sống thực dụng của con người hiện đại cho thấy con người đang đánh mất tự do tinh thần của chính mình...

3. Bài học rút ra:

  • Để có được hạnh phúc trong cuộc sống, con người cần tìm cho mình sự tự do trong tinh thần.
  • Giảm bớt ham muốn, làm điều thiện, sống đúng với suy nghĩ, mong muốn của chính mình ta sẽ cảm thấy tự do.

C. Biểu điểm:

  • Điểm 7 - 8: Bài viết nắm chắc vấn đề, đáp ứng tốt yêu cầu của đề, của bài văn nghị luận xã hội, có ý kiến sắc sảo, sáng tạo, có kiến thức xã hội phong phú.
  • Điểm 5 - 6: Hiểu vấn đề, biết làm văn nghị luận xã hội, dẫn chứng sống động song chưa phong phú, không mắc lỗi.
  • Điểm 3 - 4: Hiểu vấn đề nhưng chưa lập luận chặt chẽ, ý văn chưa sáng, còn vài lỗi diễn đạt.
  • Điểm 1 - 2: Hiểu vấn đề lơ mơ, dẫn chứng nghèo nàn, diễn đạt còn lỗi
  • Điểm 0: Không viết bài.

Câu 2: 12 điểm

A. Gợi ý chung:

  • Vấn đề nghị luận: mối quan hệ tri âm giữa tác giả và người đọc trong quá trình tiếp nhận văn học; giá trị nhận thức to lớn của văn học..
  • Thao tác nghị luận hỗn hợp: bình luận, phân tích, giải thích, chứng minh...

B. Gợi ý triển khai vấn đề:

1. Giải thích + chứng minh + bình luận:

a. Vế 1: "Trong câu Kiều xưa ta tìm ra Nguyễn Du".

  • Câu văn gợi cho ta suy nghĩ về hoạt động tiếp nhận một tác phẩm văn học, về mối quan hệ giữa nhà văn và người đọc. Người đọc tìm ra Nguyễn Du trong câu Kiều nghĩa là tìm ra, thấu hiểu tâm tư, tình cảm của tác giả, tìm thấy cả nỗi đau, nỗi cô đơn, niềm hi vọng... của họ gửi gắm trong tác phẩm. Khi ấy người đọc và người viết có quan hệ tri âm. Đây là quan hệ lí tưởng của hoạt động tiếp nhận văn học.
  • Vì sao? Vì quá trình sáng tác văn chương là quá trình nhà văn mã hóa những tâm tư, tình cảm của mình bằng văn bản ngôn từ. Người viết luôn kì vọng ở người đọc hiểu được tác phẩm của mình, hiểu mình (Bất tri tam bách dư niên hậu/ Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như?). Quá trình tiếp nhân là quá trình người đọc giải mã tác phẩm để hiểu, đồng cảm với tâm tư, tình cảm của nhà văn.
  • Làm thể nào để tìm ra Nguyễn Du trong câu Kiều?

Người đọc - người viết có sự tri âm là điều không dễ. Để có được quan hệ lí tưởng đó yêu cầu người đọc cần : hiểu đúng tác phẩm để đồng cảm với nhà văn; có tri thức văn hóa; có sự từng trải trong cuộc sống...Những tác phẩm càng lớn thì quá trình mã hóa càng phức tạp và vì vậy quá trình tri âm càng nhọc nhằn.

  • Chứng minh: cần chứng minh bằng những tác phẩm đã học trong chương trình ở các thể loại thơ, truyện như: Truyện Kiều (Nguyễn Du), Đây thôn Vĩ Dạ (Hàn Mặc Tử), Chí Phèo (Nam Cao), Tây Tiến (Quang Dũng), Đàn ghi ta của Loca (Thanh Thảo), Chiếc thuyền ngoài xa (Nguyễn Minh Châu)... Ở mỗi tác phẩm cần chỉ rõ: con người tác giả ở bề sâu bề xa câu chữ của tác phẩm là con người như thế nào? Tâm tư, tình cảm gì của nhà văn được gửi gắm?... (Bài viết giỏi có thể chứng minh mở rộng: không phải tác phẩm nào cũng có hạnh phúc tìm được tri âm ngay).

b. Vế 2: "Trong câu Kiều xưa ta tìm ra chính mình".

  • Giải thích: tìm ra chính mình nghĩa là hiểu mình, là soi vào tác phẩm ta thấy rõ tình cảm của mình, thấy cả sự thiếu hụt, bất toàn của mình. Đây chính là giá tị to lớn mà văn chương đem lại, cũng là chức năng nhận thức của văn chương..
  • Vì sao? Vì hoạt động tiêp nhận là hoạt động đối thoại (tương thoại). Người đọc luôn phải chủ động. Muốn hiểu được người khác thì ta phải nhìn lại chính mình. Và khi hiểu người khác thì càng hiểu mình hơn.
  • Chứng minh: chọn những tác phẩm như trên và làm rõ: soi vào tác phẩm thấy tình cảm, cảm xúc của mình trong đó như thế nào? Thấy được cả phần chưa biết hết của tâm hồn mình ra sao?...

2. Bình luận mở rộng:

  • Đoc văn chương để đạt được yêu cầu trên là phải đọc như thế nào?
    • Không thể đọc hời hợt mà phải đọc nghiền ngẫm
    • Đọc phải sống với từng con chữ trong tác phẩm...
  • Bài học cho người cầm bút

C. Biểu điểm

  • Điểm 11 - 12: Bài viết nắm chắc vấn đề, đáp ứng tốt yêu cầu của đề, của bài văn nghị luận văn học, có kiến thức lí luận, kiến thức văn học sử và kiến thức tác phẩm tốt, có ý kiến sắc sảo, sáng tạo, luận điểm rõ ràng, không mắc lỗi diễn đạt.
  • Điểm 8 - 10: Hiểu đề, biết làm văn nghị luận văn học, có kiến thức lý luận, kiến thức văn học sử và kiến thức tác phẩm khá vững chắc, luận điểm tương đối rõ ràng, có thể mắc một vài lỗi diễn đạt nhỏ.
  • Điểm 6 - 7: Hiểu vấn đề nhưng lí luận chưa chặt chẽ, ý văn chưa sáng, còn vài lỗi diễn đạt
  • Điểm 4 - 5: Chưa thật hiểu yêu cầu của đề, có kiến thức tác phẩm nhưng chưa sâu.
  • Điểm 1 - 3: Hiểu sai đề.
  • Điểm 0: Không viết bài.

(Lưu ý: GK có thể vận dụng biểu điểm một cách linh hoạt)

0