Đề khảo sát chất lượng giữa kì 2 lớp 7 môn Văn: Giải thích ‘Thất bại là mẹ thành công’
Đề khảo sát chất lượng giữa kì 2 lớp 7 môn Văn: Giải thích ‘Thất bại là mẹ thành công’ Đề thi giữa học kì 2 môn Văn lớp 7 của phòng GDĐT Bình Giang năm học 2016. Em hãy giải thích ý nghĩa của câu tục ngữ: Thất bại là mẹ thành công 1. a) Thế nào là câu rút gọn? Người ta rút gọn câu ...
Đề khảo sát chất lượng giữa kì 2 lớp 7 môn Văn: Giải thích ‘Thất bại là mẹ thành công’
Đề thi giữa học kì 2 môn Văn lớp 7 của phòng GDĐT Bình Giang năm học 2016. Em hãy giải thích ý nghĩa của câu tục ngữ: Thất bại là mẹ thành công
1. a) Thế nào là câu rút gọn? Người ta rút gọn câu nhằm mục đích gì?
b) Tìm câu rút gọn trong các câu sau và cho biết thành phần được rút gọn là thành phần nào?
Gió nhè nhẹ thổi. Mơn man khắp cánh đồng. Làm lay động các khóm hoa.
2. Đọc đoạn văn sau và trả lời câu hỏi:
“Văn chương gây cho ta những tình cảm ta không có, luyện những tình cảm ta sẵn có; cuộc đời phù phiếm và chật hẹp của cá nhân vì văn chương mà trở nên thâm trầm và rộng rãi đến trăm nghìn lần”
a) Đoạn văn trên trích trong văn bản nào? Tác giả là ai?
b) Phương thức biểu đạt chính của văn bản đó là gì? Tìm các từ láy có trong đoạn văn.
c) Em hãy giải thích ý nghĩa câu văn sau: “Văn chương gây cho ta những tình cảm ta không có, luyện những tình cảm ta sẵn có.”
3 . Em hãy giải thích ý nghĩa của câu tục ngữ: Thất bại là mẹ thành công
MÔN: NGỮ VĂN – LỚP 7HƯỚNG DẪN CHẤM KHẢO SÁT CHẤT LƯỢNG GIỮA KÌ II
Câu1:
a. HS nêu được khái niệm câu rút gọn:
– Khi nói hoặc viết, có thể lược bỏ một số thành phần của câu , tạo thành câu rút gọn
Người ta rút gọn câu nhằm mục đích:
– Làm cho câu gọn hơn, vừa thông tin được nhanh, vừa tránh lặp những từ ngữ đã xuất hiện trong câu đứng trước.
– Ngụ ý hành động, đặc điểm nói trong câu là của chung mọi người (lược bỏ chủ ngữ)
b. HS xác định được câu rút gọn trong các câu văn:
Mơn man khắp cánh đồng. Rút gọn là thành phần CN
Làm lay động các khóm hoa. Rút gọn là thành phần CN
Câu2: a. – Đoạn văn trên trích trong văn bản: “Ý nghĩ văn chương”. – Tác giả: Hoài Thanh
b. Phương thức biểu đạt chính: Nghị luận
Các từ láy có trong đoạn văn: phù phiếm, thâm trầm, rộng rãi
( Nếu HS tìm đúng 2 từ cho 0,25 điểm nếu 1 từ cũng cho 0,25 điểm)
c. Học sinh giải thích ngắn gọn:
Văn chương gây cho ta những tình cảm ta không có:
– Con người ai cũng có những tình cảm thông thường như: yêu, ghét, vui, buồn…ngoài những tình cảm đó còn có những tình cảm khác lạ.Văn chương sẽ bổ sung cho ta những tình cảm mới mẻ đó.
Văn chương luyện những tình cảm ta sẵn có:
– Con người nói chung có những tình cảm thông thường, nhưng qua những tác phẩm văn chương sẽ luyện những tình cảm này thêm sâu sắc.
Câu3: HS có thể viết theo nhiều cách khác nhau song phải đảm bảo các nội dung chính sau:
a. MB:: (0,5 điểm)- Trong cuộc sống, tất cả mọi người đều mong muốn đạt được thành công, nhưng thực tế trước khi đến với thành công ta thường phải trải qua khó khăn, thậm chí thất bại.- Giới thiệu trích dẫn câu tục ngữ: Thất bại là mẹ thành công.
b. TB* Giải thích câu tục ngữ
– Thất bại là khi con người không đạt được mục đích của mình. Trong cuộc đời mỗi con người, ai cũng có lần thất bại trong công việc. Công việc càng khó, khả năng thất bại càng cao.
– Tuy nhiên, có thất bại thì ta có kinh nghiệm. Mỗi lần thất bại là mỗi lần rút ra bài học để sửa đổi (lối suy nghĩ, cách làm việc…), từ đó giúp ta tiến gần đến sự thành công.
– Thất bại là nguồn gốc, động lực của thành công. Nói cách khác, có thất bại mới thành công.
* Tại sao nói : Thất bại là mẹ thành công:
– Thất bại giúp cho ta có được những kinh nghiệm quý giá cho lần sau, thất bại khiến cho ta hiểu được nguyên nhân vì sao ta chưa thành công, từ đó tìm cách khắc phục.
– Thất bại là động lực để con người cố gắng, nỗ lực cho lần sau: Thất bại khiến cho con người càng khao khát thành công hơn, càng cố gắng nghiên cứu tìm tòi.
– Con người có được những thành công trong cuộc sống chính là biết đi lên từ những thất bại. Một phát minh khoa học bao giờ cũng phải trải qua nhiều lần thất bại. Một người thành đạt thường đi lên từ những bước gian khổ, thậm chí có lúc tưởng chừng như không thể vượt qua.
-Thành công có được sau những thất bại thường có giá trị chắc chắn, vững bền, đem lại cảm giác hạnh phúc thực sự cho con người
– Một học sinh vật vã trước một bài toán khó và cuối cùng cũng tìm ra lời giải…
Trong cổ tích, những nhân vật bất hạnh thường trải qua nhiều thử thách, cay đắng rồi mới tìm được hạnh phúc…
* Nêu một vài dẫn chứng để lời giải thích có tính thuyết phục. – Mạc Đĩnh Chi với ngọn đèn đom đóm
– Thần Siêu: Tấm gương luyện chữ của Nguyễn Văn Siêu
c. KB: Khẳng định giá trị của câu tục ngữ: là lời khuyên đúng đắn, chỉ ra động lực, nguồn gốc của thành công.
– Liên hệ bản thân: Gặp thất bại nhưng không nản chí mà tiếp tục học hỏi để tiến bộ và vươn đến thành công.
Em hãy giải thích ý nghĩa của câu tục ngữ: Thất bại là mẹ thành công
Bài làm
Trong cuộc sống lao động và học tập, con người ai cũng gặp phải khó khăn, gian nan, thử thách và sẽ có lần vấp ngã. Có người có thể tự đứng lên được, nhưng cũng có người ngã quỵ dưới thất bại của chính mình. Để khuyên bảo, động viên, nhắc nhở con cháu, ông cha ta đã có câu:” Thất bại là mẹ thành công”.
“Thất bại là mẹ thành công” có nghĩa là gì? Thất bại chính là những lần vấp ngã, là khi công việc của ta gặp khó khăn, không có kết quả tốt như chúng ta mong đợi. Còn thành công thì ngược lại. Thành công có nghĩa là đạt được những kết quả mà ta mong muốn và hoàn thành công việc ấy một cách thuận lợi và tốt đẹp. Mẹ là những người sinh ra con, nhờ có mẹ mới có con cũng như có thất bại mới có thành công. ” Thất bại là mẹ thành công mang một ngụ ý đó là: đừng nản long trước thất bại mà phải học tập rút kinh nghiệm thì ” thất bại” sẽ dạy cho ta cách đạt kết quả cao hơn.
Vì sao nói ” Thất bại là mẹ thành công”? Mới đầu ta thấy câu nói trên có vẻ mâu thuẫn với nhau. Thất bại và thành công là hai chuyện trái ngược nhau hoàn toàn, không hề có liên hệ gì với nhau cả. Nhưng sau một hồi suy ngẫm, ta thấy được rằng câu tục ngữ này chẳng hề vô lý chút nào cả mà trái lại, nó rất liên kết với nhau. Bởi vì sau khi mỗi lần thất bại, ta sẽ tìm ra nguyên nhân dẫn đến những sai sót của ta, từ đó rút ra được những kinh nghiệm quý báu, giúp ta tránh phạm những sai lầm đó nữa và ngày càng tiến tới bước đường thành công hơn.
Đối với những người sợ thất bại thì điều này hoàn toàn không đúng với họ, bởi vì họ không có ý chí để vươn lên, lúc nào cũng muốn mình sống trong một cuộc đời không phạm sai lầm nào cả thì đó là người ảo tưởng hay hèn nhát đối mặt với cuộc sống. Còn những người mà khi ngã gục giữa đường đời thì họ lại dũng cảm đứng dậy, càng quyết tâm làm lại từ đầu. Biết phân tích, mổ xẻ nguyên nhân thất bại để tìm cách tránh sai lầm lần nữa. Và qua đó người ta có được những bài học cũng như kinh nghiệm quý báu để công việc trở nên tiến triển tốt hơn. Như thế câu tục ngữ mới có giá trị, ý nghĩa với họ.
Vậy tại sao ta phải kiên trì bền bỉ trước những khó khăn thất bại? Đó là vì cuộc sống khó tránh khỏi những khó khăn. Khi ta làm một việc lớn thì khó khăn lại càng lớn. Khó khăn có thể do chủ quan hoặc khách quan gây nên. Khi gặp khó khăn, thất bại mà ngã lòng thì sẽ thất bại hoàn toàn, mất hết ý chí, ảnh hưởng đến công việc và cuộc đời. Ngược lại, nếu vững vàng, lấy thất bại làm bài học để rút kinh nghiệm thì ý chí vững vàng, kinh nghiệm dày dặn hơn, tiếp tục vươn lên và đạt được thành công.
Không chỉ vậy, thất bại còn là động lực để chúng ta tiếp tục tìm tòi, học hỏi. Những người thực sự khao khát học hỏi, khám phá thế giới thường có lòng tự trọng rất cao. Trong số họ, ít ai dễ dàng chịu đầu hàng. Thất bại khiến niềm kiêu hãnh và lòng tự trọng của họ bị tổn thương. Chính điều đó thúc đẩy họ tìm tòi, học hỏi và làm việc nhiều hơn nữa để thực hiện bằng được công việc của mình. Ngoài ra thất bại còn rèn luyện cho con người ý chí quyết tâm.
Thực tế trong cuộc sống, có rất nhiều tấm gương không sợ thất bại. Điển hình như: Thomas Edison từng thất bại cả trăm lần trước khi sáng tạo ra bóng đèn điện; trước khi sáng lập ra Disneyland, Walt Disney đã từng bị tòa báo sa thải vì thiếu ý tưởng; Lép Tôn-xtôi tác giả của tiểu thuyết nổi tiếng Chiến tranh và hòa bình từng bị đình chỉ học tập vì vừa không có năng lực và thiếu ý chí học tập;…
Vậy xin chớ lo thất bại. Điều đáng sợ hơn là chúng ta bỏ qua nhiều cơ hội chỉ vì không cố gắng hết mình. Lời khuyên đó giúp ta vững vàng trong cuộc sống. Chúng ta cần phải rèn luyện ý chí, sự kiên trì ngay từ khi còn nhỏ, cả những việc bình thường trong cuộc sống.