Dàn ý bài văn thuyết minh về cây đào số 4 - 12 dàn ý bài văn thuyết minh về cây đào ngày Tết chi tiết nhất
I. Mở bài: Giới thiệu: Nếu như hoa mai tượng trưng cho một cái Tết sung túc ở phương Nam thì hoa đào là biểu tượng cho một mùa xuân bất diệt ở miền Bắc. II. Thân bài: 1. Nguồn gốc, xuất xứ Có nguồn gốc xa xôi ở xứ Ba Tư. 2. Cấu tạo - Cây đào thuộc họ hoa ...
I. Mở bài:
Giới thiệu: Nếu như hoa mai tượng trưng cho một cái Tết sung túc ở phương Nam thì hoa đào là biểu tượng cho một mùa xuân bất diệt ở miền Bắc.
II. Thân bài:
1. Nguồn gốc, xuất xứ
Có nguồn gốc xa xôi ở xứ Ba Tư.
2. Cấu tạo
- Cây đào thuộc họ hoa hồng, thân gỗ nhỏ, cao khoảng từ năm đến mười mét
- Lá có hình mũi mác.
- Hoa mọc đơn độc, có màu hồng hoặc màu trắng, năm cánh mềm mại, mịn màng như nhung.
- Khi cây ra hoa ngắn, hầu như không có cuống, đài có ống hình chuông, thùy hình trứng, có nhiều nhị.
3. Phân loại
- Đào phai có hoa màu phớt hồng, hoa đơn, to, mau tàn.
- Đào bạch rất hiếm, ít người có, loại này phát nhiều tán và cành sum xuê.
- Đào bích hoa đơn hoặc hoa kép, hoa nhỏ, hoa nở không kết thành quả, hoa nhiều tràng trùng lặp, cánh dày, màu rất đẹp, lâu tàn.
- Bích đào có nhiều loại như bích đào hoa hồng, bích đào hoa đỏ, bích đào hoa trắng, bích đào ánh kim, bích đào lá tím, bích đào cành rủ. Đào bích là loại đào đẹp nổi tiếng, được nhiều người ưa thích nhất.
- Ở Nhật Tân có giống đào thất thốn, thường gắn với cái tên "đào tiến vua". Khi thời tiết thuận lợi, đào thất thốn cho hoa to nhất, đỏ nhất, bền nhất, hoa nở điểm không nở rộ. Song giống đào này nở hoa muộn, không mang lại giá trị kinh tế nên ít được trồng.
4. Cách chọn đào
- Để chọn được một cành đào đẹp. trước tiên cần biết một cành đào đẹp thì có hoa cánh kép, màu thắm, cành đều, gốc thẳng.
- Thân đào có thể xù xì nhưng khoẻ, chắc. Cành vừa phải, dăm (nhánh nhỏ nhất của cành đào) nhỏ, nhiều hoa.
- Tên của các thế đào chủ yếu lấy theo chữ Nho như ngũ phúc, trực đổ, bạt phong. Đào đẹp là đào có dăm vút thẳng ra ngoài tán, nụ trải đều từ đầu tới cuối dăm. Những cành có dăm to thường ít hoặc thưa hoa. Tam đa, long giáng..., còn hình dáng của các thế đào gợi lên ý nghĩa về biểu tượng cha - con, gia đình, các con vật trong truyền thuyết như long, phụng.
- Khi chọn cần chú ý đào thế phải có: hoa, nụ, và lộc, bởi đó là biểu tượng cho sự đề huề, ấm no của gia đình.
- Còn khi chọn đào cây cũng gần giống với đào cành là nên mua các cây có dăm nhỏ và ngắn, các nhánh chính tạo nên dáng cây xuất phát từ một điểm trên thân, như vậy cây sẽ đẹp, cân đối.
5. Cách trồng
- Đặc tính của cây đào là chịu hạn hơn chịu nước.
- Đào trồng nơi đất trũng, nước nhiều rễ thối, cây dễ bị chết.
- Trồng trong bóng râm, ít ánh nắng, đất ẩm, lá sẽ xanh tốt quanh năm, đến mùa rất ít hoa. Vì vậy để năm nào đến mùa đào cũng có nhiều hoa ta phải trồng đào ở nơi cao ráo, quang đãng.
- Đào cần được trồng ở nơi có nhiều ánh nắng, với sự thông thoáng gió tốt.Hàng năm, sau mỗi mùa thu hoạch hoa, cần bón bổ sung thêm phân chuồng, NPK cho cây để cây phát nhiều tán cành sum xuê. Mùa hoa năm sau hoa to, sắc màu đẹp, năng suất cao hơn.
- Đào được nhân giống chủ yếu bằng phương pháp ghép mắt nhỏ có gỗ hay ghép nêm đoạn cành trên cây đào ăn quả.
- Ghép cây nên tiến hành vào tháng 7-9.
- Gốc ghép là cây mọc từ hạt, cũng có thể dùng cây mận, cây mai, cây đào là gốc ghép. Nên dùng phương pháp ghép chồi, chỗ ghép nên ở độ cao 60-80 cm, bộ hình chữ T để ghép. Khi chồi sống và mọc cao 12-18cm, phải hái ngọn, để mọc nhánh.
- Ghép cành chỉ dùng khi ghép chồi bị thất bại và tiến hành vào tháng 3.
- Cũng có thể nhân giống đào bằng cách gieo hạt.
- Tháng 6-7 hạt đào ăn quả các loại được thu gom, nhặt sạch, phơi khô trong bóng râm, bảo quản trong chum, vại, túi nilon đến tháng 11 đem gieo, trước khi gieo hạt được xứ lí ngâm nước trong 48 giờ, đãi sạch, ủ trong cát 30-40 ngày để nứt nanh.
- Gieo hạt đào trong vườn ươm với mật độ: Hạt cách hạt 3-4 cm. cấy theo chiều dọc của hạt như cấy hành, lấp một lớp đất mỏng l-2 cm lên trên, sao cho khi tưới nước vừa nhú đầu nhọn của hạt là được. Tưới đủ ấm cho hạt mọc mầm đều, khoảng 15-20 ngày cây mọc, từ một hạt đơn hoặc đa phôi có thể cho ta 1-4 cây đào con.
- Khi cây đào con ra lá non màu trắng như rau giá đậu xanh (nếu đẻ lá thật màu xanh mới nhổ cấy thì tỷ lệ chết rất cao) cần nhổ cấy ngay vào bầu ni-lon kích thước 5x10 cm, thủng hai đầu với giá thể là bùn ao ải 70%+30% là phân chuồng hoai mục. Chăm sóc cây con trong bầu khoảng 3-40 ngày, cây cao 15-20 cm, có 5 lá thật đem cấy trong bầu to có kích thước 15*30 cm, có đục 4 lỗ thoát nước ở đáy. Trồng ra ruộng nhân giống, với khoảng cách 30-40 cm/cây.
- Sau khi chăm sóc khoáng 5-6 tháng, cây con cao 70-80 cm, đường kính thân 1-2 cm là ghép mắt hay ghép nêm đoạn cành được.
- Thời vụ ghép đào tốt nhất vào tháng 10-11 có tỷ lệ sống cao. Khi cây ghép có cành ghép mọc cao 50-60 cm là đủ tiêu chuẩn trồng ra ruộng sản xuất.
6. Cách chăm sóc
- Cách tết khoảng 3-5 ngày nên mua đào để lúc đào nở hoa rộ sẽ vào đúng mấy ngày tết. Khi đã mua được cành đào như ý muốn, nên đốt gốc trước khi cho vào lọ và nhớ rằng nước phải sạch.
- Nên cho vào lọ vài viên thuốc vitamin B1, một chút kali đê có dinh dưỡng nuôi hoa.
- Để đào được bền, tươi lâu, với đào được trồng trong chậu, bạn nên tưới thường xuyên, giữ cây sạch, mát.
- Khi cho cây vào chậu, tuyệt đối không được tưới quá nhiều nước, bởi đào loại ưa ít nước, độ ẩm vừa phải, nếu không nó sẽ chết vì thối rễ.
7. Sự tích hoa đào
- Ngày xưa, ở phía đông núi Sóc Sơn miền Bắc, có một cây đào mọc đã lâu đời. Cành lá đào xum xuê, to lớn khác thường, bóng rậm che phủ cả một vùng rộng. Có hai vị thần tên là Trà và Uất Lũy trú ngụ ở trên cây Đào khổng lồ này, tỏa rộng uy quyền che chở cho dân chúng khắp vùng. Quỷ dữ hay ma quái nào mảng lui đến ắt khó mà tránh khỏi sự trừng phạt của hai vị thần linh.Ma quỷ khiếp sợ uy vũ sấm sét của hai vị thần, đến nỗi sợ luôn cả cây đào. Chỉ cần trông thấy cành đào là bỏ chạy xa bay.
- Đến ngày cuối năm, cũng như các thần khác, hai thần Trà và uất Lũy phải lên thiên đình chầu Ngọc Hoàng. Trong mấy ngày Tết, hai thần vắng mặt ở trần gian, ma quỷ hoành hành, tác oai tác quái.
- Để ma quỷ khỏi quấy phá, dân chúng đã đi bẻ cành đào về cắm trong lọ, nhỡ ai không bẻ được cành đào thì lấy giấy đỏ hồng điều vẽ hình hai vị thần linh dán ở cột trước nhà để xua đuổi ma quỷ.
- Từ đó, hàng năm, cứ mỗi dịp Tết đến, mọi nhà đều cố gắng đi bẻ cành đào về cắm trong nhà trừ ma quỷ. Lâu dần, người Việt quên mất ý nghĩa thần bí của tục lệ này, không còn tin mấy ở ma quỷ thần linh như tổ tiên ngày xưa. Ngày nay, hoa đào hoa mai tươi thắm khắp nhà nhà vào dịp Tết, và sắc giấy đỏ hồng điều với câu đối hòa hợp được trang trí mấy ngày xuân trong không khí vui vẻ, trong sáng.
8. Ý nghĩa
- Người miền Bắc ưa chuộng chơi đào vào ngày Tết có lẽ vì màu hồng mang lại sự may mắn và phúc lộc đầu năm. Các cụ ngày xưa thường bảo, cắm một cành đào trong nhà là cản được gió độc và đuổi được tà khí. Và sân nhà ai có trồng đào thì đó là sân nhà phú quý.
- Những nhà có điều kiện thường sắm cả một cây đào ghép ba tầng.
- Những nhà nghèo hơn cũng có mua một vài nhánh đào trưng trong nhà.
- Đón xuân mà không có hoa đào cũng tẻ nhạt như thiếu bánh chưng xanh, câu đối đỏ, tràng pháo hồng.
- Vì vậy, Tết đến, dù bận việc đến mấy thì người dân miền Bắc cũng phải mua cho gia đình mình một vài nhánh đào.
III. Kết bài:
Xuân về mang đến bao nhiêu điều kì diệu. Đúng là muôn hồng, nghìn tía, cái đẹp đi đến từng người, từng nhà và hoa đào là một món quà mà thiên nhiên ưu ái dành tặng cho con người.