06/02/2018, 00:26

Đại cáo bình Ngô (Bình Ngô đại cáo)

Hướng dẫn NGUYỄN TRÃI (1380 – 1442) I. Cuộc đời Hiệu là Úc Trai, quê gốc ở làng Chi Ngại (Chí Linh, Hải Dương), sau dời về Nhị Khê (Thường Tín, Hà Tây). Thân sinh là Nguyễn Ứng Long (Nguyễn Phi Khanh) đỗ thái học sinh (tiến sĩ) đời Trần. Mẹ là Trần Thị Thái con quan Tư đồ Trần ...

Hướng dẫn

NGUYỄN TRÃI

(1380 – 1442)

I. Cuộc đời

Hiệu là Úc Trai, quê gốc ở làng Chi Ngại (Chí Linh, Hải Dương), sau dời về Nhị Khê (Thường Tín, Hà Tây). Thân sinh là Nguyễn Ứng Long (Nguyễn Phi Khanh) đỗ thái học sinh (tiến sĩ) đời Trần. Mẹ là Trần Thị Thái con quan Tư đồ Trần Nguyên Đán.

Năm 1400, Nguyễn Trãi đỗ Thái học sinh và hai cha con cùng ra làm quan với nhà Hồ.

Năm 1407, giặc Minh sang cướp nước ta, Nguyễn Phi Khanh bị chúng đưa sang Trung Quốc. Khắc sâu lời cha dặn “nợ nước thù nhà”, Nguyễn Trãi tìm vào Lam Sơn tham gia khởi nghĩa. Ông đã góp phần to lớn vào chiến thắng vẻ vang của dân tộc.

Cuối năm 1427 đầu năm 1428, cuộc khởi nghĩa Lam Sơn toàn thắng, Nguyễn Trãi thừa lệnh Lê Lợi viết Đại cáo Bình Ngô. Ông hăm hở tham gia vào công cuộc xây dựng lại đất nước. Nhưng rồi những mâu thuẫn nội bộ trong triều đình phong kiến dẫn đến việc sát hại các công thần, bản thân Nguyễn Trãi bị nghi oan và bị bắt giam. Sau đó ông được tha nhưng không còn được tin dùng. Năm 1439, ông xin về ẩn cư ở Côn Sơn. Năm 1440, ông được vời ra giúp việc nước. Năm 1442, nhân cái chết đột ngột của vua Lê Thái Tông ở Trại Vải (Lệ Chi Viên), bọn gian thần trong triều vu cho ông âm mưu giết vua, khép vào tội tru di tam tộc.

Năm 1464, vua Lê Thánh Tông minh oan cho Nguyễn Trãi, cho sưu tầm lại thơ văn của ông và tìm con cháu còn sống sót để bổ làm quan.

Tóm lại:

– Nguyễn Trãi là một vị đại anh hùng dân tộc, là nhân vật toàn tài hiếm có trong đời, là danh nhân văn hóa hiếm có.

– Nhưng ông cũng là một con người có một nỗi oan khốc khủng khiếp, là nạn nhân của chính chế độ phong kiến mà ông đã dồn mọi tâm trí và tài năng để xây dựng nên.

II. Sự nghiệp thơ văn

1. Những tác phẩm chính

– Chữ Hán: Quân trung từ mệnh tập, Đại cáo bình Ngô, Ức Trai thi tập, Chí Linh sơn phú (Phú núi Chí Linh), Băng Hồ di sự lục (Ghi chép chuyện cũ về cụ Băng Hồ), Lam Sơn thực lục, Văn bia Vĩnh Lăng, Văn loại.

– Chữ Nôm: Quốc âm thi tập.

Ngoài sáng tác văn học, Nguyễn Trãi còn để lại Dư địa chí, một bộ sách địa lí cổ nhất Việt Nam.

2. Nguyễn Trãi – nhà văn chính luận kiệt xuất

Tư tưởng chủ đạo xuyên suốt các áng văn chính luận của Nguyễn Trãi là tư tưởng nhân nghĩa mà thực chất là tư tưởng yêu nước, thương dân.

Từ Quân trung từ mệnh tập, những bức thư gửi cho tướng giặc và những giấy tờ giao thiệp với triều đình nhà Minh…, Đại cáo bình Ngô đến chiếu, biểu viết dưới triều Lê đều được chi phối bởi tư tưởng này.

Văn chính luận của Nguyễn Trãi đã đạt đến trình độ nghệ thuật mẫu mực, cách kết cấu chặt chẽ, lập luận sắc bén.

3. Nguyễn Trãi – nhà thơ trữ tình, sâu sắc

Vẻ đẹp tâm hồn Nguyễn Trãi qua thơ văn với sự kết hợp hài hòa giữa người anh hùng vĩ đại và “con người trần thế nhất trần gian” trong hồn thơ ức Trai.

Nhà thơ quan niệm nhân nghĩa là gốc của mọi việc, là yêu nước thương dân, là vì dân: việc nhân nghĩa cốt ở yên dân. Đó là phẩm chất không thể thiếu được của người anh hùng: Có nhân có trí có anh hùng (Bảo kính cảnh giới – số 5). Phẩm chất ý chí của người anh hùng luôn luôn ngời sáng trong chiến đấu chống ngoại xâm cũng như trong đấu tranh chống cường quyền bạo lực vì chân lí với trọn lòng lo nước yêu dân lúc nào cũng thiết tha, mãnh liệt:

Bui một tấc lòng ưu ái cũ,

Đêm ngày cuồn cuộn nước triều đông.

(Thuật hứng – bài 2)

Đúng như nhận định của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng: “Triết lí nhân nghĩa của Nguyễn Trãi cuối cùng chẳng qua là lòng yêu nước thương dân: Cái nhân nghĩa lớn nhất là phấn đấu đến cùng chống ngoại xâm, diệt tàn bạo vì độc lập của nước, hạnh phúc của dân”.

Ngoài lí tưởng nhân nghĩa và lòng yêu nước, thơ văn Nguyễn Trãi còn thu hút người đọc ở những khía cạnh rất nhân bản đời thường của một tâm hồn “con người trần thế nhất trần gian”. Đau nỗi đau của con người, yêu tình yêu của con người, ông đau đớn trước sự thế bạc đen có tài cao muốn giúp đời nhưng gặp cảnh ngang trái của xã hội, có hoài bão, lí tưởng cao đẹp mà không được thực hiện:

“Phượng những tiếc cao diều hãy liệng

Hoa thường hay héo cỏ thường tươi”.

(Tự thuật – bài 9)

“Ưu ái chẳng quên niềm trước

Thị phi biếng nói sự nay”.

Bên cạnh những giá trị tư tưởng to lớn, thơ văn Nguyễn Trãi còn thể hiện một tâm hồn nhạy cảm, một tấm lòng yêu thiên nhiên thiết tha, dù đó là cảnh thiên nhiên mĩ lệ hoành tráng (kình ngạc băm vằm non mấy khúc. Giáo gươm chìm gãy bãi bao tầng – Cửa biển Bạch Đằng – bản dịch) hay bình dị đơn sơ dân dã (Quê cũ nhà ta thiếu của nào. Rau trong nội cá trong ao – Nhà ta). Tình cha con sâu nặng (Quân thân chưa báo lòng canh cánh, tình phụ cơm trời áo cha – Ngôn chí – bài 7) tình bè bạn chân tình (lòng bạn trăng vằng vặc cao) tình gia đình quê hương thắm thiết…

Đúng như sách Ngữ văn 10 nhận định: “khía cạnh “con người” trong người anh hùng Nguyễn Trãi chính là vẻ đẹp nhân bản đã góp phần nâng người anh hùng dân tộc lên tầm nhân loại."

Mai Thu


Từ khóa tìm kiếm:

  • soạn văn bình ngô đại cáo trang 17
0