03/06/2018, 16:47

Đặc điểm sinh sản bò cái

Tuổi động dục lần đầu Thường tuổi động dục lần đầu ở bò vào lúc 12 – 24 tháng tuổi – trung bình khoảng 15 tháng. Tuổi phối giống lần đầu Bò cái Việt Nam tuổi phối giống lần đầu thường 15 – 30 tháng (bình quân 20 tháng), với khối lượng cơ thể trên 180 kg. Bò lai hướng sữa phối giống lần đầu ...

Tuổi động dục lần đầu

Thường tuổi động dục lần đầu ở bò vào lúc 12 – 24 tháng tuổi – trung bình khoảng 15 tháng.

Tuổi phối giống lần đầu

Bò cái Việt Nam tuổi phối giống lần đầu thường 15 – 30 tháng (bình quân 20 tháng), với khối lượng cơ thể trên 180 kg. Bò lai hướng sữa phối giống lần đầu khi 15 – 20 tháng.

Chu kỳ động dục

Chu kỳ động dục của bò dao động từ 18 đến 24 ngày (bình quân 21 ngày). Đây là một đặc điểm rất quan trọng mà người phối giống cần hiểu biết để phối giống đạt hiệu quả cao.

Thời kỳ mang thai

Là thời gian tính từ ngày thụ thai đến ngày bò đẻ con. Ở bò thời kỳ mang thai nằm trong khoảng 279 – 282 ngày, bình quân là 280 ngày (9 tháng 10 ngày).

Thời gian động dục lại sau khi đẻ

Là thời gian tính từ ngày đẻ đến ngày động dục lần đầu sau đẻ. ở bò cái Việt nam thường là 30 – 180 ngày, phổ biến là 90 – 120 ngày. Nói chung lần động dục lại sau khi đẻ 45 ngày trở đi là có thể phối giống được.

Khoảng cách 2 lứa đẻ

Là thời gian tính từ lần đẻ này đến lần đẻ tiếp theo. Bò Việt Nam nói chung khoảng cách 2 lứa đẻ từ 11 – 18 tháng, phổ biến là 12 – 14 tháng. Khoảng cách này phụ thuộc nhiều vào ngày phối giống có chửa sau đẻ, về giống, sản lượng sữa. Nếu ngày phối có chửa càng sớm thì khoảng cách 2 lứa đẻ càng ngắn.

Trạng thái sinh sản bò cái

Việc xác định được trạng thái sinh sản của bò để phân loại bò cái có chửa hay không có chửa, hay bò cái khó chửa đẻ. Nó có ý nghĩa quan trọng cho việc lập kế hoạch phát hiện động dục để phối giống, kế hoạch chăm sóc nuôi dưỡng phù hợp với nhu cầu bò cái, đặc biệt kế hoạch điều trị bệnh sinh sản ở bò.

Bò cái tơ trong kế hoạch phối giống: Là những con cái hậu bị, chưa đẻ lần nào, thường có độ tuổi 2 – 3 năm tuổi, với khối lượng 180kg trở lên và đủ điều kiện để phối giống. Những bò cái này phải được đưa vào kế hoạch phối giống và thường xuyên theo dõi phát hiện động dục như bò cái sinh sản khác.

Bò có chửa: là những bò đã được phối giống qua 2 hoặc 3 chu kỳ mà không động dục trở lại, sau 2 – 3 tháng khám thai có chửa. Những bò cái này cần chú ý nuôi dưỡng cho thai phát triển tốt, tránh sẩy thai và xác định ngày đẻ dự kiến.

Bò cái nghỉ đẻ: là những con bò cái mới đẻ tính từ ngày đẻ đến 45 ngày sau. Đây là bò cái đang chờ hồi phục các cơ quan sinh dục trở lại bình thường. Vì vậy nếu bò có động dục cũng không nên phối giống. Yêu cầu cho ăn uống đầy đủ, kiểm tra có bị sát nhau hay viêm nhiễm đường sinh dục không ? Theo dõi phát hiện động dục từ ngày thứ 45 sau khi đẻ trở đi, nếu bò động dục có thể phối giống, lần phối này được gọi là lần phối 1.

Đọc thêm  Nuôi gà dò từ 4 - 9 tuần tuổi

Bò cái trong kế hoạch phối giống: là những bò cái từ 45 ngày đến 100 ngày sau khi đẻ. Chúng cần được chú ý phát hiện động dục (nên tách đàn riêng hoặc đánh dấu để dễ phát hiện động dục), trong những con cái này có thể có con đã được phối lần 1 hoặc lần 2.

Bò cái đã phối: là những bò cái đã được phát hiện động dục và được phối giống. Nếu đã qua 1 chu kỳ mà không động dục trở lại, bò cái đó có khả năng có chửa ở tháng thứ nhất. Nếu qua 2 chu kỳ mà không động dục trở lại bò cái đó có khả năng có chửa ở tháng thứ hai. Nếu qua 3 chu kỳ mà bò không động dục trở lại thì khả năng có chửa càng cao. Sau hơn 2 tháng kể từ khi phối giống mà không động dục trở lại thì phải khám thai để xác định bò cái có chửa hay không.

Bò cái có “vấn đề”: là những bò đã phối giống nhiều lần không chửa (> 3 lần), có chu kỳ động dục thất thường, hoặc bị viêm tử cung âm đạo, hoặc khó chửa đẻ. Những bò cái này cần có sự thăm khám, xác định nguyên nhân và hướng điều trị của cán bộ thú y.

Chủ bò và người phối giống phải có sổ sách theo dõi từng bò cái, nắm chắc từng con bò của mình đang ở trạng thái sinh sản nào để có phương án xử lý. Việc không nắm được tình trạng sinh sản của bò là nguyên nhân chính đưa đến đàn cái chửa đẻ thấp, khoảng cách giữa 2 lứa đẻ dài, tốn kém công của người chăn nuôi, dẫn đến hiệu quả kinh tế thấp hoặc thua lỗ.

0